Một mình đến thành phố Hiroshima ngay sau khi quả bom nguyên tử được ném xuống, W. Burchett vượt qua sự thù hằn của nạn nhân bản xứ và ảnh hưởng của phóng xạ để đưa sự thật ra công luận.
"Tất cả những người ở đây sẽ chết.."
Dấn thân vì chính nghĩa, dốc tài năng và nghị lực phục vụ nghề báo, trong hơn bốn mươi năm, từ lúc thanh xuân cho đến khi qua đời ở tuổi 73, W. Burchett hầu như đã có mặt tại những điểm nóng nhất trên thế giới thời bấy giờ. Nói đến tấm gương trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí của ông, không thể không kể lại một sự kiện động trời: nhà báo ra đời tại châu Đại Dương, phóng viên nhiều tờ báo hàng đầu thế giới ở Anh, Mỹ, Pháp, Nhật... là người đầu tiên cảnh báo nhân loại những hiểm họa không thể nào tưởng tượng nổi của việc sử dụng bom nguyên tử vào chiến tranh.
Bài báo nổi tiếng của Wilfred Graham Burchett. Ảnh: theaustralian |
"Tôi viết bài này như một lời cảnh báo thế giới" (I write this as a warning to the world). Đó là câu mở đầu bài báo "Tai họa nguyên tử" ông viết bên hoang tàn thành phố Hiroshima, Nhật Bản, rạng sáng ngày 3 tháng 9 năm 1945, chưa tới một tháng sau khi thành phố hứng chịu quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống, đã trở thành một danh ngôn.
Hồi ấy W. Burchett đang làm phái viên báo London Daily Express. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, được tin Nhật Bản tuyên bố "từ bỏ chiến tranh" (tức đầu hàng vô điều kiện), W. Burchett tìm cách đến tận nước này lấy tài liệu viết bài. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nhận tin, ông đã có mặt trên chiếc tàu chở quân Mỹ đưa đơn vị lính thuỷ đánh bộ đầu tiên đổ bộ lên căn cứ hải quân Nhật Yokosuka, chuẩn bị cho đại quân Mỹ dưới quyền thống lĩnh của tướng bốn sao Mc Arthur tràn lên chiếm đóng nước Nhật Bản bại trận.
Từ quân cảng Yokosuka, W. Burchett một mình đáp chuyến tàu ngay trong đêm 2 tháng 9 năm 1945 tới thành phố Hiroshima cách Tokyo chừng 650km. Ông ngồi cùng toa với các sĩ quan Nhật đang hết sức cay cú vì được lệnh phải đầu hàng, các đôi mắt đều hằm hằm nhìn ông như một tử thù. Đến Hiroshima, bầu không khí càng căng thẳng hơn. Cảnh sát Nhật Bản ai cũng nhìn ông với thái độ thù địch lạ lùng. Ba mươi năm sau có dịp trở lại thăm Hiroshima, W. Burchett được một người bạn Nhật cho biết, đêm hôm ấy có mấy viên cảnh sát muốn "khử" ông luôn tại chỗ ngay đêm hôm ấy.
Sau khi thăm nhiều nơi, tận mắt nhìn thấy cảnh hoang tàn, W. Burchett đến bệnh viện đang cấp cứu những người dân Nhật sống sót sau thảm họa nguyên tử. Ông gặp và phỏng vấn nhiều bệnh nhân, ghi chép nhiều tư liệu, ghi hình các thảm cảnh..., xông xáo đến mức bác sĩ trưởng người Nhật tên là Caxubê lo lắng tới mức không chịu nổi, kiên quyết ra lệnh bắt phóng viên phải rời khỏi bệnh viện ngay tức khắc: "Ông phải đi khỏi nơi đây ngay. Tôi không có cách nào bảo đảm mạng sống của ông. Tất cả những người ở đây rồi sẽ chết. Tôi cũng vậy, tôi sẽ chết...".
Trên người nhà báo lúc này chỉ có độc chiếc máy chữ xách tay, cái ô che mưa cùng các khẩu phần lương thực đủ ăn mấy ngày - tại nước Nhật Bản bại trận tuyệt đối không tìm đâu ra được cái ăn.
Rời bệnh viện, W. Burchett đến ngồi lên một tảng bê tông hiếm hoi vốn là móng còn sót lại của một ngôi nhà, mở máy chữ ra, bắt đầu gõ. "Tôi viết bài này như một lời cảnh báo thế giới". Bài báo của ông may mắn không bị quân đội Mỹ phát hiện và chặn lại như trường hợp bài của người bạn George Miller phóng viên báo Chicago Daily viết về Nagasaki mấy ngày sau đó.
Nhật báo Anh Daily Express số ra ngày 5-9-1945 đăng tải toàn văn. Nhiều tờ báo lớn Âu Mỹ đăng lại, làm dư luận càng bức xúc. Ngay hồi ấy, nhiều người đã cho rằng hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki là không cần thiết. Ở châu Âu, phát xít Đức đã đầu hàng. Đại quân Liên Xô kịp rời chiến trường châu Âu ngày đêm vượt Sibiri trên các chuyến tàu tốc hành không dừng lại ở bất cứ ga nào, thẳng một mạch sang châu Á, diệt đạo quân Quan Đông lực lượng dự bị chiến lược của Nhật Bản đóng tại nước Mãn Châu quốc (Đông Bắc Trung Quốc ngày nay).
Nhật Bản hạ vũ khí là điều không thể tránh, và thế giới đang nín thở chờ đợi sự kiện ấy từng giờ. Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki chẳng qua nhằm dành lợi thế về mình sau chiến tranh.
Nhà báo Wilfred Graham Burchett. Ảnh: theaustralian |
Tướng Mỹ McArthur ra lệnh họp báo, phản bác những thông tin về tai họa nguyên tử. Từ Hiroshima trở lại Tokyo, nghe tin có cuộc họp, W. Burchett chạy bổ đến, râu chưa kịp cạo, đầu không kịp chải. Phát ngôn viên quân đội Mỹ, tướng Thomas Farrell, quả quyết làm gì có nguy cơ phóng xạ nguyên tử, bởi hai quả bom nổ ở độ cao không gây nên hệ lụy phóng xạ tác hại đến đời sống con người. Những nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện gần Hiroshima chẳng qua đều không may vướng trúng mảnh bom hay bị bỏng do hỏa hoạn, giống như bất kỳ vụ nổ lớn nào gây nên. W. Burchett hỏi vặn: "Ông đã đến Hiroshima chưa?". Rồi bằng nhiều bằng chứng sống động, ông bác bỏ những lời dối trá của viên tướng phát ngôn. Cứng họng, ông ta chỉ biết nói: "Tôi e ông bạn đã trở thành nạn nhân của tuyên truyền Nhật Bản rồi", và tuyên bố kết thúc cuộc họp báo.
W. Burchett ngay sau đấy bị tống vào bệnh viện quân đội Mỹ "kiểm tra sức khoẻ" rồi trục xuất khỏi Nhật Bản vì đã đến vùng cấm không có giấy phép đặc biệt do quân đội cấp. Tuy nhiên, trước sự phản đối của dư luận, tướng Mac Arthur buộc phải hủy bỏ lệnh trục xuất, W. Burchett trở về Anh thăm gia đình. Chiếc máy quay phim của ông biến mất một cách bí hiểm thời gian ông bị cách ly.
"Tôi viết bài này cảnh báo thế giới", lời mở đầu bài báo của Wilfred Burchett về "Tai họa nguyên tử" thực hiện bên hoang tàn thành phố Hiroshima, và "Người ơi, hãy cảnh giác!", câu kết thúc cuốn sách của Julius Fucik ghi trong trại giam phát xít Đức "Viết dưới giá treo cổ" là những tấm gương sáng ngời về trách nhiệm xã hội của những người cầm bút. Họ vì chính nghĩa, vì sự thật mà cung cấp thông tin kịp thời, chân xác đến công chúng bất chấp những hệ luỵ có thể xảy đến với mình.
Không gì che lấp được sự thật
Những tuyên ngôn nghề nghiệp của Wilfred Burchett làm chúng ta liên những tuyên bố tỉnh bơ của Trung Quốc sau khi mang giàn khoan Hải Dương 981 tới đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam với sự hỗ trợ của hơn một trăm tàu đủ loại và những tốp máy bay lờ lượn trên trời: "Trung Quốc không bao giờ gây hấn với ai", "Tại biển Đông Trung Quốc đang bị Việt Nam khiêu khích", và "Trong dòng máu Trung Hoa không hề có gene xâm lược, gien bành trướng" (!!!).
Báo chí Việt Nam và thế giới kiên quyết vạch trần những lời dối trá. Đã có rất nhiều chính khách, học giả và nhà báo thuộc nhiều quốc gia lên tiếng cảnh báo nhân loại về mưu đồ của Trung Quốc bịa đặt mọi thứ, đổi trắng thay đen, nói một đằng làm một nẻo với ý đồ độc chiếm biển Đông, tạo nên những hiểm họa khó lường cho hòa bình, ổn định trong khu vực.
Không có gì che lấp được sự thật lịch sử. Đã có và chắc ngày sẽ càng có thêm nhiều đồng nghiệp Trung Hoa dũng cảm, với trách nhiệm xã hội của người cầm bút chân chính, lên tiếng "cảnh báo thế giới" và trước hết "cảnh báo chính nhân dân Trung Hoa" về hệ quả khôn lường mà những hành động sai trái nhà cầm quyền nước họ cố tình gây nên tại biển Đông.
Phan Quang