Thời buổi này, kiếm cho ra một người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" coi bộ khó. Sân khấu mới đây còn có ông Văn Hiệp chịu khó thể hiện cái vai vác tù và ấy, ông diễn đạt hết sức thiệt thà cái mối quan hệ con người trong làng trong xóm của một thời đối xử với nhau chân thật, không hoạnh họe ai, chẳng bao che ai... Nay, Văn Hiệp, người được truy tặng danh hiệu "nghệ sĩ ưu tú" đã mang vai vác tù và xuống huyệt mộ.
Một thời sống vô tư vì mọi người hình như đã bị xã hội ngày nay xóa sổ. Tiếc thật!
Cũng chưa xa xôi gì lắm, cái từ "đồng chí" còn rổn rảng trong các buổi họp công ty, cơ quan, những người có khi cùng chiến hào, nhưng khác ý kiến vẫn còn có thể gọi nhau bằng "đồng chí", nay đi vào dĩ vãng lúc nào chẳng hay. Nhanh thật!
Không biết các nhà nghiên cứu văn hóa học có định vị được cách xưng hô trong các công sở hiện nay có tự lúc nào, chú chú cháu cháu, cô cô cháu cháu, anh anh em em như ruột rà thân thuộc lắm. Chỉ biết đám dân dã kháo nhau rằng thì bạn bè quan hệ chiến đấu lâu năm, bà này nhờ ông kia giúp đưa thằng con vào biên chế, ông nọ gọi bà kia kéo đứa con gái vào cho nó cái chân công việc... Máu mủ ruột rà đến thế... không chú-cháu, cô-cháu thì kêu làm sao đây?
Ngày xưa, ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu, hạt gạo cắn làm đôi còn chia nhau được, nay có thằng con mới ra trường, không lẽ không giúp? Thế mới có chuyện vì quá hăng say giúp nhau nên quên soát xét biên chế. Ở một phường thuộc tỉnh Quảng Ninh có đến 475 "cán bộ" đều nhận lương ngân sách đàng hoàng. Sau khi báo chí phát hiện, tỉnh tìm ra thêm nhiều nơi còn hơn thế, như ở thị trấn Mạo Khê, phải sử dụng 633 vị công bộc bán chuyên trách, công việc nhiều và căng nhưng ăn lương chỉ như anh vác tù và, chừng vai ba trăm ngàn đồng mỗi tháng! Đùng một cái, khi soát lại sổ sách, hàng năm phường kia phải trích 2 tỉ, thị trấn nọ phải bỏ ra trên 5 tỉ đồng từ ngân sách do dân đóng góp để trả lương cho ngần ấy công chức. Còn chi để được phong tặng danh hiệu "vác tù và" vô tư của một thời, đúng không?
Vừa qua, anh bạn tôi có chuyến công tác mở rộng thị trường tại một tỉnh được cho là phát triển và sinh động của một vùng. Để chuẩn bị cho chuyến đi, anh thường phải điện thoại trước đến nhiều cơ quan để xin cuộc hẹn. Do mất một số điện thoại của các vị giám đốc, anh phải thông qua các phòng ban... nhưng không ít nơi lại chuyển cuộc gọi sang bộ phận bảo vệ! Anh đã năn nỉ bảo vệ của một công ty cổ phần cho số điện thoại của giám đốc hay chí ít của bộ phận kinh doanh, nhưng bị chối quanh: "Bác ấy và bộ phận kinh doanh đều đi vắng hết rồi anh ạ!".
Ảnh minh họa |
Thế đấy, ngay cái chân bảo vệ, bác giám đốc không muốn nhường cho ai, chỉ để cho bà con xa gần của mình hay của vợ mình. Nói cả công sở thương nhau hay "cả nhà thương nhau", tìm thử có chỗ nào khác?
Có nhiều cơ quan, công sở đằng sau bức tường ngăn với xã hội, chỉ toàn là người làm ăn với nhau chí cốt.
Thậm chí, vì mối quan hệ thân thiết, chỗ chèn công việc chỉ để cho người thân - nếu không là của mình thì của cánh hẩu mình, người có quan hệ thân thiết với mình - một hệ thống "sở hữu chéo" kín mít, không một khe hở. Làm sao phát hiện? Ghê thật!
Khi kinh tế-xã hội cần phát triển, yêu cầu năng lực cán bộ phải đúng tầm, nhiều cơ quan, đơn vị như mắc bệnh "cận huyết", chỉ biết co lại giữ lấy cái mình đã có và tỏ ra hết sức yếu đuối, sợ sệt trước cái mới.
Không bắt kịp cái mới, không đáp ứng với hiện thực sinh động, con người ta lại dễ bảo thủ, quay về với những ơn nghĩa như ơn nghĩa "sinh thành", "không có tao làm sao có mày".
Thế là nhiều sếp đòi phải trả cái nợ ấy, nợ quan hệ, nợ tình cảm... không so không đếm được như tiền như bạc, nợ mình đối với sếp: vừa là bạn bố mình vừa là ân nhân cấp cho công việc. Không sếp, lấy đâu ra cái ăn, cái chế độ... không hơn cả ơn trời biển là gì?
Nhiều người đồn rằng muốn được vào làm việc ở một số cơ quan phải chi tiền đút lót. Ơn nghĩa trao và nhận của sếp có khác chi... tham nhũng hối lộ. Không phải sao?
Nguyễn Quang Bình (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)