- Rất nhiều người dễ dàng phê phán người khác ưa nịnh, nhưng bản thân họ chẳng bao giờ dám nói hoặc có gan nghe một câu thật lòng.
Hôm rồi có câu chuyện nhỏ nhưng tôi thấy khá thú vị.
Ở công ty nọ, hàng ngày Tổng giám đốc luân phiên mời 10 nhân viên cùng ăn trưa, trong bữa cơm ai nói gì đều được ghi lại. Mục đích là dùng không khí thân mật để thắt chặt quan hệ trong công ty và khuyến khích sáng tạo trong công việc, ai có đề xuất gì cũng mạnh dạn nói ra. Để không bỏ sót, một người sẽ ghi lại biên bản bữa cơm, sau đó gửi cho toàn bộ nhân viên.
Một biên bản được báo chí ghi lại cho thấy ông Tổng giám đốc giới thiệu cuốn sách và kinh nghiệm giữ sức khỏe, đề nghị phòng đào tạo của công ty chép vào thẻ nhớ cho mọi nhân viên đều được đọc. Lá thư xin việc gây xúc động của một ứng viên được đề nghị đăng lên mạng công ty. Ông còn dặn mọi người khi ăn cơm nhớ cảm ơn và khi ra về nhớ xin phép.
Trên nhiều diễn đàn mạng, mọi người hầu hết cười nhạo, cho ông sếp nọ là điên khùng, chơi trội.
Tôi thì cho rằng đây là một cách ông xây dựng văn hóa công ty, có thể hơi khác người nhưng chưa chắc đã không có ích. Ít nhất nó mang lại cơ hội tiếp xúc gần gũi giữa người chủ cao nhất với mọi nhân viên của công ty và thường trong không khí bữa ăn người ta dễ cởi mở, dễ chia sẻ hơn. Giới kinh doanh chẳng luôn tiếp khách hàng trên bàn nhậu đó ư? Còn cám ơn khi được mời cơm là hành vi lịch sự, lời cáo từ khi ra về cũng vậy, có lẽ không phải phân tích nữa.
Có người lại nói ý tưởng này chẳng hiệu quả gì hết, vì Việt Nam không có thói quen nghe góp ý thẳng.
Thử tưởng tượng nhân viên nào đó dám phê phán cách điều hành của trưởng phòng mình với Tổng giám đốc. Ông này sẽ gọi trưởng phòng hỏi. Trưởng phòng ngay lập tức sẽ vừa tìm cách bao biện vừa lùng cho ra nhân vật to gan kia. Để làm gì? Để trừng trị vì tội dám qua mặt sếp trực tiếp.
Rồi giả sử điều phê phán lại chính là ý kiến của sếp lớn? Sẽ xử lý ra sao đây?
Bạn tôi kể công ty anh ta cũng có quy định hàng tháng nhân viên họp với ban giám đốc, nhưng chỉ cấp trưởng phòng trở lên mới thưa thốt. Vì có lần nhân viên nọ đã góp ý về một quy trình sản xuất mà theo anh ta là bất hợp lý thì sếp tổng lạnh lùng nói: "Quy trình đó là tôi nghĩ ra". Kết quả, mọi góp ý dừng lại ngang đó, còn nhân viên kia thì được các cựu binh truyền kinh nghiệm "Chớ mở miệng…".
Tôi cũng có kinh nghiệm thú vị ở một nơi từng làm qua. Lúc đó nội bộ cơ quan rất xáo trộn. Sếp tổng bèn tổ chức cuộc họp nội bộ chỉ có 8 người, yêu cầu góp ý thật thẳng thắn. Mọi người im lặng cười cười. Lát sau nhân vật lớn tuổi nhất góp ý: "Tôi ra ngoài nghe quá trời người hỏi sếp là ai, trời ơi sao mà trẻ dữ vậyyyy, sao mà giỏi dữ vậyyyy". Sếp "hừ" rất vui. Mọi người tiếp tục im lặng cười cười. Tôi vừa định góp ý thì một người bạn khá thân thiết giật áo ra hiệu dừng. Loanh quanh một lúc cũng có người lên tiếng nhưng chỉ nói về những điều rất râu ria.
Tan họp, ai nấy, theo từng nhóm kín đáo rủ nhau đi nhậu. Ở đó, họ hùng hồn lập luận, phân tích và đề ra giải pháp đến nơi đến chốn về mọi khó khăn của cơ quan.
Dĩ nhiên cuộc nhậu đó sếp không được mời.
Sếp chưa nản. Ông tiếp tục thông báo hàng tuần sẽ dành một tiếng tiếp tay đôi bất kỳ nhân viên nào. Sau một tháng, nghe nói chỉ dăm ba nhân viên đến gặp. Một trong số đó nói về hoàn cảnh khó khăn của gia đình…
Tình huống kể trên hình như không phải chỉ diễn ra ở cơ quan tôi từng làm.
Do tâm lý yêu thích sự loanh quanh đó, nên để nắm được nội tình công ty, hầu hết những người quản lý phải cài "gián điệp". "Gián điệp" mâm nào cũng có mặt, chủ động gợi chuyện đồng nghiệp nhận xét về cơ quan, về cá nhân người quản lý... Kết quả rất khó lường: người minh bạch lắng nghe và chọn lọc. Kẻ tiểu nhân thì để bụng thâm thù.
…
Trong tác phẩm “Tiếu ngạo giang hồ” của nhà văn Kim Dung có nhân vật hết sức đặc biệt là Đông Phương Bất Bại.
Nhân vật này ôm mộng vương bá trong giới võ lâm, ưa nịnh hót, buộc đệ tử phải quỳ lạy tung hô "Nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị". Khi Nhậm Ngã Hành trở về mưu đoạt lại ngôi giáo chủ từng rất khó chịu về những lời xiểm nịnh này. Nhưng chỉ vừa tiêu diệt Đông Phương Bất Bại xong, ngay lập tức Nhậm Ngã Hành nghe lời tung hô "văn thành văn võ đức" trong lòng đã tự nhủ "Trong thiên hạ ngoài ta ra còn ai xứng đáng với bốn chữ văn thành võ đức nữa".
Còn bọn đệ tử: "Trước kia chúng ton hót Đông Phương Bất Bại để được mau thăng chức và tránh tai họa thì nay sự thay quyền đổi chủ đối với họ là kẻ vi thần vẫn chẳng có ý nghĩa gì. Những người này kéo gân cổ lên mà ca ngợi tân giáo chủ để được lão chú ý đến."
Truyện hư cấu mà cứ như đang tả hiện tại.
Vậy đấy! Rất nhiều người dễ dàng phê phán người khác ưa nịnh, nhưng bản thân họ chẳng bao giờ dám nói hoặc có gan nghe một câu thật lòng.
Sếp và nhân viên đều vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhân viên có lỗi nhiều hơn. Người nào mà cứ quanh năm suốt tháng nghe tung hô "muôn năm trường trị.." thì khó có ai kiên trinh giữ mãi được lòng yêu sự thật lắm.
Hoàng Xuân