Phải chăng TQ đang muốn lợi dụng vấn đề bảo vệ di sản dưới nước nhằm hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò và củng cố yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông?

Kì 1:  TQ đòi bảo tồn cả di sản của... Việt Nam?

Trong trường hợp Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi hồ sơ đệ trình tại Uỷ ban Di sản Thế giới (sau đây gọi là Ủy ban) UNESCO, quy trình xử lý hồ sơ di sản liên quan đến khu vực tranh chấp tại Uỷ ban sẽ diễn ra như thế nào và tác động của quyết định của Uỷ ban này đối với tranh chấp ra sao?

TQ không dễ dàng vận động

Uỷ ban Di sản Thế giới là Ủy ban liên chính phủ có trách nhiệm xem xét, đánh giá hồ sơ di sản thế giới do các quốc gia thành viên đệ trình lên và quyết định liệu các di sản đó có đáp ứng các tiêu chí do Uỷ ban lập ra nhằm đưa vào danh sách "di sản thế giới" cần được bảo vệ. Uỷ ban hiện bao gồm 21 thành viên, trong đó có Việt Nam.

Thông thường, khi nhận được hồ sơ đề cử của các quốc gia thành viên, Ban Thư ký sẽ chuyển các bộ hồ sơ đầy đủ tới những Cơ quan Tư vấn phù hợp để đánh giá. Một hồ sơ đề cử sẽ phải đi qua một quy trình 1,5 - 2 năm từ khi nộp cho đến lúc nhận được quyết định của Ủy ban.

Điều quan trọng là quyết định của Ủy ban liên quan đến xét duyệt các hồ sơ đề cử được đưa ra dựa trên đa số 2/3 số thành viên có mặt và bỏ phiếu. Hiện nay, trong 21 thành viên của Ủy ban có Việt Nam, Malaysia và Philippines đều là các bên tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa, không có thành viên Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc không thể dễ dàng vận động Ủy ban thông qua quyết định có lợi cho mình nhằm đưa Con đường Tơ lụa trên Biển vào danh sách Di sản Thế giới (DSTG).

{keywords}
Đường lưỡi bò sai trái, vô căn cứ do Trung Quốc vạch ra

Lợi dụng việc bảo vệ di sản?

Theo quy định tại Điều 11(3) Công ước UNESCO năm 1972, việc ghi một di sản vào danh sách DSTG cần phải được sự đồng ý của quốc gia hữu quan và việc ghi danh đó sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền của các bên tranh chấp nếu di sản nằm tại lãnh thổ là đối tượng yêu sách chủ quyền hay quyền tài phán của nhiều hơn một quốc gia.

Theo đoạn 135 Văn bản Hướng dẫn Thực hiện Công ước năm 1972 (Văn bản Hướng dẫn) do Ủy ban thông qua, các hồ sơ đề cử cho di sản xuyên biên giới, nếu có thể, nên cùng được chuẩn bị và đệ trình bởi tất cả các quốc gia thành viên cùng sở hữu di sản đó tuân thủ quy định của Điều 11(3) nêu trên. Đặc biệt, các quốc gia thành viên có liên quan nên thành lập một ủy ban quản lý hoặc một cơ quan tương tự để giám sát việc quản lý toàn bộ di sản xuyên quốc gia đó.

Nếu con đường tơ lụa trên biển đi qua các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc) và quần đảo Trường Sa (là đối tượng tranh chấp giữa Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc (Đài Loan) và Việt Nam), Trung Quốc có nghĩa vụ tham vấn ý kiến của các quốc gia liên quan đến tranh chấp và chỉ được phép đệ trình di sản này lên Uỷ ban Di sản nếu được sự đồng ý của các quốc gia đó.

Xem thêm:

>> Con đường tơ lụa hay tư lợi trên biển Đông

>> Biển Đông, đằng sau "nước cờ" đăng ký di sản của TQ

>> Nước cờ sau giàn khoan của TQ: VN cần làm gì? 

Tuy nhiên, Công ước không hề quy định rõ trường hợp nếu di sản thuộc khu vực đang là đối tượng tranh chấp của nhiều hơn một quốc gia, và các bên tranh chấp khác không chấp thuận việc một trong các bên tranh chấp đơn phương đệ trình hồ sơ.

Vụ tranh chấp Đền Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan là ví dụ điển hình về quy trình xử lý hồ sơ của Ủy ban đối với di sản nằm trong khu vực là đối tượng yêu sách của nhiều hơn một quốc gia. Từ đó có thể thấy, việc Ủy ban quyết định đưa đền Preah Vihear vào danh sách DSTG có thể nói là căn cứ trên 2 cơ sở: thứ nhất, ngôi đền đã được Toà Công lý quốc tế ICJ xác định là thuộc chủ quyền của Campuchia từ năm 1962 và thứ 2, Thái Lan đã đồng ý với việc ghi danh ngôi đền vào Danh sách DSTG.

Riêng đối với khu vực tranh chấp, Uỷ ban khuyến khích Campuchia hợp tác với Thái Lan trong việc bảo vệ giá trị của di sản, và thể hiện mong muốn tương lai hai bên sẽ cùng đệ trình việc mở rộng khu vực biên giới nhằm thể hiện đầy đủ giá trị của ngôi đền và khu vực xung quanh.

Như vậy, kinh nghiệm cho thấy, để một di sản có thể được ghi danh vào Danh sách DSTG, trước hết, quốc gia đệ trình phải chứng minh được chủ quyền đối với vùng lãnh thổ có di sản đó (căn cứ Điều 4 Công ước UNESCO 1972), hoặc trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng, quốc gia đó cần thiết phải tham vấn và có được sự đồng ý của quốc gia hữu quan (Điều 11.3).

Tương tự như vậy, trong quá trình tìm kiếm một giải pháp cuối cùng, Trung Quốc nên tham vấn và cùng các bên cùng chuẩn bị hồ sơ và đệ trình nhằm có biện pháp kịp thời bảo tồn các giá trị nổi bật của di sản văn hoá dưới nước.

Một ví dụ khá thú vị đó là Trung Quốc đã từng kết hợp với Kazakhstan và Kyrgyzstan cùng chuẩn bị và đệ trình hồ sơ di sản lên Uỷ ban yêu cầu ghi danh Con đường Tơ lụa - Hệ thống đường nối Hành lang Trường An - Thiên Sơn vào Danh sách Di sản Văn hoá Thế giới. Câu hỏi đặt ra là, vì sao Trung Quốc đã từng có tiền lệ phối hợp với các quốc gia hữu quan về việc chuẩn bị hồ sơ di sản xuyên biên giới, lại không tiến hành thủ tục tương tự đối với Con đường Tơ lụa trên biển? Nếu không vì mục tiêu bảo vệ di sản văn hoá dưới nước, phải chăng Trung Quốc đang muốn lợi dụng vấn đề bảo vệ di sản dưới nước nhằm hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò và củng cố yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông?

(Còn tiếp)

Nguyễn Ngọc Lan - Trần Hoàng Yến

*Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lan hiện là Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Thạc sỹ Trần Hoàng Yến hiện đang là NCS tại Viện Luật Biển Hà Lan, Đại học Utrecht, Hà Lan. Hai tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Nguyễn Đăng Thắng về những góp ý của anh trong quá trình thực hiện bài viết này.

Đền Preah Vinhear là đối tượng tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan. Năm 1962, Toà Công lý quốc tế (ICJ) đã có phán quyết công nhận chủ quyền của Campuchia đối với ngôi đền. Thái Lan phản đối phán quyết, cho rằng phán quyết của Toà không phù hợp với các nguyên tắc của luật và công lý, đồng thời bảo lưu quyền của Thái Lan để đòi lại ngôi đền trong tương lai. Mặc dù vậy, nước này vẫn tuân thủ phán quyết và cho rút quân khỏi ngôi đền đang chiếm đóng. Tuy nhiên Thái Lan cho rằng Toà không hề phân định biên giới đối với khu vực xung quanh ngôi đền, và cho xây dựng hàng rào thép gai tách ngôi đền ra khỏi khu vực xung quanh. Quan hệ hai bên trở nên căng thẳng khi Campuchia đệ trình hồ sơ di sản cho đền Preah Vihear năm 2007, bao gồm cả khu vực xung quanh ngôi đền mà hai bên đang tranh chấp.

Ngay sau đó, Thái Lan đã có công hàm phản đối hồ sơ của Campuchia và đề xuất hai bên cùng đệ trình hồ sơ theo quy định của Điều 11(3) Công ước năm UNESCO 1972 và Văn bản Hướng dẫn. Phương án Thái Lan đưa ra nhằm cùng khai thác và quản lý ngôi đền, cho rằng thác Sra Trao của Thái Lan cũng là một phần không thể tách rời trong quần thể ngôi đền Preah Vihear.

Trong khi hai bên chưa thống nhất về giải pháp cuối cùng, Thái Lan buộc phải phản đối hồ sơ đệ trình này của Campuchia. Tuy nhiên, năm 2008, Thái Lan và Campuchia đạt được đồng thuận trong tuyên bố chung gửi UNESCO, theo đó Thái Lan ủng hộ việc ghi danh ngôi đền vào Danh sách DSTG, và đồng ý cùng Campuchia tiếp tục công tác phân định và sẽ có kế hoạch cùng quản lý khu vực tranh chấp gửi UNESCO. Trên cơ sở đó, UNESCO quyết định ghi danh Đền Preah Vihear vào danh sách DSTG vào phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Di sản.

Sau khi đền Preah Vihear được thông qua, Toà Hiến pháp của Thái có quyết định bác bỏ hiệu lực của Tuyên bố chung Thái Lan - Campuchia với lý do Tuyên bố này là vi hiến. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đỉnh điểm của căng thẳng là việc một số lượng lớn quân đội Thái Lan tràn sang biên giới và chiếm đóng khu vực lãnh thổ của Campuchia gần ngôi đền. Campuchia sau đó đã phải đệ trình vụ việc lên Toà Công lý quốc tế đề nghị giải thích phán quyết năm 1962 và giải quyết tranh chấp giữa hai bên liên quan đến ngôi đền và khu vực xung quanh ngôi đền.