Tính đến nay, tài liệu cổ được coi là mô tả chi tiết và cụ thể nhất về Hoàng Sa là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu mạch bài Tư liệu chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, nhằm hệ thống một số cơ sở chứng cứ lịch sử, phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Bài đầu tiên trong loạt này đưa ra một số vấn đề mang tính khơi gợi và khái quát.

Những ghi chép sớm nhất

Sách sử ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa của người Việt là sớm nhất thế giới, đến đầu thế kỷ 17 gần như đều nhất quán ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa và xuyên suốt cho đến nay. (Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn vấn đề này trong những kỳ sau).

Địa danh Hoàng Sa, chữ nôm là "Bãi cát vàng" được người phương Tây xác nhận là Paracels vào thế kỷ thứ 19. Các bản ghi chép của các nhà nghiên cứu, nhà truyền giáo, nhà buôn phương Tây đều mô tả về Paracels là một vùng dài các đảo, đá, bãi san hô dọc theo bờ biển miền Trung kéo dài đến tận ngoài khơi Bình Thuận.

{keywords}

An Nam đại quốc họa đồ

Tuy nhiên, cho đến thế kỷ thứ 18 và suốt một thời gian dài tiếp theo, các nhà địa lý Việt Nam cũng như các nhà hàng hải phương Tây chưa phân biệt làm 2 quần đảo rõ ràng như hiện nay. Nhiều tác giả vẫn cho là một, chạy dài dọc theo ngoài biển miền Trung của Việt Nam.

Đối với người Việt cũng tương tự, Hoàng Sa hay Bãi cát vàng (có tài liệu còn gọi là Đại Trường Sa hay Vạn lý Trường Sa) là để chỉ những bãi cát dài từ bắc xuống nam biển Đông. Tới đầu thế kỷ 20, cách gọi như trên vẫn được sử dụng. Trong Dụ số 10 năm 1933 (Văn bản của nhà Vua) thời Bảo Đại và Sắc lệnh số 143 năm 1965 của tổng thống Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ vẫn sử dụng Hoàng Sa (Paracels) chỉ chung 2 quần đảo.

TS sử học Nguyễn Nhã cùng các đồng nghiệp châu Âu nghiên cứu về lịch sử phương Đông đã phát hiện một chi tiết rất thú vị: Người Trung Hoa thời cổ, trung đại không hề quan tâm đến biển. Với họ lãnh thổ được gọi là "Giang sơn", chiết tự ra là "sông núi", hiểu theo ngôn ngữ hiện đại là lục địa. Còn người Việt, lãnh thổ có ý nghĩa rộng hơn, bao gồm cả biển nên gọi là "Đất nước". Trong tư duy của người Việt, "Đất nước" là Tổ quốc, bao gồm cả lục địa và biển đảo.
Tuy nhiên, người Pháp phân biệt sớm nhất 2 quần đảo này bằng 2 tên gọi khác nhau. Những ghi chép của người Pháp cho thấy Hoàng Sa lúc ấy là Paracels phía Bắc, Spratley ở phía Nam.

Đến những năm 1970, cách gọi phân biệt 2 quần đảo này được sử dụng thống nhất và phổ biến.

Nói chung, dù tên gọi có khác nhau song trong các tài liệu từ rất sớm như "Đại Nam thống nhất toàn đồ" và "Bắc kỳ hội đồ" đều vẽ Hoàng Sa và Trường Sa trong một dãy liên tục từ Bắc xuống Nam...

Hoàng Sa - Trường Sa trong chính sử

Tính đến nay, tài liệu cổ được coi là mô tả chi tiết và cụ thể nhất về Hoàng Sa là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn.

Năm 1775, chúa Trịnh ở đàng ngoài cử Lê Quý Đôn vào Phú Xuân để chuẩn bị kế hoạch bình định hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam mới chiếm được từ tay chúa Nguyễn 1 năm trước đó. Năm 1776, ông được phong chức Hiệp trấn và viết sách "Phủ biên tạp lục". Sách gồm 6 quyển, trong đó quyển 2 ghi chép khá nhiều và rõ về việc chúa Nguyễn xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa.

{keywords}

Bản đồ năm 1749 các nhà hàng hải phương Tây ấn hành và sử dụng

Trang 78 b và 79 a có đoạn như sau: "...Ở ngoài cửa biển lớn thuộc về địa phận xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn phủ Quảng Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi) có một hòn núi mang tên Cù Lao Ré. Chiều rộng núi này có thể hơn 30 dặm. Ngày trước có dân cư phường Tứ Chính trồng các thứ cây đậu tại ruộng nương nơi đó. Người ta ra biển rồi chèo thuyền đi bốn trống canh nữa có thể đến Cù Lao Ré.

Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa. Nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi nên nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận hải vật. Người ta phải mất 3 ngày đêm mới đến được đảo Đại Trường Sa. Như thế là đảo Đại Trường Sa đã gần đến xứ Bắc Hải...".

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã mô tả về Hoàng Sa như sau: "...ngoài biển phía đông bắc có nhiều cù lao, các ngọn núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển. Từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 20 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào. Các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục không như ngọc trai..."

Đây là vùng biển có nhiều bão trong năm nên nhiều thương thuyền ghé qua trú tránh. Ghi nhận của nhà bác học Lê Quý Đôn trong "Phủ biên tạp lục" rất rõ: "Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này (đảo Hoàng Sa - TG). Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, sung, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cũng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân thì nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về....

Tôi xem sổ đội của cai đội cũ là Thuyên đức hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5100 cân thiếc; năm Ất dậu được 126 hốt bạc..."

Về cách quản lý của nhà Nguyễn, Lê Quý Đôn tìm hiểu, nghiên cứu và ghi chép khá cẩn thận: "Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc hải, không định bao nhiêu suất.  Người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiều sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiên quản...".

{keywords}

Bản vẽ Bãi cát vàng, tức Hoàng Sa trong thư tịch cổ

Đặc biệt xung quanh vùng biển Hoàng Sa lúc bấy giờ có tàu thuyền của người Trung Quốc bị bão tấp vào. Ngược lại, cũng có tàu thuyền của người Việt bị gió bão đánh dạt qua tận vùng biển đảo Hải Nam của Trung Quốc. Chính quyền hai bên cư xử với ngư dân gặp nạn của nhau hết sức văn minh. Trong "Phủ biên tạp lục" ghi nhận một đoạn như sau: "Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu, đảo Hải Nam. Người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc (tức Trung Quốc - TG), hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu gởi cho Thuận Hóa nói rằng: Năm Kiền Long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa (cũng là tên gọi Hoàng Sa lúc bấy giờ - TG) tìm kiếm các thứ. Có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng (trên đảo Hải Nam). Quan ở đây xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (chúa Nguyễn) sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu làm thư trả lời" (tức cảm ơn) ...

(Còn nữa)

Duy Chiến

* Bài viết có sử dụng tư liệu nghiên cứu của tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, người sáng lập và cố vấn Quỹ Văn Hóa Giáo dục tại TP.HCM.