-Giải thích lại Hiến pháp để hợp pháp hóa quyền tự vệ tập thể có thể khuyến khích Nhật Bản và Mỹ làm sâu sắc thêm các kế hoạch hợp tác và kết hợp trong các tình huống bất ngờ vượt ra khỏi khả năng tự vệ của Nhật Bản.

Mới đây, tại hội nghị ShangriLa, Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe đã công bố học thuyết Abe có thể được coi là “lời tuyên bố đối với những hành động chính trị, ngoại giao cường quyền”. Tuần Việt Nam xin trích đăng tài liệu phân tích những chính sách của Nhật Bản dưới thời của Thủ tướng Abe để độc giả tham khảo. Tài liệu được trích đăng từ website nghiencuuquocte.net.

Giải thích lại Hiến pháp

Để thắt chặt liên minh với Mỹ, ông Abe mong đợi có thể giải thích lại Hiến pháp nhờ đó Nhật Bản có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể cũng như tự vệ cá nhân. Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận quyền tự vệ tập thể cho tất các các quốc gia, và quyền này đã được đề cập tới trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Nhưng kể từ năm 1954, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rằng điều 9 trong Hiến pháp cấm thực thi quyền tự vệ tập thể, và căn cứ vào cách giải nghĩa này, Nhật Bản vẫn luôn duy trì một “chính sách hoàn toàn mang định hướng phòng thủ” và kiềm chế sở hữu “lực lượng quân sự nhiều hơn mức cần thiết để tự vệ vì điều này có thể đặt ra một mối đe dọa cho các quốc gia khác”.[1]

Ba điều kiện phải được thỏa mãn trước khi sử dụng lực lượng vũ trang: “(1) khi có những hành vi gây hấn tức thời và bất hợp pháp chống lại Nhật Bản”; (2) khi không có biện pháp phù hợp để giải quyết những hành vi gây hấn như trên ngoại trừ dựa vào quyền tự vệ; và (3) khi việc sử dụng lực lượng vũ trang được giới hạn ở mức tối thiểu cần thiết”.[2]

Tuy nhiên, học thuyết mang tính hiến định này không ngăn được Nhật Bản mở rộng tầm nhìn an ninh của mình nhằm phản ứng lại với sự phát triển của tình hình quốc tế, ví dụ như việc thiết lập hòa bình tại Campuchia năm 1991 hay vụ khủng bố tấn công nước Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Bằng cách nới lỏng quyền tự vệ cá nhân và làm rõ giới hạn trong việc sử dụng lực lượng vũ trang, Nhật Bản đã cố gắng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các hoạt động tiếp nhiên liệu cho tàu hải quân Mỹ và các quốc gia khác trên Ấn Độ Dương, đồng thời triển khai lực lượng trên bộ để giúp đỡ Iraq tái thiết lại đất nước sau chiến tranh.

{keywords}
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore (Nguồn: Kyodo/ TTXVN)

Vậy tại sao hiện nay Nhật Bản lại cần phải thay đổi một học thuyết tương đối mềm dẻo vốn đã được họ áp dụng trong gần 6 thập kỷ qua? Vào tháng 4 năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản đã lập ra một ủy ban cấp cao đứng đầu bởi cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, ông Shunji Yanai, để xem xét bốn vai trò an ninh khả dĩ của Nhật Bản. Đầu tiên là bảo vệ những tàu hải quân của Mỹ khỏi bị tấn công trong khi tham gia hoạt động chung với các tàu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản ở vùng nước quốc tế; thứ hai là ngăn chặn một tên lửa đạn đạo nhắm vào Mỹ; thứ ba là bảo vệ nhân viên của các nước tham gia vào các hoạt động hòa bình quốc tế chung với Nhật Bản; và thứ tư, cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động hòa bình quốc tế vốn có thể trở thành một phần nguyên nhân của việc sử dụng vũ lực của các quốc gia khác.

Quyền tự vệ tập thể

Một năm sau khi ông Abe từ chức Thủ tướng, Ủy ban Yanai đã kết luận rằng để thực hiện hai vai trò đầu tiên, Nhật Bản nên giải thích lại Hiến pháp cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể. Ủy ban lập luận rằng vai trò thứ ba và thứ tư sẽ dễ dàng được thực thi nếu Nhật Bản có thể tiến hành quyền tự vệ tập thể, đồng thời tham gia vào “các nỗ lực an ninh tập thể” của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Yanai cũng ủng hộ việc từ bỏ học thuyết cấm hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động có thể có liên hệ trực tiếp tới việc sử dụng vũ lực (buryokukoshi no ittaika), ngoại trừ việc đáp trả những hành động tấn công chống lại Nhật Bản.[3] Học thuyết này được đặt ra một cách rõ ràng trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng và chiến tranh ở vịnh Ba Tư năm 1990-1991, nhằm thiết lập các điều kiện biến các hoạt động hỗ trợ hậu cần của Nhật Bản trở nên hợp hiến.

Thủ tướng Yasuo Fukuda, người đã tiếp nối chiếc ghế Thủ tướng của ông Abe vào năm 2007, từ chối đi theo các đề xuất của Hội đồng Yanai. Những sứ giả hòa bình của LDP cũng như những chính trị gia của đảng đối lập đã chỉ trích Hội đồng về việc xúc tiến sửa đổi Hiến pháp bằng cửa sau mà không tiến hành tranh luận công khai. Thậm chí một vài nhân vật trong cộng đồng chính sách quốc phòng của Nhật Bản đã nghi ngờ những phân tích trong báo cáo của Hội đồng Yanai.

Lấy ví dụ, họ cho rằng những con tàu của JMSDF có thể phản ứng dựa vào quyền tự vệ cá nhân nếu một tàu hải quân của Mỹ gần đó bị tấn công, bởi vì thật khó có thể tượng tưởng rằng những con tàu của Mỹ khi hứng chịu các cuộc tấn công sẽ không đe dọa tới những con tàu của Nhật. Liên quan tới vấn đề ngăn chặn tên lửa đạn đạo, những chỉ trích chỉ ra rằng Nhật Bản không có khả năng bắn hạ một đầu đạn tên lửa hướng tới Mỹ, và rằng dưới tình huống như vậy, nhiệm vụ chủ yếu của Nhật là nên bảo vệ những căn cứ của Mỹ ở Nhật cũng như lãnh thổ quốc gia của Nhật Bản. Một chiến dịch như vậy có thể được tiến hành dựa trên quyền tự vệ cá nhân.[4]

Trái ngược với những mối nghi ngại ở trên về sự cần thiết phải giải thích lại Hiến pháp, Thủ tướng Abe đã khôi phục lại Hội đồng Yanai ngay sau khi ông tái đắc cử. Sau cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7 năm 2013, phó chủ tịch của hội đồng, giáo sư Shinichi Kitaoka, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn báo chí rằng Hội đồng, đã hoạt động trở lại vào tháng 2 năm 2013, sẽ không chỉ đi vào bốn trọng điểm đã được đề cập trong bản báo cáo vào tháng 6 năm 2008 mà sẽ quan tâm đến cả những thách thức an ninh khác, như an ninh mạng và bảo vệ các tuyến đường biển.

Với sức mạnh quân sự đang nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc và sự xâm phạm của các tàu Trung Quốc vào vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku, ông Kitaoka đã nhấn mạnh tính cấp thiết phải hợp tác với Mỹ.[5] Để dọn đường cho quá trình giải thích lại Hiến pháp, vào tháng 8 năm 2013 ông Abe đã bổ nhiệm nhà cựu ngoại giao Ichirō Komatsu, người ủng hộ các thay đổi Hiến pháp, làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Nội các.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đang đối mặt với những chống đối mạnh mẽ liên quan tới hành động giải thích lại Hiến pháp. Căn cứ vào khảo sát của nhật báo Asahi Shimbun, 59% người được hỏi phản đối việc thay đổi giải thích Hiến pháp cho phép thực thi quyền tự vệ tập thể, trong khi chỉ có 27% đồng thuận.[6] Đảng Kōmeitō, đối tác liên minh của LDP đã thể hiện mối e ngại của họ về việc giải thích lại Hiến pháp; và cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ông Toshimi Kitazawa công khai phản đối sự thay đổi của cách giải nghĩa hiện tại mà không quy định nội dung và giới hạn của tự vệ tập thể.[7] Để vượt qua được sự phản đối này, Thủ tướng Abe có lẽ sẽ phải làm rõ các ràng buộc trong việc sử dụng vũ lực khi Nhật Bản thực thi quyền tự vệ tập thể.

Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chính sách quốc phòng của Nhật Bản và quan hệ an ninh Mỹ - Nhật trong những giai đoạn cụ thể? Liên quan tới sự phòng thủ của Nhật Bản chống lại sự xâm phạm của Trung Quốc hay những đe dọa từ Triều Tiên, Nhật Bản hoàn toàn có thể hợp tác với Mỹ dưới sự giải thích hiện tại của Hiến pháp vốn kiềm chế Nhật Bản trong việc thực thi quyền tự vệ cá nhân.

Tuy vậy, cho phép thực thi quyền tự vệ tập thể, trên lý thuyết có thể cho phép Nhật Bản hoàn toàn có thể kết hợp với quân đội Mỹ trong việc sử dụng vũ lực – thậm chí trong những tình huống và khu vực địa lý không trực tiếp đe dọa đến đất nước và người dân Nhật Bản, miễn là chúng thể hiện một mối đe dọa rõ ràng tới nước Mỹ (giống như Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9). Tuy nhiên, dường như chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ không giống như Anh và Pháp khi tham gia vào “liên minh tự nguyện” (“coalitions of the willing”) do Mỹ dẫn đầu và sát cánh chiến đấu trong các hoạt động quân sự ở Trung Đông hay ở bất cứ đâu.

Có lẽ điều quan trọng nhất của việc giải thích lại Hiến pháp sẽ là thay đổi tâm lý căn bản của liên minh Mỹ - Nhật. Giải thích lại Hiến pháp để hợp pháp hóa quyền tự vệ tập thể có thể khuyến khích Nhật Bản và Mỹ làm sâu sắc thêm các kế hoạch hợp tác và kết hợp trong các tình huống bất ngờ vượt ra khỏi khả năng tự vệ của Nhật Bản. Giải thích lại Hiến pháp sẽ cho phép nới lỏng lệnh cấm hỗ trợ hậu cần vốn trực tiếp ảnh hưởng tới việc sử dụng vũ lực trong những hoàn cảnh cụ thể mà việc tấn công Nhật Bản là hầu như không thể xảy ra. Ví dụ, Nhật Bản có thể có khả năng cung cấp, bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, các hỗ trợ hậu cần như đạn dược và nhiên liệu cho lực lượng Mỹ, liên quan trực tiếp đến việc sử dụng vũ lực để bảo vệ những lợi ích an ninh của một quốc gia có quan hệ gần gũi với Nhật Bản.

Nhật Bản cũng có khả năng tham gia vào các chiến dịch rà phá thủy lôi tại những vùng biển có khả năng là một phần của một cuộc chiến hoặc tham gia ngăn cấm tàu bè trong những tình huống quân sự mang tính chất bất ngờ có liên quan đến Mỹ. Những tranh cãi trong chính sách phòng vệ của Nhật Bản do đó sẽ chuyển sự tập trung từ những nghi vấn liên quan đến Hiến pháp sang những tranh luận cụ thể về những mục tiêu và phương thức mang tính chiến lược. Như bản thân ông Abe đã viết, “việc thực thi quyền tự vệ tập thể không có nghĩa là Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào Mỹ, mà hơn thế nữa là trở nên bình đẳng với Mỹ”.[8]

Nguồn: Mike M. Mochizuki & Samuel Parkinson Porter (2013). “Japan under Abe: Toward Moderation or Nationalism?”, The Washington Quarterly, Vol. 36, No. 4, pp. 25–41.

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Kì 2: Từ giải thích lại đến sửa đổi Hiến pháp

----

Chú thích:

[1] Bo¯’ei handobukku 2011 [Defense Handbook 2011] (Tokyo: Asagumo Shinbunsha, 2011), 659-61.

[2] Ministry of Defense, Defense of Japan 2012 (Tokyo: Ministry of Defense), 109.

[3] Report of the Advisory Panel on Reconstruction of the Legal Basis for Security, translation,  June 24, 2008, www.kantei.go.jp/jp/singi/anzenhosyou/report.pdf?.

[4] Yanagisawa Kyoji, et. al., Kaiken to kokubo: konmeisuru anzen hosho no yukue   [Constitutional Revision and National Defense: Confusing Direction in Security] (Tokyo: Junpo¯sha, 2013), 17-42.

[5] “Ko-betsu ji-ei ken dake fujubun” [Individual Self-Defense Right Inadequate], Yomiuri  Shimbun, August 3, 2013, 4.

[6] “Shudan-teki ji’ei ken no kenpo kaishaku: ‘henko’ hanktai 59%” [Constititional Interpretation regarding the Right of Collective Self-Defense], Asahi Shimbun, August 26, 2013, pg. 3.

[7] “Shudanteki ji’eiken: Komei nayamu” [Collective Self-Defense: the Komeito troubled], Asahi Shimbun, September 15, 2013, p. 4; and “’Kaishaku kaiken hantai de shu¯yaku’: Minshu¯ Kitazawa shi ga iko¯” [Coming together on opposing constitutional revision through interpretation: the intention of Mr. Kitazawa of the Democratic Party], Asahi Shimbun, October 9, 2013, pg. 4.

[8] Abe, [Toward a New Country], 254.Op. Cit.