Chính ngành y đang tự đánh mất dần niềm tin của người dân vào trình độ chuyên môn cũng như đạo đức của mình.

Thời trước, khi bệnh viện vẫn được gọi là nhà thương. Trong ký ức những người cao tuổi,  tại các nhà thương thời ấy không hề có chuyện ‘phong bì’ cũng như vấn đề trật tự, an ninh như các bệnh viện hiện nay. Còn hiện nay, chuyện phong bì phổ biến đến nỗi  người ta ‘minh định’ nó như một dạng “văn hóa” cảm ơn (?!).

Nhưng đồng hành với ‘phong bì’ là hiện tượng phản ứng của người dân với bệnh viện ngày càng manh động, đầy tính bạo lực. Hiện tượng này xảy ra ở hầu khắp các tỉnh từ Cà Mau đến Bình Định, Thái Bình, Quảng Ninh, ... thậm chí đã có trường hợp, người nhà bệnh nhân tấn công, sát hại cả thầy thuốc.

{keywords}

Ảnh đối tượng đuổi đánh bác sỹ. Ảnh chụp từ camera bệnh viện/ VTC

Nhìn sự việc trên góc độ đạo lý, thấy thật sự đau xót. Các bệnh viện đang phải đối mặt với những phản ứng mang tính bạo lực, bất chấp luật pháp từ chính người dân, mà theo lẽ thường thì họ là người phải mang ơn đối với mình.

Còn người dân thì cho rằng; không đau, không ốm, ai muốn vào bệnh viện làm gì? Người dân vào bệnh viện là mong được khám và chữa bệnh, chứ không ai muốn vào bệnh viện để… gây gổ, đánh nhau với bác sĩ cả.

Phía nào cũng có lý.

Nguyên cớ vì đâu?

Xin bắt đầu từ nguồn cơn câu chuyện.

Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học nói chung, khoa học y học nói riêng, các xét nghiệm ngày càng can thiệp sâu vào quá trình khám và chữa bệnh của người thầy thuốc. Không ai hiểu giá trị của các xét nghiệm bằng các bác sĩ, có rất nhiều chẩn đoán xác định bệnh cũng như phương án điều trị, lại phụ thuộc vào các kết quả xét nhiệm, được làm từ những máy móc xét nghiệm mà bệnh viện được trang bị. ‘ Y học dựa trên bằng chứng’ nên những chẩn đoán được xác lập dựa trên các kết quả xét nghiệm (bằng chứng) không chính xác, sẽ dẫn tới các sai lầm trong chẩn đoán bệnh.

Chuyện xét nghiệm thiếu chính xác đã có những nghi vấn từ rất nhiều năm nay; từ cả phía người bệnh và phía các bác sĩ trên khắp đất nước. Những nghi ngờ về xét nghiệm tại các bệnh viện không đạt chuẩn, đưa ra những kết quả thiếu chính xác, được phản ánh liên tục trên báo chí liên tục nhiều năm lại đây: Bệnh nhân chết, vì kết quả xét nghiệm đá nhau; Loạn xét nghiệm, bệnh viện hành dân; Là bác sĩ tôi cũng rờn rợn người khi nhận kết quả xét nghiệm; sai lệch "chết người" trong xét nghiệm...

Mặc dù các máy xét nghiệm được các bệnh viện sử dụng, hàng năm hầu như không được kiểm định, kiểm chuẩn, hiệu chỉnh, hiệu chuẩn. Nhưng thật đáng tiếc, những nghi vấn như vậy đã bị... “đắp chiếu”, không hề được các cấp quản lý y tế quan tâm xem xét.

Mới đây vụ việc máy xét nghiệm tại bệnh viện Thường Tín (Hà Nội) đang làm dư luận hết sức phẫn nộ. Bệnh viện này đã mượn máy xét nghiệm không rõ nguồn gốc làm xét nghiệm cho bệnh nhân. Còn máy của bệnh viện qua đấu thầu của Sở Y tế Hà Nội lại là “vỏ Đức, ruột Trung Quốc”

Trước đó vụ việc công ty Bảo Trâm nhập máy xét nghiệm cũ nát, mà nói thẳng ra đây thực chất chỉ là ‘rác thải y tế’ rồi ‘tút’ lại, dán nhãn, phù phép thành máy xét nghiệm nhập khẩu mới 100% lưu hành tại VN. Như vậy các loại máy này chắc chắn không chỉ có ở Hà Nội mà sẽ có ở nhiều bệnh viện của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Điều rất đáng hổ thẹn và đau xót là; những chiếc máy xét nghiệm sinh hóa bị cũ nát bị thu giữ, được gọi là máy “mới 100%” này, đều được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu. Cụ thể là doanh nghiệp Bảo Trâm được ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình y tế đã được ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu.

Công bằng mà nói; khi có các ‘tai biến y khoa’ xảy ra, thì tùy từng vụ việc cụ thể, ngành y tế  thường thành lập các hội đồng chuyên môn, hội đồng khoa học các cấp, để xem xét, nhằm xác định nguyên nhân cũng như cách thức, phương hướng khắc phục. Nhưng thật đáng buồn, những kết luận của các hội đồng thường không được rõ ràng về nguyên nhân: Hết ‘sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân’; rồi lại đến nguyên nhân chưa rõ. Nhưng lại rất chắc chắn là ... không có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm, vì “rất đúng qui trình chuyên môn, không liên quan đến văcxin, vẫn nằm trong tỉ lệ cho phép... “

Hậu quả tất yếu là, chính ngành y đang tự  đánh mất dần niềm tin của người dân.

Đương nhiên, trước những vụ việc hành hung, cơ quan chức năng sẽ phải điều tra, xử lý. Nhưng để những sự việc tương tự như vậy không còn xảy ra thì không ai khác chính ngành y tế phải tự làm lấy. Chỉ có tình thương và trách nhiệm của người thầy thuốc đối với người bệnh mới có thể bảo vệ được bác sĩ mà thôi. Xin được nhắc lại câu nói của người Việt: ‘Mất lòng tin là mất tất cả’. Không thể bắt, đòi hỏi người dân phải tin, nếu ngành y không cho họ cơ sở để tin.  

Đó cũng là sự sòng phẳng của cuộc đời.

  • BS Nguyễn Văn Soạn