Trong chưa đầy nửa năm, 2 chiếc máy bay của hãng Hàng không Rhodesia bị bắn rơi khiến nhiều người thiệt mạng.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu Kỳ 2 trong loạt bài Những vụ máy bay dân sự bị bắn hoặc nghi bắn rơi gây chấn động.

Bài 1:  Những vụ tai nạn máy bay nghi bị bắn chấn động

5. Hai chuyến bay 825 và 827; 38 và 59 người thiệt mạng, Rhodesia, năm 1978 và 1979

Đây là những chuyến bay theo tuyến cố định của hãng Hàng không Rhodesia [1], 825 từ Thác Victoria qua Kariba tới thủ đô Salisbury của Rhodesia, 827 thì từ Kariba cũng tới Salisbury. Hãng này sử dụng loại máy bay tầm trung Vickers Viscount. Chúng đã bị bắn rơi bởi QĐND Cách mạng Zimbabwe (ZIPRA) trong cuộc Chiến tranh Nam Rhodesia (nội chiến) hay còn gọi là cuộc "Chiến tranh bụi rậm" .

Ngày 3/9/1978, chiếc máy bay Vickers Viscount chở theo 4 thành viên tổ lái và 52 hành khách (tổng cộng 56 người), chỉ khoảng 5 phút sau khi xuất phát đã bị một nhóm du kích ZIPRA bắn bởi một tên lửa đất đối không do Liên Xô sản xuất, loại Strela-2 dẫn mục tiêu bằng hồng ngoại.

Ba mươi tám người thiệt mạng. Năm người trong số 18 người sống sót, đi tìm nước uống cho những người còn lại và may mắn thoát được một tội ác diễn ra ngay sau đó. Quân du kích nhanh chóng theo dấu chiếc máy bay và khi tìm được, họ đã tàn sát những người còn sống, trừ 3 người kịp trốn vào trong các bụi rậm.

Bốn ngày sau vụ bắn hạ, Chính phủ Rhodesia mới thừa nhận nguyên nhân chính thức. Còn vụ thảm sát, hai tuần sau đó, thế giới đã biết đến qua 1 bài viết trên Tạp chí The Times, một tin chấn động lúc bấy giờ.

Cuộc "Chiến tranh bụi rậm" vẫn tiếp diễn. Ngày 12/2/1979 (như vậy là chưa đầy nửa năm), chiếc Vickers Viscount thứ hai, số hiệu chuyến bay 827 bay từ Kariba tới Salisbury, bị bắn rơi, 59 người trên máy bay không ai sống sót. Hàng không Rhodesia sau đó buộc phải tìm cách cải tiến máy bay Vickers Viscount bằng một loại sơn có bức xạ hồng ngoại thấp để tên lửa Strela-2 không thể bắt được mục tiêu khi máy bay lên đến độ cao từ trên 600 mét.

{keywords}

Một chiếc máy bay của hãng Hàng không Rhodesia

6. Chuyến bay 870, Biển Tyrrhenian, 81 người thiệt mạng, năm 1980

Ngày 27/6/1980, một chiếc McDonnell Douglas DC-9-15 của Hãng "Aerolinee Itavia" số hiệu chuyến bay 870, đã rơi ở đâu đó giữa hai hòn đảo Ponza và Ustica trên biển Tyrrhenian (thuộc Địa Trung Hải, ở ngoài bờ phía tây của Ý) khi đang trên đường bay từ thành phố Bologna tới Palermo, thủ phủ đảo Sicily (Italia). Toàn bộ 81 người trên máy bay không có ai sống sót.

Sau nhiều năm không có bất cứ kết luận điều tra chính thức nào từ Chính phủ Italia, năm 1989, Chủ tịch Ủy ban chống khủng bố của Quốc hội Italia, nghị sỹ Giovanni Pellegrino đã ra một tuyên bố về "Vụ chuyến bay 870", theo đó, họ gọi vụ này là "Thảm sát Ustica".

"Sự việc xảy ra với 870 là một hành động đánh chặn quân sự, chiếc DC-9 đã bị bắn hạ, 81 người vô tội đã bị giết bởi một hành động chiến tranh, một cuộc chiến tranh không tuyên bố, một hành động tội ác quốc tế mờ ám chống lại đất nước chúng ta, vi phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền (của đất nước)..."

Thủ phạm chưa được phát giác, tòa án do không đủ căn cứ đã tuyên bố xếp hồ sơ. Tháng 6/2008, các công tố viên Roma đã đưa vụ án vào điều tra lại sau khi Tổng thống Italia, ông Francesco Cossiga (lúc xảy ra vụ rơi 870 là Thủ tướng Italia) tiết lộ, "870" bị một máy bay chiến đấu Pháp bắn rơi. Ngày 7/7 năm đó, các yêu cầu về trách nhiệm được chuyển tới Tổng thống Cộng hòa Pháp.

Tháng 9/2011, tòa án dân sự Palermo đã ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Italia phải trả 100 triệu Euro (khoảng 137.000.000 đôla Mỹ) là khoản bồi thường thiệt hại về mặt dân sự cho thân nhân của các nạn nhân, vì đã không bảo vệ an toàn chuyến bay, che giấu sự thật và hủy chứng cứ.

Gần đây nhất, ngày 23/1/2013, Tòa án hình sự tối cao Italia ra phán quyết là đã có đầy đủ chứng cứ rõ ràng, rằng máy bay 870 đã bắn hạ bởi một tên lửa đi lạc và công nhận phán quyết của các tòa án cấp dưới yêu cầu Chính phủ Italia phải chịu trách nhiệm bồi thường.

7. KAL007, Liên Xô, 269 người thiệt mạng, năm 1983

Năm 1983, một vụ bắn máy bay hành khách đã xảy ra - có lẽ là một trong những vụ việc đình đám nhất và được người Việt biết khá nhiều. Đây là một sự kiện nghiêm trọng, kể cả về số nạn nhân lẫn hậu quả sau này về pháp lý và nhất là về quan hệ quốc tế cho Liên Xô.

Chiếc Boeing 747 số hiệu chuyến bay 007 của Korean Air Lines bay vào không phận Liên Xô đã bị bắn hạ bởi một chiếc Su-15TM đóng tại Sakhalin, giết chết 246 hành khách và 23 thành viên phi hành đoàn, trong đó có ông Lawrence McDonald, nghị sĩ Nghị viện Hoa Kỳ.

Chiếc KAL-007 xuất phát từ New York (Hoa Kỳ) qua tiếp nhiên liệu ở Anchorage (Alaska, Hoa Kỳ) rồi tiếp tục hành trình đến Seoul. Ngay từ lúc cất cánh, có vẻ như nó đã bị lệch đường bay dự định về phía bắc, và cứ thế bay lệch dần vào không phận Liên Xô trong năm giờ rưỡi.

Các thông tin sau này đều rất phức tạp để đánh giá, nhưng hình như người ta hiểu rằng, chiếc KAL-007 đã bay ra ngoài tầm liên lạc với kiểm soát không lưu Anchorage và cũng không có bất cứ một liên lạc nào của tổ lái với những chiếc máy bay khác gần đó trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, những thông tin từ bản ghi âm khoang lái cho thấy, tổ lái đã không mảy may nghi ngờ về những hiểm nguy đang đe dọa họ.

Ngày hôm đó, theo kế hoạch, là ngày Liên Xô phóng thử tên lửa ở vùng Viễn Đông, thật là một thời điểm rất nhạy cảm. Vì có vụ thử tên lửa, nên đồng thời trong khu vực cũng sẽ hiện diện máy bay do thám RC-135 của Hoa Kỳ. Một trong những lãnh đạo của lực lượng phòng không Xô-viết còn khẳng định rằng, một khi đã bay vào vùng trời Liên Xô (như vậy và ở thời điểm này?) thì không thể là máy bay dân sự được...

Chiếc KAL-007 đã bay qua trên bầu trời bán đảo Kamchatka của Liên Xô (15h51 giờ quốc tế), ra khỏi không phận Liên Xô vào vùng trời quốc tế (biển Okhotsk), rồi một lần nữa, bay vào không phận Liên Xô, nhưng lần này là vùng trời đảo Sakhalin. Từ khi nó cách bờ biển Kamchatka 130km, bốn chiếc tiêm kích đánh chặn Xô-viết, một MiG-23 và ba chiếc Su-15 được lệnh cất cánh để ngăn chặn "hành vi vi phạm".

Việc máy bay Boeing bay vào rồi lại ra khỏi không phận Liên Xô, rồi lại vào một lần nữa, trên thực tế, nó vẫn bay theo một đường thẳng (xem bản đồ). Tuy nhiên, thời điểm ngăn chặn và thời điểm bắn hạ, vị trí chính xác của các máy bay vào từng thời điểm, lại là điểm dễ gây tranh cãi. Đã có những khó khăn và trục trặc nhất định từ phía Bộ tư lệnh phòng không Xô-viết vùng Viễn Đông trong việc ra lệnh cho những chiếc tiêm kích của mình - vốn chỉ là những chiếc tiêm kích đánh chặn nên có rất ít nhiên liệu, lại phải hoàn thành nhiệm vụ trước khi để mất hút chiếc Boeing. Hơn thế nữa, theo đại úy không quân Xô-viết Alexander Zuyev, thì các trạm rađa của Liên Xô đã bị những cơn cuồng phong Bắc Cực cuốn phăng từ 10 ngày trước đó.

{keywords}

Đường bay của KAL-007

Không chút nghi ngờ về sự nguy hiểm, tổ lái KAL-007 liên lạc với Trạm kiểm soát không lưu Tokyo rồi nâng độ cao (để tiết kiệm nhiên liệu), đồng nghĩa với giảm tốc độ, nhưng chính hành động này bị các phi công tiêm kích hiểu rằng, đó là một thủ pháp bay, "cơ động để lẩn tránh." Lần thứ hai, tướng Kornukov ra lệnh bắn hạ chiếc Boeing, và thiếu tá Genadi Osipovich, người lái một trong ba chiếc Su-15, đã bắn hai quả tên lửa không đối không "Kaliningrad" K-8 (còn gọi là tên lửa R-98) vào nó, làm nó rơi xuống biển Nhật Bản vào lúc 18h26 GMT.

Vụ việc này xảy ra chính là thời điểm đỉnh điểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, và chính đây là sự kiện được coi là bộ phận quan trọng của cuộc chiến tranh lạnh đó. Sau sự kiện, người ta còn nói rằng trên chiếc máy bay đó có những thiết bị do thám của tình báo Hoa Kỳ muốn do thám tình hình bố phòng quân sự của Liên Xô ở vùng Viễn Đông.

Sự kiện đã kéo theo những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho Liên Xô trên trường quốc tế cũng như về chiến lược quân sự: một chiến dịch truyền thông rầm rộ được phát động để chống Liên Xô, một loạt các biện pháp trừng phạt về kinh tế thương mại, như Hàng không Soviet Aeroflot bị cấm hạ cánh ở nhiều sân bay Hoa Kỳ, v.v... Động thái quan trọng nhất là việc Hoa Kỳ triển khai tên lửa Pershing II tại châu Âu, hướng về Liên Xô và các nước thành viên khối Vacsava.

(theo Listverse.com)

Phúc Lai

Đón đọc tiếp phần 3, Hai tổng thống bị ám sát trong một vụ rơi máy bay.

-----

* Các bài tham khảo nhiều nguồn tài liệu, trong đó những phần được dịch trực tiếp từ 1 nguồn chúng tôi chú thích ngay bên dưới phần đó.

[1]: Rhodesia tên chính thức là Cộng hòa Rhodesia từ 1970-1979, là một nhà nước không được công nhận nằm ở miền nam châu Phi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Từ năm 1965 đến năm 1979, nó bao gồm các khu vực nay là Zimbabwe. Từ năm 1980, nước Cộng hòa Zimbabwe được thành lập từ nhiều vùng đất, bao gồm cả Rhodesia.

Bài cùng tác giả:

"Sang năm tới Hoàng Sa" - nhưng bằng cách nào?

Muốn "Sang năm tới Hoàng Sa", Việt Nam phải trở nên giàu mạnh thì đúng rồi, nhưng còn phải chờ cơ hội, và biết nắm được nó, một cách quyết đoán.

Biển Đông: Có âm mưu ngầm phá hoại, khiêu khích?

Đoàn kết là sức mạnh, nhưng phải là sự đoàn kết có tri thức. Chúng ta chỉ lên án nhà cầm quyền Bắc Kinh, chứ những người dân TQ yêu hòa bình là bạn của chúng ta.

Giàn khoan: TQ mưu toan một mũi tên trúng đích nào?

Hai cái đích quan trọng của TQ mưu toan là thử thái độ của Việt Nam và thử chính sách khu vực của Hoa Kỳ.