Chuyện Apple, Samsung tự tạo ra sản phẩm riêng để thoát khỏi sự lệ thuộc vào cái bóng Google gợi mở cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam suy nghĩ đến hướng tự tạo ra sản phẩm, những thương hiệu mới trong và ngoài nước, vượt khỏi cái bóng những người khổng lồ.

>>Bài 1: Nếu chỉ gia công, VN có thể hóa Rồng?

Dưới cái bóng

Những tín đồ của Apple hoặc ai đó ít nhiều quan tâm theo dõi lĩnh vực này hẳn biết Apple đang xây dựng  chiến lược không muốn phụ thuộc nhiều vào một số dịch vụ của Google.

Một trong những động thái của tập đoàn này muốn thoát khỏi dịch vụ quan trọng nhất của Google là tìm kiếm thông tin (Google search) bằng cách sử dụng dịch vụ tìm kiếm của Bing – một phần mềm của hãng Microsoft.  Theo đó, nNgười sử dụng hệ điều hành của apple thay vì phải mất một thao tác vào google để tìm kiếm thì có thể tìm kiếm trực tiếp trên thanh công cụ của apple cài trên máy.

Tương tự tập đoàn Samsung từ xứ sở kim chi cũng muốn đi ra khỏi cái bóng  của đế chế khổng lồ Google bằng cách đang tự nghiên cứu ra hệ điều hành mới trên điện thoại di động thay cho hệ điều hành Android của Google mà Samsung đang sử dụng hiện nay.

Muốn ra khỏi sự phụ thuộc vào người anh lớn Google Map, Apple cũng đang nghiên cứu cho ra sản phẩm Apple Map cho riêng táo khuyết.

{keywords}
Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp gỡ với các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của Mỹ. Ảnh: NYT

Rất nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, các ý tưởng cải tiến đó cho thấy các tập đoàn công nghệ thông tin trên thế giới đang đi theo xu thế không muốn lệ thuộc, bị chi phối nhiều bởi bất cứ một đế chế nào, cho dù nó lớn mạnh đến đâu. Và quan trọng nhất là họ tự tin để tạo ra những sản phẩm riêng biệt cạnh tranh với những người  khổng lồ.

Nhìn lại một chặng đường phát triển của các tập đoàn công nghệ thông tin, viễn thông trên thế giới sẽ thấy điều đó.

Khoảng hơn chục năm trở về trước, Yahoo xuất hiện như một kiều nữ đầy quyến rũ khiến cho thế giới si mê khám phá từ hệ thống email yahoo cho đến phần mềm chat yahoo messenger là những công cụ hữu ích phục vụ cho công việc, đi vào đời sống của không biết bao người.

Nhưng chỉ vài năm sau đó, Yahoo gần như nhạt nhòa dần và cho đến bây giờ đã lùi vào quá khứ, nhường chân cho một “chính khách” sang trọng và đẳng cấp hơn là Google. Địa chỉ email họ trao đổi với nhau là gmail, họ trò chuyện với nhau ngay trong hộp thư bằng hệ thống chat của gmail, người bạn mà họ luôn nhớ đến khi tìm kiếm bất cứ thông tin gì trên Internet là Google search. Đặc biệt, tấm bản đồ thế giới khổng lồ (Google Map) vô cùng hữu hiệu về vị trí địa lí cho con người, giúp tiết kiệm được tối đa thời gian, công sức và tiền bạc.

Bởi thế mà gần như cả thế giới mải mê đắm chìm với những dịch vụ tiện ích, thông minh mà Google luôn sáng tạo và cập nhật liên tục cho người tiêu dùng. Google đã chiếm một vị trí quá lớn trong đời sống thông tin hàng ngày của công chúng, công cụ đắc lực phục vụ cho công việc của con người như một phần không thể thiếu vắng đối với nhiều ngành nghề. Nhiều người biết rằng sản phẩm mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho Google hiện nay là công cụ tìm kiếm thông tin.

Nhưng biết đâu trong tương lai, một sản phẩm tuyệt vời khác sẽ tiếp tục thay thế Google?!

Sự cạnh tranh khốc liệt  của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhỏ trên thế giới, những ngai vàng cũ sụp đổ, những đế chế mới nhanh chóng bước lên, là những bài học để Việt Nam suy ngẫm và hoàn toàn có thể nghĩ đến khả năng sáng tạo ra các sản phẩm đáp ứng khe hở của thị trường trong nước và thế giới, từ đó tạo ra những tên tuổi mới của công nghệ thông tin và truyền thông thế giới từ Việt Nam.

Chỉ cần 1 đường truyền tốt

Mới đây, dư luận quan tâm đến cuốn sách vừa phát hành, “Quốc gia khởi nghiệp”, viết về đất nước Israel dù là một đất nước nhỏ nhưng với sự cần cù, ham học hỏi, đứng trên vai người khác và sáng tạo, đã sản xuất được những sản phẩm độc đáo cung cấp cho thế giới. Hay Samsung chưa phải là một tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc nhưng cũng tự tin tạo ra những dòng sản phẩm cạnh tranh với Iphone của Apple như dòng smartphone.

{keywords}

Xét về hiệu quả, Công nghệ thông tin là ngành có hệ số sinh lời trên tổng tài sản cao nhất ở Việt Nam

Bài học từ những người đi trước cho thấy, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ Việt Nam thay vì phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc …hiện nay có thể tự tin nghĩ đến việc thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo  ra những sản phẩm của riêng mình cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới.

Bởi theo báo cáo số liệu của công ty cổ phần báo cáo đánh giá Vietnam Report, nếu tính hệ số sinh lời ROA và ROE trung bình ngành - hệ số dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động ngành, thì Công nghệ thông tin là ngành có cả 2 hệ số ROA và ROE trung bình năm 2012 đều ở vị trí dẫn đầu đồng nghĩa với mỗi đồng tài sản hay vốn chủ sở hữu của các DN lĩnh vực này sinh được nhiều lời hơn so với các ngành còn lại.

Như vậy, xét về hiệu quả, công nghệ thông tin là ngành có hệ số sinh lời trên tổng tài sản cao nhất. Do đó, lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Điểm sáng đó cho thấy thị trường CNTT đang có đà để tạo đột phá đóng góp vào sự phát triển kinh tế cho Việt Nam. Xu hướng chuyển dịch sang các ứng dụng Mobile đang là hướng đi mở cho ngành CNTT. Điển hình là câu chuyện của Nguyễn Hà Đông cho thấy, để làm điều đó, không cần đòi hỏi quá cao về mặt công nghệ và nguồn lực thực hiện.

Thủ tướng chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam và Quy hoạch tổng thế phát triển ngành công nghiệp đến năm 2025, trong đó hai ngành điện tử, CNTT sẽ được xây dựng trở thành những ngành công nghiệp chủ lực, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.

Trong rất nhiều bài nói chuyện của mình với các DN và các bạn trẻ, TS Alan Phan luôn nhắc lại nhiều lần rằng chỉ có 2 ngành mới đích thực là tương lai kinh tế Việt Nam là Công nghệ thông tin và Nông nghiệp.

Bởi thứ nhất, ngành IT rất cần chất xám và sự sáng tạo, năng động, cần những đầu óc trẻ thì với dân số trẻ ở Việt Nam, đó là một nguồn tài nguyên dồi dào. Thứ hai, việc học IT không tuỳ thuộc lắm vào từ chương sách vở mà phụ thuộc rất lớn vào sự khám phá, sáng tạo của bản thân từng cá nhân. Người học ngành này, ngay cả khi phải ôm đồm những môn học không liên quan, nhưng khi đã nắm được kiến thức cơ bản rồi, vẫn có thể tự tìm tòi được.

Và ông tin tưởng rằng người Việt Nam có đủ kỹ năng và trí tuệ để cạnh tranh với thế giới về Công nghệ thông tin: “Nếu chúng ta có định hướng cho lớp trẻ sử dụng trí tuệ của mình. Đó là một hướng đi tốt cho tương lai của kinh tế đất nước. Thêm nữa, IT đâu cần đường sắt cao tốc, đâu cần nhà máy điện nguyên tử, nó chỉ cần một đường truyền thật là tốt là có thể kết nối với cả thế giới”.

Bài 3:  TGĐ CMC: "Điều kiện để gia nhập nền kinh tế tri thức"

Lan Anh