-Nhà sản xuất và các BLV cũng đã có lần giải trình, thanh minh với khán giả. Tôi nghĩ rằng nếu các BLV dám đối mặt với sự thật để rồi bình tâm và cầu thị để nhận ra những thiếu sót của bản thân và sửa đổi cho tốt hơn thì vấn đề sẽ không còn trầm trọng nữa.
Vòng chung kết World cup 2014 đang dần đi đến hồi kết với những trận cầu kịch tính, hấp dẫn trên đất Brazil. Cùng lúc này, ở Việt Nam cũng đang diễn ra một “trận đấu” không kém phần hấp dẫn. Đó là trận giữa một bên là “đội” tuyển mang tên bình luận viên của Đài truyền hình quốc gia và bên còn lại, là toàn thể khán giả. Nhìn chung diễn biến “trận đấu” đến thời điểm này cho thấy ưu thế đang nghiêng về phía “đội” khán giả xem truyền hình, dù rằng đội BLV được “đá” trên “sân nhà” và kiểm soát bóng bằng... miệng nhiều hơn.
Không biết tiết chế cảm xúc
Công tâm mà nói, các BLV hiện tại có điểm mạnh là sự trẻ trung năng động, sự tận tâm, lòng nhiệt tình trong việc cố gắng phục vụ khán giả rất đáng trân trọng. Tuy vậy, nói theo ngôn ngữ bóng đá, theo tôi các BLV hiện nay còn rất “non kinh nghiệm trận mạc” nên thời gian qua ít nhiều bị khán giả xem truyền hình phản ứng. Thực ra đây là chuyện vốn đã có nhiều người lên tiếng rồi nhưng đáng tiếc là có vẻ như với tâm lý “anh cả”, sự độc quyền (ở những giải bóng đá quan trọng) nên các BLV nhà đài vẫn “ngồi xổm lên dư luận”.
Nếu cho rằng, các BLV còn nhiều hạn chế trong khi bình luận bóng đá thì theo tôi có thể khái quát thành 03 vấn đề căn bản, nổi cộm dưới đây:
1-Khoe kiến thức dẫn đến nói lan man, nói dài, nói dai..
Đây là hạn chế thường gặp và dễ thấy nhất ở các BLV hiện nay. Nhìn chung, các BLV vướng phải lỗi này nhiều nhất là lúc trận đấu đang diễn ra. Thật ra, với một BLV bóng đá chuyên nghiệp thì việc nhớ nhiều những sự kiện bóng đá đã từng xảy ra trong quá khứ, những chuyện bên lề liên quan đến một cầu thủ hay huấn luyện viên nào đó... là rất quan trọng và cần thiết. Bởi những kiến thức này sẽ hỗ trợ tích cực cho các BLV trong việc liên hệ, xâu chuỗi những sự việc có liên quan nhằm làm sáng tỏ hơn cho một nhận định, một đánh giá, một phán đoán nào đó trong quá trình bình luận.
Thời gian diễn ra WC cũng là lúc "nổ" ra trận chiến giữa các BLV bóng đá và người hâm mộ |
Những kiến thức này nếu được sử dụng đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm và có chừng mực sẽ mang lại hiệu quả tốt trong việc dẫn dắt khán giả thâm nhập vào câu chuyện mà BLV muốn đề cập trong khi bình luận. Khi ấy, khán giả xem truyền hình không những cảm thấy thỏa mãn, thích thú về những lời bình luận hay, sắc sảo, có ý nghĩa mà còn có thể bổ sung phần nào đó những kiến thức bóng đá mà bản thân họ còn khiếm khuyết.
Không riêng gì ở World cup lần này, mà ở hầu hết các giải bóng đá khác (cả trong nước lẫn thế giới), nhìn chung các BLV trong khi bình luận thường không biết tiết chế cảm xúc, không có được sự nhạy bén trong vấn đề nắm bắt tâm lý khán giả nên thường hay xa rời diễn biến cụ thể của trận đấu, để theo đuổi những vấn đề bên lề nhiều khi rất... tào lao vì không ăn nhập gì.
Họ quên rằng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay việc tìm hiểu những vấn đề này không khó (nhất là những khán giả có niềm đam mê mãnh liệt với quả bóng, sự hiểu biết của họ có khi còn sâu sắc hơn cả các BLV). Hậu quả là việc bình luận của các BLV theo cảm nhận của cá nhân tôi và nhiều khán giả xem truyền hình khác là dông dài, lan man, thiên về khoe kiến thức, khoe sự nhớ dai, khoe chữ nghĩa hơn là tạo sự đồng cảm nơi người nghe.
2-Thiên vị, thiếu khách quan
Thường xuyên xem bóng đá trên VTV, tôi cho rằng đây là một hạn chế - một điểm yếu chết người của BLV so với các BLV ở các đài truyền hình khác trên cả nước. Vấn đề này diễn ra ở mọi giải đấu mà của các BLV tham gia tường thuật. Với các giải trong nước, có lẽ do các BLV hầu hết là người miền Bắc nên trong khi bình luận họ thường dành những sự “ưu ái” nhất định cho các đội bóng phía Bắc. Điều này thật sự gây khó chịu cho người hâm mộ các đội bóng ở những vùng miền khác.
Với các giải bóng đá quốc tế, các BLV thường có những nhận định thiên vị cho những cầu thủ mà họ thần tượng, đội bóng mà họ hâm mộ.
Thật ra mà nói, suy cho cùng các BLV cũng là những con người, cũng là những fan hâm mộ bóng đá bình thường như bao nhiêu người khác. Tuy nhiên, vấn đề là các bình luận VTV hình như quên rằng họ đang xem bóng đá với tư cách của một chuyên gia phân tích cái hay, dở, độc đáo của một trận đấu chứ không phải là người xem bóng đá thuần túy như bao nhiêu khán giả khác. Họ quên mình đang là cầu nối nhằm giúp khán giả bắt nhịp, hòa nhập vào từng phá bóng hay, từng bàn thắng đẹp,...
Bất kỳ một khán giả bình thường nào khi xem bóng đá cũng bộc lộ thái độ, tình cảm, cảm xúc thiên vị đối với đội bóng mà họ yêu thích, nhưng đã là BLV thì nhất định phải hết sức kiềm chế và kiểm soát vấn đề này; không để nó bật ra thành lời nói, thành những nhận định thiên vị, thiếu khách quan. Vì lẽ, với người xem truyền hình mỗi lời nói của các BLV lúc này sẽ tác động rất mạnh mẽ đến tình cảm và thái độ của họ. Mà người xem truyền hình thì đông, chín người mười ý vì thế, nếu BLV không giữ thái độ khách quan chắc chắn họ sẽ bị khán giả tẩy chay dù không bao giờ nói ra.
3-Bình luận kiểu... ba phải
Biểu hiện của vấn đề này là các BLV luôn miệng ca ngợi, đưa lên tận mây xanh một một cầu thủ, một huấn luyện viên nào đó khi đội bóng của họ ghi được bàn thắng vào lưới đối phương theo kiểu “tôi thắng tôi có quyền... nổ” dù rằng trước đó không lâu cũng chính các BLV chứ không phải ai khác đã không ngần ngại đưa ra những nhận định mang tính phê phán, chỉ trích lối chơi của đội bóng ấy. Cứ như vậy, khi đội nào ghi được bàn thắng là y như lời lẽ của các BLV thay đổi 180 độ so với trước đó làm cho người nghe rất khó chịu.
Bình luận kiểu ba phải có nguyên nhân từ việc lơ là, thiếu tập trung, không có sự nhạy bén trong theo dõi nắm bắt toàn diện diễn biến.
Ngoài ra, khi gặp trận cầu có chất lượng chuyên môn thấp, không khí kém sôi động nên các BLV muốn “lên gân, lên cốt” sau mỗi bàn thắng hay những pha bóng đẹp hiếm hoi nên đã không kiểm soát được lời lẽ của mình dẫn đến sự quá đà.
Thay lời kết
Có thể các BLV cảm thấy buồn lòng về những điều tôi vừa nói ở trên. Nhưng biết sao được nếu tôi không nói ra thì sẽ là không công bằng với hàng triệu người hâm mộ cả nước hàng đêm bị các BLV “tra tấn” khi ngồi xem các trận cầu đỉnh cao trên đất Brazil.
Nhà sản xuất và các BLV cũng đã có lần giải trình, thanh minh với khán giả xem truyền hình rồi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu các BLV dám đối mặt với những sự thật; bình tâm và cầu thị để nhận ra những thiếu sót của bản thân và sửa đổi cho tốt hơn thì vấn đề sẽ không còn trầm trọng nữa.
Cuối cùng, trước khi bình luận bất kỳ một trận đấu bóng đá nào xin các BLV nhớ thêm một điều: Mấy mươi triệu khán giả trên khắp cả nước phải bỏ tiền ra mới được ngồi trước màn hình ti vi xem các anh tường thuật bóng đá.
Tuy trên thực tế không có một văn bản thỏa thuận cụ thể nào nhưng về nguyên tắc khi người dân bỏ tiền ra để mua sóng xem bóng đá thì VTV phải có nghĩa vụ cung cấp một dịch vụ truyền hình tốt nhất cho họ, trong đó dĩ nhiên bao gồm cả đội ngũ các BLV chuyên nghiệp và chất lượng – những BLV không nên làm khán giả cảm thấy khó chịu vì những câu nói làm “lùng bùng cái lỗ tai” trong khi thưởng thức những trận cầu đỉnh cao.
- Nguyễn Trọng Bình (GV ĐH Cửu Long- tỉnh Vĩnh Long)
*Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của tác giả