Với những thứ vô hình, sự cẩn trọng dường như biến mất. Nhiều người như đang mở "toang toác" cánh cửa nhà mình với các "tài sản số" trên mạng internet, trên điện thoại di động...

Khi chúng ta quên "khóa cửa"

Hãy tưởng tượng như thế này: bạn treo chìa khóa nhà mình ngoài cổng. Bất kỳ ai cũng có thể bước vào, nhìn ngang ngó dọc phòng ngủ của bạn, biết bạn xem phim gì, trò chuyện với ai, thói quen ăn ở thế nào, và thậm chí két sắt để ở đâu... Nói ngắn gọn, gần như bạn đang sống ở căn nhà trong suốt như kính.

Có lẽ những người phóng khoáng nhất cũng không chấp nhận điều này. Chúng ta đều có những giới hạn riêng tư nhất định mà không muốn bị làm phiền. Và bí mật cá nhân nhiều khi gắn liền với những thứ sống còn của mỗi người, chẳng hạn thông tin tài khoản ngân hàng.

Vì vậy mọi người thường rất cẩn thận với tài sản hữu hình. Ít ai đi ngủ mà không khóa cửa nhà, chìa khóa luôn được giữ cẩn thận, v.v...

Thế nhưng với những thứ vô hình, sự cẩn trọng dường như biến mất. Nhiều người như đang mở "toang toác" cánh cửa nhà mình với các "tài sản số" trên mạng internet, trên điện thoại di động...

Chỉ cách đây vài hôm, công an phát hiện một doanh nghiệp ở Hà Nội đã cài đặt phần mềm theo dõi hơn 14.000 điện thoại di động. Theo đó, tất cả thông tin của người sử dụng các số điện thoại này như cuộc gọi, tin nhắn, thông tin cá nhân, tài khoản, và kể cả hình ảnh và video, đều bị thu thập và gửi về máy chủ của công ty. Bất cứ ai trả tiền cho công ty này, năm triệu đồng để theo dõi một thuê bao 'trọn đời', cũng có thể đăng nhập vào hệ thống và giám sát từ A đến Z hoạt động của 'đối tượng'.

Với việc điện thoại di động đang dần trở thành vật bất ly thân, thì đây quả là một vụ việc đáng sợ như trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell: cuộc đời của bạn bị dõi theo mọi lúc mọi nơi. Thông tin nhạy cảm về bạn có thể được dùng để tống tiền, làm nhục, tiền trong tài khoản có thể bị ăn cắp, thậm chí danh tiếng của bạn cũng có nguy cơ bị lợi dụng vào việc xấu.

Cho đến nay, đã có 14.000 nạn nhân và một công ty vi phạm bị phát hiện, nhưng hẳn là con số thực tế không dừng lại ở đó. Làm thử một lệnh tìm kiếm đơn giản trên google "mua phần mềm nghe lén điện thoại", có đến hơn 700 nghìn kết quả trong vài chục giây.

Điều đáng nói là việc phát triển và phổ biến các phần mềm loại này hiện dễ dàng hơn bao giờ hết, với chi phí rất thấp. Chẳng hạn công ty Việt Hồng nói trên chỉ cần một kỹ sư lập trình viết phần mềm ptracker, và thu lợi đến cả tỷ đồng chỉ trong chưa đầy một năm.

Trong khi đó, việc phát hiện và xử lý vi phạm là không đơn giản, bởi tội phạm kỷ nguyên số là rất cơ động: có thể làm việc ở bất cứ nơi nào chỉ cần có máy tính và mạng internet. Trước vụ công ty Việt Hồng, theo tìm hiểu của người viết, mới chỉ có một cá nhân khác bị xử lý vì kinh doanh phần mềm nghe lén, trong khi theo báo Thanh niên, dịch vụ này đã nở rộ trong vài năm qua.

Nói vậy để thấy rằng "công dân mạng" (netizen) không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng để đảm bảo quyền bảo mật của mình.

Theo số liệu của Google từ năm ngoái, nước ta đã có 17 triệu smartphone (điện thoại thông minh). Với tốc độ tăng trưởng hơn 150%/ năm, con số đó có lẽ vào khoảng 30 triệu vào năm nay, sau khi trừ đi những người dùng nhiều hơn một chiếc. Trên lý thuyết, cả 30 triệu smartphone này đều có thể bị cài đặt phần mềm nghe lén, hoặc bị ăn cắp thông tin, nếu người dùng không cẩn trọng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Mua khóa cho những căn nhà số

Internet mới chỉ có mặt ở Việt Nam từ năm 1997. Nhưng trong chưa đầy hai thập kỷ, hiện số "công dân mạng" ở nước ta đã lên đến gần 36 triệu người, theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), chưa kể những người truy cập internet bằng điện thoại.

Chúng ta dành rất nhiều thời gian cho mạng internet, từ việc đọc báo, kiểm tra e-mail, dùng mạng xã hội, cho đến sử dụng dịch vụ ngân hàng, mua bán, hay thậm chí là hẹn hò qua mạng... Trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng 26 tiếng/ tháng cho internet, và con số đó chắc chắn còn cao hơn nhiều nếu chỉ tính riêng dân văn phòng và ở thành thị.

Internet, bởi vậy, đã tạo ra một thế giới mới. Và nó không hoàn toàn là 'ảo', mà rất thật, cả từ lợi ích lẫn nguy cơ. Khi bạn mất thông tin tài khoản ngân hàng, hay bị hack số điện thoại, tác động không chỉ giới hạn ở trên màn hình vi tính.

Điều này buộc người dùng phải coi thế giới mạng như là một phần quan trọng trong cuộc sống, cũng cần được giữ an toàn và bảo mật, chứ không phải một trò chơi muốn chấm dứt lúc nào cũng được. Đây cũng không phải là cái gì đó quá bất khả thi: chỉ cần có những động tác đơn giản như kiểm tra kỹ trước khi sử dụng phần mềm, nhất là các phần mềm miễn phí, cẩn thận khi nhận e-mail hoặc các đường link khả nghi, hay lập mật khẩu cho điện thoại.

Tất nhiên, tất cả những biện pháp trên không thể ngăn ngừa được 100% việc bị xâm phạm quyền riêng tư. Đến ngay cả thái tử Anh Quốc và thủ tướng Đức còn bị nghe lén thì có lẽ không ai an toàn cả. Tuy vậy, nó sẽ làm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị theo dõi, và giúp mỗi người yên tâm hơn khi sử dụng điện thoại, máy tính.

Trong một thế giới số ngày càng mở, bảo mật riêng tư sẽ càng quý giá và được coi trọng. Thế nên rất dễ hiểu với cơn giận dữ của người Mỹ sau khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ thông tin rằng chính phủ có chương trình theo dõi người dân, mặc dù thông tin theo dõi chỉ dưới dạng "metadata": thông tin cuộc gọi, địa điểm, thời gian... chứ không hẳn là về nội dung.

Và rồi gần đây sau một vụ kiện nhỏ, tòa án châu Âu đã yêu cầu Google đảm bảo "quyền được quên": gỡ bỏ kết quả tìm kiếm liên quan đến thông tin cá nhân nếu thấy không phù hợp.

Cuộc sống đang dần được số hóa, trong khi lại chưa có nhiều biện pháp, công cụ hữu hiệu bảo vệ người sử dụng. Những nguy cơ bị đánh cắp, lợi dụng thông tin cá nhân, thông tin bí mật trở nên hữu hình hơn bao giờ hết. Do đó, trước tiên tự chúng ta phải trang bị những ổ khóa mới cho chính mình. Đã đến lúc phải sống "thật" với thế giới "ảo".

Khắc Giang

Bài cùng tác giả:

Chờ 'tiền lệ', bao giờ mới có ô tô, điện thoại

Khoa học phát triển là nhờ những thứ “không có tiền lệ”. Nếu chờ “tiền lệ,” liệu bao giờ loài người mới có ô tô, điện thoại, hay thậm chí là biết được trái đất có hình tròn thay vì hình dẹt?

Nếu Kennedy còn sống, chiến tranh Việt Nam sẽ khác?

Nửa thế kỉ sau ngày vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ bị ám sát, nhiều giả thuyết cho rằng John F. Kennedy đã có ý định rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Di sản Mandela: Hòa bình không chỉ xây bằng xương máu

Di sản đáng quý nhất để của Nelson Mandela là bài học về sự khoan dung để thống nhất một dân tộc bị chia rẽ.