Dự thảo Luật về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang được Bộ y tế lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội. Luật này được dư luận ủng hộ về mục đích, nhưng rất băn khoăn về tính khả thi. Nhất là những điểm nổi bật như sau:
Cấm bán bia rượu từ sau 22h đến 6h sáng hàng ngày.
Chỉ bán cho một người sử dụng tại chỗ không quá 1 đơn vị rượu/h với nam (tức một lon bia 333, hoặc một ly nhỏ 100ml rượu vang 13,5%, 1 tách 30ml rượu mạnh 40% - 43%. Với nữ là nửa lượng này.
Không bán cho phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi.
Thực ra, nội dung dự luật trên chỉ thể hiện lại một phần nhỏ của Quyết định số 244/QĐ-TTg của thủ tướng về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Quyết định ban hành cách đây 5 tháng, nhưng thời điểm đó đã không được dư luận lưu ý.
Nhiều người quan tâm cho rằng các biện pháp cấm của dự luật đều không thể thực hiện được. Ví dụ, làm sao phân biệt phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú (thai kỳ dưới ba tháng hầu như không thể nhận ra do bụng thai phụ chưa nổi to)? Cấm bán sau 22h, vậy mua một thùng bia lúc 21h 59 phút (đã hoàn tất giao dịch trước 22h) rồi cứ thế uống, đâu có vi phạm? Một giờ, một điểm bán chỉ được bán một lon bia cho một khách, vậy mua 10 lon ở 10 quán rồi ngồi uống ở một quán, đâu có vi phạm? Hoặc dễ dàng hơn cả là nhờ người khác mua giùm. Thì sẽ đẻ ra dịch vụ mua giùm rượu bia? Như siêu thị miễn thuế cửa khẩu Mộc Bài quy định một CMND chỉ được mua không quá 500.000 đ/ngày, vậy là trước cửa siêu thị có ngay dịch vụ cho thuê CMND.
Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí |
Quyết định 244 cũng yêu cầu kiểm tra tất cả các khâu từ sản xuất, lưu thông, sử dụng cho đến khi bị tác hại của bia rượu. Ví dụ kiểm soát các lò rượu thủ công, tập huấn cho người bán bia rượu về trách nhiệm trong việc bán bia rượu, nhận biết tuổi, biểu hiện lạm dụng bia rượu, tuyên truyền và kiểm tra giám sát... Thực khó! Những lò "rượu thùng phi" bơm nước lạnh vào thùng phi rồi trộn cồn nguyên chất, rượu thủ công tự nấu hoàn toàn không đảm bảo an toàn thực phẩm... chỉ phổ biến ở nông thôn và miền núi, nhưng với đặc điểm địa bàn rộng, dân cư sống rải rác ở những vùng đó thì lấy đâu cho đủ người để hàng ngày kiểm tra, xử phạt? Với những vi phạm về người uống, người bán cũng vậy, chẳng lẽ phải có người cài cắm khắp các cửa hàng, vũ trường, nhà hàng, quán ăn.. kiểm tra có ai mua nhiều hơn một lon bia/giờ?
Thậm chí Quyết định 244 còn lập ra hẳn một Ban chỉ đạo quốc gia với yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phải tham gia, với rất nhiều quy định hết sức tỉ mỉ và rộng khắp các lĩnh vực. Cấp tỉnh cũng có ban chỉ đạo. Nghĩa là khắp cả nước, từ tổ dân phố trở lên đến hàng loạt bộ trưởng đủ các bộ từ giáo dục đến công an phải xúm quanh mà tuyên truyền, khuyên can, kiểm soát, chữa bệnh cho người uống bia rượu. Trong khi đó, người chịu trách nhiệm cao nhất về sức khỏe của bản thân là người uống bia rượu thì lại hoàn toàn không phải chịu một chế tài nào. Ngoài ra, nếu do bia rượu mà vi phạm pháp luật thì các bộ luật hiện hành đều đã quy định đủ hình phạt. Do đó việc điều động cả một Ban chỉ đạo quốc gia rầm rộ (và dưới đó là hàng chục tỉnh thành) chỉ thêm tốn kém và nặng hình thức mà thôi.
Theo kinh nghiệm các nước đã thực hiện hạn chế bia rượu trước Việt Nam, có lẽ chỉ cần đánh thuế bia rượu thật cao, giá bia rượu thật đắt thì sẽ hạn chế việc say xỉn tràn lan do bia rượu quá rẻ và dễ mua như hiện nay?
Bên cạnh đó là cấp giấy phép đặc biệt cho kinh doanh bia rượu, giao cho người bán kiểm tra độ tuổi mua bia rượu, định chuẩn chất lượng bia rượu sản xuất trong nước, nếu vi phạm sẽ phạt thật nặng và cấm kinh doanh vĩnh viễn là đủ để các lò "rượu thùng phi" đóng cửa, còn quán sá thì không dám vi phạm.
Hoàng Xuân
Bài cùng tác giả:
Vượt suối bằng túi nilon: Sao tôi thấy dửng dưng! Phải chăng một số người trong chúng ta dễ chọn cách thỏa hiệp với hoàn cảnh hơn là thay đổi nó? Hay do còn nhiều nguyên nhân khác? Khánh Ly: Hẹn về nghiêng cánh vui Dù giờ đây cô có hát bằng giọng yếu hơi trên sân khấu thì người nghe vẫn sẽ phơi phới cất lên với cô bằng giọng hát thanh xuân bất tuyệt của họ ở trong lòng. |