Một loạt các phát ngôn tuần qua của giới chức Washington cho thấy dường như Mỹ đã không thể tiếp tục kiên nhẫn trước những hành vi khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, một số quan chức và học giả Mỹ kêu gọi Washington điều chỉnh chiến lược ngoại giao và mạnh tay hơn đối với Bắc Kinh.

“Sự xâm lược trắng trợn và tham lam”

Nếu ai quan sát các hội thảo thường niên về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), một think-tank hàng đầu về đối ngoại của Mỹ tổ chức suốt 4 năm qua sẽ nhận ra một ngữ  hoàn toàn khác ở cuộc hội thảo lần này. Khác với sự mềm mỏng trước đây, bầu không khí căng thẳng và tông giọng cứng rắn đã được xác lập ngay từ bài phát biểu mở đầu hội thảo của ông Mike Rogers, Chủ tịch Tiểu ban Thông tin Tình báo của Hạ viện Mỹ. Trước sự có mặt của các đại biểu đến từ Trung Quốc, ông này đã không ngần ngại mô tả các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua là “sự xâm lược trắng trợn và tham lam” (nguyên văn: “glutonous, naked aggression”). Có lẽ cũng hiếm có khi nào một quan chức Mỹ lại chỉ trích Bắc Kinh với những lời lẽ thẳng thừng và quyết liệt đến vậy.

Nghị sĩ Đảng Cộng hoà cũng thẳng thắn phê phán Mỹ lâu nay đã quá mềm mỏng đối với Trung Quốc. “Xét từ khía cạnh ngoại giao, chúng ta đã bỏ qua quá nhiều điều cho Trung Quốc mà vốn chúng ta sẽ không bỏ qua cho bất kỳ nước nào khác”.

Ông Rogers kêu gọi chính quyền Mỹ cần “trực tiếp hơn và cứng rắn hơn” với Trung Quốc, hỗ trợ các đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm “đẩy lùi” Trung Quốc, cho nước này thấy rằng họ không phải là quốc gia “bá chủ và duy nhất” ở Biển Đông. Vị nghị sĩ này cũng khẳng định Mỹ không thể để tình hình ở biển Đông xấu thêm bởi đó là lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Thông điệp cứng rắn của người đứng đầu Uỷ ban Tình báo Hạ viện đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều học giả hang đầu tham dự hội thảo. TS Patrick Cronin, giám đốc cao cấp của chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới (CNAS) cũng kêu gọi Washington có chính sách ngoại giao mạnh tay hơn đối với Bắc Kinh. Ông này cho rằng Mỹ đang bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc xem xét các chiến lược trừng phạt Trung Quốc nhằm đẩy lùi chiến lược “cưỡng ép có chọn lọc” của nước này trên Biển Đông. “Chúng ta cần cho lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng các thay đổi đơn phương và sử dụng vũ lực là không thể chấp nhận” - ông này nói.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ông Dương Khiết Trì, ủy viên quốc vụ viện TQ tại Bắc Kinh. Ảnh: Nytimes

Những lời kêu gọi xem xét lại chiến lược ngoại giao của Mỹ với Bắc Kinh cho thấy Mỹ đã mất kiên nhẫn đối với Trung Quốc và ngày càng có giọng điệu cứng rắn hơn trong những tháng gần đây. Ngày 10/7, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết mang mã số S.RES.412 về biển Đông yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng trước ngày 1-5-2014. Trước đó, tờ Financial Times trích lời một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm góc đang cân nhắc các chiến thuật quân sự mới để ứng phó hiệu quả hơn đối với chiến lược “cây gậy nhỏ” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Khoảng cách từ lời lẽ cứng rắn đến hành động thực tế

Mặc dù ngày càng có nhiều quan chức và học giả Mỹ kêu gọi Mỹ mạnh tay hơn đối với các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, giới quan sát quốc tế vẫn hoài nghi về khả năng Mỹ sẽ thực sự hành động thay vì chỉ nói cứng như lâu nay.

Mối nghi ngờ này là có cơ sở khi xét về cục diện quốc tế hiện tại. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng nổi dậy ở Iraq, tình hình bất ổn ngày càng gia tăng ở Ukraine buộc Mỹ dù miễn cưỡng vẫn phải căng sức lo cho an ninh ở Trung Đông và châu Âu. Khó có khả năng Mỹ triển khai thêm lực lượng tới Biển Đông trong bối cảnh này.

Quan trọng hơn, Mỹ đứng trước tình thế lưỡng nan tại Biển Đông. Một mặt, Mỹ muốn duy trì nguyên tắc trung lập, không đứng về bên nào bởi họ e ngại phải trả giá đắt nếu can dự trực tiếp vào các tranh chấp chủ quyền hay biến Biển Đông thành vấn đề chính trong quan hệ Mỹ - Trung. Mặt khác, nếu Washington không hành động để kiềm chế sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, uy tín, ảnh hưởng và vị thế lãnh đạo của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị xói mòn nghiêm trọng. Giải quyết mối mâu thuẫn giữa duy trì nguyên tắc trung lập và can dự tích cực hơn vào các nỗ lực kiểm soát căng thẳng trong tranh chấp đang là bài toán đau đầu của Washington khi mà Trung Quốc không ngừng leo thang khiêu khích.

Thế lưỡng nan này thể hiện rõ ngay ở kết quả cuộc mô phỏng phản ứng của Mỹ đối với một cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở Trường Sa, được tổ chức tại hội thảo Biển Đông. Trong một kịch bản giả tưởng, các tàu hải giám Trung Quốc bao vây tàu Philippines để trả đũa cho một vụ bắt giữ ngư dân nước này. Các học giả đóng vai Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia. Những nhân vật này bàn thảo suốt một giờ đồng hồ về các giải pháp để trình lên Tổng thống. Kết quả cuối cùng: họ đề xuất sử dụng ngoại giao hậu trường – thông báo cho Bắc Kinh trong cuộc họp kín rằng Mỹ sẽ sử dụng lực lượng để hỗ trợ đồng minh. Không ít cử toạ nghi ngờ động thái này có thể có tác dụng răn đe hiệu quả đối với Bắc Kinh.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định về một bước chuyển hướng quyết liệt của Washington trong cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Song các chiến lược gia Hoa Kỳ đang ngày càng nhận thức rõ ràng về mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cũng ý thức được rằng nếu Mỹ chỉ nói mà không làm thì cái gọi là “chiến lược tái cân bằng” hay “xoay trục” về châu Á mà Mỹ ra sức quảng bá lâu nay sẽ chỉ biến thành trò đùa. Ngày càng có nhiều tiếng nói, đặc biệt trong Quốc hội Mỹ kêu gọi đã đến lúc chính quyền Mỹ cần đưa ra một kế hoạch rõ ràng, xác đáng để xác lập vị trí lãnh đạo của Mỹ tại khu vực đang rơi vào bước ngoặt đầy nguy hiểm.

Nói như cây bút bình luận của Bloomberg, William Pesek, sự hung hăng của Trung Quốc đã trao cho Obama một cơ hội thứ hai và lịch sử sẽ chỉ trích ông nếu không nỗ lực hơn nữa để tăng cường ảnh hưởng đối với châu Á.

Về phần mình, không một nước nào trong khu vực muốn thấy mình bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai ông lớn Mỹ - Trung. Bài học lịch sử đã quá thấm thía cho những nước nhỏ khi phải lựa chọn đi với bên này hay bên kia. Điều họ mong muốn từ Mỹ là một cam kết đối với sự phát triển và thịnh vượng lâu dài của châu Á và một cân bằng lực lượng tốt hơn để kiềm chế những hành vi gây bất ổn của Trung Quốc.