Luật pháp đã coi tác phẩm là tài sản thì chủ sở hữu tài sản- tác phẩm đó hoàn toàn có quyền quyết định về giá tài sản. Người kinh doanh thấy giá đó không chấp nhận được (quá cao cho đầu vào, thì khó cho đầu ra) thì đừng kinh doanh.

Mưa như trút nước vào lúc 7 giờ, đúng cái giờ vé có thể bán được rất nhiều cho những khán giả có thói quen “nghe thời tiết liếc đồng hồ”. (Cũng đúng thôi, giá vé không hề rẻ, nếu có sự cố gì không xem được, bỏ vé thì phí quá). Tôi nhìn thấy nhạc sĩ PĐP cùng mấy người nữa, ban đầu bảo vệ không cho vào phải  đứng chờ ở cổng, sau đó có lẽ bảo vệ nhận ra ông nên đã cho vào. Nhìn ông chạy dưới mưa ở cái tuổi bẩy mươi, xem ra thật ái ngại.

Tôi đã đọc báo mạng từ ban trưa nên biết, ông nói rằng ông phải đến để xem những nhà tổ chức biểu diễn đem tác phẩm (tài sản) của các tác giả (đã ủy thác quyền cho VCPMC đơn vị mà ông làm giám đốc) kinh doanh trái phép thế nào. Mặc dù, họ có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước cho phép, nhưng họ chưa được phép của các tác giả. Mà luật pháp đã quy định các tác giả có cái quyền cho phép ấy. Nếu chưa xin phép, chưa thỏa thuận được với tác giả coi như trái pháp luật.

{keywords}
Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ảnh: Mạnh Thắng

Nghe mà não cả lòng. Sao ông nhạc sĩ nổi tiếng này phải vất vả thế? Sao ông không nhờ đến các cơ quan chức năng như thanh tra, như tòa án, như quản lý địa phương nơi diễn ra hoạt động này? Sao ông không để nhân viên dưới quyền ông đi đến đây?

Tôi và bạn gái vào nghe hát. Quả là một chương trình tổ chức có đẳng cấp. Hình như họ cũng là đơn vị tổ chức, hoặc đồng tổ chức đêm Khánh Ly 1 (9/05). Nếu đúng như vậy, xin dành tặng một lời khen cho họ, chương trình rất hấp dẫn, không chỉ là ca sĩ chính, mà tất cả những người lên sân khấu đều diễn trong một kịch bản mở nhưng rất ăn ý. Thật là chuyên nghiệp.

Tôi đã xem Khánh Ly 01, khán giả ngồi kín khán phòng, nghe nói chừng 3800 vé. Cũng chương trình đó nhà tổ chức đã trả đủ tiền bản quyền tác giả trước giờ diễn, số tiền tới hơn 260 triệu (cả thuế).

Số tiền bản quyền ngần đó, tôi cũng giật mình. Nhiều nhỉ. Vậy lấy đâu ra để trả. Cô bạn gái ngồi cạnh, một doanh nhân thành đạt, cười bảo, anh thật ngây thơ, nhìn giá vé đi rồi hãy giật mình. Chúng tôi đi xem lần 02, không chỉ vì mê những ca khúc da vàng của Trịnh mà còn thích nghe tiếng đàn của Nguyễn Ánh 9.

Thấy nhiều ghế còn trống tôi bảo cô bạn lần này thì nhà tổ chức chết thật rồi, ghế trống lấy đâu ra mấy trăm triệu trả tiền bản quyền, chưa kể tiền cát xê ca sĩ, tiền hòa âm phối khí,tiền âm thanh ánh sáng, hội trường, (nói tóm lại là chi phí đầu vào)? Cô bạn tôi lại cười, anh quên không kể, tiền bản quyền cũng là đầu vào à? Một chương trình ca nhạc là một sinh hoạt văn hóa nhưng cũng là một hoạt động kinh doanh. Đã kinh doanh phải tính hết, tính đủ đầu vào gồm những gì. Đã kinh doanh thì có thắng có thua.

Luật pháp đã coi tác phẩm là tài sản thì chủ sở hữu tài sản- tác phẩm đó hoàn toàn có quyền quyết định về giá tài sản. Người kinh doanh thấy giá đó không chấp nhận được (quá cao cho đầu vào, thì khó cho đầu ra) thì đừng kinh doanh. Mà nghe đâu tác giả cũng công khai giá, theo luật đấy chứ. Nhưng anh yên tâm đi, nếu chủ sở hữu tác phẩm hiểu được “sự đỏng đảnh của thời tiết” như thế này, sự rủi ro không lường trước thế kia, em chắc họ sẽ có ứng xử xứng đáng. Em tin họ cũng là người có văn hóa anh ạ.

Tôi bảo, em không nhìn thấy ông PĐP lúc nãy à? Vì không thống nhất được giá tiền bản quyền nên bên tổ chức biểu diễn tắt máy không nghe, còn ông ấy thì quyết định đến để “ăn vạ” như mấy ai đó nói đấy thôi. Cô ấy nhẹ nhàng bảo, em nhìn thấy lúc nãy rồi. Đó chính là điều em nói. Ông ấy đến để xem sự thể thế nào, để thay mặt tác giả hoặc gọi điện cho tác giả thương lượng mức giá cuối cùng khi tự mình chứng kiến “hoàn cảnh” của đối tác.

Ông ấy cũng bị sức ép của nhiều phía, chứ anh? Nếu ông không đến, không tận mắt để biết cụ thể, chỉ nghe nhân viên báo cáo, hoặc nghe đối tác nêu ra v.v. thì ông ấy sẽ bị quy là thiếu trách nhiệm với niềm tin của người đã ủy thác quyền cho mình. Anh dùng từ “ăn vạ” với ông ấy “hơi bị quá” đấy nhé. Em chỉ tiếc cho ông ấy, lẽ ra tài năng nên dành để làm nên những tác phẩm đã từng rất là hay thì hơn là đi làm một cái việc khó khăn như thế này?

Nghe cô ấy nói thế, tôi lại muốn nói thay ông PĐP, ông ấy giống tôi, hoặc tôi giống ông ấy, có khi bị giời đày, không thoát ra được những ý nghĩ, những quan niệm về sự dấn thân cho công bằng xã hội. Nhưng, đôi khi thật thê thảm.

Một ông thì vì “sở hữu trí tuệ- bản quyền là động lực, khuyến khích sản sinh ra tác phẩm” và sức ép của nhiệm vụ mà những người tin vào đó, tin vào ông gửi cho ông. Một bên là những người kinh doanh những tác phẩm đó. Giữa họ là tôi và những người như tôi, hưởng thụ tác phẩm, thông qua chiếc vé phải mua để vào cửa (gía bao nhiêu).

Thấy tôi băn khoăn, bạn gái tôi bảo: Anh cứ nghĩ thế này cho đơn giản, anh không có vé thì không vào cửa. Anh hãy mua vé đừng xin, đừng để ban tổ chức mời, vì mỗi chiếc vé là một phần giải đáp cái băn khoăn của anh. Không có tiền mua vé thì không hưởng thụ sản phẩm văn hóa có đẳng cấp (hoặc sản phẩm mà mình thích). Hãy hưởng thụ những sản phẩm cho không biếu không thôi xem có “đã” được không, những chương trình đó chẳng mất đồng bản quyền nào?

Nếu các nhà tổ chức muốn cống hiến cho đông đảo công chúng những tác phẩm đỉnh cao thì bán vé rẻ đi, tiền bản quyền chắc cũng sẽ nhỏ thôi. Nếu đã bán vé, thì gọi là kinh doanh. Đã kinh doanh thì phải chấp nhận giá vật tư đầu vào và tính lỗ lãi, không chịu được sức ép lỗ lãi thì nghỉ.

  • Trần Văn Minh