Nhiều người cho con đi học không phải vì nền giáo dục ở Tây mà là vì cái sẽ xảy ra tại Việt Nam sau khi một đứa trẻ có bằng Tây trở về, ví dụ “có bằng tây về Việt Nam sẽ tốt”.
LTS: Nếu những năm 1970s, 1980s, các thầy bói xem chỉ tay rồi phán "anh, cô có số xuất ngoại" thì người được bói khấp khởi hoặc là trong tương lai sẽ được đi xuất khẩu lao động; hoặc đi học ở Liên Xô và Đông Âu. Trước đó, rất nhiều lớp trí thức Việt được đào tạo bài bản bên Pháp. Hiện nay trong xu thế toàn cầu hóa, du học sinh Việt đã có mặt trên hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới, nói đủ các ngôn ngữ, du nhập về nước các nền văn hóa, kinh tế khác nhau.
Việc có một hay nhiều đứa con đang du học ở những nước phát triển được coi là tiêu chí thành đạt của các gia đình Việt Nam hiện tại. Xu hướng đang tăng này bắt đầu từ những nguyên nhân nào, sẽ tác động ra sao đến vào sự đổi thay xã hội và nền giáo dục Việt nói chung.
Tuần Việt Nam mở chuyên đề "Trao đổi, dịch chuyển và 'tị nạn' giáo dục" với sự tham gia của các chuyên gia, cựu du học sinh, những người có nhiều trải nghiệm giáo dục của Việt Nam và quốc tế.
Bài 1: Giấc mơ du học, sau Havard rồi... đi đâu?
Nhà văn Phan Việt tên thật là Nguyễn Ngọc Hường. Chị là tác giả của các tác phẩm - Phù phiếm truyện (2005); Tiếng người (2008); Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); Một mình ở châu Âu (2013) và Xuyên Mỹ (2014).Chị cũng là đồng sáng lập tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng.
Phan Việt tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2000, sau đó sang Mỹ học Thạc sĩ Báo chí và Truyền thông, học tiếp chương trình Thạc sĩ thứ hai và lấy bằng Tiến sĩ công tác xã hội tại ĐH Chicago, Mỹ, hiện là Phó giáo sư, giảng dạy tại đại học South Carolina (Mỹ).
Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trở về Việt Nam vào mùa hè này, ngoài các công việc liên quan đến sách, Phan Việt đưa một đoàn sinh viên và giáo sư Mỹ sang học về công tác xã hội tại Việt Nam, kết nối để Đại học South Carolina ký kết các văn bản hợp tác với ba trường Đại học lớn tại Việt Nam; tổ chức một hội thảo quốc tế về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; và vẫn đều đặn tới các bệnh viện tâm thần để thực hiện một nghiên cứu.
Cuộc trò chuyện giữa PV Tuần Việt Nam và TS Phan Việt diễn ra tại một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội, nơi chị đang sống để làm nghiên cứu và cũng tranh thủ dạy tiếng Anh cho chư tăng và người đến chùa.
Hãy cho họ thấy bạn khác biệt
Gần đây, báo chí Việt Nam thường phát sốt với những tin tức kiểu như bạn A được vào Harvard, bạn B được vào Stanford. Nhưng mọi câu chuyện luôn dừng lại ở việc vào được Harvard như cái đích tối cao, rất ít khi thấy thông tin về việc những người trẻ đó sau khi tốt nghiệp Harvard họ đã đi đâu, làm gì? Cá nhân chị có thể chia sẻ gì về mục đích quyết định đi Mỹ du học của chị hơn chục năm về trước? Đi học ở nước ngoài khi đó có phải là một trào lưu không?
Tôi đi Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp trường Ngoại thương. Lúc đó chuyện đi du học ở Mỹ cũng hiếm mà người Việt chủ yếu đi học ở Úc, Châu Âu, hoặc các nước Châu Á. Thường thì học bổng hay dành cho các bạn đoạt giải Olympic, giải quốc gia, quốc tế, hoặc là đã làm việc một thời gian để thành lãnh đạo trẻ.
Tôi không thuộc những diện này, cũng không có gì nổi bật về thành tích, nhà lại cũng không có điều kiện, nhưng tôi biết là tôi rất muốn đi du học. Đọc các tài liệu du học thì tôi thấy các trường ở Mỹ tuyển sinh viên khác các nước khác.
Có vẻ họ nhìn giáo dục như một vụ đầu tư kinh doanh cho nên họ sẵn sàng mạo hiểm nhiều hơn các nước khác. Bỏ ra mấy trăm ngàn USD cho một sinh viên là một sự đầu tư mạo hiểm mà. Nếu bạn chứng minh được với họ là bạn có đam mê và có khả năng trở thành một người tạo ra sản phẩm hoặc giá trị riêng biệt cho xã hội thì họ sẽ chấp nhận đầu tư vào bạn.
Mất khoảng hơn một năm làm hồ sơ thì tôi được nhận đi học thạc sỹ về truyền thông.
Ấn tượng khi so sánh hai hệ thống giáo dục Việt – Mỹ của chị thế nào?
Ấn tượng đầu tiên là học ở Mỹ không có cảm giác khổ. Ở Việt Nam thì việc học là trung tâm cuộc sống của một đứa trẻ và gia đình đứa trẻ, từ lớp một đến hết đại học, rất cực nhọc.Tôi vẫn còn nhớ cảm giác của ba năm cấp ba; nói chung là triền miên học, triền miên luyện thi, bắt đầu từ lớp 10.
Sang Mỹ học 10 năm, tôi chưa bao giờ gặp lại cái gì gần gần như vậy.Vấn đề không phải là ở chuyện tần số lớp học đâu. Cái chính là ở Việt Nam, tôi học vì một sự sợ hãi vô mình là mình phải vào trường tốt, cụ thể là trường Ngoại thương. Ở Mỹ thì tôi học vì mình chọn; mình có thể thành thực nói là “tôi thích học ngành này lắm”.
Thực sự là tôi học 2 bằng thạc sỹ, một bằng tiến sỹ ở Mỹ nhưng tôi không thấy khổ và có cảm giác sợ như lúc học ở Việt Nam.
Còn khác thế nào: như tôi nói, đã học 10 năm, rồi đi dạy 4 năm ở Mỹ thì tôi thấy người Mỹ coi giáo dục như là một ngành công nghiệp sản sinh tri thức và nhân lực nên cách học và dạy ở Mỹ thực dụng lắm. Họ hướng thẳng vào những gì có thể khiến sinh viên ra trường là trở thành người lao động giỏi, thành người tạo ra các giá trị gia tăng liên tục. Họ đo kết quả mỗi môn học cũng như toàn bộ chương trình rất rõ ràng, dựa trên thay đổi về kiến thức, hành vi, và giá trị sống của sinh viên.
Ở cốt lõi, người Mỹ không quan trọng việc dạy học sinh nghĩ thế này là đúng, thế kia là sai; cũng không dạy sinh viên nên nghĩ về cái này, cái kia, mà mà họ dạy học sinh phương pháp nghĩ như thế nào. Còn nội dung cụ thể của suy nghĩ thì họ cho sinh viên được một sự tự do khá lớn. Lúc tôi là sinh viên và bây giờ là giáo viên, lớp học bên đó thường rất ít hành vi giảng, chủ yếu là thảo luận, tranh luận, thử nghiệm, trình diễn, xem, nghe, quan sát, tương tác thực sự…
Cũng vì có quan điểm coi giáo dục là một ngành công nghiệp nên giáo viên tuy được xã hội Mỹ coi trọng một cách tương đối nhưng trước hết là người làm công ăn lương được xã hội trả tiền để làm việc, thế thôi. Họ không nghiễm nhiên được hưởng bất cứ sự tôn kính nào cả; họ cũng phải bị đánh giá chất lượng công việc, được trả lương dựa theo cơ chế thị trường. Quan hệ giữa sinh viên và giáo viên rất bình đẳng. Các trường thì có sự tự chủ rất lớn, gần như hoàn toàn, về chương trình dạy cũng như về tài chính; cho nên mọi thứ sẽ lấy chất lượng đo lường được làm tiêu chí.
Ảnh do nhân vật cung cấp |
Học Tây rồi về... làm gì?
Có phải đó là nguyên nhân khiến nhiều gia đình Việt Nam tìm mọi cách đưa con đi “tị nạn giáo dục”, theo cách nói phổ biến hiện nay, cho dù đắt đỏ, dù phải hy sinh nhiều thứ?
Cũng không hẳn đâu. Nhiều người cho con đi học không phải vì nền giáo dục ở Tây mà là vì cái sẽ xảy ra tại Việt Nam sau khi một đứa trẻ có bằng Tây trở về, ví dụ “có bằng tây về Việt Nam sẽ tốt”.
Cái họ nghĩ đến khi gửi con đi Tây là Việt Nam chứ không phải Tây. Tính toán như vậy cũng không có gì sai, nhưng tôi thấy là họ thường tính toán dựa trên những nhận định về Việt Nam hiện tại chứ không phải dựa trên nhận định về một Việt Nam có-thể-là hay một Việt Nam với những giá trị mới mà con cái họ chính là người góp phần kiến tạo, thậm chí là người khai phá, mở đường.
Không nhiều người, kể cả phụ huynh lẫn sinh viên, nghĩ đến những câu hỏi mấu chốt này: Tôi muốn gì, tôi muốn trở thành ai, tôi muốn di sản của mình là gì, để làm được điều đó thì con đường tối ưu cho tôi là gì? Tôi có cần phải đi Tây mới làm được điều đó hay có con đường khác tốt hơn? Nếu tôi đi Tây thì trường nào, học với ai, sẽ cho tôi kết quả tối ưu?
Tôi định sẽ đi học như một sự phản ứng với những ấu trĩ tôi thấy ở Việt Nam và tôi học để có thể tận dụng sự ấu trĩ đó hay là tôi muốn học vì tôi yêu tri thức, tôi muốn biết sự thật về thế giới, vì tôi muốn thay đổi cái tôi đang thấy.
Tôi lấy ví dụ như gần đây, báo chí Việt Nam thường phát sốt với những tin tức kiểu như bạn A được vào Harvard, bạn B được vào Stanford. Các bài viết thường hay tập trung kể xem A hay B và gia đình bạn đã vất vả và quyết tâm thế nào để vào được Harvard nhưng mọi câu chuyện luôn dừng lại ở việc vào được Harvard như cái đích tối cao.
Tôi thì nghĩ vấn đề không phải là vào được Harvard; vấn đề nằm ở chỗ bạn vào Harvard để làm gì, bạn có biết vì sao bạn muốn vào đó, chỗ đó có phải chỗ tối ưu để bạn làm được điều bạn muốn làm, trở thành người bạn muốn trở thành hay không?
(Còn nữa)
Hoàng Hường