Việt Nam vẫn có thể thấy đáng để cố gắng viện nhờ sự trợ giúp của Tòa án Công lý Quốc tế, không chỉ để trả lời dư luận trong nước mà còn để chứng minh cho thế giới thấy mong muốn chân thành của mình về một quyết định phân xử hòa bình và công bằng.
Xin giới thiệu tiếp phần cuối trong bài phân tích của GS Jerome A. Cohen.
Đối với Việt Nam, vì nhiều lý do sẽ khó khăn cho Việt Nam hơn so với Philippines, Nhật Bản và Mỹ trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của tòa án quốc tế liên quan đến các tuyên bố chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các tuyên bố chính thức gần đây cho thấy, theo quan điểm gây tranh cãi đang tiếp diễn, đáng kinh ngạc về giàn khoan khoan dầu ngoài khơi Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc áp dụng lựa chọn này.
Chẳng hạn như, một báo cáo gần đây của hãng tin Reuters, trích dẫn lời một người Việt Nam yêu nước như nói: "Chúng tôi đã ký vào một lá thư yêu cầu chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế."
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sau đó đã xuất hiện trên các dòng tít báo chí thế giới về vấn đề này. Vào ngày 22/5, trong một văn bản trả lời hãng tin AP nhân chuyến công du Philippines: "Giống như tất cả các nước, Việt Nam đang cân nhắc các lựa chọn phòng thủ khác nhau, bao gồm cả hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế".
Ông Dũng không nói những hành động pháp lý đang được xem xét là gì, nhưng tại cuộc họp báo cùng ngày của ông với Tổng thống Philippines Aquino, ông tuyên bố: "Tổng thống và tôi chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về tình hình cực kỳ nguy hiểm hiện nay do nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc gây ra".
Giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Nld |
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario công khai kêu gọi Việt Nam "đưa ra đánh giá liệu việc viện nhờ đến biện pháp pháp lý có thúc đẩy lợi ích quốc gia hay không", và nhiều tuyên bố gần đây hơn ám chỉ, Việt Nam hoặc có thể tìm cách tham gia vụ kiện của Philippines hoặc xúc tiện vụ kiện nhờ trọng tài UNCLOS phân xử của riêng mình.
Thực tế, Việt Nam đang phải cân nhắc ít nhất 2 hành động pháp lý quốc tế khác nhau. Giống như Nhật Bản, Việt Nam có thể chọn một trong hai hoặc cả hai, phụ thuộc vào các vấn đề mình muốn theo đuổi. Chẳng hạn như, nếu Việt Nam muốn sử dụng việc phân xử để tăng cường thách thức sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, trừ phi các bên nhất trí một cơ quan không thiên vị khác, các tuyên bố của Việt Nam sẽ phải đệ trình lên Tòa án Công lý quốc tế. Chủ quyền lãnh thổ, như chúng ta thấy, nhìn chung không được coi là một vấn đề thuộc thẩm quyền của UNCLOS.
Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng ý với một nỗ lực phân xử tại Tòa án Công lý quốc tế, vì không giống như tình huống của UNCLOS, Trung Quốc đã không ký hiệp ước cam kết chấp nhận quyền tài phán của Tòa án Công lý quốc tế trong bất kỳ tranh chấp nào. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể thấy đáng để cố gắng viện nhờ sự trợ giúp của Tòa án Công lý Quốc tế, không chỉ để trả lời dư luận trong nước mà còn để chứng minh cho thế giới thấy mong muốn chân thành của mình về một quyết định phân xử hòa bình và công bằng.
Nói rộng hơn, Trung Quốc cho tới nay cũng từ chối việc phân xử bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào như một vấn đề nguyên tắc, dù nước này có phải là đối tượng chiếm đóng vùng lãnh thổ tranh chấp hay không. Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm cách thuyết phục các nước khác rằng, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) của ASEAN năm 2002 nên được hiểu là đã loại trừ cả việc phân xử và phán quyết của trọng tài quốc tế khỏi các cách thức khả thi, trong đó những quốc gia ảnh hưởng có thể tham gia dàn xếp các tranh chấp một cách hoà bình.
Chẳng hạn như, Trung Quốc dường như tin rằng DOC là một thỏa thuận có tính ràng buộc, thay vì một tuyên bố ý định không ràng buộc, lập luận rằng Philippines đã vi phạm DOC bằng cách khiếu kiện trọng tài UNCLOS chống lại họ. Các quốc gia phải né tránh áp đặt cách diễn giải cực đoan như vậy đối với ngôn ngữ được thừa nhận ít sáng rõ hơn của DOC. Điều đó là biểu hiện của một sự chệch hướng nghiêm trọng khỏi các điều khoản đã được chấp nhận của Hiến chương Liên Hợp Quốc liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và trong thực tế sẽ chối bỏ quyền viện nhờ đến một tòa trọng tài công bằng của các chuyên gia như một vũ khí bảo vệ quan trọng của các quốc gia.
Điều này làm dấy nên quyết định thứ hai Việt Nam đang phải đối mặt - liệu có xúc tiến vụ khiếu kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài UNCLOS như Philippines đã khởi xướng và Trung Quốc bác bỏ hay không. Điều này sẽ cho phép Việt Nam cung cấp sự ủng hộ pháp lý chính thức đối với hành động của Philippines nhằm chống lại "đường 9 đoạn" cũng như nêu bật các vấn đề UNCLOS khác có liên quan đên mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và các bên tranh chấp khác.
Mặc dù Trung Quốc chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối tương tự như những gì họ đã làm với vụ kiện của của Philippines tại tòa UNCLOS, một sáng kiến như vậy của Việt Nam nên được xúc tiến ít nhất tới giai đoạn xét xử pháp lý như trường hợp của Philippines, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Một sự phân xử của tòa trọng tài UNCLOS như vậy có thể sẽ không mang tới cho Việt Nam một giải pháp đối với tranh chấp nguy hiểm hiện nay với Trung Quốc về giàn khoan dầu 981. Điều đó sẽ chỉ xảy ra trong trường hợp, các trọng tài ra phán quyết rằng, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là "các khối đá" theo quy định tại Điều 121.3 của UNCLOS và do đó không gắn liền với một vùng đặc quyền kinh tế.
Tuy nhiên, bằng cách gắn kết về mặt pháp lý sự phản đối chính thức của mình đối với "đường 9 đoạn", Việt Nam có thể nâng cao triển vọng rằng, tuyên bố mở rộng của Trung Quốc sẽ bị tòa trọng tài trong vụ phân xử của Philippines cũng như trong vụ phân xử của chính Việt Nam tuyên bố vô hiệu lực.
Hơn thế nữa, phụ thuộc vào các tranh chấp hàng hải khác được lựa chọn để khiếu kiện lên tòa án UNCLOS, Việt Nam có thể giành được những cách giải thích khác, có thể chứng minh hữu ích cho một giải pháp thông qua đàm phán đối với những tuyên bố phức tạp về Biển Đông.
Tôi hy vọng rằng, các nhận xét trên đây đã giải thích nền tàng cho đề xuất của tôi rằng, các quốc gia đấu tranh trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông nên tận dụng mọi cơ hội có thể để giành lấy sự trợ giúp của Tòa án Công lý Quốc tế và hệ thống UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp của họ với Trung Quốc.
Nếu họ làm như vậy sẽ khuyến khích Trung Quốc cũng như các quốc gia khác phải thận trọng hơn trong việc đưa ra các tuyên bố và hành động, cũng như đưa ra suy xét nhiều hơn đến lợi ích của các phán quyết vô tư của bên thứ ba. Các phán quyết như vậy có thể loại bỏ một số vấn đề pháp lý gai góc đang gây trở ngại con đường dẫn tới đàm phán hòa bình.
Chẳng hạn như, nếu UNCLOS được coi là đã loại bỏ bất kỳ tuyên bố lịch sử nào về "đường 9 đoạn", điều đó sẽ loại bỏ một trở ngại quan trọng đối với việc phân định, và việc diễn giải cũng như áp dụng Điều 121.3 của UNCLOS liên quan đến các đặc điểm cụ thể trên biển cũng sẽ giúp làm rõ và tập trung vào đàm phán. Hơn thế nữa, việc viện nhờ đến các thủ tục pháp lý chính thức cũng có thể thúc đẩy tiến triển trong các cuộc thảo luận cho tới nay đã bị bế tắc.
Cuối cùng, một lời nhận xét về sự bác bỏ của Trung Quốc đối với việc phân xử của trọng tài quốc tế và việc nước này khăng khăng đàm phán song phương như phương tiện hợp pháp duy nhất để giải quyết. Tất nhiên, Trung Quốc không thực sự chấp nhận đàm phán song phương hoặc bất cứ dạng giải quyết hòa bình nào liên quan đến những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ của nước này đối với các đặc điểm trên biển mà nước này chiếm đóng.
Hơn nữa, bằng cách bác bỏ phán quyết của cơ quan không thiên vị đối với mọi tranh chấp và khăng khăng đòi đàm phán song phương là cách giải quyết tranh chấp mà nước này công nhận, Trung Quốc, nước hùng mạnh hơn nhiều so với bất kỳ nước láng giềng Đông Nam Á đơn lẻ nào, đang tìm cách tối đa hóa các lợi thế tương đối họ được hưởng từ sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự, đồng thời giảm đến mức tối thiểu sự liên quan của pháp luật quốc tế.
Kết quả là, lập trường pháp lý chống tòa trọng tài của Trung Quốc đang thúc đẩy các nước láng giềng tăng cường hợp tác phòng thủ với nhau, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn từ những quốc gia lớn bên ngoài khu vực. Thực trạng này trái với các mục tiêu chính sách đối ngoại công khai của Trung Quốc và đang tạo ra những căng thẳng ngày càng nguy hiểm trong khu vực. Bắc Kinh nên tái xem xét sự chống đối của họ đối với các phán quyết của tòa án không thiên vị và học cách hưởng lợi từ sự sẵn có của chúng.
Để chắc chắn, rốt cuộc, việc giải quyết hòa bình sẽ phụ thuộc vào chính sách ngoại giao, nhưng ngoại giao không nên bỏ qua sự trợ giúp mà thể chế pháp lý quốc tế có thể mang lại. Dù không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, nếu viện dẫn đúng cách, chúng có thể đóng một vai trò rất hữu ích.
Tác giả: GS Jerome A. Cohen là Giám đốc Viện Luật Mỹ - châu Á thuộc Trường Luật, Đại học New York (Mỹ) và ủy viên hỗ trợ cấp cao về châu Á tại tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại.
Quỳnh Anh (Theo The Diplomat)