Nhân chứng chính là nhân tố làm nên sự khác biệt chung cuộc trong vụ kiện tại cơ quan tài phán quốc tế.

Trong thông điệp tại “Diễn đàn An ninh Châu Á” vào thứ sáu tuần rồi tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế  (The rule of laws), trong bối cảnh Trung Quốc đang “leo thang” các hành vi gây hấn tại khu vực Biển Đông.

Ba nguyên tắc mà Thủ tướng Abe khuyến cáo các quốc gia nên tuân thủ: (1) các quốc gia giải quyết vụ việc trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, (2) không quốc gia nào được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, (3) các quốc gia phải nỗ lực giải quyết các xung đột trong hòa bình.

Ông Shinzo Abe cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản đang cố gắng chủ động trong việc duy trì sự hòa bình và thịnh vượng chung cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dựa trên nền tảng tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Thông điệp này có lẽ là bài học “vỡ lòng” nhằm gửi đến một nước lớn nhưng hành xử “nhược tiểu” như Trung Quốc, khi chính phủ nước này vẫn đơn phương phong tỏa Biển Đông và lạm dụng “tay chân” để áp đặt giải quyết tranh chấp với các quốc gia ven biển liên quan.

Nhật Bản, Philippines cũng như Việt Nam và một số nước ASEAN đang phải đối đầu với Trung Quốc trong những tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh hải. Trong bối cảnh đạt được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế như hiện nay, việc Việt Nam khởi động một vụ kiện trong khuôn khổ thuộc thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế về luật biển xem ra rất thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh phương diện ngoại giao, kinh tế - chính trị, rất nhiều yếu tố thuộc kỹ thuật mà Việt Nam cần phải cân nhắc khi chọn lựa thời điểm đệ trình và thúc đẩy vụ kiện.

Trong một phiên tòa trọng tài quốc tế giải quyết các xung đột về thương mại nói chung, tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia nói riêng, khâu chuẩn bị lực lượng nhân chứng (gồm nhân chứng sự kiện – witnesses of facts và nhân chứng chuyên gia - expert witnesses) là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại chung cuộc của vụ việc.

Nhân chứng và cơ chế thẩm vấn chéo (cross-examination)

Không tương đồng với “tập quán tố tụng” của Việt Nam, nơi vai trò nhân chứng (người làm chứng) trong vụ tranh chấp dân sự, thương mại ít được khai thác, đôi khi chỉ giữ vai trò tố tụng hình thức thứ yếu, ngược lại trong một phiên tài phán của tòa án, trọng tài quốc tế, nhân chứng lại đóng vai trò trọng yếu.  Những người này được mệnh danh là “tai nghe và mắt thấy của công lý”.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều kiện chính để một chủ thể có thể trở thành người làm chứng là từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự. Người làm chứng ở đây là người phải biết rõ về sự kiện mà mình được yêu cầu làm chứng và chịu trách nhiệm về tính xác thực lời chứng của bản thân. Điều này đồng nghĩa nếu làm chứng gian dối, sai sự thật có thể bị áp dụng chế tài và bị buộc bồi thường nếu gây thiệt hại.  Nhân chứng chuyên gia là người phải đạt yêu cầu về kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực cần giám định khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu ý kiến chuyên môn. Những nhân chứng này có quyền tiếp cận thông tin, chứng cứ tài liệu thuộc vụ việc, và phát hành kết luận, báo cáo độc lập về vấn đề mình được yêu cầu giám định.

{keywords}
Ảnh: Kiên Trung

Chế định xác lập chứng cứ, nhân chứng trong tài phán thương mại quốc tế hiện nay chủ yếu dựa trên Quy tắc về Chứng cứ  của Trọng tài Quốc tế do Liên đoàn Luật sư Quốc tế (IBA) ban hành năm 1999 (“IBA Rules”) sửa đổi tháng 5-2010. IBA Rules đã đưa ra cơ chế tổng thể về thu thập, đệ trình, đánh giá chứng cứ cũng như cơ chế  hoạt động của  nhân chứng.

Chuyên biệt hơn, quy tắc Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) sẽ áp dụng cho tranh chấp trọng tài giữa hai quốc gia như vụ kiện của Philippines và Trung Quốc, trên cơ sở áp dụng luật nội dung quy định tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (“UNCLOS”).

Điểm chung ở đây, các nhân chứng sự kiện được yêu cầu chứng thực phải tuyên thệ chỉ được phép nói toàn bộ sự thật. Nhân chứng sẽ được thẩm vấn chéo (cross - examination) bởi luật sư từ hai phía cũng như tòa án hoặc hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài UNCLOS bao gồm các chuyên gia về luật biển, tố tụng công pháp quốc tế hàng đầu, do vậy chỉ cần một sự chểnh mảng, nhân chứng  có thể bị dẫn dắt, bác bỏ bởi nhân chứng đối lập hoặc bởi luật sư đối phương hoặc HĐTT. Thực tế, trong tranh tụng đôi khi một nhân chứng chuyên gia rất am tường nội dung tranh chấp cũng có thể  bị biến thành người “ngây ngô” ít đáng tin cậy sau khi đối mặt hàng loạt kỹ thuật thẩm vấn chéo được áp dụng.

Phẩm chất của nhân chứng

Trong vụ kiện thương mại khác của  tổ chức Tòa án Trọng tài Quốc tế - Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), một nhân chứng sự kiện quan trọng của đương đơn Việt Nam đã bị  hội đồng trọng tài ICC (“HĐTT”) bãi bỏ tư cách ngay khi không “vượt qua” được hai câu hỏi chào đầu. Bản khai của nhân chứng này được đệ trình bằng tiếng Anh, theo đó nhân chứng đã nộp một bản khai tiếng Anh hoàn hảo. HĐTT chấp nhận cho nhân chứng được trình bày bằng tiếng Việt thông qua phiên dịch trực tiếp.

Trong phiên thẩm vấn chéo, luật sư đối phương mở  đầu bằng câu hỏi đơn giản: “Sir, can you speak English?” (Ông nói được tiếng Anh không?). Nhanh nhẹn, nhân chứng này đáp “Sorry, I can’t speak English” (Xin lỗi, tôi không nói được tiếng Anh) thay vì phải chừng mực đợi phiên dịch đúng quy trình và có câu trả lời bằng tiếng Việt như là “Xin lỗi, tôi không nói được tiếng Anh” hoặc  “Tôi nói được tiếng Anh nhưng rất hạn chế”. Luật sư đối phương tiếp “tiếng Anh ở bản khai này viết rất tốt, ông tự làm hay nhờ ai làm?”  Đáp trả bởi nhân chứng: “tôi nhờ luật sư bên tôi làm giúp” (chỉ vào luật sư) thay vì câu trả lời thích hợp và đúng sự thật là “tôi tự làm bằng tiếng Việt và luật sư tôi giúp dịch ra tiếng Anh”. Kết quả là nguyên đơn thành công khi đề nghị HĐTT bác bỏ tư cách của nhân chứng quan trọng này vì có biểu hiện  “thiếu trung thực” và “không độc lập”.

Trong vụ kiện khác cũng tại ICC, một bên đương đơn thành công khi chứng minh cho HĐTT là  nhân chứng sự kiện của đối phương không đáng tin cậy cho rằng các nhân chứng này không được “cách ly” một cách thích hợp khi nhân chứng đã được thẩm vấn có biểu hiện “thông cung” với nhân chứng chưa được thẩm vấn chéo. Các nhân chứng quan trọng do sự đề cử của một bên luôn là trọng tâm cho đối phương tìm cách loại bỏ dưới sự dẫn dắt của luật sư có kinh nghiệm, hơn là các đương đơn kỳ vọng giành lợi thế xuất phát từ các luận cứ chuẩn bị sẵn. Thực tế, sẽ không có cuộc đối đầu trực tiếp thực sự quan trọng giữa luật sư hai bên trong phiên tranh tụng quốc tế ngoại trừ phiên thẩm vấn chéo các nhân chứng do luật sư đảm trách.

Nguồn nhân chứng của Việt Nam

Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần tập hợp và phát triển nhân chứng sự kiện và chuyên gia từ nguồn nào. Do đặc thù một quốc gia có đường bờ biển dài, Việt Nam có khá nhiều chuyên gia nghiên cứu về chủ quyền Biển Đảo. So với các quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam thuận lợi hơn cho việc chuẩn bị các bằng chứng lịch sử và pháp lý xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa ít nhất từ thế kỷ 17. Năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có tuyên bố rõ trước quốc dân đồng bào rằng từ năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, nước này dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo này lúc đó còn trong sự quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa.  Chính quyền Sài Gòn lúc đó và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam cũng ra tuyên bố phản đối, lên án hành vi chiếm đóng này, và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp.  Các chuyên gia ngoại giao, chính trị, các nhà nghiên cứu, sử học trong nước và quốc tế hiện là nguồn nhân chứng góp phần cho công cuộc pháp lý hóa tuyên bố trên thành một đúc kết sự thật lịch sử, trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

Tuy nhiên, tận dụng được những chuyên gia này để đảm trách được vai trò làm nhân chứng sự kiện hoặc chuyên gia trong khuôn khổ vụ kiện quốc tế đều cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đôi khi đệ trình một bằng chứng chưa đủ độ tin cậy, một phát biểu hoặc hành vi thiếu cẩn trọng trong quá khứ, một thông tin không đồng nhất của nhân chứng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến mức độ “xác tín” (credibility) của nhân chứng này, và vì vậy ảnh hưởng đến vị thế pháp lý của đương đơn.  Luật sư quốc tế hoặc HĐTT thuộc các chế định tòa án, trọng tài quốc tế lớn như PCA, ICC, ICJ, ITLOS... sẽ không bỏ qua cơ hội phản bác những nhân chứng như vậy.  Hậu quả có thể biến một chuyên gia hàng đầu về lịch sử, địa lý, một nhân chứng là cựu chiến binh”sống” từ các trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 thành “nhân chứng ít tin cậy”  như chưa bao giờ được nhìn thấy thực địa lãnh thổ.

Chẳng hạn đối với chứng cứ lịch sử về việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa như viện dẫn trên, Trung Quốc dường như phạm một điều cơ bản mà cơ quan tài phán có thể  xem xét là việc chiếm hữu có hợp pháp hay bất hợp pháp (Effective Occupation).  Điều này được hiểu: một là quốc gia ven biển phải thể hiện ý chí  chiếm hữu, hai là thực hiện chiếm hữu trên thực tế (thời gian chiếm hữu, thực hiện quyền lực nhà nước, xây dựng công trình…)  và quan trọng là việc chiếm hữu đó không bị phản đối bởi các quốc gia khác (acquiescence by silence).

Do vậy, Trung Quốc không dễ đơn phương tuyên bố xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và dưới sự phản đối quyết liệt của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.  Có nhiều chuyên gia Việt Nam và Quốc tế đủ để bác bỏ luận điểm này.

Tuy nhiên liên quan đến sự kiện thực tế, chẳng hạn, ai là bên chiếm hữu thực thể quần đảo Hoàng Sa  trước và  từ 1956 đến 1974, quân đội hoặc người dân nào chiếm các bãi đá trong đó có Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, công hàm lên án và phản đối lên Liên Hiệp Quốc của chính quyền Sài Gòn thực tế thực hiện như thế nào sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào năm 1974, một cách lý giải nhất quán về xuất xứ, ý chí Công thư 1958  v.v.. thì có lẽ không có nhân chứng sống nào tốt hơn là các nhà sử học, chính trị ngoại giao, các chuyên gia công pháp của thời kỳ này.

Đặc biệt là các cựu chiến binh hiện hữu, những người chứng kiến toàn bộ diễn biến tình tiết lịch sử xung quanh cuộc xung đột này.  Tuy vậy, nếu lướt qua các diễn đàn tranh luận rộng rãi thì ngay cả đối với một câu hỏi trên thì các nhân chứng sự kiện và các chuyên gia cũng có nhiều cách diễn đạt, lý giải khác biệt nhau. Đây có thể là rủi ro pháp lý vì trong một phiên tài phán quốc tế một sự kiện bị diễn dịch không nhất quán, chủ quan trong bản chứng của nhân chứng có thể gây bất lợi cho chung cuộc. Về mặt kỹ thuật, các bên đương đơn sẽ “đấu trí” để khai thác hoặc bác bỏ sự kiện từ nhân chứng sống này theo hướng có lợi cho mình.

Do vậy, tận dụng được các nhân chứng chuyên gia trong nước và quốc tế có nhiều nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ là điều quý giá đối với Việt Nam lúc này, đặc biệt những chuyên gia là cuốn “từ điển sống” về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, những cựu chiến binh đã tham  chiến để bảo vệ tổ quốc. Điều cần bổ sung  cho lực lượng nhân chứng là một hệ thống kỹ năng cách tập hợp và trình bày xác thực chuỗi sự kiện lịch sử một cách có hệ thống khoa học cho một chủ đích pháp lý rõ ràng. Cho dù đôi khi sự chuẩn bị kỳ công của đội ngũ nhân chứng chỉ để hiện diện trước HĐTT quốc tế trong phiên  thẩm vấn phúc trình cho những câu hỏi hàm tưởng là giản đơn nhưng hàm chứa nhiều rủi ro pháp lý  “đúng hay sai” hoặc “có hay không” và nếu dài hơn là “tại sao”.  Đôi khi chỉ vậy nhưng cũng có thể thay đổi cục diện của vụ kiện ở quy mô quốc tế.

Quy trình tố tụng nào cho nhân chứng theo UNCLOS

Trong Quy trình Tố tụng (Rules of Procedure) cho vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc, tại Điều 23 và 24, vào ngày 27-8-2013 HĐTT cho phép các bên tiến hành thẩm vấn (examination) và thẩm vấn chéo (cross - examination) bất cứ nhân chứng hoặc chuyên gia nào đã có bản khai chứng thực bằng văn bản (written testimony). Nhân chứng này có thể do một bên yêu cầu nhân chứng, chuyên gia của mình cho phiên thẩm vấn. Thủ tục mời nhân chứng cần xác lập chậm nhất 30 ngày trước phiên xử. Các nhân chứng chuyên gia chỉ được tham gia thẩm vấn, đối chất sau khi có đệ trình bản chứng bằng văn bản. Các bản khai đệ trình của nhân chứng trở thành bằng chứng chính yếu của vụ kiện. Các câu hỏi thử thách trực tiếp do hai bên hoặc HĐTT thực hiện. HĐTT có thể tự chỉ định thêm nhân chứng độc lập.

Nhân chứng sự kiện hoặc chuyên gia giàu chuyên môn, nhiều thông tin nhưng ít kinh nghiệm tố tụng là cơ hội tốt cho đối phương khai thác. Các phẩm chất của nhân chứng dễ bị thử thách trong phiên tranh tụng là ngoài khả năng, kiến thức, chuyên môn nhận thức đối với vấn đề mình chứng thực. Ngoài ra thành tố quan trọng của nhân chứng là năng lực, sự khách quan và độc lập của nhân chứng (qualification, impartiality and independence). Hạn chế một trong các yếu tố này, nhân chứng có thể bị HĐTT bãi bỏ tư cách, và bản chứng có thể bất lợi cho chính bên đề cử. Quyền và nghĩa vụ của nhân chứng cũng được quy định tại Điều 6, Phụ lục VII của Công ước 1982.

Theo đó, quốc gia tranh chấp phải cung cấp đủ thông tin liên quan tài liệu thích hợp khi nhân chứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ của họ. Trong giới hạn quyền và nghĩa vụ của mình, các bên phải thực hiện được quy định tại điều khoản tham chiếu (TOR), các bên phải tạo điều kiện tối đa cho nhân chứng có thể quan sát thực địa tranh chấp thực tế có liên quan vụ kiện.

Nhân chứng: Nói thật, nói đúng chưa phải là đủ

Các báo cáo kỹ thuật (technical reports) hoặc các bản chứng sự kiện (Statements of facts), các lời chứng trực diện (Testimony) đều bị “soi” kỹ cả về hình thức lẫn nội dung. Do vậy, các nhân chứng ít kỹ năng hoặc không được chuẩn bị tối thiểu về kỹ năng cơ bản tố tụng quốc tế cho một giải quyết tranh chấp về lãnh thổ nhiều khi lợi bất cập hại.  Nguy hại hơn, nhân thân, quan điểm thể hiện qua các phát biểu của nhân chứng trong quá  khứ ở diễn đàn này hay diễn đàn khác về cùng một vấn đề mà nếu có bất nhất, bất lợi thì cũng có thể là điểm yếu để đối phương khai thác, tận diệt.

Do đặc thù về vai trò, tính chất nghề nghiệp, luật sư có thể có nhiều cách diễn đạt, lý giải khác nhau cho một sự kiện lịch sử, pháp lý trong khuôn khổ luật pháp, tố tụng cho phép, trong khi nhân chứng thì chỉ được phép nói sự thật và toàn bộ sự thật. Tuy vậy, trong một phiên tài phán quốc tế như vụ kiện tranh chấp lãnh hải chưa có tiền lệ đối với Việt Nam, các nhân chứng, chuyên gia chỉ nói sự thật hay nói đúng đôi khi chưa đủ, mà cần một phương pháp diễn đạt sự thật, có bản lĩnh và kỹ năng chứng minh sự thật, có chuẩn mực  và uy lực đủ mạnh để lời chứng của mình được xác tín thì mới có thể kì vọng đồng nhất chân lý với công lý khi đối đấu với Trung Quốc một nước lớn ưa chuộng bá quyền và nhiều bao biện.

Một nhân chứng thành công là nhân chứng tự bảo vệ được mức độ xác tín của chính mình xuyên suốt phiên tài phán. Ngược lại khi uy tín của nhân chứng bị thử thách thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế pháp lý của đương đơn. Chuẩn bị nhân chứng sẽ là cả một quá trình Việt Nam cần thực hiện cho một vụ kiện trong khuôn khổ công pháp quốc tế về luật biển.

LS Châu Huy Quang/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt