Đài THTW không nên thành một nơi mà các BTV muốn nói tiếng Việt thế nào cũng được. Nhưng sẽ hợp lý hơn nếu giọng nói có tính đại diện của một số địa phương có tính phổ quát cao và dễ hiểu xuất hiện trong các buổi phát sóng.
- Xem bài 1: Đài truyền hình quốc gia "chỉ của người Hà Nội"?
- Đài quốc gia: Sống chết phải giọng HN mới thuận tai?
Chuẩn & không chuẩn
Trong câu chuyện về phát thanh viên của VTV, tôi không có ý định bàn xem ai đúng, ai sai vì về bản chất vấn đề này thuộc phạm trù xã hội nên sự đa dạng là tất yếu và cần được tôn trọng. Cũng chính vì yếu tố đa dạng này nên khi ai đó nói đến thuật ngữ "chuẩn" ví dụ như "tiếng Hà Nội chuẩn" thì có lẽ chúng ta nên bàn bạc xem liệu thuật ngữ này có còn phù hợp với bối cảnh ngày nay không và nếu không thì liệu có chuẩn mực nào khác làm nền tảng cho việc thực hành văn hóa của người Việt chúng ta ngày hôm nay không!
Trong khoa học tự nhiên và lĩnh vực quản trị nhà nước, doanh nghiệp, chúng ta đều cần xây dựng và đưa ra các tiêu chuẩn làm tham chiếu trong một lĩnh vực cụ thể, ví dụ hàm lượng cho phép của một kim loại nặng nào đó trong nước sinh hoạt hay nồng độ cồn trong máu/khí thở của người điều khiển ô tô, xe máy.
Trong các lĩnh vực này những thứ nằm ngoài (thường là vượt quá) phạm vị "chuẩn" này sẽ bị xem là không phù hợp hoặc có vấn đề và cần phải loại bỏ hay điều chỉnh bằng các biện pháp can thiệp khác nhau.
Chính vì tính thống nhất dựa trên các thực nghiệm khoa học cho nên các tiêu chuẩn này thường được chấp nhận và tuân thủ bởi tất cả mọi người, mọi cộng đồng.
Riêng trong lĩnh vực xã hội, tuy mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia đều cố gắng xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn nhất định trong các hoạt động văn hóa và vận hành xã hội dựa trên các nền tảng luật pháp, đạo đức và đặc tính địa phương...
Vấn đề là chữ viết (văn viết) có thể được chuẩn hóa và thống nhất trên toàn quốc tương đối dễ dàng thì tiếng nói lại rất khó đưa ra chuẩn bởi chính sự đa dạng và phức tạp của nó ngay cả trong một huyện, một tỉnh, một miền và giữa các miền.
Khác biệt với sự đòi hỏi phải có chuẩn về văn viết nhằm phục vụ công tác quản trị thống nhất trên toàn quốc thì tiếng nói thường không bị yêu cầu phải có chuẩn bởi vì đây là một yêu cầu bất khả thi.
NSND Lê Khanh nổi tiếng với vóc dáng thanh lịch, sang trọng; giọng nói khoan thai, nhẹ nhàng và mạch lạc; được người hâm mộ nhìn nhận là mẫu người "Hà Nội chuẩn". Ảnh: Dân trí |
Vì sao Hà Nội được coi là "chuẩn"?
Vậy tại sao người Việt chúng ta từ lâu nay vẫn mặc nhiên coi tiếng Hà Nội là chuẩn, là tiếng nói đại diện cho tiếng Việt và thậm chí ai đó có thể nói tiếng vùng miền nào đó nhưng khi hát thì họ đều hát tiếng Hà Nội (ít nhất là tiếng Bắc - trừ hát dân ca)? Theo tôi, vấn đề này có thể được giải thích bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Hà Nội là trung tâm văn hiến, là cái nôi văn hóa của người Việt hàng ngàn năm nay. Vai trò Thủ đô tuy bị ngắt quãng từ 1802 đến 1945 dưới thời Nhà Nguyễn, nhưng Hà Nội vẫn được người Pháp chọn là Thủ đô của thuộc địa Đông Dương suốt từ năm 1888 đến 1945 (có thể nói đến năm 1954) và là Thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa XHCN Việt Nam đến tận ngày nay.
Chính vai trò này đã tạo nên tính đặc sắc và vị thế của Hà Nội do là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, nơi tập trung, hội tụ của nhiều nhân tài và vật lực.
Sự kết hợp Đông (mang yếu tố Nho giáo - Kẻ sĩ) - Tây (văn hóa Pháp) cùng vai trò trung tâm thương mại hàng ngàn năm đã tạo ra một cộng đồng (không lớn lắm) mang đậm nét thanh lịch và tinh tế mà chúng ta quen gọi là "người Hà Nội" ngày trước.
Chính cộng đồng này đã tạo nên sức hút (có thể cả sự ngưỡng mộ) đề người dân cả nước hướng về, từ đó người ta mặc nhiên xem văn hóa (trong đó có tiếng nói) của Hà Nội là chuẩn, là nên học hỏi.
Thứ hai, do thừa hưởng sự nho nhã, thanh lịch ngày trước nên tiếng Hà Nội được nói khoan thai, nhẹ nhàng và mạch lạc, khiến cho người nghe thấy dễ chịu, dễ hiểu, bị lôi cuốn và có xu thế muốn học theo. Phải công nhận rằng tiếng Hà Nội có sức mạnh và ảnh hưởng rất lớn đối với người dân nơi khác.
Thứ ba, với vai trò là Thủ đô, người Hà Nội nghiễm nhiên đại diện cho Việt Nam trên sóng phát thanh, truyền hình Quốc gia và các sự kiện văn hóa khác. Điều này có nghĩa rằng khi người Việt nghe Đài phát thanh Quốc gia hay xem Truyền hình Trung ương thì chúng ta được nghe tiếng Hà Nội và qua thời gian kể cả những người không biết về văn hiến Hà Nội cũng quen dần với giọng nói, cách nói của người Hà Nội và rồi mặc nhiên công nhận (ít nhất là không phản đối), đồng ý rằng đây là tiếng chuẩn của nước ta.
VTV nên có phát thanh viên miền khác
Với tất cả những ưu thế nêu trên tại sao chúng ta còn bàn luận xem Nhà Đài có nên sử dụng BTV là người tỉnh khác, miền khác hay không. Theo tôi là nên, rất nên vì một số lý do sau:
Trong những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của đất nước ta cũng sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ trong giao thông, viễn thông mà đặc biệt là Internet đã góp phần thu hẹp khoảng cách vùng, miền trên các phương diện địa lý, kinh tế, và giao lưu văn hóa.
Trong một ngôi làng toàn cầu như ngày nay, tuy tính đặc sắc vẫn còn trong bất kỳ một nền văn hóa nào, nhưng vai trò độc tôn đã không còn như trước nữa.
Tuy Đài THVN là của Trung ương nhưng trong thời đại CNTT hiện nay, không nhất thiết 100% cơ sở của Đài phải bắt buộc đặt ở Hà Nội và như vậy nếu nhà Đài có một chi nhánh phát hình ở Huế hay Đà Nẵng thì khi đó sẽ không ai còn ngạc nhiên hay phàn nàn khi nghe thấy giọng Huế hay giọng Quảng Nam (tỉnh sát Đà Nẵng) được phát trên THTW.
Đấy là chưa kể sự tiện lợi trong giao thông cùng với các khác biệt văn hóa đang giảm dần đã tạo điều kiện cho người đến từ các vùng, miền khác sẵn sàng xuất hiện trên sóng THTW mà BTV Hoài Anh là một ví dụ.
Mặt khác trong bối cảnh ngày nay, mọi công dân cần được đảm bảo bình đẳng trong các cơ hội việc làm. Cho dù họ sinh ra ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam, họ đều có quyền xin việc tại Đài THTW và được tuyển dụng một cách minh bạch.
Nếu nhà Đài đưa tiêu chí tiếng Hà Nội chuẩn vào việc này thì vô hình chung công dân của 62 tỉnh/thành (và của Hà Tây cũ) còn lại sẽ không có cơ hội làm BTV của Đài khiến cho các nguyên tắc về Quản trị công bằng và dân chủ bị vi phạm.
Tiếng Hà Nội ngày nay về cơ bản vẫn là thứ tiếng mang tính tiêu biểu của Miền Bắc và của người Việt Nam, dù đã có nhiều pha tạp và không phải ai sinh ra ở Hà Nội cũng nói giọng Hà Nội chuẩn theo cách hiểu truyền thống.
Tuy nhiên trong phạm trù văn hóa, như đã nói ở trên khái niệm "chuẩn" hay "tiêu chuẩn" trong trong ngôn ngữ nói (kể cả từ vựng và cách phát âm) cần được xem xét một cách thấu đáo hơn trên tinh thần tôn trọng bình đẳng và tính đa dạng về văn hóa của các cộng đồng khác.
Tính đa dạng, nếu có thể (khi không tạo ra các bất cập trong quản lý) cần được tạo cơ hội phát triển trên nguyên tắc sự lớn mạnh của cộng đồng này không làm kìm hãm sự đi lên của các cộng đồng khác.
Hãy đặt mình vào vị trí của các cộng đồng khác, chúng ta sẽ thấy họ, tuy rất yêu mến tiếng Hà Nội, nhưng cũng sẽ lấy làm vui mừng và tự hào khi được nhìn thấy và nghe được giọng nói mang đặc thù của địa phương của mình trên sóng Đài THTW.
Chúng ta không nên biến Đài THTW thành một nơi mà các BTV muốn nói tiếng Việt thế nào cũng được, nhưng sẽ hợp lý hơn, công bằng hơn và tiến bộ hơn nếu giọng nói có tính đại diện của một số địa phương tiêu biểu (có tính phổ quát cao và dễ hiểu) có nhiều cơ hội hơn trong các buổi phát sóng.
Trên hết, giá trị và tính nhận diện của nhà Đài không đơn thuần được tạo dựng bởi việc các BTV nói tiếng vùng nào, miền nào. Các giá trị đó chỉ có thể đến nhờ tinh thần quyết tâm và khả năng lao động nghiêm túc, cầu thị cùng cam kết "lấy khán/thính giả làm trung tâm trong các chương trình của nhà Đài".
Đến lúc đó chắc sẽ không ai còn bàn luận chuẩn hay không chuẩn nữa!
Trần Văn Tuấn
*Tác giả là chuyên gia vận động phát triển về quyền con người, từng hoạt động tại nhiều nước, bao gồm các quốc gia châu Á và châu Phi.