Cứ đà này, biết đâu một ngày gần đây, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân chả lại rẽ ngang, nộp đơn xin làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Gần đây, có không ít quan ngại chính sách bất cập về tiền lương, môi trường làm việc từ khối cơ quan nhà nước có thể gián tiếp dẫn đến nạn chảy máu chất xám. Ấy là việc họ e sợ nhân tài xứ ta sẽ đổ xô tìm kiếm cơ hội tại các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các doanh nghiệp nước ngoài hay chí ít cũng là các doanh nghiệp tư nhân có "máu mặt" trong nước. Thực tế cho thấy có khi những lo lắng như thế này đã "bé cái lầm".

Bằng chứng sống

Này nhé, cục Thuế Hà Nội mới tổ chức thi tuyển công chức, cấp thành phố thôi đấy mà hàng nghìn hồ sơ dự tuyển, hàng nghìn con người nhễ nhại ngóng chờ trước cửa quan, ngồi tràn ra vỉa hè, gây ách tắc giao thông trên một con phố thuộc dạng rộng dài giữa thủ đô. Người ta nhẫn nại dưới cái nóng trên 38 độ, sau đó là dầm mưa tầm tã, gồng mình lạc quan dù cho tỷ lệ thi chọi có khi cao hơn hầu hết các trường đại học. Đấy, hãy rút lại suy nghĩ sai lầm ấy đi, đừng có "phiến diện" khi bảo cơ quan nhà nước chả có gì hấp dẫn bởi đồng lương "hẻo" quá đấy.

Này nhé, cao cao hơn chút xíu, một cục quản lí trực thuộc Bộ Công thương gần đây tổ chức thi tuyển lấy 10 công chức, mà có đến 299 người đăng kí dự thi. Hẳn là môi trường làm việc phải hấp dẫn thế nào mới khiến từng ấy con người  dũng cảm, tin tưởng đâm đơn, ngõ hầu tin vào một sự đổi đời nay mai. Nếu nơi đây chờ đợi họ chỉ là những đồng lương còm, làm gì có việc căng thẳng đến vậy, đến độ lộ cả đề thi, đến độ công an phải vào cuộc để rồi lãnh đạo bộ phải hủy kết quả thi, kỉ luật hàng loạt cán bộ trong ban tổ chức, yêu cầu tổ chức thi tuyển lại.

Này nhé, cũng mới đây thôi, hàng chục cán bộ nhà nước (thuộc dạng quy hoạch hẳn hoi) ở một số địa phương đã hò nhau nộp "quỹ chống trượt" lên đến cả tỷ đồng trong một cuộc thi đầu vào cao học. Đấy mới là cao học thôi, chưa phải là nghiên cứu sinh đâu đấy. Nếu chả phải vì họ muốn củng cố chỗ đứng của mình trong cơ quan nhà nước thì khổ tâm đi thi làm gì? Hoang phí từng ấy tiền của để làm gì?

{keywords}

Hàng nghìn người xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức cục thu. Ảnh: News.Zing

Cơ quan bên ngoài có gì hay?

Khối cơ quan ngoài nhà nước thì có gì là hay ho nhỉ? Ừ thì cứ cho là đồng lương có cao hơn, thì có gì mà ghê gớm, mà phải cuống lên? Chả phải nhân viên ở đó buộc phấn đấu từng ngày nếu không muốn bị sa thải đó sao? Cơ quan nhà nước mấy khi có chuyện này. Bước vào khi mái đầu xanh, thì khi bước ra tóc có khi chẳng còn để mà biết xanh hay trắng.

Chả phải bên ấy người ta cứ hùng hục làm, gắn rõ ràng trách nhiệm với quyền lợi, phân định rạch ròi giữa tập thể và cá nhân đó sao? Thế thì có gì mà hay ho nhỉ? Cuộc sống công sở chỉ  rặt vục mặt vào công việc thì có gì là thú vị? Phải "chém gió", "phải linh hoạt", phải "vừa tình, vừa lí", phải "cơ cấu", rồi "quy hoạch" thì mới gọi là cơ quan, mới gọi là có "chiến lược", có "tầm nhìn" chứ?

Cơ quan bên ngoài làm gì có tầng tầng, lớp lớp các tổ chức, các đoàn thể. Làm gì có bộ máy đủ cả ban bệ từ trưởng đến phó. Làm gì có chuyện cán bộ quản lí xấp xỉ bằng với nhân viên như ở đâu đó nhiều cơ quan nhà nước? Làm gì có chuyện đi muộn về sớm, làm gì có chuyện "cào bằng" trách nhiệm theo kiểu "chúng ta là một gia đình". Rồi chuyện ân tình nữa. Lấy đâu ra nhân viên thăm sếp mỗi ngày lễ tết, ốm đau, hiếu hỉ với đủ thứ quà, mà độ "nặng" của quà thường được đem ra để đo độ "nặng" của tình cảm.

Công chức có nghèo?

Người ta cứ than vãn đồng lương èo uột, đưa ra bao nhiêu là sự so sánh để chứng minh với ngừng ấy tiền thì sao mà sống được. Nhưng thế không có nghĩa là họ nghèo đâu đấy nhé!

Chả ở đâu người ta "giàu" thời gian như công chức của một số cơ quan. Người ta thoải mái đi muộn về sớm, hay thậm chí là xin phép được "làm việc", "nghiên cứu" tại nhà. Chả ở đâu người ta thoải mái ngồi nhậu không cần biết giời giấc.

Chả ở đâu cứ lên lương định kì theo kiểu "đến hẹn lại lên", chả cần biết cống hiến thế nào, thành tích ra sao. Chỉ cần tư tưởng, đạo đức, lối sống không có gì lầm lạc là được. Đóng góp chuyên môn có khi chỉ là thứ yếu, có gì mà ghê gớm nhỉ, cống hiến cả đời cơ mà?

Hãy cứ dạo quanh ngót trăm phố phường Hà Nội ngày nay, bạn sẽ thấy cơ man quán nhậu ven công sở nhà nước. Nếu công chức thực sự nghèo, tiền đâu mà ăn, mà uống nhiều như thế. Làm gì mà có được "số má", trở thành "thị trường trên cả tiềm năng" cho các loại đồ uống có cồn?

Chính phủ đã nỗ lực giảm biên chế, tinh gọn bộ máy nhà nước trong nhiều năm qua nhưng ở nhiều địa phương, ban ngành, bộ máy không giảm mà lại còn phình to ra hơn trước. Đề án tinh giảm khoảng 100.000 biên chế trong các cơ quan nhà nước mới đây chả biết rồi sẽ đi về đâu? Đấy, phải hấp dẫn thế nào, người ta mới đổ xô vào, mới khiến biên chế phình to, buộc Chính phủ phải vào cuộc để thu nhỏ lại.

Dự báo...

Cứ đà này, biết đâu một ngày gần đây, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân chả lại rẽ ngang, nộp đơn xin làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Nguyễn  Công Thảo

Bài cùng tác giả

Khoa học nước nhà đã đạt 'cảnh giới' siêu thực?

Một nhà khoa học nói rằng khi xem bài chép trên lớp của người con vốn theo học cùng ngành ở đại học, cùng thầy dạy, anh giật mình khi nhận ra chẳng có gì khác biệt so với những gì anh được học gần 40 năm về trước!