Người Nhật nếu sang Việt Nam chơi chắc hẳn đa phần là vui lắm, bởi vì từ trong nhà ra ngoài đường, đâu đâu họ cũng có thể nhận thấy các sản phẩm "made in Japan" hoặc có yếu tố Nhật.

"Ý tưởng Nhật" ở Việt Nam

Người Nhật nếu sang Việt Nam chơi chắc hẳn đa phần là vui lắm, bởi vì từ trong nhà ra ngoài đường, đâu đâu họ cũng có thể nhận thấy các sản phẩm "made in Japan" hoặc có yếu tố Nhật tại một đất nước vẫn còn nghèo nhưng rất chịu chơi này. Đặc biệt nếu tìm hiểu sâu thêm một chút, họ sẽ còn vui hơn nữa khi nghe thấy tên nhân vật chính trong một bộ phim truyền hình của họ - Oshin đã được Việt hóa để gọi những người làm nghề "giúp việc nhà".

Ở một đất nước "tập quyền' như Việt Nam, khi còn nghèo khó thì cái sự nghèo này từng được chia đều cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi kinh tế đất nước khá lên trông thấy, thì cái "khá giả" này lại không được phân phối đồng đều như cái nghèo ngày trước.

Người Thành phố, vốn có lợi thế hơn, có điều kiện tiếp cận thông tin nhiều hơn, chính xác hơn cùng nhiều ưu đãi khác đã được hưởng lợi hơn rất nhiều từ quá trình "đổi mới" của đất nước so với các công dân đến từ nông thôn. Sự phân cấp giàu nghèo ngày càng rõ rệt giữa người "Thành phố" và người "Nhà quê" đã tạo ra một nghề rất phổ biến trong xã hội hiện nay, đó là nghề Oshin - chỉ các phụ nữ nông thôn ra thành phố giúp việc nhà.

Tạm bỏ qua các trường hợp dở khóc, dở cười do các khác biệt của người nông thôn và thành thị hay các trường hợp tuyển Oshin "quá trẻ" hay một vài trường hợp bị ngược đãi, thì có thể nói rằng ngày nay Oshin đã được xã hội xem như một nghề như bao nhiêu nghề khác và thậm chí còn đang được nhà nước ta xây dựng các chính sách để "quản lý" và bảo vệ một cách phù hợp.

Về cơ bản những người làm Oshin đa số là tự nguyện và thậm chí có nhiều phụ nữ nông thôn mong muốn có cơ hội được làm Oshin ở thành phố để cải thiện kinh tế gia đình. Vậy đâu là lý do khiến cho ngày càng có nhiều phụ nữ nông thôn chấp nhận xa gia đình, người thân và con cái để ra thành phố làm Oshin? 

{keywords}
Oshin, bộ phim truyền hình Nhật Bản đã gắn chặt với ngành lao động giúp việc ở Việt Nam.

Hệ quả để lại trên vai phụ nữ

Thứ nhất, đó là hệ quả của quá trình phát triển của đất nước ta - khi nguồn lực được đầu tư, tập trung và ưu tiên cho khu vực đô thị cũng như được nắm giữ bởi những người thành phố. Chính sự phân bổ mất cân bằng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra phân hóa giàu nghèo.

Sự phân hóa trong thu nhập giữa hai khu vực này đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng "giàu nhà quê không bằng lăn lê thành phố", vì vậy họ sẵn sàng bỏ lại sau lưng mình gia đình, làng xóm cũng như các thói quen, sở thích của người nông thôn để được ra thành phố và xin làm Oshin cho một gia đình khá giả nào đó. Nơi đây tuy cuộc sống có buồn tẻ chút ít nhưng nó đảm bảo cho gia đình họ một nguồn thu nhập ổn định (tuy không cao). Thay vì có thể trực tiếp chăm sóc gia đình trong sự thiếu thốn ở nông thôn, thì giờ đây, với đồng lương hàng tháng, con cái họ được đến trường để có thể có được một tương lại tốt đẹp hơn.

Thứ hai, tuy đất nước ta vẫn là nước sống nhờ nông nghiệp và xuất khẩu gạo, nhưng về cơ bản nền nông nghiệp của chúng ta vẫn dựa vào sản xuất của các nông hộ nhỏ với diện tích canh tác nhỏ hơn 3 ha/hộ - chiếm tới 90% trong số 10 triệu hộ có hoạt động canh tác tại Việt Nam. Đặc biệt đối với những nông hộ có diện tích đất từ 1 ha trở xuống, trong cơ chế hiện tại thì hầu như nông dân không có hoặc có lãi rất ít nếu trồng lúa nước; trong khi đó quá trình thu hồi vốn lại rất chậm.

Mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ngày nay cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt về giá với các Công ty đa quốc gia nên nông dân không mặn mà lắm với nghề này cộng thêm với rất nhiều rủi ro vì dịch bệnh.

Đối với rất nhiều người sống ở nông thôn, ngoài một số ít có thể ly hương thông qua học hành ra thì phần lớn thanh niên chọn cho mình công việc tại các khu công nghiệp với đồng lương ít ỏi và tương lai bất ổn. Vậy những người còn lại thì sao (những phụ nữ đã có gia đình, hoặc lao động nữ vị thành niên)? Họ không thể sống ổn nếu chỉ bám vào mấy sào ruộng và mảnh đất vườn ngày càng nhỏ lại. Nhu cầu cần người giúp việc ngày càng tăng ở TP chính là cứu cánh đối với nhiều người trong số này.

{keywords}
Giúp việc ở các gia đình thành phố trở thành cứu cánh cho các phụ nữ nông thôn và cho cả các gia đình thành phố bận rộn.

Có những giọt nước mắt chảy vào trong

Thứ ba, một nguyên nhân có vẻ ít người thừa nhận nhưng có vẻ ảnh hưởng lớn  đến việc nhiều phụ nữ nông thôn không ngại ngần bỏ quê lên TP làm Oshin đó là (i) tuy làm người giúp việc nhưng họ có cuộc sống an nhàn hơn nhiều so với sự mưu sinh ở quê; và (ii) Họ ít nhiều thoát ra được khỏi môi trường gia trưởng và tàn dư phong kiến trong xã hội nông thôn.

Ở TP họ thấy mình có phẩm giá hơn - ít nhất là họ được trả công cho những việc mình làm và không bị ức hiếp mà phải cam chịu (trừ một vài trường hợp cá biệt) từ các ông chồng (trong đó có nhiều người nát rượu) - Nơi họ không bị các quan hệ mẹ chồng - nàng dâu chi phối - nơi tâm hồn họ ít nhiều được giải phóng.

Đằng sau đó là những đứa trẻ ở quê nhà khắc khoải chờ và nhớ mẹ, là những ông chồng rất dễ sa ngã và bê tha do xa vợ, là những mảnh ruộng bị bỏ hoang và những ngôi nhà trở nên lạnh lẻo do thiếu đi bàn tay phụ nữ.

Và còn nhiều hệ lụy nữa mà tôi không thể thống kê ra hết, trong đó có những giọt nước mắt ly hương âm thầm chảy vào trong của những Oshin nơi đất khách cho dù bề ngoài họ tỏ ra cứng cỏi và đơn giản.

Và trên hết, xét trên khía cạnh giới, họ, những Oshin nơi thành phố chính là phương tiện và công cụ hữu hiệu để giúp cho tôi và những người đàn ông khác duy trì được vị thế "ông chủ" của mình trong gia đình.

Khi mà chúng ta vẫn không muốn cùng vợ nấu nướng, giặt giũ quần áo và chia sẻ việc nhà - trong khi các bà vợ của chúng ta ngày càng mạnh hơn, bình đẳng hơn, họ cũng muốn thăng tiến hơn trong công việc và quyết tâm đấu tranh để có nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp và bản thân, thì có được một Oshin hiền lành và chăm chỉ trong nhà là một cứu cánh hiệu quả và có tính đồng thuận cao nhất.

Xin hãy cẩn thận với việc này, bởi vì để giải quyết các mâu thuẫn về giới các trong gia đình thành thị, bạn không chỉ đơn giản là bỏ ra mấy triệu đồng một tháng để trả cho người giúp việc nữ.

Đằng sau đó là những đứa trẻ ở quê nhà khắc khoải chờ và nhớ mẹ, là những ông chồng rất dễ sa ngã và bê tha do xa vợ, là những mảnh ruộng bị bỏ hoang và những ngôi nhà trở nên lạnh lẻo do thiếu đi bàn tay phụ nữ.

Và còn nhiều hệ lụy nữa mà tôi không thể thống kê ra hết, trong đó có những giọt nước mắt ly hương âm thầm chảy vào trong của những Oshin nơi đất khách cho dù bề ngoài họ tỏ ra cứng cỏi và đơn giản.

Ôi nghề Oshin!

Trần Văn Tuấn