Việc tăng cường các mối quan hệ và sự tham dự về kinh tế với các đồng minh ở ĐNA là một mục tiêu chiến lược lớn, rất phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, nhất là khi quyền lực kinh tế và quân sự của TQ đang lên.
Hiện nay các cuộc đàm phán về hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 15 nước đang dần kết thúc vào cuối năm 2014. Nhân dịp này, trang web về chính sách đối ngoại và quốc phòng War on the Rocks đăng bài phỏng vấn ông Ron Sorini, người đồng sáng lập Sorini, Samet & Associates, một hãng tư vấn đại diện cho quyền lợi của các tập đoàn và hiệp hội thương mại Mỹ trước Quốc hội và Chính phủ Mỹ về các vấn đề thương mại quốc tế.
Sorini từng được Reagan và Bush bổ nhiệm làm Đại sứ và người phụ trách thương lượng về các vấn đề ngành dệt may của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ từ năm 1983-1993. Trên cương vị Đại sứ, ông đứng đầu các đoàn đại biểu của Mỹ tại các vòng thương lượng của NAFTA, vòng đàm phán Uruguay dẫn đến việc thành lập WTO, hơn 50 hiệp định song phương. Trước đó, ông là chuyên gia về thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Mỹ, nơi ông theo dõi và tiến hành nhiều cuộc đàm phán với các nước như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc.
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi, như góc nhìn tham chiếu cho các nước đang tham gia đàm phán TPP.
"Tôi tin TPP là một phần trong chiến lược xuay trục sang châu Á của chính quyền Obama" |
Chưa đến lúc nghĩ tới việc mời TQ tham gia TPP
Theo suy nghĩ thông thường, TPP là phương tiện giúp các nước Đông Nam Á phát triển các ngành kinh tế của mình, khi họ có thể giành được các lợi ích thương mại cạnh tranh từ tay TQ không? Điều này liên quan như thế nào đến ý kiến về việc lôi kéo TQ gia nhập TPP?
Chi phí tăng lên ở TQ cộng với một kết cục thành công của TPP sẽ làm cho nhiều nước chuyển việc sản xuất giày dép, quần áo và nhiều hàng hóa khác sang Việt Nam. Tuy nhiên, các ngành này không hoàn toàn rời bỏ TQ vì họ có cơ sở hạ tầng tốt và chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực. TQ vẫn sẽ là nhà sản xuất quan trọng trong nhiều năm tới. Nhưng các công ty Mỹ muốn mở rộng ra ngoài TQ và VN vì nhiều lý do, trong đó có các rủi ro liên quan đến tiền tệ và xung đột tiềm tàng trên biển Đông.
Mỹ cần phải nhanh chóng tăng cường mối quan hệ với các nước ĐNA khác và cải thiện các chương trình hiện hành như Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalised System of Preferences- GSP), đưa giày dép và hàng hóa du lịch vào danh mục ưu đãi.
Trên thực tế, các hiệp hội thương mại lớn như Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA) đang có những nỗ lực như vậy nhằm hỗ trợ các công ty ở Mỹ đa dạng hóa các nguồn cung ứng và xóa bỏ một trong những loại thuế lũy thoái nhất - thuế mà chính phủ Mỹ đang đánh vào giày dép. Tuy nhiên, vẫn chưa đến lúc nghĩ tới việc mời TQ tham gia TPP. Tôi cho rằng, các nước đang tham gia, có thể thêm Hàn Quốc và Philippines cần phải đạt được sự thống nhất chắc chắn trước khi thu hút TQ sẽ mang nhiều vấn đề đến bàn nghị sự.
Nói chung, tôi tin rằng TPP là một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Giống như NAFTA 20 năm trước và những hiệp định tự do thương mại của Mỹ, có cả lý do kinh tế và địa chính trị khiến chính quyền Obama theo đuổi TPP.
Rõ ràng là hiện giờ họ tập trung quan tâm đến Đông Nam Á, tương tự như Tổng thống Reagan từng chú ý đến Trung Mỹ và Mexico. Bên cạnh TPP, Mỹ cũng đang có ý định mở rộng GSP đến một số các nước đang phát triển như Myanma, Lào. Như vậy, việc tăng cường các mối quan hệ và sự tham dự về kinh tế với các đồng minh ở ĐNA là một mục tiêu chiến lược lớn, rất phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, nhất là khi quyền lực kinh tế và quân sự của TQ đang lên.
Chính quyền Obama cũng đánh giá các thị trường đang lên như Việt Nam, Malaysia, và việc tiếp cận các thị trường đã phát triển như Nhật Bản, New Zealand sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp, tạo ra môi trường đầu tư mới, việc làm, đà phát triển kinh tế mạnh hơn cho Mỹ.
Nhà Trắng đang đề nghị Quốc hội trao cho mình thẩm quyền thúc đẩy thương mại (Trade Promotion Authority - TPA) để có thể đàm phán các nội dung cụ thể của TPP và trình cả gói cho Quốc hội. Nhiều nghị sỹ như lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi và 150 nghị sỹ đảng dân chủ khác phản đối đề nghị này. Điều gì giải thích cho sự phản đối ngay từ đảng của Tổng thống Obama? Quốc hội có nên trao TPA cho Tổng thống không? Nếu không, điều này có ý nghĩa gì đối với TPP?
Thượng nghị sỹ Reid và hạ nghị sỹ Pelosi không phải là người ủng hộ tự do thương mại, vì thế quan điểm của những nghị sỹ này không có gì đáng ngạc nhiên và nhất quán với quan điểm trước đây của họ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là đáng lẽ ra ít nhất họ cũng cố gắng làm việc với chính quyền Obama để tìm ra quan điểm chung.
Các nghiệp đoàn lao động nói chung phản đối TPA (trước đây gọi là quyền đàm phán nhanh) và TPP, do đó tại sao đa số các nghị sỹ thuộc đảng dân chủ lại không muốn ủng hộ TPA và TPP.
Đảng Dân chủ dựa nhiều vào sự ủng hộ của các nghiệp đoàn lao động, kể cả việc đóng góp kinh phí tranh cử. Tôi nghĩ sau các cuộc bầu cử Quốc hội năm 2014, tại kỳ họp kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội sẽ có đủ số lượng nghị sỹ cộng hòa ủng hộ để thông qua TPA và một hiệp định TPP tốt đẹp. Tổng thống Obama chỉ cần thuyết phục 50 trong số 200 hạ nghị sỹ dân chủ ủng hộ các sáng kiến này. Tôi sẽ hết sức ngạc nhiên nếu Tổng thống không thuyết phục được 25% ngay trong đảng của mình ủng hộ ông. Nếu Obama thật sự muốn và tích cực vận động sự ủng hộ trong Quốc hội, cả TPA và TPP sẽ được chấp thuận.
Không có gì tốt đẹp nếu xảy ra xung đột vũ trang ở châu Á
Ở châu Á đang diễn ra tình thế nguy hiểm trên khu vực biển Đông. Trong khi mọi người chú ý nhiều đến những lời phát biểu của các chính trị gia, ông nghe được gì từ cộng đồng kinh doanh?
Các doanh nhân lo lắng nhưng nói chung không cho rằng sẽ xảy ra xung đột quân sự. Nhưng họ ngày càng nhận thấy chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy trong khu vực sẽ làm gia tăng căng thẳng. Tôi nghĩ, các doanh nhân lo ngại nhiều rằng những bất hòa về thương mại sẽ dễ xảy ra hơn xung đột thực sự.
Dù gì chăng nữa, hầu hết các công ty mà tôi có dịp nói chuyện đều tin rằng, sẽ khôn ngoan hơn nếu ít phụ thuộc vào hàng hóa, sản phẩm của TQ. Một lần nữa, điều này do các nguyên nhân khác nhau, một phần do lo ngại chi phí ở TQ sẽ tăng lên đáng kể, một phần do lo ngại TQ sẽ làm những điều dẫn đến các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước khác. Còn nếu xung đột xảy ra trên biển, các công ty sẽ cần đến các nguồn cung ứng khác tránh khu vực đó.
Nếu chiến tranh xảy ra do tranh chấp lãnh thổ trên biển, sẽ có tác động gì đối với thương mại và buôn bán? Ông có thể phác họa một kịch bản cho độc giả thấy được không?
Nếu xung đột vũ trang ở châu Á xảy ra sẽ phá vỡ kinh doanh và có khả năng gây ra lạm phát cao ở Mỹ. Hiện nay TQ đang thống trị trong nhiều ngành, cho nên sự gián đoạn trong buôn bán sẽ nhanh chóng dẫn đến thiếu hụt nhiều hàng hóa.
Ví dụ, TQ chiếm 80% giày dép được bán ở Mỹ, cũng như hầu hết đồ chơi và thiết bị điện tử. Có lẽ trong năm năm nữa, khi mà các ngành công nghiệp được đa dạng hóa ra khỏi TQ, tác động sẽ ít nặng nề hơn, nhưng tôi không nghĩ điều đó xảy ra. Việc sản xuất nhiều mặt hàng chỉ mới đang dần chuyển dịch từ TQ sang các nước ĐNA, cho nên sự gián đoạn trong buôn bán trong tương lai gần sẽ gây tác động tiêu cực nặng nề cho nền kinh tế Mỹ.
Chúng ta thường nghĩ đến TQ như một nước cung cấp các sản phẩm cơ bản có lương thấp. Nhưng cần nhớ rằng, đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn đối với ngành nông nghiệp và máy móc công nghiệp. Bên cạnh đó, đối với các đối tác thương mại của Mỹ như Nhật Bản và Việt Nam, xung đột lớn hơn có thể xảy ra và gây hậu quả sâu rộng. Tổng cộng, buôn bán hai chiều giữa TQ với Mỹ năm 2013 là trên 562 tỷ USD, với Nhật Bản là 203 tỷ USD, với Việt Nam là 29 tỷ USD. Không có gì tốt đẹp cả nếu xảy ra xung đột vũ trang ở châu Á.
Ông đã đến nhiều nước, vậy có thể nói gì về thức uống ưa thích của các giám đốc kinh doanh trong khu vực? Có khác nhau ở từng nước không?
Bia, nếu ông hỏi về đồ uống có cồn. Hầu hết các nước đều có loại bia tuyệt vời do trong nước sản xuất, dù đó là Thái Lan, Philippines hay TQ. Còn đồ uống có cồn yêu thích của tôi là rượu tequila của Mexico mà tôi khám phá được qua các lần đàm phán NAFTA. Tequilla chất lượng cao giống như cô nhắc nhấp từng ngụm.
Nhưng có lẽ thức uống rất ưa thích của tôi lại không có cồn – đó là trà xanh của Nhật Bản.
- Nguyễn Đức Lam (dịch)