-Các em sẽ lớn lên và phải đối mặt với những "đề toán" phức tạp hơn chúng ta đang có rất nhiều. Nếu vẫn tư duy theo cách cũ, như cách thế hệ trước, thì căn cứ trên cái gì để giải những bài toán như vậy?

Một bài toán lớp 2 cho dữ kiện về cừu nhưng lại hỏi tuổi người (thuyền trưởng) [1] từng gây xôn xao trên mạng đã trở lại trong một chương trình truyền hình mà khách mời là "tư lệnh" ngành GD và một giáo sư danh tiếng. Gợi từ một đề toán, buổi thảo luận "Chuyện đương thời" hướng đến một vấn đề thời sự: làm sao tạo lập tư duy độc lập, để "đào tạo những bộ óc chứ không phải đào tạo những bộ sách".

Cũng theo chương trình cho biết, Đài truyền hình VTV đã làm khảo sát nhanh các học sinh lớp 2 và kết quả là 3/4 vẫn đưa ra đáp án tuổi thuyền trưởng, không em nào dám đặt ra nghi vấn đề sai. Có lẽ không cần đến cuộc khảo sát này, chúng ta cũng tự hình dung được phản ứng chung đó của các em.

Vậy còn phản ứng của những người lớn? Khi đề toán này mới được đưa lên mạng, người viết đã quan sát những ý kiến bàn luận. Và hầu hết trong số đó đều xoay quanh hai giả thiết: đề sai hoặc sách in ẩu, không thấy ai đặt giả thiết đây là một kiểu đề bài khác biệt.

Cho đến khi "cha đẻ" của đề thi lên tiếng trên báo chí giải thích cách ra đề đó là để thử tư duy học sinh, những ý kiến nổi bật nhất vẫn là thử như vậy thì đến... bố mẹ các cháu còn chịu chứ đừng nói đến trình độ học sinh lớp 2.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (bên phải) và GS Nguyễn Lân Dũng tại buổi đối thoại Chuyện đương thời của VTV.

Ở đây, người viết sẽ không lạm bàn chuyện tại sao ra đề cho đối tượng trẻ nhỏ mà lại chọn dữ kiện cừu rơi xuống nước, hay chuyện giữa cừu với người thực ra đôi khi cũng có những... điểm chung. Cũng không dám lạm bàn đúng sai, sự cần thiết của những đề toán thử thách tư duy như thế.

Những vấn đề về chương trình dạy và học, sách giáo khoa... còn khô cứng, một chiều thì nhiều chuyên gia và bản thân những người quản lý giáo dục đã nhiều lần chỉ ra,  người viết cũng xin không bàn thêm.

Điều người viết hình dung, là với nền tảng đào tạo tư duy độc lập, phản biện của chúng ta hiện nay, thì để một em học sinh lớp 2 đứng lên nói rằng đề sai, không giải được có lẽ cũng căng thẳng chẳng khác nào khi... Galileo tuyên bố Trái đất xoay quanh Mặt trời.

Có một câu chuyện các bậc phụ huynh hay kể với nhau là các con đi học về thường thao thao cô/ thầy con ở trường dạy thế này, thế kia và coi đó như chân lý. Bố mẹ mà nói ngược thầy cô thì dĩ nhiên là sai. Câu chuyện nhỏ phần nào cũng giúp chúng ta thấy được nhiều thứ.

Ở trường, chúng ta dạy học sinh về tôn sư trọng đạo. Điều đó cần thiết, nhưng phải chăng, cũng giống như cách tuyên truyền thông thường, chúng ta vẫn nặng về hô hào thay vì lật đi lật lại vấn đề cho đến căn cốt. Chẳng hạn, tại sao không đặt ra với các em rằng phản biện, đối thoại với các thầy cô một cách tôn trọng có phải là "tôn sư"?

Bất kỳ ai làm cha mẹ cũng mong muốn con mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Và chúng ta đều đang dành tất cả, chuẩn bị mọi nền tảng tối ưu cho con, kể cả có phải "hi sinh đời bố, củng cố đời con" như cách nói dân gian. Song trong tất cả những điều chúng ta đang làm, có bao nhiêu việc dành để tạo ra không gian, tạo dựng tư duy phản biện, độc lập cho thế hệ sau?

Điều này cũng không khó hiểu, khi mà nền tảng cho tư duy phản biện, độc lập của chính người lớn chúng ta cũng còn quá đỗi khiêm tốn. Chúng ta có những trăn trở, hoài nghi về những bộn bề đang bầy ra xung quanh. Nhưng bao nhiêu người dám chọn cách đứng lên nói thẳng, công khai những suy nghĩ đó, thay vì "thì thầm", to nhỏ bàn luận?

Hệ quả ấy có thể là "di sản" lịch sử, "di sản" thế hệ hay vì nhiều nguyên nhân khác nữa. Nhưng hẳn đã đến lúc cần thay đổi nó ở những thế hệ đi sau. Vì các em sẽ lớn lên và phải đối mặt với những "đề toán" phức tạp hơn chúng ta đang có rất nhiều. Nếu vẫn tư duy theo cách cũ, như cách của bố mẹ các em, thì căn cứ trên cái gì để giải những bài toán như vậy?

{keywords}

Tranh minh họa bài toán "đầu cừu, đuôi thuyền trưởng"

Chẳng hạn, các em sẽ phải đối mặt với những "bài toán" thiết thân, như con số hơn 160 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (chuyện thiếu việc làm cũng đã được đưa vào đề thi đại học mới đây). Chọn con đường nào cho mình để ra trường được làm nghề nghiệp hữu ích, đúng khả năng hẳn không hề dễ.

Rồi những "bài toán" lớn hơn. Ví như, với tốc độ khai thác hiện nay, có thể thế giới mà người lớn để lại cho các em sẽ không còn là "rừng vàng, biển bạc", mà là "rừng nghèo, biển trống", các em sẽ phải làm thế nào?

Và cả những bài toán lớn của đất nước nữa. Như trọng trách đòi lại chủ quyền, mà như có lãnh đạo từng phát biểu "Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại". Hay bài toán xây dựng đất nước trở nên cường thịnh, tự chủ, độc lập, vững vàng trước bất cứ đe dọa của thế lực ngoại bang nào.

V.v và v.v...

Sẽ có rất nhiều thứ các em cần để giải được những bài toán hóc búa đó. Nhưng một trong những điểm khởi đầu không thể thiếu chắc hẳn phải là tạo ra cho các em một nền tảng, một môi trường để trưởng thành một cách độc lập, vững chãi, biết hoài nghi tích cực, đam mê tìm kiếm bản chất về mọi thứ xung quanh, kể cả về chính mình... Những thay đổi đó có thể phải được bắt đầu từ một mong muốn mạnh mẽ và chân thành là vun đắp những công dân thay vì "thần dân".

Nhìn vào giáo dục, chúng ta đã thấy những bước đi, dù chúng đã đủ mạnh mẽ hay kịp thời hay chưa, sẽ lại là một câu chuyện khác. Nhưng từ khía cạnh này, cá nhân người viết ủng hộ những thay đổi như việc ra câu hỏi mở trong đề thi gần đây. Ban đầu hẳn sẽ còn những chập choạng, những sai sót, những dấu ấn của lối mòn suy nghĩ, nhưng đó là thay đổi cần thiết để tạo nên những khởi đầu mới.

Làm thế nào tạo dựng được tư duy độc lập, phản biện cho học sinh, vấn đề được đặt ra trong "Chuyện đương thời" là một bài toán rất khó. Nhưng dẫu khó đến đâu, thì hẳn bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hay bất cứ ai có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục cũng không thể đưa ra đáp án là: Không có lời giải!

  • Hải Tâm

---

[1]: Cụ thể đề toán là: Trên một chiếc tàu thủy có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?

Bài cùng tác giả:

Chỉ số IQ phải cao để không bị... phạt

Ở Việt Nam, người tiêu dùng cần có... chỉ số IQ rất cao để làm Người tiêu dùng thông minh.

Chuyện hi hữu, chuyện 'lạ đời'

"Bộ mặt" ấy cần thiết để mỗi người dân đều cảm thấy tư thế tự tin, tự chủ để đứng thẳng, ngẩng cao đầu trên đất nước mình và khi đi ra thế giới...

Bàng hoàng vì chuyện “chỉ có ở Việt Nam”

Được đăng tải trên một tờ báo vào sáng làm việc đầu tuần, đoạn clip dài chưa đầy 5 phút đã gây bàng hoàng cho bất cứ ai xem.