Ngoại giao đa phương một cách khôn ngoan và năng động có thể hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng này. Tuy nhiên, để thực sự thoát khỏi nó thì phải vươn lên thành một nước cường thịnh.

Trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề biển đảo hiện nay, chúng ta cần vô cùng khôn khéo.

Thế giới ngày nay được duy trì bằng một hệ thống luật pháp thành văn (một cách tương đối) và được các nước cam kết tuân thủ. Cách thức điều hành cũ giờ được thay bằng cách thức kiểm soát kiểu mới: lệ thuộc, không cần cầm giữ đất đai mà bằng cách bao vây cô lập.

Những hành động mới đây của Trung Quốc không nằm ngoài phương thức đó. Trong thế giới toàn cầu hóa, nơi mà phần lớn mậu dịch toàn cầu lưu thông bằng đường biển, nước đi này của Trung Quốc là một mũi tên nhắm nhiều mục đích quan trọng. Để đối phó với những tính toán đó, Việt Nam đang ở trong thế vừa dễ vừa khó.

Nước nhỏ xưa nay nếu không biết cách vượt lên thì rất dễ bị “xô đẩy” trên bàn cờ chính trị. Đó là thực tế chúng ta cần hiểu để có đối sách thích hợp. Chỉ khi nào tỉnh táo và hiểu biết hết các tính toán địa chính trị của các nước, Việt Nam mới có thể đặt ra chính sách có tính thực tế và linh hoạt.

Điều nên nhớ là khi thế giới đã không còn Chiến tranh lạnh, chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đối ngoại của Việt Nam là việc làm vô cùng đúng đắn và kịp thời. Và đó cũng chính là việc mà Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục tận dụng và phát huy hơn nữa trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc hiện nay.

{keywords}

Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại biển Đông. Ảnh: Hoàng Sang

Dù là một nước nhỏ trong cuộc đấu với Trung Quốc, Việt Nam đang ở thế có lợi nếu ta quốc tế hóa vấn đề.

Thứ nhất, Trung Quốc với hành động của mình đang gây hấn với không chỉ Việt Nam mà một loạt các nước khác như Nhật Bản, Philippines, chưa kể Ấn Độ và Hàn Quốc, tức là tự cô lập mình.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đã tuyên bố ủng hộ tuyệt đối cuộc đấu tranh của Philippines và Việt Nam, và nếu cần sẽ sẵn sàng cung cấp tàu cho Việt Nam như ông đã làm với Philippines. Không nước nào (đặc biệt là nước giàu, như Nhật) lại muốn chiến tranh xảy ra, và bởi vậy, chính họ cũng muốn tập hợp lực lượng quốc tế để đấu tranh dựa vào luật pháp quốc tế.

Thứ hai là Trung Quốc đang vi phạm luật biển và nếu bị kiện thì sự vi phạm sẽ càng bị phơi bày trên thế giới. Đúng là khi đặt giàn khoan ở vị trí như trên, Trung Quốc đã tính toán rất kĩ bởi họ không dùng "đường lưỡi bò" để làm cơ sở mà dùng hai phương thức sau: 1/ cho rằng giàn khoan đang thuộc vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Hoàng Sa - quần đảo họ đang chiếm giữ trên thực tế nhờ dùng vũ lực đánh chiếm. Theo Luật biển, không đảo nào ở Hoàng Sa có EEZ 200 hải lý mà chỉ được 12 hải lý; 2/ cho rằng giàn khoan thuộc vùng EEZ của đảo Hải Nam. Đúng là Hải Nam có EEZ 200 hải lý và chồng lấn với EEZ của Việt Nam, nhưng nếu trọng tài quốc tế xử xác định một đường trung tuyến thì sẽ thấy giàn khoan này nằm sâu hẳn vào EEZ của Việt Nam, và như vậy Trung Quốc sẽ phải lùi ra (chưa kể là bao giờ EEZ của đất liền cũng được ưu tiên hơn EEZ của đảo).

Như vậy, rõ ràng ta nên kiện Trung Quốc. Việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế (cụ thể là Tòa án Trọng tài Luật biển) cũng tạo cơ sở cho các nước khác tham dự vào vấn đề tranh chấp này. Gần đây tất cả chúng ta chăm chú vào bài tuyên bố của tổng thống Mỹ Obama tại Học viện Võ bị Quốc gia Mỹ West Point. Mặc dù bày tỏ "mối quan tâm" tới tình hình biển Đông, trước sau Obama vẫn nói sẽ ủng hộ các nước giải quyết vấn đề này dựa vào "luật quốc tế." Đây là một gợi ý rõ ràng.

Nếu như ta cứ chỉ nói việc tranh chấp này là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam thì sẽ rất khó để chính phủ các nước lớn như Mỹ, Tây Âu (Pháp chẳng hạn), hoặc Úc thuyết phục người dân nước họ rằng đây là việc đáng để quan tâm. Hơn nữa, nếu ta có thể chứng minh với thế giới một cách đường hoàng (bằng cách thưa kiện) hành động vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc, thì việc đó sẽ mở đường cho các nước lớn ủng hộ ta. Vì đây không phải là vấn đề "phe phái", không phải họ giúp một nước chống lại nước khác, mà là việc góp phần duy trì hòa bình và an ninh thế giới, có can hệ trực tiếp tới lợi ích các nước đó.

Trên bàn cờ thế giới, các nước nhỏ cần hết sức khéo léo, thận trọng trong hành xử vì rất dễ bị lợi dụng. Ngoại giao đa phương một cách khôn ngoan và năng động có thể hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng này. Nhưng, để thực sự thoát khỏi nó chỉ có một cách là nước ta phải vươn lên thành một nước cường thịnh.

Nhỏ về địa lí không có nghĩa là nhỏ về nội lực và tư cách. Bài học vươn lên của nước Nhật (tương đồng ta cả về dân số và diện tích) là gợi ý cho chúng ta, bởi chính họ cũng nhận thấy, lệ thuộc không bao giờ là thượng sách.

“Tôi cho rằng không phải quan khách quốc tế công kích Trung Quốc, mà điều họ lo ngại chính là những tiền lệ hôm nay xảy ra với Việt Nam thì ngày mai có thể sẽ xảy ra với nước khác, hôm nay xảy ra trên biển thì ngày mai sẽ xảy ra trên bộ và ngày kia sẽ xảy ra trên không.

Và như vậy vấn đề chủ quyền của Việt Nam tự nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam nữa. Bảo vệ lẽ phải của Việt Nam, vì vậy cũng là bảo vệ chân lý chung, lợi ích chung của thời đại.

Trong thế giới văn minh không thể có chuyện một quốc gia ngang nhiên giẫm đạp lên chân lý, luật pháp quốc tế và đơn phương dùng vũ lực để ép buộc quốc gia khác” (Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trả lời trên báo Tuổi trẻ ngày 4/6).

Minh Nguyệt (từ Mỹ)

Bài cùng tác giả:

Điều tối cần thiết trong cuộc đấu tranh với TQ

Yêu nước là điều rất đáng trân trọng; điều quan trọng hơn là chúng ta hãy cùng nhau rèn luyện để trở người yêu nước văn minh và thông thái.

Phải khiến người TQ không tin chính phủ họ

Việt Nam nên nhớ rằng việc nước ta có được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ nhờ khả năng thuyết phục của ta, mà còn từ chính bản thân người dân các nước đó nhận thức được vấn đề.

Hòa giải: Câu chuyện có thể có hồi kết

Chúng ta cần thừa nhận những uẩn khúc rất đời, để mỗi người Việt dù ở phía nào đều thấy chân dung mình trong đó.