-Kết quả là sau khi vào ĐH, rất nhiều trong số học sinh giỏi (HSG) này gần như bị bỏ rơi, hầu như không có một cơ chế nào đủ hiệu quả để khuyến khích họ tiếp cận và theo đuổi khoa học. 

>> Mơ đẳng cấp quốc tế nhưng hành động ‘khác người’?

>> Đường lên đỉnh Olympia hay đường "cắm chốt"... Australia?

LTS: Đội ngũ  những người làm khoa học chất lượng cao chuyên tâm theo đuổi con đường nghiên cứu ở VN đang ngày càng hao hụt. Nguyên nhân vì đâu? Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết về sự thiếu hụt đội ngũ này, nhìn từ điểm xuất phát ở các cấp đào tạo phổ thông, đại học.

Bắt đầu từ chuyện học sinh giỏi

Để đào tạo và sử dụng được nguồn nhân lực khoa học một cách hiệu quả, trước hết câu hỏi đặt ra ai là người có tiềm năng nghiên cứu? Câu hỏi này không dễ trả lời rốt ráo, song thực tế cho thấy, những học sinh giỏi (HSG) ở trường phổ thông (và đại học), là những ứng viên quan trọng cho đội ngũ này.

Trừ những ngoại lệ hiếm hoi, quá trình học tập chuyên sâu từ bậc học phổ thông (PT) cho đến đại học (ĐH) là rất quan trọng trong việc tạo nền tảng tốt cho người làm nghiên cứu khoa học thời đại ngày nay. Không phải tất cả HSG đều có tố chất để trở thành những người làm nghiên cứu giỏi, cũng như không phải tất cả những người có tố chất làm nghiên cứu giỏi đều lựa chọn lĩnh vực khoa học, song nếu biết khuyến khích và phát huy đúng cách, những HSG này chính là nguồn nhân lực nòng cốt cho đội ngũ làm khoa học nước nhà sau này.

Việt Nam chúng ta đã làm khá tốt việc phát hiện và đào tạo HSG ở bậc học phổ thông, điều này rất đáng ghi nhận, thậm chí ngay cả khi so sánh với các nước ở trình độ phát triển cao hơn. Ở bậc học phổ thông , các trường chuyên, lớp chọn có một lịch sử phát triển khá lâu dài, bắt đầu từ những khối chuyên trong các trường ĐH tổng hợp, sư phạm cách đây bốn năm chục năm cho đến các trường chuyên, lớp chọn được mở ra sau này trong cả nước.

Hầu hết những trường chuyên, lớp chọn này đều đã trở thành những điểm sáng giáo dục của cả nước, trong đó rất nhiều thế hệ HSG đã được phát hiện và đào tạo, nhiều người trong số đó rất thành công sau này về nhiều lĩnh vực so với mặt bằng xã hội nói chung. Tuy vậy, mọi thứ dường như chững lại sau khi những “gà nòi” học hết PT.

{keywords}

Tuyển chọn, đào tạo tiếp những HSG này như thế nào, khuyến khích họ đi theo con đường khoa học ra sao để hình thành đội ngũ khoa học chủ chốt cho đất nước… dường như chúng ta đều chưa có những nhận thức, chính sách với quy mô bài bản.

Đến chuyện tuyển sinh vào ĐH

Từ lâu chúng ta đã có quy chế tuyển thẳng vào ĐH với những HSG đoạt giải trong các kỳ thi HSG quốc gia. Thế nhưng thay vì kỳ vọng cao hơn ở những người này chứ không chỉ dừng lại ở việc vào học ĐH, việc mà hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn học sinh học lực khá trong cả nước có thể làm được, người ta lại luôn cân nhắc xem có nên tuyển những học sinh này vào ĐH hay không, nếu tuyển thì như thế nào?!

So với kỳ thi đầu vào ĐH, kỳ thi HSG quốc gia cũng là một kỳ thi có quy mô toàn quốc và khá nghiêm túc, ngoài ra mức độ yêu cầu đối với từng môn cao hơn hẳn. Những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi này là những người có tiềm năng rất lớn trong việc học chuyên sâu, không chỉ dừng lại ở những môn mà họ tham gia dự thi.

Tôi tin là rất nhiều nếu không muốn nói là hầu hết trong số họ đều có đầu óc đủ khả năng học lên cao và làm nghiên cứu, miễn là kỳ thi được tổ chức nghiêm túc. Vấn đề không chỉ nằm ở chuyện họ đã vượt qua một kỳ thi rất khó như kỳ thi HSG quốc gia. Quan trọng hơn, họ là "sản phẩm" của cả một hệ thống tuyển chọn, đào tạo, sàng lọc ở các trường chuyên, lớp chọn. Hệ thống này tuy còn một số khiếm khuyết nhưng hiệu quả của nó là khó phủ nhận.

Có thể coi những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi HSG này như những “đại diện sáng giá” cho trí tuệ của học sinh phổ thông, vì lẽ họ là số ít người đạt được kỳ vọng của các thầy cô giáo giỏi, vượt qua được rất nhiều kỳ thi “sàng lọc” khó khăn trước đó. Mà kỳ thi HSG quốc gia có thể coi như lần “sàng lọc” cuối cùng.

Lẽ ra phải kỳ vọng cao hơn ở những người này và tập trung thảo luận xem nên đào tạo tiếp họ ở bậc học ĐH ra sao, từ đó khuyến khích họ đi theo con đường khoa học thì người ta lại chỉ tập trung thảo luận xem có nên tuyển thẳng họ vào ĐH hay không.

Lý lẽ cơ bản của họ là những HSG này học lệch, nghe cũng tương tự như bảo một nhà khoa học ở một lĩnh vực nào đó là nghiên cứu lệch!

Rồi việc học tập, nghiên cứu ở ĐH

Sau khi học xong phổ thông, ngoại trừ một số ít người có sự chuẩn bị tốt về ngoại ngữ, có cơ hội tìm hiểu thông tin và được đi nước ngoài học từ sớm, phần lớn còn lại sẽ tiếp tục học ĐH trong nước. Tuy ở bậc ĐH cũng có những hình thức tổ chức tương tự như trường chuyên lớp chọn (ví dụ các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, hợp tác với nước ngoài…), nhưng chỉ một số ít trường tổ chức mô hình này. Quan trọng hơn, các SV giỏi ở ĐH chưa được gắn bó thực sự với việc nghiên cứu khoa học.

Nguyên nhân chính có lẽ nằm ở chính bản thân sự yếu kém của hệ thống ĐH Việt Nam, khi không có nhiều giảng viên ĐH làm nghiên cứu giỏi và chuyên tâm với nghiên cứu để có thể hướng dẫn SV học tập, nghiên cứu nghiêm túc. Việc chưa  chú ý đúng mức về mặt chính sách cũng góp phần gây ra  hậu quả này, từ việc hỗ trợ tài chính cho những HSG có hoàn cảnh khó khăn cho đến việc tạo điều kiện cho HSG phát triển tối đa  khả năng của mình.

Kết quả là sau khi vào ĐH, rất nhiều trong số HSG này gần như bị bỏ rơi, tự tìm hướng đi, hầu như không có một cơ chế nào đủ hiệu quả để khuyến khích họ tiếp cận và theo đuổi khoa học.

Khi học xong ĐH, rất nhiều người không có ý định đi theo con đường nghiên cứu nữa. Bản thân họ cũng đã “thoái hóa” về khoa học, cả ý chí, đam mê lẫn khả năng. Điều này không có gì quá ngạc nhiên: tài năng khoa học nói chung phải là kết quả của cả một quá trình rèn luyện liên tục. Mất đến cả chục năm học phổ thông mới có thể đào tạo được số lượng HSG này, nhưng chỉ cần thiếu định hướng khoảng 4-5 năm thôi là đủ để hao hụt đi phần lớn.

Còn nữa

  • Tâm Trí

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, từng là một HSG Toán quốc gia thời phổ thông, giảng viên ở một trường ĐH kỹ thuật và hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ. Mời bạn đọc tranh luận.