Mỗi người có một phông văn hóa, không có văn hóa nào cao hơn văn hóa nào, không có con người nào/dân tộc nào cao hơn con người nào/dân tộc nào, đó chỉ là sự khác biệt văn hóa và chúng ta phải ý thức đặc biệt về vấn đề này khi làm việc nhóm để tôn vinh và học hỏi.

Tôi tình cờ quen TS. Joen Parton, Trưởng nhóm Dự Án Truyền thông Giáo dục Việt - Mỹ, trong một dự án truyền thông về giáo dục. Khi ấy chúng tôi thường làm việc qua internet và phải thức gần như hết đêm vì trái múi giờ giữa Việt Nam và Mỹ. Chúng tôi chỉ có 10 ngày trao đổi và thống nhất kế hoạch hoạt động và tiến hành truyền thông trên khắp tất cả các website trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và phải cam kết đạt con số view trên các website ít nhất 10 ngàn lượt. Đối với tôi đó là một thách thức và tôi bắt đầu công việc của mình với một sự tự ti không hề nhỏ.

Nghệ thuật truyền tải thông điệp?

Áp lực công việc khiến tôi rơi tự do và dường như không tự chủ được kế hoạch làm việc của mình. Công việc của tôi trong dự án chủ yếu là lên kế hoạch và phải bảo vệ được kế hoạch của mình trước Joene.

Trong những email đầu tôi gần như dùng ngôn ngữ để diễn giải ý kiến của mình và thế là những email dài lê thê do khả năng diễn đạt bằng tiếng Anh còn hạn chế. Tôi lo, Joene sẽ chẳng hiểu gì, hoặc là sẽ vất vả khi phải đoán ý của tôi, trong khi chúng tôi chỉ có thời gian được tính bằng tiếng mỗi tối để làm việc đó.

Hình như Joene cảm nhận được những lo lắng ấy của tôi thì phải, bởi vì sau đó anh bảo tôi hãy dùng facetime và Mindmap (bản đồ tư duy) để hỗ trợ công việc. Từ đây mỗi tối việc trao đổi với Joene đơn giản và hấp dẫn hơn rất nhiều, tôi nhận thấy Joene rất hay nói lời xin lỗi và sau đó là cảm ơn tôi rất nhiệt tình. Sau mỗi tối trước khi kết thúc thời gian làm việc, bao giờ Joene cũng nhắc tôi nghỉ ngơi và hãy cố gắng vào ngày mai.

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Business Insider

Chúng tôi đã vẽ lên rất nhiều ý tưởng qua việc sử dụng Mindmap, việc sử dụng này cũng khiến cho việc diễn giải ý tưởng của tôi trở lên gọn nhẹ hơn rất nhiều. Joene cũng làm tương tự như tôi và trình chiếu cho nhau qua facetime để tìm kiếm sự đồng thuận.

Hai ngày trôi qua với hàng núi công việc được chúng tôi giải quyết với một sự tập trung tuyệt đối, chúng tôi say sưa với những ý tưởng và tôi nhận ra một điều tuyệt vời là Joene luôn tìm cách đánh thức mọi suy nghĩ mà tôi có bằng cách khuyến khích tôi luôn vẽ ra những điều mà tôi muốn nói và kết nối ý tưởng chỉ bằng duy nhất một từ khóa (keyword).

Tôi chưa bao giờ nghe thấy Joene nói you are wrong (bạn sai rồi) mà toàn thấy Joene động viên với những khen ngợi cụ thể như Great (thật tuyệt), perpect idea (ý tưởng hoàn hảo), good job (bạn làm việc rất tốt), nếu Joene muốn tôi theo ý tưởng mà Joene làm, câu tôi nghe được bao giờ cũng là I am sorry, you should do... (xin lỗi, bạn nên làm là...).

Cầu thị và thấu hiểu văn hóa

Joene là một nhà nghiên cứu rất có kinh nghiệm về văn hóa các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, anh luôn tỏ ra rất nghiêm túc khi lắng nghe tôi nói về những thói quen của người Việt, những lúc đó anh cũng sử dụng Mindmap để ghi lại. Tôi hỏi sao anh phải ghi lại những chi tiết nhỏ như thế, và anh trả lời, những điều tôi nói là những điều tuyệt vời nhất mà anh từng nghe từ cộng sự. Là cơ sở quan trọng giúp cho những kế hoạch truyền thông xác định được đối tượng để đi thẳng đến đúng đối tượng. Lúc đó tôi cũng không hiểu rõ lắm ý của Joene, cho đến ngày chúng tôi phải triển khai kế hoạch truyền thông cụ thể, và tôi có nhiệm vụ tổng hợp những bài viết trên các website để gửi qua cho Joene.

Sau khi email được gửi đi, Joene đã gửi lại cho tôi danh sách các bài viết mà anh đã đánh dấu, trong đó là bài viết của các phóng viên Việt Nam tham gia viết bài, những bài viết anh đánh dấu quả thực đã đạt được con số truy cập view đúng như chúng tôi mong đợi.

Lắng nghe và chia sẻ

Tôi tỏ vẻ thắc mắc là làm sao anh có thể biết được bài viết nào của phóng viên Việt Nam chỉ bằng email tôi gửi, mà lại còn bằng tiếng Việt, anh bảo đó là do tôi đấy, do tôi đã nói cho anh biết trước tất cả những thói quen trong suy nghĩ của người Việt về vấn đề này, anh đã viết ra tất cả những từ khóa (keyword) và dùng kỹ năng đọc văn bản để take note những điều đó, và nó đã trùng với những bài báo đã được nhiều người đọc nhất.

Joene lại bảo tôi, nếu có thời gian Trân nên đọc tài liệu này. Vâng, thưa bạn, Joene lại dùng từ "Nên/Should" với tôi, chứ không dùng từ "phải" theo thói quen thường dùng của những trưởng nhóm người Việt. Điều tôi trân trọng và cảm ơn Joene nhiều nhất là Joene khiến cho tôi cảm thấy có rất nhiều năng lượng khi làm việc với anh, bởi anh lúc nào cũng đặt công sức của người khác lên trên hết những kết quả làm việc của chính mình, tôi nghĩ đó hẳn là một nghệ thuật. Một nghệ thuật làm việc của một chuyên gia chuyên nghiệp.

Joene bảo, mỗi người có một phông văn hóa, không có văn hóa nào cao hơn văn hóa nào, không có con người nào/dân tộc nào cao hơn con người nào/dân tộc nào, đó chỉ là sự khác biệt văn hóa và chúng ta phải ý thức đặc biệt về vấn đề này khi làm việc nhóm để tôn vinh và học hỏi ở họ. Như thế làm việc nhóm mới hiệu quả. Một người không thể làm hết mọi việc, trưởng nhóm nên học để biết kết nối sức mạnh của tập thể, khuyến khích, động viên và hỗ trợ họ kịp thời cộng sự để cùng nhau đạt được mục đích cuối là sự thành công của sự kiện.

Joene khiến cho tôi vừa thần tượng và tôn trọng giống như một người thầy vậy. Đã không ít lần tôi nói với Joene như vậy, nhưng Joene đều mỉm cười và bảo: chính tôi mới là người để anh học hỏi, tôi là người Việt Nam đầu tiên anh cộng sự thông qua dự án truyền thông về giáo dục. Qua đây, anh hiểu hơn về văn hóa đầu tư cho giáo dục của các bà mẹ trẻ người Việt Nam cho con, cũng như học hỏi được nhiều hơn về xu hướng học tập ở một nước xã hội chủ nghĩa.

Joene bảo giáo dục Việt Nam đã khác xưa nhiều lắm rồi, tôi thấy nhiều bà mẹ Việt Nam đã chủ động tìm kiếm những phương pháp giáo dục ở các nước tiên tiến. Đó là sự thay đổi tích cực Trân ạ! Tôi nghĩ chúng ta đã cùng làm một việc tốt là mở ra thêm một cửa lựa chọn cho các bà mẹ Việt Nam, hy vọng các bé sẽ thích môi trường giáo dục tích cực mà chúng ta tạo ra trong thực tế chứ không chỉ dừng lại trên các bài báo.

Tôi lại được tôn vinh, theo một cách rất tự nhiên... Tôi nghĩ thế.

"Nhìn người lại nghĩ đến ta"

Cổ nhân đã dạy: "lời nói không mất tiền mua/lựa lời  mà nói cho vừa lòng nhau" và rằng "người nói thì phải có người nghe". Đó là một thông điệp tuyệt vời về nghệ thuật phê bình hay làm việc nhóm.

Làm việc nhóm ngày nay, là một khái niệm phổ biến sử dụng theo kiểu rất "Hàn lâm" trong giới khoa học. Tuy nhiên, điều đáng nói, khi cụm từ này được sử dụng thì những kiến thức sơ khai, nền tảng mà các cụ ta dạy hình như không được chú trọng nhất là đối với những người đảm trách vai trò quan trọng là trưởng nhóm. Đó là tâm thế lắng nghe, nghệ thuật phê bình và kĩ năng chia sẻ.

Đây là lý do giải thích nguyên nhân vì sao kết thúc một sự kiện, vấn đề nổi cộm sau đó chính là còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thái độ ứng xử của trưởng nhóm hoặc các thành viên trong ban tổ chức sự kiện.

Vì vậy, kỹ năng làm việc nhóm, nhất là đối với vị trí trưởng nhóm là cực kỳ quan trọng, Joene đã dạy tôi bài học quan trọng trong nguyên tắc ứng xử là luôn tôn vinh người khác, dù họ làm việc ở vị trí nào đi chăng nữa. Bởi, thành công chung là điều mà bất cứ sự kiện nào cũng hướng tới, khi chúng ta tôn vinh, tức là chúng ta khơi nguồn sức mạnh của mỗi cá nhân để làm nên sức mạnh tập thể. Khi chúng ta cần ai đó thay đổi, thì tôn vinh cũng là một biện pháp tuyệt vời để họ vươn lên trong một tâm thế tích cực.

Vì thế tôn vinh hay khen ngợi, là bài học không được phép quên khi làm việc nhóm. "Ta" đã rút ra từ kinh nghiệm làm việc của ... "Tây" như thế đấy.

Thời Trân