Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập bắt đầu từ khi nào? Nhiều cột mốc được giới quan sát đánh dấu, nhưng chắc chắn quan trọng nhất là Hội Nghị TW 3 (tháng 11/2013).

>> Điểm mặt những 'con hổ' quyền lực TQ sa lưới

Theo truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau khi ra mắt ban chấp hành mới (hội nghị Trung ương 1) và bầu bán nhân sự (hội nghị trung ương 2), thì kỳ họp lần thứ 3 của Trung ương Đảng sẽ bàn về các vấn đề cải cách cốt lõi của những năm tiếp theo.

Từ khi Đặng Tiểu Bình chủ trương "thể chế hóa" lại thời gian cầm quyền của lãnh đạo, thì chu kỳ hai nhiệm kỳ (10 năm) được xem như luật bất thành văn. Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sau Đặng đều tuân thủ nguyên tắc này. Dựa trên nguyên tắc đó, khởi đầu cho 10 năm lãnh đạo của mình, thế hệ thứ 5 do Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong vai trò hạt nhân đang muốn phác thảo con đường cải cách tương lai. Hội nghị TW 3 có thể là phát pháo lệnh quan trọng tiên yếu như 1978 hay 1993.

Yếu tố thứ ba là sự chuyển động được đánh giá là không có tiền lệ trong quá trình chuẩn bị Hội nghị TW 3. Trước đại hội, bản kế hoạch mang tên 383 bao gồm ba trọng tâm. Một là tái cấu trúc lại sự phân bổ các yếu tố sản xuất như đất đai, nguồn vốn và lao động, vận dụng nguyên tắc của thị trường trong việc sản xuất, kinh doanh. Hai là phân định lại rõ ràng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, qua đó đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính. Ba là khai thông các thị trường từ trước đến giờ vốn nằm trong tay độc quyền của Nhà nước như dầu khí, điện lực hay đường sắt.

Các trọng tâm này, cộng với những yếu tố mang tính lịch sử trên, khiến cho Hội nghị TW 3 được kỳ vọng sẽ thiết kế lại con đường phát triển của đất nước đông dân nhất hành tinh trong thế kỷ 21. Quá trình thiết kế này mong muốn sẽ tạo dựng thế cân bằng cho tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa hiện thực hóa các chính sách an sinh xã hội mới, nhằm giải quyết những "hệ quả" bất bình đẳng như hiện nay.

{keywords}
Ông Tập Cận Bình và các thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị TQ. Ảnh: Reuters

Quan trọng hơn, thành quả kinh tế và sự hài lòng về cuộc sống của người dân là chìa khóa đảm bảo cho việc xây dựng và bảo vệ "tính chính danh" của Đảng cầm quyền. Nó quyết định tương lai màu hồng hay màu xám của chính thể chính trị Trung Quốc. Yếu tố chính gây cản trở quá trình cải cách nằm ở sự phản đổi mạnh mẽ của rất nhiều các nhóm lợi ích khác nhau.

Các nhóm lợi ích ở đây gồm các tập đoàn kinh tế nhà nước, chính quyền địa phương, chế độ quản lý chính sách kinh tế quan liêu, các thành viên gia đình của giới tinh hoa chính trị và các giới doanh nhân có liên kết rộng rãi với Chính phủ. Khác với hai sự kiện cải cách vào năm 1978 và 1993, thế hệ lãnh đạo thứ 5 đối mặt với các thách thức lớn hơn rất nhiều, đó là việc phải đối mặt với những nhóm trong Đảng vốn đã được hưởng lợi ích quá lớn từ hệ thống kinh tế hiện tại.

GS Bùi Mẫn Hân, một chuyên gia về TQ, từ Trường Claremont McKenna (Mỹ) cho rằng chỉ có sử dụng các sức ép từ ngoài Đảng thì ông Tập mới có thể tiến hành cải cách thành công. Nói một cách khác, các nhóm lợi ích cá mập cần được đối trọng bằng các nhóm trí thức công, dân sự, cả những tầng lớp doanh nhân trung lưu đang chịu thiệt thòi từ cơ chế hiện nay. Nhưng tận dụng được những nhóm này không đơn giản. Nhiệt thành, quyết tâm phải cần cơ sở, hay ít nhất một sự liên tục.

Sự cộng hưởng từ nhiều thành phần để tham gia, đồng cảm và cuối cùng là ủng hộ cải cách cần một quá trình nuôi dưỡng. Quá trình này đã từng đứt đoạn nhiều lần trong quá khứ, mà gần đây nhất là sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Lùi về sâu hơn nữa, bức tranh Đại nhảy vọt hay Cách mạng Văn hóa ghi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân TQ về một lịch sử  hỗn loạn, đau thương và mất mát. Trung Quốc là một nước lớn về diện tích, lẫn con người. Những "thử nghiệm" mới, quyết liệt, vì thế, chưa chắc có thể thực hiện đại trà một cách nhanh chóng.

Quá trình thiết kế quốc gia của đất nước này từ 1949 đã trải qua nhiều thăng trầm biến đổi. Lúc lên, lúc xuống, lúc đứng lại dáo dác giữa ngã ba đường, lần mò từng bước như cách nói "dò đá qua sông". Mỗi giai đoạn như vậy, trong nội bộ đều có các quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, xuyên suốt, tương quan giữa cải cách và thủ cựu, hướng ra thế giới hay dè dặt với bên ngoài vẫn mang một hằng số biện chứng: vượt rào nhưng không xé rào, thắng lợi nhưng không thể đồng hóa, và khẳng định cái này không nhất thiết là phủ địch sạch trơn cái kia. Sau Hội nghị TW 3, TQ sẽ có nhiều cải cách, điều này có thể. Nhưng hằng số biện chứng trên sẽ tiếp tục "như bóng với hình" cùng cải cách của nước này trong những năm sắp tới.

Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập đang đi vào giai đoạn then chốt. Nó mang tính thời đại nhưng cũng gánh nặng từ quá khứ. Có thể, ông Tập qua những chiến dịch và chính sách của mình mong muốn sẽ đi vào tượng đài của các tiền bối, như Đặng Tiểu Bình.

Nguyễn Chính Tâm