Hóa ra việc du học và trở về chỉ dựa trên cái nền căn bản là "gia đình có điều kiện", tư chất không thích nghi với sự rèn luyện cao ở nước ngoài, việc chọn con đường trở về là "dễ chịu" hơn.

Ra sân bay Nội Bài đón bạn từ châu Âu về, vừa về đến Hà Nội đã thấy gương mặt bạn bần thần. Hỏi vì sao? Bạn bảo vừa bước xuống sân bay là đã thấy sốc rồi.

Hóa ra bạn ấy sốc vì cái cảnh người ta chen lấn lên máy bay; cảnh thiên hạ ngồi xổm, cười nói oang oang khắp nơi ở ga hành khách. Tưởng gì, toàn những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và chẳng bao giờ khắc phục được đâu. Nhưng cô bạn vẫn chưa chịu thôi, cứ quay sang hỏi một anh bạn làm bên giáo dục tại sao anh ấy bỏ nước Úc sung túc để trở về Việt Nam sống và tiếp tục sự nghiệp giáo dục của mình.

Tôi thấy anh bạn nhà giáo kia chỉ mỉm cười. Vâng, ở lại hay về nước luôn là câu hỏi khiến mỗi người Việt day dứt khi họ đã ra nước ngoài học hành hay làm việc. Câu hỏi đâu là mảnh đất lành đem lại hạnh phúc luôn đặt con người trước sự lựa chọn. Và tôi để ý, người Việt thường băn khoăn về câu hỏi ấy ngay từ khi đặt chân xuống sân bay xứ mình. Âu đó cũng là một nỗi buồn!

{keywords}
Ảnh minh họa

Tôi theo anh bạn làm giáo dục đã bỏ nước Úc về xây một ngôi nhà kề sông Sài Gòn. Nơi này giống như làng nghệ sĩ, với nhiều họa sĩ mua đất làm nhà ven sông, mua nhà cổ, dựng vườn trốn tránh đô thị. Trong lúc lang thang khắp ngôi nhà lạ từng được lên trang "Không gian sống" của tờ New York Times, tôi cố cắt nghĩa chuyện trở về của chủ nhân.

Một lần khác tôi đến thăm ngôi nhà giản dị nhưng cũng rất đẹp của một nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp ở Hội An. Như một người Việt chính cống, anh thuê một căn nhà, chia nó làm hai, phía ngoài để bán ảnh và sách ảnh, phía trong là chỗ làm việc và ăn ngủ.

Nó cũng làm tôi ngạc nhiên vì lối sống quá giản dị so với nhu cầu một nghệ sĩ có tài đến từ Paris. Một người Pháp khác vốn là đạo diễn phim tài liệu cũng đã đến Việt Nam hơn 10 năm, thời gian ông dành cho việc đào tạo các học viên trẻ lối làm phim tài liệu hiện đại với phong cách Đức và Pháp. Ông sẵn sàng ở nhà thuê, thích nghi với các món ăn Việt.

Điều quan trọng tôi rút ra từ những người đã gặp đó là dù họ hòa nhập với đời sống Việt, có thể đi xe máy, thậm chí viết sách, làm MC truyền hình nổi tiếng như Joe (Dâu), hoặc trở thành một nhà nhiếp ảnh có tiếng, phát triển được một công ty làm du lịch chuyên về hướng dẫn cho khách nước ngoài đến chụp ảnh ở miền Trung, và nhiều người khác, họ "yên ổn và thoải mái" ở Việt Nam là nhờ kiên trì giữ phong cách làm việc như vẫn đang sống ở các nước công nghiệp. Hoàn cảnh không tác động đến tinh thần, đó là cách họ lựa chọn những điều tốt nhất của cuộc sống để hưởng thụ và làm việc.

Tôi cũng nhớ đến một tập đoàn đa ngành lớn hiện đang gặp khó khăn do các dự án bất động sản "khủng" đóng băng. Nhớ rằng trong tập đoàn đó, hàng ngũ cán bộ trẻ hầu hết là "con ông cháu cha" đi học ở Anh, Mỹ về.

Bạn nào cũng bảo rằng về Việt Nam để đóng góp cho đất nước, rằng cuộc sống ở Việt Nam dễ chịu, nhưng quan sát công việc và cách tư duy của họ, thật ngạc nhiên khi thấy dường như họ chưa hề đi khỏi ngôi nhà cũ ngày nào. Họ chỉ có dáng vẻ trau chuốt hơn hẳn người xung quanh, cũng rất giỏi thích nghi chuyện "quan hệ sân sau" trong làm ăn, năng suất làm việc kém, theo cách nửa buổi sáng vẫn còn ngồi quán xá, nói gì cũng chỉ nói nửa câu rồi dừng lại để đề phòng trước sau.

Hóa ra việc du học và trở về chỉ dựa trên cái nền căn bản là "gia đình có điều kiện", tư chất không thích nghi với sự rèn luyện cao ở nước ngoài, việc chọn con đường trở về là "dễ chịu" hơn.

Cuộc sống ở Việt Nam ngổn ngang trăm mối, nhưng nếu sống với nó không hết lòng, quả là khó hưởng hương hoa ngay trên đất mẹ!

Khải Ly (theo DNSG)

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt.