Văn hóa trong chiều dài lịch sử
Sẽ là liều mạng “múa rìu qua mắt thợ” khi viết về văn hóa, mà bản thân mình còn băn khoăn chưa thực sự rõ “văn hóa” là gì. Vì thế, tôi chọn cách tiếp cận khác, đó là từ góc độ của một người mong muốn được tiếp thu “văn hóa”.
Nếu tra cứu các từ điển, chúng ta sẽ tìm thấy định nghĩa “văn hóa” một cách khá đồng nhất ở nhiều nguồn khác nhau, kể cả trên mạng internet. Nghĩa là có vẻ không có nhiều tranh cãi về học thuật hay về cách hiểu xung quanh từ Hán Việt này [1].
Rõ ràng “văn hóa” là một khái niệm rất rộng, không chỉ bao hàm những giá trị tinh thần mà còn cả vật chất. Mà nếu tách rời chúng ra, thì giá trị tinh thần chỉ còn là thơ ca, giá trị vật chất chỉ là những hàng hóa bình thường, thậm chí tầm thường và chúng ta sẽ sa vào khô khan, cứng nhắc, không thể cảm nhận được hết được giá trị của một sự vật nào đó với đúng nghĩa là “sản phẩm văn hóa”. Theo tôi hiểu, ý nghĩa triết học của “văn hóa” là như vậy.
Thử điểm qua lịch sử suốt mấy nghìn năm của nền văn minh nhân loại. Với người Ai Cập cổ đại, người La Mã… ngoài những công cuộc chinh phục, tàn phá của họ thì chúng ta còn nhớ đến những công trình kiến trúc, điêu khắc vĩ đại để lại cho loài người. Ngay cả câu nói “Mọi con đường đều dẫn đến La Mã” cũng đã nói lên sự vĩ đại của một nền văn hóa, chứ không chỉ là sự vĩ đại của một đế chế.
Năm 1804, có một con người vĩ đại, đã viết tên mình vào lịch sử không phải bằng những chiến công chinh phục bằng quân sự của mình, mà bằng một Bộ luật – “Code Civil”, Bộ Dân luật Pháp “gạch nối giữa Luật La Mã và luật tập quán” mà đến nay rất nhiều nội dung của Bộ luật 1804 này vẫn được sử dụng. Người đàn ông bé nhỏ nhưng vĩ đại đó, là Napoléon Bonaparte. Người ta đánh giá sự vĩ đại của ông được đem lại nhờ bộ Dân luật Pháp còn hơn nhiều do những chiến công hiển hách của ông trên chiến trường.
Nhưng xin đừng quên, rất nhiều nguyên tắc của Bộ Dân luật Pháp, được kế thừa từ Luật La Mã có từ cách đây hơn 2000 năm (năm 449 trước Công nguyên). Luật, là một giá trị văn hóa của loài người và có thể nói, là một trong những giá trị văn hóa vĩ đại nhất. Nếu như bộ Dân luật Pháp 1804 kế thừa Luật La Mã, thì nghĩa là chính nền Dân luật Việt Nam ta, cũng kế thừa những giá trị từ nó, thông qua tiếp thu những nguyên tắc xây dựng pháp luật của hệ thống các nước XHCN trước đây.
Đó chỉ là một ví dụ. Mà “Luật” tưởng là vĩ đại, lại còn quá nhỏ nhoi so với những tư tưởng về triết học và tôn giáo, tín ngưỡng. Sau hàng nghìn năm, nhân loại vẫn tìm đức tin cho mình ở Chúa, ở Phật, ở Đức Allah…
Nhưng bao giờ cũng vậy, đi kèm với lịch sử chinh phục các vùng đất mới của các dân tộc, là quá trình “xâm lược” hay “đồng hóa” dân tộc nhỏ yếu hơn, thấp kém hơn về trình độ phát triển văn minh. Nếu một dân tộc chiến thắng bằng quân sự, nhưng thấp kém hơn về văn hóa, thì sẽ bị “đồng hóa ngược”. Trường hợp này đúng với hai “rợ” – theo cách gọi của người Trung Hoa với các dân tộc mà họ cho là “man di”, người Mông Cổ và người Kim. Hai dân tộc này sau khi chiếm Trung Quốc đã tự biến mình thành hai triều đại của Trung Quốc, là nhà Nguyên và nhà Thanh. Nghĩa là Trung Quốc hai lần mất nước, nhưng lại là hai lần thắng thế của văn hóa Hán.
Biệt thự Pháp cổ góp phẩn tạo nên một nét văn hóa Hà Nội. Ảnh: Người lang thang cuối cùng |
Tiếp thu văn hóa không có gì xấu
Sự giao thoa của văn hóa không chỉ cùng với thông thương của “con đường tơ lụa”, theo những bước chân của Marco Polo, của thái giám Trịnh Hòa. Nó còn đi theo một con đường khác, mang nhiều bi ai, đó là theo bước chân viễn chinh của “những tên thực dân”. Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu rất rõ điều đó.
“Một nghìn năm Bắc thuộc” đến nay vẫn để lại dấu ấn sâu đậm ở hệ thống âm Hán Việt trong kho từ vựng chúng ta đang dùng, rồi ở truyền thống ăn Tết Âm lịch, ở các công trình văn hóa, ngay cả trong tên người, v.v…
Hết “một nghìn năm” lại đến “một trăm năm Pháp thuộc”, chúng ta đã quá quen với những từ ngữ như “hòn bi”, “bộ phanh”, nhìn lên cửa sổ thấy cái “ri-đô” và tìm thức ăn trong cái “gác măng-giê”, còn cách đây chừng bốn chục năm thì bố ta đèo mẹ ta sau xe đạp lên đường Thanh Niên ăn kem, mẹ ngồi trên cái poóc-ba-ga, còn bố thì nắm cái ghi-đông; chân đạp vào cái pê-đan… Ngày nay, người ta nhớ về Hà Nội bằng những cây đổ lá mùa xuân hai bên đường phố mà chẳng để ý những giống cây đó do người Pháp mang ở những Papua Niu Ghinê hay Mađagátxca gì đó trồng ở Hà Nội và toàn cõi Đông Dương thuộc địa.
Nghe người lớn tuổi kể, năm 1954 cùng với sự rút đi của người Pháp khỏi miền Bắc Việt Nam, thì dần xuất hiện những người Trung Quốc XHCN và sau đó là các chuyên gia Liên Xô. Các “ông Liên Xô” đã choáng váng, khi tưởng sang Việt Nam là thấy người ta viết bút lông và vẽ chữ Nho, ai dè dùng ký tự La Tinh. Mà khổ, những ký tự ấy do “tên thực dân” Alexandre de Rhodes mang sang, hồi đầu chỉ có mục đích truyền đạo và “phục vụ bọn thực dân xâm lược”. Nhưng vô tình, chữ quốc ngữ dựa trên mẫu tự La Tinh đã mở cho chúng ta cánh cửa tiếp nhận văn hóa nhân loại với tốc độ nhanh nhất có thể.
Cũng từ thời gian ấy, chúng ta tiếp thu dần được những giá trị của nền văn hóa Nga, một nền văn hóa tuyệt vời không thể phủ nhận với Pushkin, Lermontov, Tolstoi, Gogol, Tchaikovsky và Shostakovich...
Hoàn toàn chưa dừng lại ở đó, vào những giai đoạn khác nhau và bằng những cách khác nhau người Việt tiếp thu nhạc đồng quê, Rock, RnB, uống Coca Cola, mặc quần Jeans và hút Marlboro… tưởng tượng ra một nước Mỹ qua những bộ phim Hollywood. Rồi mốt “mắt nâu môi trầm” và gọi nhau bằng “ộp-pa” khi ảnh hưởng của văn hóa Hàn theo chân phim ảnh xâm nhập. Rồi người ta đi xe Honda và thỉnh thoảng ăn sushi, uống trà đạo, nhìn đời bằng con mắt thâm trầm của “thiền” và nghe nhạc của Kitaro – những dấu ấn đặc sắc của văn hóa Nhật.
Tiếp thu những giá trị văn hóa thế giới hoàn toàn không có gì là xấu, dù có những khi nó gắn với một quá trình không mang tính tự nguyện như đã nói ở trên. Vấn đề tiếp thu ra sao còn nằm ở sức mạnh nội lực của chính nền văn hóa tiếp nhận, mà trong đó có trách nhiệm rất lớn của những người có trọng trách định hướng sự tiếp thu này như thế nào.
Lại cần nhìn lại một chút nữa – tên xâm lược nào thì cũng có dã tâm như nhau, người Hán, người Pháp, hay người Nhật. Nhưng người Việt vốn khách quan trong việc ghi nhận: ghi nhận những giá trị tốt đẹp mà nền văn hóa Hán đem lại cho người Việt; ghi nhận nền văn hóa Pháp đã góp phần khai thông não trạng của người Việt thời phong kiến; ghi nhận nền văn hóa Nga mà qua đó người ta ca ngợi cái “tình người”. Hơn thế nữa, người Việt đâu có chối bỏ “văn hóa Mỹ”; lại càng “khoái” trà đạo và nhạc của Kitaro, v.v…
Thế nhưng, người Việt cũng không thể chấp nhận được một dân tộc với dã tâm như vậy cạnh mình suốt cả ngàn năm như Chủ nghĩa Đại Hán. Ngày nay, nó hiện hữu bằng sức mạnh kinh tế, quân sự, chính trị… và đang hoành hành ngoài biển Đông bằng một giàn khoan sừng sững.
Và chính những ngày vừa qua, người Việt chúng ta còn lo lắng, hi vọng rồi thất vọng khi nhìn về một hướng khác, hướng “truyền thống” – nước Nga. Một nước Nga đang vươn mình từ tro tàn ốm yếu sau 1991, lớn mạnh về quân sự và những hành động nhanh chóng, quyết đoán nhưng rất đáng lo ngại và chính cái nước Nga ấy, ảnh hưởng về văn hóa với Việt Nam, cũng đã nhạt, nhạt đi rất nhiều.
Thế đấy các “bạn” ạ, cái làm cho các “bạn” được trân trọng từ phía người Việt Nam chúng tôi, là những giá trị văn hóa mà các bạn mang lại, chứ không phải sức mạnh quân sự. Và những hành động bắt nạt, bành trướng lại càng không bao giờ nằm trong “danh mục” tiếp nhận tự nguyện.
Phúc Lai
----
[1]: Theo các Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, trang 846, cột 3, mục 12 từ trên xuống; Từ điển Hán Việt của Phan Văn Các, NXB thành phố Hồ Chí Minh 2003, trang 462, cột 1, mục 10 từ trên xuống: Văn hóa được định nghĩa là “(1) Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; (2) Những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát); (3) Tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát); (4) Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh; (5) Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần của một thời kì lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau.”
Bài cùng tác giả: "Sang năm tới Hoàng Sa" - nhưng bằng cách nào? Muốn "Sang năm tới Hoàng Sa", Việt Nam phải trở nên giàu mạnh thì đúng rồi, nhưng còn phải chờ cơ hội, và biết nắm được nó, một cách quyết đoán. Biển Đông: Có âm mưu ngầm phá hoại, khiêu khích? Đoàn kết là sức mạnh, nhưng phải là sự đoàn kết có tri thức. Chúng ta chỉ lên án nhà cầm quyền Bắc Kinh, chứ những người dân TQ yêu hòa bình là bạn của chúng ta. Giàn khoan: TQ mưu toan một mũi tên trúng đích nào? Hai cái đích quan trọng của TQ mưu toan là thử thái độ của Việt Nam và thử chính sách khu vực của Hoa Kỳ. |