Tôi nhìn thấy những nguy cơ của độc quyền, đặc biệt là sự độc quyền của DNNN. Phải mở cửa dân mới được nhờ. Không mở cửa chỉ có dân là thiệt.

LTS: Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn thông Mai Liêm Trực được coi là người tiên phong trong việc đưa mạng Internet vào Việt Nam, cũng là người đã quyết tâm xóa bỏ độc quyền, mở cửa ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) từ cách đây gần 20 năm. Bao năm qua, câu hỏi khiến ông suy tư nhiều nhất vẫn là tại sao BCVT làm được, mà các ngành độc quyền khác không làm được?

Tuần Việt Nam xin giới thiệu câu chuyện của ông, mở đầu cho chuyên đề "Làm thế nào để phá  vỡ thế độc quyền, rộng đường cho kinh tế phát triển".

Tôi có một niềm hạnh phúc rất giản dị: Đó là mỗi ngày khi tôi mở cửa bước ra đường, thấy anh xe ôm, chị đồng nát, cô bán rau trước cửa nhà đang cầm chiếc điện thoại trò chuyện với ai đó. Điện thoại liên lạc cuối cùng đã có thể đến với đại đa số người dân. Những lúc như thế càng củng cố niềm tin chắc chắn rằng quyết định xóa bỏ độc quyền trong ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) là đúng đắn.

Năm 1995, tôi đang là Tổng Giám đốc VNPT. Đó cũng là giai đoạn mà ngành BCVT đang phát triển rất tốt. Chúng tôi là ngành kinh tế kỹ thuật đầu tiên của cả nước nhận Huân chương Sao Vàng với sự ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Sự đổi mới mạnh dạn nhất là việc đưa công nghệ số hóa vào VN, trong khi hơn 90% thế giới vẫn đang dùng công nghệ cũ analog. Đó là một bước đi táo bạo trong điều  kiện cấm vận, kinh tế khó khăn.

Đó là thời kỳ phát triển rực rỡ của VNPT, thời kỳ đỉnh cao. Công nghệ số hóa đã tạo ra những bước tiến vượt bậc. Việc liên lạc trong nước và quốc tế cải thiện rất nhiều. Nhưng rồi mọi người bắt đầu cảm thấy dấu hiệu của sự bất cập.  Mật độ điện thoại toàn quốc khi ấy chỉ có 1%. Thời điểm đó cũng bắt đầu có những than thở của một số khách hàng, đặc biệt là một số nhà đầu tư nước ngoài, mà than thở chủ yếu là giá cước cao.

Một số cán bộ của VNPT đã bắt đầu có những biểu hiện của sự cửa quyền, coi mình như người “ban phát” dịch vụ cho xã hội. Để cải thiện điều đó, VNPT từng phát động các phong trào như “Nụ cười bưu điện”, thi “Giao dịch viên duyên dáng và kinh doanh giỏi”.

Nhưng những phong trào đó không làm thay đổi nhiều thói quen làm việc của một số anh em trong nội bộ VNPT. Là người trong cuộc, lãnh đạo ngành đã nhìn thấy những biểu hiện không lành mạnh, những biểu hiện trì trệ, đe dọa sự phát triển của ngành bưu điện.

Thời điểm đó, nếu mở cửa thị trường viễn thông sẽ khiến cho không phải 1% dân số mà phải là 50% hoặc hơn nữa có cơ hội sử dụng điện thoại. Mở cửa sẽ giúp giảm giá cước,  giúp VNPT xóa bỏ thói quen độc quyền, một thói quen tạo nên sự trì trệ, kéo lùi phát triển.

Đó cũng là giai đoạn VN đã bắt đầu những phiên đàm đầu tiên về Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ.

{keywords}
Ông Mai Liêm Trực. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đến năm 1997 -1998 vấn đề về viễn thông đã được nêu ra trong các cuộc đàm phán.  Lĩnh vực viễn thông và ngân hàng là hai lĩnh  vực nhạy cảm nhất trong quá trình đàm phán khi đó. Đến mức mà ở phiên đàm phán cuối cùng, khi Phó TT Vũ Khoan ở Washington DC chuẩn bí ký hiệp định, vẫn còn hai điểm còn mắc là ngân hàng và bưu điện. Khi đó Thường vụ Bộ CT đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng  Lê Đức Thúy và Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện là tôi lên để giải trình lần cuối, trước khi điện sang DC.

Nếu cứ duy trì độc quyền viễn thông, khư khư bảo vệ thị trường viễn thông của mình, thì khi đó chúng ta không thể ký được hiệp định Thương mại Việt – Mỹ. Điều đó đồng nghĩa sẽ không thể vào được WTO. Cũng là có lỗi với đất nước, có lỗi với sự phát triển

Và thế là quyết định phải mở cửa thị trường viễn thông trong nước trước, để giá cả giảm xuống, chuẩn bị cho mình thói quen và năng lực cạnh tranh. Đó là bước chuẩn bị không thể tránh khỏi trước khi chúng ta vào WTO.

Nếu cứ duy trì độc quyền viễn thông, khư khư bảo vệ thị trường viễn thông của mình, thì khi đó chúng ta không thể ký được hiệp định Thương mại Việt – Mỹ. Điều đó đồng nghĩa sẽ không thể vào được WTO. Cũng là có lỗi với đất nước, có lỗi với sự phát triển.


Trong một ngày tôi ký 04 giấy phép cho 04 nhà khai thác internet là VDC, FPT, NetNam và Saigonnet.

Cái mở cửa thứ hai là ngày 3/2/2000, tôi cấp phép cho Viettel mở dịch vụ VolP – điện thoại qua internet.

Đây là lần đầu tiên có điện thoại giá rẻ, cũng là lần đầu tiên có nhà khai thác thứ hai tham gia thị trường viễn thông ngoài VNPT. Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm đó, khi ngồi xem quảng cáo trên tivi, thấy quảng cáo dịch vụ 178 – gọi điện giá  rẻ của Viettel, tôi đã sững người trong một phút, dù chính tôi là người đã ký văn bản cấp phép cho nó ra đời.

Dẫu mừng vì việc xóa bỏ độc quyền đi được bước đầu tiên, nhưng dù sao tôi cũng là cái anh độc quyền nhiều năm, lãnh đạo VNPT suốt một thời gian dài, tôi cũng phải mất một chút thời gian để thích nghi với tư duy mới đó.

Đón đọc kỳ tới: Độc quyền sẽ tạo ra cửa quyền

Để thực hiện việc xóa bỏ độc quyền trong ngành BCVT, chúng tôi đã phải trải qua không ít áp lực. Lúc đó  lợi thế của tôi là Thủ tướng Võ Văn Kiệt- một người rất đổi mới, rất nhạy bén- đã nhận ra sự cần thiết phải mở cửa thị trường viễn thông. Chính ông là người đã bật đèn xanh cho quyết định này.

Với BTA ta đã chấp nhận mở cửa cả những ngành dịch vụ như viễn thông, tài chính mà trước đó đã khoanh vùng là "đất của chúa" và đã rào thật kín "vì an ninh quốc gia".

Đó là những điều tưởng như không thể, nhưng rồi ta đã chấp nhận để mở đường cho đất nước phát triển.

Nhưng trong quá trình thực thi, do chưa đủ điều kiện để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cộng với sự níu kéo của cơ quan công quyền đã làm biến tướng môi trường kinh doanh, và dẫn đến những hệ lụy mà báo chí nói mãi.

TPP sẽ xử lý tiếp, TPP sẽ là một bứt phá mới nữa. Trên con đường đổi mới mà Đảng và Dân đã chọn. (Nguyễn Đình Lương - Nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại VN - Hoa Kỳ).


  • Tô Lan Hương (ghi)