-Tôi tin rằng, cùng với nhau, chúng ta đang có một hệ thống đủ mạnh, đủ tốt để thay đổi cái sự “không giống ai” của hệ thống đào tạo hiện tại.
Những ngày gần đây, theo dõi câu chuyện về việc dạy, học ngoại ngữ của cán bộ trên diễn đàn báo chí tôi thấy nhiều ý kiến, đánh giá tương đối khác nhau. Gần đây nhất, có một bạn giảng viên trẻ đã tự tin khẳng định người Việt Nam ta không yếu về ngoại ngữ, chỉ là do cách thức tuyển dụng cán bộ công chức, do cách tạo môi trường để trau dồi vốn ngoại. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin lạm bàn từ góc độ nâng cao trình độ ngoại ngữ từ giảng đường ĐH.
Còn nhớ tại một diễn đàn lớn, Bộ trưởng bộ GDDT đã nói: “cách dạy, cách học, cách thi ngoại ngữ của Việt Nam không giống ai trên thế giới”. Giáo viên cũng chớp cơ hội phản pháo “Thi cử chưa hợp lý, sách giáo khoa không hấp dẫn... dẫn đến hậu quả học sinh tốt nghiệp THPT không thể giao tiếp tiếng Anh”.
Gần đây có một bài viết trên báo chí cho rằng “Hãy cứ mạnh dạn nói tiếng Anh đi, tiếng “bồi” cũng được”. Rút cục thì câu chuyện cứ chạy vòng quanh, và tôi đồ rằng, nếu không có một sự thay đổi, trong 10-20 năm nữa, chúng ta khó có thể đuổi kịp các nước láng giềng về khả năng ngoại ngữ...
Nhưng, tôi đang nhìn thấy sự đổi thay…
Tôi nhìn thấy ở sinh viên các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến ở một số trường ĐH nơi tôi dạy, tiếng Anh của các em đang ngày một khá hơn. Mặc dù một số lượng không nhỏ vẫn gặp khó khăn trong vấn đề nghe giảng trên lớp bằng tiếng Anh, thì số lượng rất lớn khác vẫn có thể giao tiếp tốt với GV là người bản xứ.
Ảnh: Huyền Trang |
Tôi nghe thấy sinh viên đang nói ngày càng chuẩn, chính xác, và dễ nghe. Tôi nhìn thấy họ nói chuyện một cách tự tin với các giáo sư người Mỹ.
Từ cách đây vài năm, tôi cũng đã gặp những sinh viên Việt Nam sang học tại Mỹ nói tiếng Anh hay hơn nhiều bạn sinh viên quốc tế khác.
Tôi cũng đã thấy rất nhiều người đi làm, sau một thời gian ngắn tiếp xúc với tiếng Anh chuẩn và phương pháp phù hợp, có thể giao tiếp thuần thục và tự tin với người bản xứ… Họ chưa nói tiếng Anh như người bản xứ, nhưng họ có thể giao tiếp tự tin, nói chuyện qua điện thoại, teleconference với các đối tác nước ngoài, đến từ Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Anh…
… Cho nên tôi tin
Tôi tin rằng, cùng với nhau, chúng ta đang có một hệ thống đủ mạnh, đủ tốt để thay đổi cái sự “không giống ai” của hệ thống đào tạo hiện tại.
Tôi tin rằng chúng ta đang có một hệ thống các trường công lập vận hành rất hiệu quả trong việc đào tạo người học để họ có thể nghe – nói tiếng Anh tốt, như các trường mà tôi vừa giảng dạy.
Tôi cũng thấy rằng, chúng ta cũng có một hệ thống các cơ sở tư nhân đang vận hành hết công suất để lấp những lỗ hổng giáo dục mà trường công lập chưa khỏa lấp được, như British Council, GLN hay Moon ESL. Những cơ sở đào tạo đó trao cho học viên - những người có điều kiện hơn - một cơ hội để phát triển vững và mạnh khả năng giao tiếp của họ.
Và tôi thấy rằng, với thành quả to lớn của công cuộc đổi mới, chúng ta đang có hệ thống thông tin phát triển, với các kênh truyền hình tiếng Anh, với hệ thống internet cung cấp một nguồn tài nguyên khổng lồ, nơi bất kỳ ai, nếu đủ quyết tâm đều có thể học nghe – nói tiếng Anh đều có thể thành công…
Cần làm tốt hơn nữa
Đầu tiên, quan trọng nhất, chúng ta cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Dù nói gì chăng nữa, họ cũng là đầu tàu, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc nâng cao và chuẩn hóa việc đào tạo ngoại ngữ hiện nay. Chúng ta cần xây dựng một chương trình hành động để thực hiện hai nhiệm vụ tôi cho là rất quan trọng: đảm bảo chất lượng ngoại ngữ của giáo viên đầu vào và nâng cao chất lượng ngoại ngữ của giáo viên hiện tại.
Hai nhiệm vụ này cần sự phối hợp của các cơ sở đào tạo công lập và tư nhân, cần nhiều thời gian và quan trọng hơn hết là một kế hoạch cụ thể, chi tiết.
Thứ hai, chúng ta cần thay đổi cách đánh giá, từng bước đánh giá toàn diện 4 khả năng nghe – nói - đọc – viết tiếng Anh thay vì chỉ đánh giá khả năng đọc – viết như hiện nay. Khi hệ thống đánh giá thay đổi, bản thân giáo viên và học sinh cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp với hệ thống. Mục tiêu học tập của học sinh sẽ chuyển dần từ học ngữ pháp sang học giao tiếp.
Thứ 3, quan trọng không kém, là một chiến dịch Marketing rộng khắp trên phạm vi cả nước. Chúng ta có thể phát động các phong trào hùng biện tiếng Anh trong khối giáo viên; các chương trình “test your teacher”, trao quyền cho các học sinh trong việc đánh giá khả năng phát âm của giáo viên; hay làm các chương trình quảng cáo nhằm thay đổi nhận thức của người Việt về việc học ngoại ngữ giao tiếp.
Cuối cùng, tạo một môi trường tiếng Anh để mọi sinh viên có thể luyện tập ngay trong các trường Đại học. Bộ có thể phát triển hơn nữa, mở rộng hơn nữa các chương trình như chương trình tiên tiến, chất lượng cao đang áp dụng hiện nay ở một số cơ sở Đại học.
Làm được như vậy, tôi tin rằng hệ thống giáo dục ngoại ngữ của ta sẽ thay đổi và bắt kịp các nước tiên tiến không xa. Và đến lúc đó, sẽ không còn chuyện bàn với nhau làm thế nào để tuyển dụng được người giỏi ngoại ngữ vào làm việc…
- Nguyễn Xuân Quang (GV Đại học Ngoại thương)