Chẳng biết ý tưởng này làm cho xã hội tiến bộ hơn hay là một bước thụt lùi của những chiến lược về quản lý các vấn đề xã hội, nhất là các vấn đề nhạy cảm?
Chưa có ai mua dâm bị công khai tên tuổi
Khi ý tưởng lập “khu đèn đỏ”được đưa ra bàn nghị sự QH về các vấn đề xã hội ở Việt Nam, để hợp thức hóa mại dâm thành một nghề công khai vì không thể quản lý được “tệ nạn” này và vì nó cũng không nên xem là “tệ nạn”, có lẽ không ai nghĩ đến chuyện đã vô tình xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ. Tưởng vấn đề đó đã bị gác lại, mới đây, Hà Nội lại "Suy tư và học hỏi mô hình phố đèn đỏ (baodatviet.vn, ngày 28/7)
Không thể chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ
Có thể khi đưa ra ý tưởng này, tác giả đã có một ý tốt, để tạo khung pháp lý được luật chế tài quản lý một nghề nhạy cảm.
Cũng có thể tác giả ý tưởng này đã “rút kinh nghiệm” từ thực tế ở một số quốc gia xem “mại dâm” là một nghề công khai, có thuế môn bài để thu hút du lịch. Nhưng có lẽ tác giả ý tưởng này “quên” là Việt Nam có những phạm trù văn hóa, đạo đức và nhân phẩm người phụ nữ khác biệt với các quốc gia khác.
Ảnh minh họa |
Và hơn nữa, Việt Nam hiện tại chưa phải là quốc gia phát triển đủ mạnh về mọi mặt, để có thể quản lý hay điều hành một nghề nhạy cảm mang tên “mại dâm” và “mãi dâm”.
Khi Quốc hội bàn luận và quyết định từ bỏ cụm từ “phục hồi nhân phẩm” đối với những phụ nữ bán dâm bị bắt đưa vào những “trường phục hồi nhân phẩm”, một hình thức tạm giữ để giáo dục về đạo đức, nhân cách, như một hình thức “gột rửa” những dơ dáy của việc “làm vợ thiên hạ”, để khi trở về “sạch sẽ”, có phẩm cách của những người phụ nữ theo truyền thống Việt, thì đây là một quyết định được đánh giá rất nhân đạo và nhân văn.
Nhưng khi ý tưởng về một “khu đèn đỏ” để hợp pháp hóa cái nghề “dưới đáy” xã hội này, không biết có phải là sự bất công và bất nhẫn với tất cả những người phụ nữ “trót” hành nghề mại dâm trước đó đã bị đưa vào trường “phục hồi nhân phẩm” hay không?
Và những gì mà ở ngôi trường này đã giáo dục những người phụ nữ về đạo đức truyền thống, về nhân phẩm con người, về nhân cách của người phụ nữ Việt, để mong họ “hoàn lương”, thành người phụ nữ trong sạch, là những nhân tố tốt đẹp của xã hội, góp phần xây dựng xã hội yên bình…, sẽ trở thành vô nghĩa?
Khi đã lập “khu đèn đỏ”, có nghĩa là hợp pháp hóa nghề “mại dâm”, “mãi dâm”, không có chuyện “cho không, biếu không”. Mà đã là nghề thì phải có phương tiện sản xuất, có sản phẩm đầu ra…, đều là thân xác người phụ nữ. Biến người phụ nữ thành một món hàng đặc biệt.
Nghề thì phải có cung và cầu, và làm sao bảo đảm không có chuyện buôn bán người- vì người đã là hàng hóa rồi. Mà buôn bán người, thực chất là một hành vi tàn bạo và đã bị liệt vào tội ác, thuộc vào thời sơ khai của kinh tế thị trường, buôn bán nô lệ, dùng để lao động trong các nông trang, công xưởng…
Và những người phụ nữ hành nghề ở “khu đèn đỏ”, trong một xã hội như ở Việt Nam, vẫn xem trọng đạo đức truyền thống, vẫn có cái nhìn khắt khe với những người phụ nữ “làm gái”, thử hỏi họ sẽ sống như thế nào khi bước chân ra khỏi “khu đèn đỏ”?
Hơn nữa, khi đã hợp thức hóa là một nghề, nghĩa là sẽ phải có thuế thu nhập, vì đây là một nghề kinh doanh “mua- bán”, có doanh thu. Và nghĩ làm sao khi cầm trên tay những đồng tiền thuế bằng chính sự bán thân xác của người phụ nữ làm ra?
Lập “khu đèn đỏ” là tiếp tay làm băng hoại đạo đức?
Các nước lập “khu đèn đỏ” khi đã xây dựng một hệ thống luật định thống nhất và vững chắc, có những khuôn khổ nhất định. Nếu vi phạm, xem như là tội hình sự, và phải chịu những án phạt theo luật định.
Những quốc gia cho phép hoạt động những “khu đèn đỏ”, thì họ vẫn luôn khuyến cáo về mặt đạo đức, luôn có những nhà hoạt động xã hội , những tổ chức phi chính phủ vì sự bình đẳng giới khuyên các cô gái hành nghề ở khu này bỏ nghề.
Ở Việt Nam, xã hội hiện tại đang du nhập rất nhiều thứ “sản phẩm” khác nhau, tạo nên một xã hội đương đại có quá nhiều xáo trộn, nhộn nhạo, kéo theo sự xuống dốc đạo đức ở không ít bộ phận giai tầng trong xã hội.
Lập ra “khu đèn đỏ”, hợp pháp hóa nghề “mại dâm”, ai có thể lường được hết hậu quả một khi, khu này hoạt động công khai.. Bởi không thể nhân danh một phạm trù y học, sinh lý, tâm lý, mà đơn thuần là thú vui của những kẻ có vấn đề về đạo đức, về nhân cách… mới tìm tới đây “mua dâm”.
Ai có thể thống kê được nếu lập ra “khu đèn đỏ” sẽ có bao nhiêu người phụ nữ bán thân, hủy hoại cuộc đời, biến “khu đèn đỏ” thành ổ bệnh lây nhiễm ra ngoài cộng đồng?
Và có nhà xã hội học nào có thể thống kê rồi sẽ có bao nhiêu gia đình bị đe dọa sự bình yên, hạnh phúc? Bao nhiêu thai nhi chưa kịp chào đời đã vĩnh viễn “biến mất” trên cõi đời?...
Không thể vì chưa có phương pháp hữu hiệu để quản lý mà “hợp thức hóa” một vấn đề nhức nhối trong xã hội, để “phủi tay” xem như giải quyết cho nhẹ, rồi ăn ngon, ngủ yên, mắc kệ những hệ lụy của nó như thế nào.
Chẳng biết ý tưởng này làm cho xã hội tiến bộ hơn hay là một bước thụt lùi của những chiến lược về quản lý các vấn đề xã hội, nhất là các vấn đề nhạy cảm.
Minh Châu