-Đã tới lúc nhìn nhận những sai lầm của Bắc Kinh đúng như bản chất của nó.

Phần 1: Những toan tính thất bại của Bắc Kinh

Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả Bill Hayton tiếp tục phân tích về những tính toán của TQ trong việc hạ đặt giàn khoan.

Hỗ trợ ngư dân

Hai thập kỷ trước, trong một bài viết công bố, tác giả John Garver lập luận việc hải quân Trung Quốc tiến vào biển Đông thể hiện “mối tác động qua lại giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của các cơ quan trong bộ máy hành chính quan liêu”. Chúng vẫn đang tác động lẫn nhau.  Hải quân Trung Quốc đang trở nên lớn mạnh. Cùng với đó là vị thế, cấp bậc, phụ cấp. Điều này cũng đúng cho lực lượng Hải cảnh mới của Trung Quốc.

Lực lượng Hải cảnh cần tập trung vào một cái gì đó khác hơn là đấu đá nội bộ sau khi đã hoàn thành việc sáp nhập và cả họ lẫn hải quân đang tìm kiếm những nhiệm vụ để chứng minh mình hữu dụng và biện minh cho quỹ ngân sách của mình.

Và điều gì đúng cho quân đội cũng đúng cho các tỉnh phía Nam. Hải Nam là tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc và tương đối nghèo với một nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Những năm gần đây tỉnh này đã có nỗ lực lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá và trở nên lão luyện trong việc thu hút trợ cấp nhà nước để trang bị những tàu thuyền mới.

Một vài báo cáo xuất sắc của Reuters tháng trước tại thực địa đã mô tả về hàng trăm, có thể là hàng ngàn tàu đánh cá nhận từ $300 đến $500 (khoảng 6,4 đến 10,6 triệu đồng – ND) mỗi ngày để đánh cá.

Trong khi một thuyền trưởng lưu ý rằng “Chính quyền trợ giúp đánh cá ở biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc,” điều đó cũng có thể tương đương với việc nói chính quyền sử dụng tuyên bố chủ quyền để biện minh cho việc hỗ trợ ngư dân. Reuters đã phát hiện ra rằng tám tàu đánh cá được hạ thuỷ tại cảng Đông Phương trên đảo Hải Nam sẽ đủ điều kiện để được nhận $322.500 (khoảng 6,86 tỉ đồng – ND) tiền tài trợ “cải tiến” tàu.

{keywords}
Ảnh: Hoàng Sang

Sức mạnh của nhóm lợi ích

Các công ty dầu mỏ cũng có thể dùng con bài chủ quyền để hậu thuẫn cho các thương vụ của họ ở biển Đông.

Tháng 5 năm 2014, khi Tổng Công ty dầu khí hải dương TQ (CNOOC) hạ thuỷ giàn khoan nước sâu vốn được trợ cấp rất nhiều và là trung tâm của vụ đối đầu trên Quần đảo Hoàng Sa, thì lãnh đạo của họ đã mô tả nó như là “lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược”.

Do đó, có vẻ bất thường khi CNOOC lại không phụ trách chuyến phiêu lưu tiếp theo ở Quần đảo Hoàng Sa. Tại sao lại như vậy?

Không thể nắm được mưu đồ riêng của công ty này ngoài một vài lời giải thích do chính họ gợi ra. Có thể một DN khác, Công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn dầu khí TQ (CNPC) sẵn sàng chấp nhận rủi ro mà CNOOC không muốn – cả về kỹ thuật lẫn chính trị.

Đây là lần đầu tiên Hải Dương-981 được sử dụng trong vùng nước sâu. Có thể CNPC cố giành ưu thế với CNOOC bằng cách đánh dấu chủ quyền trong một khu vực chưa được thăm dò. Cũng có thể ban quản lý cấp cao CNPC cố thoát khỏi những rắc rối chính trị sâu xa của họ. Các cáo buộc tham nhũng chống lại công ty này ngày càng tăng đang biến thành một vụ bê bối chính trị cấp quốc gia. Ban quản lý của CNPC có thể coi nhiệm vụ cắm cờ trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp như một cách để cầu cạnh Bộ Chính trị và cứu chính mình.

Không điều nào ở trên có ý phủ nhận rằng những người Trung Quốc liên quan đến vụ bế tắc trên giàn khoan tin hết lòng vào hiệu lực pháp lý của tuyên bố chủ quyền của nước họ ở biển Đông. Truyền thuyết về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đã được khắc sâu vào nhiều thế hệ trẻ em Trung Quốc.

Tôi đã viết trong một bài phân tích khác rằng niềm tin này xuất phát từ việc những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đã diễn giải sai lịch sử Đông Nam Á đầu thế kỷ XX, nhưng tôi cũng không chút nghi ngờ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thật lòng tin tưởng vào tính đúng đắn của nó.

Chính sách của Trung Quốc về biển Đông ít có khả năng là kết quả của một tổng hợp những phân tích hợp lý được suy xét hơn, mà là kết quả không thể dự đoán trước của một tập hợp các chiến dịch vận động hành lang. Khi hợp tác, sức mạnh của các nhóm lợi ích này rất lớn: họ có thể gây ảnh hưởng lên chính sách của Đảng Cộng sản theo hướng có lợi cho họ. Một điều mà tất cả đều đồng ý, dù vì lòng yêu nước, an ninh, lợi nhuận hoặc công việc. Đó là Trung Quốc phải có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên của biển Đông.

Rất nhiều nhà bình luận đã bị đánh lừa bởi những nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc. Huyền thoại khó lý giải về sự bất khả chiến bại của Bắc Kinh bắt nguồn từ các trang xã luận của quá nhiều hãng tin.

Kết quả là ngay cả khi Trung Quốc mắc sai lầm, nó vẫn được giả định đơn thuần là vỏ bọc của một âm mưu bất chính ranh mãnh hơn.

Đã tới lúc đập tan huyền thoại này và nhìn nhận những sai lầm của Bắc Kinh đúng như bản chất của nó. Ngay lúc này, tốt hơn hãy đánh giá những động thái của Trung Quốc ở biển Đông là sự sai lầm của họ chứ không phải là một âm mưu nào đó.

Tác giả: Bill Hayton. Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng. Nguồn: The National Interest

Bài được đăng từ nghiencuuquocte.net