Khi Tổng thống Obama tuyên bố quần đảo Senkaku nằm trong diện bảo hộ của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Trung Quốc đã rút lui và căng thẳng hạ nhiệt. Vấn đề là ở Biển Đông đang thiếu vắng một cấu trúc cho phép các bên có thể phán định được đâu là giới hạn không nên bước qua, từ đó ngăn chặn những toan tính sai lầm - cựu Đại sứ Mỹ tại Đức nhận định.
Xem clip bàn tròn kỳ 2 Tại đây |
LTS: VietNamNet trân trọng giới thiệu phần 2 cuộc bàn tròn với chủ đề: Sự trỗi dậy của Trung Quốc và lựa chọn cho Việt Nam.
Phần 1: Vì sao không ai muốn TQ giành địa vị thống trị?
Từ trái qua phải: TS Nguyễn Hùng Sơn, Đại sứ Bindenagel và Nhà báo Việt Lâm |
Vai trò của Mỹ
Nhà báo Việt Lâm: Chúng ta đã phân tích các khía cạnh liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong một cục diện mới đang hình thành hiện nay thì Mỹ có vai trò như thế nào?
Đại sứ Bindenagel: Tôi cho rằng có một sự hiểu lầm cơ bản về vai trò của Mỹ trong cách nhìn nhận của Trung Quốc, hay thậm chí của một số nước láng giềng. Điều này dường như đang thay đổi sau khi Trung Quốc trở nên hiếu chiến hơn. Câu hỏi dành cho Mỹ là liệu Mỹ có thể đóng vai trò gì khi Trung Quốc trỗi dậy?
Trước tiên, phải nói rằng những cuộc chiến tranh trên bộ, như chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên là câu chuyện thời Chiến tranh Lạnh. Và Chiến tranh Lạnh đã qua được 25 năm rồi. Nhiều nhà phân tích khi nhìn vào Mỹ thường hay nói rằng Mỹ vẫn đang tiếp tục Chiến tranh Lạnh. Điều đó hoàn toàn sai. Chúng tôi không làm như vậy. Kiểu tư duy Chiến tranh Lạnh đã kết thúc nhưng Mỹ vẫn phải đóng vai trò ở khu vực này. Bởi vì trước hết, chúng tôi là một cường quốc Thái Bình Dương, cho nên chúng tôi có mọi quyền để hiện diện ở đây. Những gì mà Mỹ đang cố gắng thực hiện là đảm bảo ổn định khu vực.
Tôi muốn làm một so sánh với kinh nghiệm của Châu Âu. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ nhanh chóng rút khỏi châu Âu. Sau đó Mỹ bị Liên Xô thách thức và phải quay trở lại. Vì vậy, Mỹ đã quay lại châu Âu với tư duy Chiến tranh Lạnh nhằm kiềm tỏa Liên Xô. Tuy nhiên, Mỹ cũng triển khai một số chiến lược khá tương đồng với cuộc tranh luận hiện nay ở khu vực. Chúng tôi đỡ đầu cho Cộng đồng Than Thép. Ý tưởng này nhằm tạo dựng tình hữu nghị giữa Đức với các nước láng giềng, một quốc gia đã có tới 20 cuộc chiến tranh với các nước xung quanh trong vòng 200 năm qua. Những thành viên của cộng đồng này là kẻ thù cũ và họ không có cách nào bước qua quá khứ hận thù cho đến khi họ đề xuất ý tưởng về chia sẻ tài nguyên chung. Đó là nền tảng của Cộng đồng Than Thép, hai loại tài nguyên đã từng gây ra chiến tranh. Nhờ mô hình này mà suốt hơn 70 năm qua các nước châu Âu đã cùng tồn tại hòa bình. Mặc dù có xảy ra một số cuộc xung đột quân sự ở ngoại vi, như ở Slovenia hay ở Ukraine hiện nay nhưng khu vực ngoại vi này nằm ngoài mối quan hệ chia sẻ thị trường chung, hoạt động chung, phát triển tài nguyên và hợp tác chính trị hiện nay trong EU.
Rõ ràng kinh nghiệm từ EU có thể cung cấp cho chúng ta một cách thức tiếp cận để giải quyết căng thẳng hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương. Vai trò của Mỹ ở Châu Âu cũng là vai trò mà chúng tôi muốn ở châu Á. Đó là đem các bên ngồi lại với nhau, hợp tác với nhau và nỗ lực đảm bảo rằng sẽ không có xung đột xảy ra.
Vấn đề là Mỹ có thể dựa vào cấu trúc nào ở châu Á- Thái Bình Dương? Liệu Mỹ có thể khuyến khích sự hình thành của một cấu trúc tương tự như Cộng đồng Than-Thép ở châu Âu hay không? Ở Biển Đông các nước có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác với nhau, như đánh bắt cá, thăm dò và khai thác dầu khí...Tôi được biết Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận cùng hợp tác khai thác tài nguyên chung trên vịnh Bắc Bộ. Đấy là một dẫn chứng cho thấy có những chỗ mà Trung Quốc có thể sẵn lòng phát triển một mối quan hệ có lợi cho cả hai bên mà không cần phải tỏ ra hung hăng hay lấn lướt đối phương. Tôi tin rằng chính phủ Mỹ đang cân nhắc đến những sáng kiến tương tự.
Nhà báo Việt Lâm: Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Đại sứ Bindenagel. Ông có nghĩ rằng chính vì cách ứng xử mềm yếu của Mỹ đối với Trung Quốc đã khuyến khích Trung Quốc hành động quyết đoán hơn hay không?
Đại sứ Bindenagel: Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi hay. Tôi sẽ nói ngay là không phải như vậy. Bởi vì xét trên khía cạnh cấu trúc thì Mỹ có hiệp ước an ninh song phương với Nhật Bản và Hàn Quốc. Những thỏa thuận này cung cấp một cấu trúc mà dựa vào đó Trung Quốc có thể phán đoán được phản ứng của Mỹ sẽ là gì nếu họ đối đầu với hai nước này. Dẫn chứng tôi đã nhắc tới là quần đảo Senkaku. Khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã cử máy bay đến khu vực này để thách thức Trung Quốc. Tình hình trở nên bất ổn và nguy hiểm cho đến khi Tổng thống Obama có chuyến công du đến Nhật hồi tháng Tư và tuyên bố quần đảo Senkaku thuộc diện bảo hộ của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Sau đó, Trung Quốc đã rút lui.
Vấn đề là đang thiếu vắng một cấu trúc cho phép tìm kiếm các giải pháp cho xung đột ở Biển Đông mà dựa vào cấu trúc đó có thể đưa ra phán định đâu là ranh giới và hành động nào được coi là khiêu khích. Liệu một cấu trúc như vậy có thể xoay quanh ASEAN khi mà ASEAN phát triển hay không? Hay là một cấu trúc sinh ra từ Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á?
Một số người ở Mỹ đề xuất rằng Mỹ nên trở thành một đối tác chiến lược của Việt Nam để chống lại Trung Quốc. Đó không phải là một cách tiếp cận sáng suốt. Ngược lại, nó chỉ gây them đối đầu mà không đi tới giải pháp nào cả. Do đó, câu hỏi thực sự cần đặt ra là cấu trúc nào sẽ có tính khả thi để đảm bảo cho hai phía không tính toán sai, để họ có thể hiểu được đâu là giới hạn không nên bước qua.
TS Nguyễn Hùng Sơn: Tôi chia sẻ với câu hỏi của độc giả. Tôi nghĩ rằng Mỹ có vai trò chủ chốt trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực này. Người ta có thể lập luận từ hai góc nhìn ngược chiều nhau rằng chính sự suy yếu của Mỹ đã khuyến khích Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn hoặc ngược lại chính sự mạnh tay của Mỹ đã thôi thúc Trung Quốc phải hành xử quyết đoán.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đang có một sự mơ hồ dẫn đến nhận thức sai lầm trong nội bộ Trung Quốc, từ đó dẫn đến Trung Quốc có những tính toán sai và hành động không chính đáng. Tôi đồng ý với quan điểm của Đại sứ Bindenagel về sự cần thiết phải có một cấu trúc song cấu trúc này phải làm rõ những mập mờ hiện nay và đảm bảo ổn định ở khu vực. Tôi thấy một trong những việc mà ASEAN đang làm cho khu vực là tạo ra sự minh bạch trong khu vực. Chúng tôi diễn giải và tường minh ý đồ và mục tiêu của các bên trong khu vực, đưa các bên ngồi lại để tránh hiểu lầm. Bởi vì hiểu lầm có thể dẫn đến tính toán sai và tính toán sai đôi khi sẽ vô cùng nguy hiểm về mặt chiến lược. Đó là vai trò của cấu trúc đó và cũng chính là vai trò của ASEAN ở khu vực.
TQ hung hăng dùng vòi rồng tấn công tàu VN. Ảnh: Hoàng Sang |
Các đế chế có thể sụp đổ vì toan tính sai lầm
Đại sứ Bindenagel: Tôi muốn nhấn mạnh vào luận điểm mà TS Sơn vừa trình bày, đó là sự tính toán sai lầm. Bài học từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất cho thấy để tránh chiến tranh thì yếu tố có vai trò cốt tử là các nhà lãnh đạo các quốc gia không được có phán đoán hay tính toán sai lầm về những gì đang diễn ra. Những gì chúng ta đang bàn thảo ở đây cũng là tìm ra cách thức nào để có thể hiểu được điều gì đang thực sự diễn ra. Liệu rằng sự kiện giàn khoan là sáng kiến của một nhóm lợi ích nào đó, hay nó được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh? Câu trả lời sẽ dẫn đến hai kết quả và hai cách giải quyết rất khác nhau. Bạn có thể phản đối giàn khoan hoặc bạn có thể phản đối Trung Quốc. Ý tôi là phản đối vụ việc hay phản đối cả một quốc gia.
Hãy nhớ lại thảm họa đối với cả châu Âu khi chiến tranh bùng phát năm 1914 do đế chế Nga Sa hoàng, đế chế Áo-Hung, đế chế Otoman sụp đổ. Bài học lịch sử cho thấy, các đế chế có thể suy vong do những toan tính sai lầm.
Nhà báo Việt Lâm: Từ những gì mà Đại sứ và Tiến sỹ Sơn vừa phân tích, có thể suy ra rằng nguy cơ chính là lãnh đạo và các nhóm lợi ích ở Trung Quốc đánh giá quá cao quyền lực và sức mạnh của họ trong khi lại đánh giá quá thấp phản ứng từ cộng đồng quốc tế?
Đại sứ Bindenagel: Điều đó hoàn toàn đúng. Hãy xem xét vai trò của Mỹ ở đây. Tôi lấy một ví dụ liên quan đến nhận thức của Trung Quốc về vai trò của Mỹ trong khu vực. Khi Mỹ quyết định gửi một số ít quân đến Australia, động thái đó đã bị xem là khiêu khích. Trong khi đối với chúng tôi, hành động này hoàn toàn không có mục đích khiêu khích gì cả. Chúng tôi chỉ đơn thuần hiện diện tại đây để có thể đảm bảo tự do giao thương hàng hải và duy trì trật tự quốc tế vì sự thịnh vượng mà khu vực đã đạt được từ thương mại.
Ngoài ra, còn có một loạt các vấn đề khác mà Mỹ không hề muốn khiêu khích ai nhưng vẫn bị buộc tội là khiêu khích. Rõ ràng đang tồn tại một nhận thức sai từ phía bên kia.
Có hay không một liên minh Trung - Nga?
Nhà báo Việt Lâm: Xin được chuyển sang chủ đề khá nóng gần đây là sự hình thành các liên minh trong khu vực liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc. Độc giả Thu Hà có câu hỏi dành cho hai vị khách mời: Mới đây Trung Quốc và Nga đã ký hợp đồng khí đốt khổng lồ, theo đó Trung Quốc sẽ trở thành đồng minh chính của Nga. Trên nhiều vấn đề khác, người ta cũng thấy Nga chia sẻ quan điểm chung với Trung Quốc. Theo các ông, liệu một liên minh Trung - Nga có tái xuất hiện hay không. Tính bền vững của liên minh nếu có này sẽ như thế nào và tác động ra sao đến cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương?
TS Nguyễn Hùng Sơn: Tôi khá do dự khi phải dùng từ liên minh, một thuật ngữ mang hơi hướm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi mà ngày càng có nhiều hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, bản chất của các mối quan hệ hợp tác này hoàn toàn khác xa thời Chiến tranh Lạnh. Khi các nước hình thành một liên minh, họ có thể đồng ý với nhau và hợp tác về mọi vấn đề. Những mối quan hệ hợp tác này hình thành dựa trên các vấn đề và trong khi các nước tăng cường hợp tác trong một lĩnh vực nào đấy thì đồng thời họ có thể bất đồng hoặc cạnh tranh với nhau ở các lĩnh vực khác. Đó là bản chất của các quan hệ quốc tế ngày nay.
Do vậy, chúng ta nên thoát khỏi lối nghĩ về các liên minh hình thành dựa trên ý thức hệ giống như thời Chiến tranh Lạnh. Điều đó có nghĩa rằng hợp tác dầu khí Trung-Nga vừa qua là một diễn biến quan trọng về địa chính trị bởi một mặt thỏa thuận này làm gia tăng mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga. Mặt khác, nó gây ra cảm tưởng rằng hai nước này đang liên minh với nhau để chống lại sự hình thành của một liên minh khác, tạo ra một ấn tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh trong quan hệ quốc tế. Điều nguy hiểm là nó có thể gửi một thông điệp sai lầm đến các nước khác, khiến cho họ phải lựa chọn đứng về bên nào, hay phải nêu lập trường mà vốn họ không cần phải làm vậy. Vì lẽ đó, tôi nghĩ chúng ta nên cẩn thận và không diễn giải quá mức những diễn biến này.
Đại sứ Bindenagel: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Sơn. Theo tôi, thỏa thuận cung cấp khí đốt là một thỏa thuận kinh tế. Và nếu tôi xem xét nó dưới góc độ kinh tế, tôi sẽ nói rằng thỏa thuận này rất có lợi cho Trung Quốc. Đó là bởi vì Nga đang cần tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế nhằm duy trì sự ổn định cho nền kinh tế của họ.
Tuy nhiên, tôi không cho rằng đó là một thỏa thuận chiến lược gì cả. Nó là một thắng lợi của Trung Quốc, vì thế cán cân mối quan hệ đang nghiêng về phía nước này. Hiển nhiên là ông Putin cần có một tuyên bố chính trị rằng ông ấy có lựa chọn thay thế đối với EU trong bối cảnh phải đối mặt với sự trừng phạt của phương Tây. Đây là một sự cân bằng mang tính đánh đổi.
Một lần nữa, tôi đồng ý rằng cần phải hết sức điềm tĩnh xem xét vấn đề để không tính toán sai. Chiến tranh Lạnh đã qua lâu rồi. Một số người nói rằng Putin đang làm hồi sinh thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đúng là ông ấy muốn đưa nước Nga vươn dậy một lần nữa. Nhưng bây giờ không phải là Chiến tranh Lạnh, không phải là xung đột dựa trên ý thức hệ như xưa nữa. Chúng ta đã chứng kiến những thay đổi thực sự khác biệt đã diễn ra suốt 25 năm qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh được xây dựng dựa trên nguyên tắc duy trì các tiến trình và chuẩn mực. Một trong những luật chơi mà các nước đều phải tôn trọng là không ai được phép dùng vũ lực để xê dịch các biên giới. Việc ông Putin đã làm với Crimea là một thách thức nghiêm trọng. Và đó cũng là một tín hiệu rất xấu cho Đông Á, cả Đông Bắc và Đông Nam Á. Bởi vì nếu điều đó trở thành luật chơi quốc tế, rằng họ có thể dùng vũ lực để thay đổi các đường biên giới, chúng ta sẽ đối diện với một thế giới hoàn toàn khác.
Bởi vậy, thách thức hiện tại là làm sao bảo vệ được chuẩn mực quốc tế rằng các đường biên không được phép thay đổi bằng vũ lực. Đó phải là nguyên tắc số một ở Biển Đông. Ở đây phải không có chỗ cho những thay đổi dựa trên vũ lực. Các nước có thể đàm phán với nhau, các nước có thể ở vị thế mạnh hơn hay yếu hơn, nhưng ít nhất thì theo quan điểm của tôi, và tôi cũng tin rằng đó là lập trường của chính phủ Mỹ rằng vũ lực là điều không thể chấp nhận được.
(Còn tiếp)
- VietNamNet