-Một “nông thôn mới” không thể xây dựng bằng cách tận thu, ép buộc đóng góp, để những người dân đã nghèo, sẽ còn nghèo khó hơn nữa.
Một thông tin mới được báo chí phản ánh là xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình đã có báo cáo thành tích xây dựng “nông thôn mới”.
Nhưng, việc bắt cả những người dân bị bệnh tâm thần (có bệnh án), người tàn tật, già cả…phải đóng góp những khoản tiền không nhỏ để xây dựng đường xá đang gây bất bình lớn trong dư luận nhân dân ở huyện này.
Xây dựng “nông thôn mới” là một chủ trương lớn của nhà nước và cũng được người dân ở nhiều vùng được thí điểm xây dựng mô hình này ủng hộ. Ngoài những nguồn vốn đầu tư lớn từ ngân sách, các nguồn vốn huy động thêm từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cả những người dân ở các vùng được thí điểm,đã tạo ra nguồn lực mới để đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng: đường, điện, trường, trạm y tế... mới, khang trang, đem lại bộ mặt mới cho nhiều vùng nông thôn.
Nhưng “nông thôn mới” không thể được xây dựng bằng bất cứ giá nào. Lâu nay, những chính sách, chủ trương lớn của nhà nước, nếu có huy động vốn đóng góp của nhân dân, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi đều có quy định miễn, giảm cho những đối tượng chính sách: người già cả, bệnh tật, neo đơn…
Ảnh: Motthegioi |
Nhưng rồi, ở rất nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng lạm thu của dân nghèo, như báo chí đã phản ánh.
Và suốt tuần qua là câu chuyện “nông thôn mới” ở xã Tân Thủy, đã có những khoản đóng góp của những người dân nghèo đang phải điều trị bệnh tâm thần, như ông Trần Quang Toán, làng Lân Bằng (bị tâm thần 30 năm nay), của một người mắc bệnh thần kinh bẩm sinh do nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh; của 2 vợ chồng bà Lê Thị Hậu (làng Tân Hòa) bị tàn tật, cả 2 phải ngồi xe lăn; của một bà lão 83 tuổi, neo đơn…
Tất cả họ đều phải nộp một khoản tiền. Có hộ nộp 1,7 triệu đồng, có hộ nộp 3,6 triệu đồng… để xây dựng những con đường nông thôn mới. Không có ngoại lệ. Đây thực sự là những khoản tiền không hề nhỏ với những người dân có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Họ phải đi vay mượn hàng xóm để nộp tiền, nếu không, xã bắc loa, bêu tên họ trên hệ thống phát thanh như đấu tố, làm nhục.
Đáng nói là việc đóng góp xây dựng này, theo phản ánh của người dân với báo chí là cũng không minh bạch. Ví dụ, đường thôn Tân Lỵ, theo hợp đồng ký giữa Chủ tịch xã với nhà thầu là hơn 1,1 tỷ đồng, mỗi khẩu phải nộp theo hợp đồng này là gần 3,6 triệu đồng. Nhưng dân phát hiện thực tế được chỉ làm 580 m đã khống lên thành 1000m.
Không phải chính quyền huyện Lệ Thủy không biết việc này.
Ngày 25.7, Chủ tịch huyện Lệ Thủy qua nghe phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri có tình trạng trên và đã có công văn yêu cầu các xã thuộc huyện này tuyệt đối không được “cào bằng” trong việc huy động thu tiền làm đường đóng góp của dân. Nhưng dường như sức ép phải làm “nông thôn mới” nhanh đã khiến chính quyền một số xã trong đó thuộc huyện này vẫn bất chấp, bổ đầu từng hộ để tận thu. Cho nên, người dân có cơ sở khi nói rằng, họ giống như nhưng gia đình nghèo bị truy bức, tận thu như tron câu chuyện” “tắt đèn” của Ngô Tất Tố, thời thuộc Pháp.
Một “nông thôn mới” không thể xây dựng bằng cách tận thu, ép buộc đóng góp, để những người dân đã nghèo, sẽ còn nghèo khó hơn nữa. Một vùng nông thôn, dù đường xá, trường học khang trang hơn, điện sáng hơn… nhưng văng vẳng có tiếng khóc của những người dân khốn khổ, tiền ăn còn khó, vẫn phải đóng góp lớn thì "mới" ở đâu?
Nhưng một hệ thống các cơ quan, đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… có thể giám sát đã không phát hiện, lên tiếng trước cách làm bất thường của chính quyền, bảo vệ lợi ích cho người dân như ở xã Tân Thủy cũng phản ánh tình trạng hoạt động rất kém hiệu quả của các tổ chức này.
Trung Ngôn