Năm 1989, Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc cùng với các bài đăng trên một số tờ báo lớn công bố một số vấn đề mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỳ 1: Quá trình công bố Tài liệu 'tuyệt đối bí mật'
Sau gần 20 năm Người đi xa, cuộc chiến tranh ác liệt, lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc cũng đã kết thúc hơn 10 năm; đồng chí Vũ Kỳ - người giúp việc tận tuỵ và trung thành trên cương vị thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1945-1969), đã nhận rõ trách nhiệm với Người, với đất nước, đã âm thầm viết cuốn Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc, với sự cộng tác tâm huyết của đồng chí Thế Kỷ, một sĩ quan quân đội chuyên nghiên cứu lịch sử chiến tranh của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.
Giữa năm 1989, khi bản thảo cuốn sách hoàn thành, đồng chí Vũ Kỳ tin tưởng gửi bản thảo đến Nhà xuất bản Sự thật để tiến hành biên tập, xuất bản. Đồng chí Hoàng Tùng khi đó vừa được Trung ương điều động về làm Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật - vốn là người chỉ đạo công tác tư tưởng nhiều năm, và với sự sắc sảo vốn có của nhà báo lão thành, nhận ra đây là những vấn đề rất nhạy cảm và hệ trọng cho nên đã đọc sửa chữa rất kỹ. Bản thảo lúc đầu có tiêu đề là Bác Hồ dặn lại hoặc Tôi để sẵn mấy lời này đã được đồng chí Hoàng Tùng đặt lại thành tên sách rất hay như ngày nay chúng ta biết là Bác Hồ viết Di chúc.
Bác Hồ bên chiếc máy đánh chữ. Ảnh tư liệu |
Sau đó, cuốn Bác Hồ viết Di chúc của Vũ Kỳ do Thế Kỷ ghi đã được Nhà xuất bản Sự thật in cùng một lúc tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và phát hành rộng rãi trong cả nước nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969 - 1989). Cũng thời gian này, đồng chí Vũ Kỳ viết một số bài báo liên quan đến việc Bác Hồ viết Di chúc.
Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc cùng với các bài đăng trên một số tờ báo lớn công bố một số vấn đề mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây ra sự xúc động lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Thông qua cuốn sách Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc, chúng ta biết được quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc.
Công việc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu vào trung tuần tháng 5-1965, khi mà đồng bào và chiến sĩ trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Người. Người đã chọn một ngày đẹp trời trong dịp kỷ niệm ngày sinh, khi sức khỏe còn rất tốt và trí tuệ minh mẫn để viết những lời dặn lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Từ ngày 10 đến 14-5-1965, mỗi ngày Người dành khoảng 1 tiếng để viết và hoàn thành bản Di chúc gồm 3 trang, do Người tự đánh máy, đề ngày 15-5-1965. Năm 1966, Người bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Năm 1967, Người xem lại nhưng không sửa gì. Năm 1968, Người viết thêm 6 trang gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Và có điều, rất ít người biết được bản Di chúc sẽ đi vào lịch sử ấy, trong đó bản viết ngày 10-5-1969 lại được viết ở mặt sau một tờ bản tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam.
Ông Vũ Kỳ và Bác Hồ tháng 9/1960. Ảnh tư liệu |
Trước vấn đề hệ trọng liên quan đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá VI đã có những quyết định:
- Những tài liệu, tư liệu mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh và liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được sự cho phép của Ban Bí thư mới được công bố, nhằm giữ ổn định chính trị.
- Sau khi họp nghe các cơ quan hữu quan báo cáo, xem xét các văn bản Di chúc, ngày 19-8-1989 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã ra Thông báo số 151-TB/TW Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bốn nội dung lớn:
1. Về tài liệu gốc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Về bản Di chúc đã được công bố chính thức tháng 9-1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.
3. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) khẳng định bản Di chúc đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Về ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông báo số 151-TB/TW, ngày 19-8-1989 về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị khóa VI là một quyết định rất đúng đắn, biểu hiện tinh thần trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng với Người, với Đảng và đất nước.
Từ năm 1989, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ tuyệt đối cẩn trọng tại Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng. Tiếp đó, Nhà xuất bản Sự thật - cơ quan lý luận, chính trị của Trung ương Đảng được Bộ Chính trị giao xuất bản Di chúc của Người. Chúng tôi là một trong số ít người có may mắn được giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình xuất bản toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong một đêm sâu mùa Thu 1989, tại Nhà máy in Tiến Bộ, lần đầu tiên chúng tôi được trực tiếp tổ chức sao chụp, đánh máy, sửa morát Di chúc của Người do đồng chí Nguyễn Văn Hùng - phụ trách cơ quan lưu trữ của Trung ương Đảng, đưa Di chúc từ Kho Lưu trữ xuống nhà in. Công việc hoàn thành trong một đêm.
Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất bản rất trang trọng, in màu, bằng giấy couché, số lượng in 100.000 bản với giá bán 200đ (năm 1989). Phần sau cuốn sách in toàn văn Thông báo của Bộ Chính trị, các bản bút tích Di chúc được sao chụp in màu như bản gốc.
Mặc dù sự nghiệp đổi mới đã được 3 năm, nhưng đất nước vẫn đứng trước những khó khăn gay gắt về nhiều mặt. Tuy nhiên, Bộ Chính trị thấy nhất thiết phải thực hiện ngay một số điểm Bác căn dặn trong Di chúc, đặc biệt là việc miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp. Bộ Chính trị yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng xây dựng kế hoạch trình Quốc hội thông qua, và Quốc hội khóa VIII đã ra nghị quyết để Hội đồng Bộ trưởng thực hiện miễn thuế nông nghiệp theo đúng Di chúc của Người. Việc thực hiện miễn thuế nông nghiệp được nhân dân hoan nghênh, càng thêm tin tưỏng vào Đảng, Nhà nước.
TS Lưu Trần Luân
*Trưởng ban sách Kinh điển - Lý luận, NXB Chính trị Quốc gia