Sự tập trung nhiều hơn của Moscow vào châu Á sẽ vẫn chưa thể đe dọa nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu.

>> Đối tác 'vàng' Nga - Trung muốn gì lúc này?

>> Căng với phương Tây, Putin muốn 'xoay trục' châu Á?

>> Nga bị trừng phạt, Trung Quốc sẽ 'ngư ông đắc lợi'

Sau gần chục năm đàm phán không hồi kết, tháng Năm vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận mua bán khí đốt giữa hai bên. Theo hợp đồng, trong 30 năm bắt đầu từ năm 2018, mỗi năm Nga có nghĩa vụ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ m3 khí đốt từ các mỏ khí Kovykhta và Chayanda ở phía đông Siberia qua hệ thống đường ống dẫn khí dự kiến là Siberia. Giá trị doanh thu khí đốt theo hợp đồng ước tính sẽ lên đến 400 tỉ đô-la.

Thỏa thuận đạt được giữa hai bên đã được đẩy lên thành tít đầu trên các tờ báo ở châu Âu và Mỹ, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine và thế cân bằng hiện tại giữa Nga và các nước phương Tây. Nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là hợp đồng mua bán năng lượng đơn thuần, nó là dấu hiệu báo trước một kỷ nguyên mới, hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc, trong đó các nước phương Tây sẽ bị xem nhẹ. Nhiều người lo sợ, bất đồng gần đây nhất cộng thêm những lệnh trừng phạt đã và có thể sắp được đưa ra đối với Nga sẽ đẩy Moscow vào thế rời bỏ châu Âu và "xoay trục" sang châu Á, đe dọa vấn đề an ninh năng lượng của cựu lục địa.

{keywords}
Hợp đồng khí đốt Nga - Trung có đe dọa vấn đề năng lượng châu Âu? Ảnh minh họa: Reuters

Không đe dọa an ninh năng lượng châu Âu

Tuy nhiên, trên thực tế, dù thương vụ mua bán khí đốt vào đúng tầm với của Putin trong khi ông này đang ở tình trạng bị cô lập mạnh mẽ, và chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ Nga - Trung thêm sâu sắc, song nó sẽ không đe dọa đến vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn.

Có rất nhiều lý do để khẳng định điều này. Trước hết, Nga sẽ sử dụng những nguồn khí đốt khác để cung cấp cho Trung Quốc, chứ không dùng những nguồn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang châu Âu. Khi vấp phản sự phản kháng mạnh mẽ của Bắc Kinh, Moscow đã buộc phải xuống nước. Trước đó, Moscow dự định cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ các mỏ ở phía tây, thay vì các mỏ ở phía đông Siberi, với ý đồ dùng châu Âu để gây sức ép với Trung Quốc. Ngoài ra, các mỏ ở phía đông và phía tây không nối liền nhau. Do đó, nguy cơ chuyển nguồn cung cấp sẽ không xảy ra.

Thứ hai, sớm nhất là năm 2018, việc cung cấp khí đốt mới diễn ra, và ngay cả khi đó, con số cũng sẽ chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lượng khí xuất khẩu của Gazprom cho châu Âu (năm 2013, Gazprom xuất cho châu Âu 162 tỉ m3 khí). Trong tương lai trước mắt, Gazprom sẽ vẫn phụ thuộc tài chính vào doanh số tiêu thụ ở châu Âu. Mặc dù việc Nga có lợi từ thỏa thuận này là điều không phải bàn cãi, song thỏa thuận này không phải là viên đạn bạc, yểm trợ cho tình hình tài chính của Gazprom và két bạc của nước Nga.

Dù đáng kể, song doanh thu xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sẽ không thể nào bù đắp được lỗ hổng trong nền kinh tế Nga. Hơn nữa, có vẻ như cuối cùng Moscow đã phải nhượng bộ giảm giá cho Trung Quốc - đây là điểm tắc nghẽn khiến hai bên đàm phán không hồi kết trong suốt một thời gian dài. Mặc dù công thức tính giá chính xác vẫn còn nằm trong vòng bí mật, nhưng khả năng rất cao là Putin đã phải nhượng bộ hơn để có được thỏa thuận, nhờ thế mới có thể tự tin về vị thế chính trị của mình khi đối mặt với châu Âu.

Thứ ba, ngay cả khi nhu cầu của Trung Quốc đối với khí đốt là vô độ, Nga sẽ vẫn phải cạnh tranh với nhiều nhà cung cấp khác nhau. Trung Quốc nóng lòng muốn giảm tình trạng quá phụ thuộc vào than đá hiện tại, và chuyển sang khí đốt với hi vọng giảm được phần nào lượng khí thải thoát ra và làm trong sạch chút ít chất lượng không khí tại các thành phố lớn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng từ 167 tỉ m3 khối năm 2013 lên 545 tỉ m3/ mỗi năm vào thời điểm 2035. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đã có các nguồn cung cấp khí đốt khác, bao gồm nguồn cung từ Trung Á, Myanmar, và các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng chủ yếu từ Trung Đông. Một nguồn cung lớn khác là từ Australia, Đông Phi, Canada và thậm chí cả Mỹ.

Việc giải phóng cơ chế xuất khẩu khí đốt của nhóm các nước sau là điều kiện then chốt trong việc gia tăng tính cạnh tranh và định giá khí đốt theo cụm trung tâm ở châu Á, và do đó sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở đây. Bởi vậy, hệ quả dài hạn của thương vụ này đối với các nước phương Tây nói chung, và an ninh năng lượng của các nước châu Âu nói riêng sẽ khó đánh giá hơn.

Vẫn cần "để mắt"

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng khác trong việc mở cửa nền kinh tế Nga để đón nhận đầu tư và giao dịch thương mại từ Trung Quốc, và nó có thể giúp duy trì khối ngành năng lượng của Nga ngay cả khi phương Tây quyết định tiến hành trừng phạt.

Khi nhu cầu ở thị trường Trung Quốc tăng lên, con số 38 tỉ m3 ban đầu có thể tăng lên theo, giúp Nga có được nguồn thu lớn hơn từ châu Á. Rosneft và Novatek - hai công ty có tỷ trọng sản xuất khí đốt ngày càng tăng ở Nga - cũng đang cân nhắc kế hoạch cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, với sự mở dần của tuyến hàng hải xuyên Bắc Cực, hoạt động mua bán giữa châu Âu và châu Á sẽ càng trở nên thực tế hơn.

Điều thú vị và cũng khác thường là dù là một thỏa thuận năng lượng lớn, có tầm cỡ quốc tế, song thỏa thuận khí đốt hồi tháng Năm lại được tính giá trị theo đồng nhân dân tệ và đồng rúp, chứ không phải đô-la Mỹ. Điều này cho thấy ý định của cả Nga và Trung Quốc là giảm sự chi phối của đồng đô-la lên giao dịch năng lượng quốc tế, dù rằng việc nhanh chóng tách khỏi hệ thống giao dịch năng lượng quốc tế dựa trên đồng đô-la có vẻ vẫn là một khả năng còn xa mới thành hiện thực.

Nói chung, dù Nga tỏ điệu bộ này kia, song sự tập trung nhiều hơn của Moscow vào châu Á sẽ vẫn chưa thể đe dọa nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu. Mặc dù giao dịch khí đốt với Trung Quốc sẽ giúp duy trì Gazprom, và do đó duy trì cả chính quyền Putin, song Nga sẽ chưa có được vị thế tập trung hoàn toàn vào châu Á và bỏ bẵng châu Âu.

Hà Trang (theo Atlantic Council)

*Tác giả bài báo, David Koranyi, là nhà ngoại giao, nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao Hungary, là chuyên gia, nhà cố vấn về năng lượng và chính sách đối ngoại.