Con trai của kỹ sư vô tuyến điện đầu tiên trên đảo Hoàng Sa - năm 1938 đã viết một bức thư xúc động gửi đến Ban Biên giới. Kèm theo bức thư này, ông cũng gửi kèm những hiện vật liên quan đến người cha quá cố đã có thời gian làm việc tại đảo Hoàng Sa.

Ông là Ngô Thế Thịnh, nhà địa lý học, quê Đáp Cầu, Bắc Ninh. Người cha quá cố của ông, cụ Ngô Thế Duông là kỹ sư vô tuyến điện từ thời Pháp, người đầu tiên xây dựng và quản lý đài vô tuyến điện ở quần đảo Hoàng Sa năm 1938.

Trong bức thư gửi về Ban Biên giới, ông Thịnh bày tỏ nguyện vọng của ông và gia đình muốn gửi tặng Ban Biên giới những tư liệu có liên quan đến thời gian cha ông làm việc, sinh sống trên đảo Hoàng Sa, như một minh chứng sinh động nhất thể hiện việc quản lý của chính quyền Pháp tại Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc.

Điều đó nói lên rằng, trong cả một quá trình lịch sử, Hoàng Sa luôn là chủ quyền của Việt Nam, kể cả thời Pháp thuộc.

{keywords}

Hình ảnh trưng bày tại triển lãm tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa tại TP Quảng Ngãi sáng 01/7. Ảnh: Kiên Trung

"Sau khi cha tôi qua đời năm 1969, tôi đã là người bảo tồn, quản lý, chỉnh lý... những tài liệu và hiện vật đó.

Nay tôi xin trao tặng lại một phần cho Ban Biên giới của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam..

Tôi mong rằng, những kỷ vật và tài liệu "sống" của gia đình chúng tôi sẽ là những tài sản lưu trữ quốc gia vô giá" - bức thư ông Thịnh viết.

Là con trai cả của cụ Duông, ông Thịnh là nhà địa lý học, đã từng giảng dạy các môn Sử, Địa... ở nhiều trường Trung học và Đại học (6 trường Trung học và 06 trường Đại học - nội dung bức thư).

"Tôi đã có ý thức cao nhất để giữ gìn những tài liệu và kỷ vật do cha tôi để lại" - ông Thịnh viết.

{keywords}

Bức ảnh gia đình cụ Ngô Thế Duông được trưng bày kèm theo trong nhóm các tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa trước năm 1975. Ảnh: Kiên Trung

Kỹ sư vô tuyến điện đầu tiên trên đảo Hoàng Sa

Ông Ngô Thế Duông, sinh ngày 10/02/1910 tại Đáp Cầu, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, TP. Bắc Ninh) trong một gia đình nhà nho nghèo.

Với ý thức và ý chí vươn lên, ngay từ nhỏ, ông Duông đã phấn đấu hết sức để học tập. Sau 14 năm dùi mài đèn sách, cụ đã đỗ Diplome và bằng kỹ thuật vô tuyến điện.

Chính quyền Pháp thời kỳ đó đã bổ nhiệm ông Duông vào làm ở Sở Vô tuyến điện Đông Dương. Vừa học vừa làm, ông Duông vẫn tiếp tục trau dồi thêm nghiệp vụ của mình, đến mức, thời điểm đó, nhiều chuyên gia Pháp cũng không theo kịp.

Bức thư trên hai trang giấy của ông Thịnh viết về cha mình với những từ ngữ trân trọng, xúc động đã tóm lược toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của ông Duông.

Người con cho hay, cùng thời với cha mình có những tên tuổi, sau này đều là những bậc lão thành của phong trào kháng chiến chống Pháp đòi độc lập, tự do dân tộc.

{keywords}

Bức thư viết tay của ông Ngô Thế Thịnh gửi Ban Biên giới viết về người cha của mình - kỹ sư vô tuyến điện đã xây dựng và điều hành hệ thống vô tuyến điện đầu tiên trên đảo Hoàng Sa từ năm 1938. Ảnh: Kiên Trung

Trước Cách mạng Tháng Tám, người Pháp chỉ tín nhiệm cha tôi, người Việt Nam duy nhất đi đặt đài thu phát vô tuyến điện và kiểm tra trên toàn cõi Đông Dương (Việt - Miên - Lào).

Năm 1938, cha tôi ra đặt đài thu phát vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa.

Năm 1939, cha tôi làm Trưởng đài vô tuyến điện ở Kinh đô nước Lào (LuongPraBang). Thời kỳ này, tôi và mẹ được đi theo.

Năm 1941 - 42, cha tôi đã đi kiểm tra đài vô tuyến điện ở Quảng Châu Loan (Trung Quốc). Lúc ấy gọi là Fort Bayand.

Năm 1942 - 43, cha tôi được người Pháp bổ nhiệm Phó kỹ sư vô tuyến điện sau khi đỗ xuất sắc kỳ thi cao nhất lúc bấy giờ về vô tuyến điện ở Đông Dương.

Ngày 16/4/1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra QĐ 11 cử cha tôi làm Q.GĐ Sở Vô tuyến điện Việt Nam.

Năm 1946, cha tôi đã chuẩn bị đài thu phát và thiết bị vô tuyến điện cho cụ Nguyễn Văn Tình (sau này là Tổng Cục phó Tổng cục Bưu điện) và ông Nguyễn Đoàn; lắp hệ thống thông tin liên lạc cho Hội nghị Đà Lạt mà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng đoàn. Máy này mang ký hiệu MK2.

Sau đó, năm 1946, cha tôi được chọn để lắp đài thu phát vô tuyến điện tại hội nghị Fontainer Bleau bên Pháp mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn và Chủ tịch Hồ Chí Minh là thượng khách.

Sau gian đoạn 19/12/1946, cha tôi là chủ nhiệm vô tuyến điện, quân sư bên cạnh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thụ.

Cha tôi mất năm 1969 ở Tổng cục Bưu điện Việt Nam" - nội dung bức thư ông Thịnh viết.

Là người cẩn thận, trong bức thư viết tay của ông Thịnh, ông cũng giải thích ở cuối thư: Để đảm bảo tính lịch sử và chính xác, các tài liệu sau đây tôi đều viết tay và đều ký tên.

Bức thư tay của ông Thịnh đã được đưa vào trưng bày trong trong tủ kính, ở khu vực "Tư liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trước năm 1975".

Những chuyên gia trong Hội đồng nghiên cứu, thẩm định các tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa cho biết, sau mỗi cuộc triển lãm được Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức tại các địa phương, người dân đến xem triển lãm đã cung cấp thêm rất nhiều chứng cứ, tài liệu cho Ban tổ chức.

"Điều đó nói lên rằng, chứng cứ lịch sử và pháp lý đối với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta rất nhiều. Ngoài hệ thống những tư liệu được quốc gia lưu trữ, có rất nhiều tài liệu, chứng cứ lịch sử được người dân bảo quản" - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, chủ tịch Hội đồng thẩm định cho biết.

Trước đó, sau khi triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày tại TP.HCM, Ban tổ chức đã tiếp nhận một bản Giấy chứng sinh do một người dân cung cấp.

Giấy chứng sinh cho biết, một công dân được sinh ra tại đảo Hoàng Sa và được chính quyền trên đảo Hoàng Sa thời ký đó ký xác nhận.

Giấy chứng sinh này cũng đã được trưng bày trong các cuộc triển lãm về tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Kiên Trung