"Chính nhờ sự phản tỉnh đúng lúc, nhờ bứt phá về tư duy, nhờ cải thiện các mối quan hệ quốc tế chúng ta đã tìm ra đường đi là cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo hồi năm 1986, khơi thông dòng chảy kinh tế", TS Nguyễn Đức Thành nói.
Nhà báo Thu Hà: Thưa quí vị độc giả, 69 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với 3 mục tiêu rất rõ ràng: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Nhìn lại chặng đường 69 năm, chúng ta đã làm được nhiều việc vĩ đại, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều mục tiêu chưa thành hiện thực, Việt Nam vẫn là một nước trung bình thấp với mức bình quân đầu người quanh ngưỡng 1.400USD và chúng ta vẫn chưa xác lập được uy tín trên bản đồ kinh tế thế giới.
Trên tinh thần đó, tọa đàm ngày 2/9 của Tuần Việt Nam năm nay có chủ đề Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ nghĩ về nước Việt Nam giàu mạnh và tự chủ.
Với chủ đề rộng như vậy, các giải pháp cần được thảo luận, xem xét từ nhiều góc độ. Tuy nhiên vì một số lý do và cũng vì giới hạn về thời gian, hôm nay chúng tôi chỉ tập trung bàn về các giải pháp kinh tế.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhà báo Thu Hà: Sau 69 năm lập quốc và gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Nếu hình dung nền kinh tế thế giới như một cánh rừng với những tầng bậc thấp khác nhau. Có những cây khổng lồ, to khỏe vững chắc luôn là trụ cột của cánh rừng. Cạnh những cây to vừa đang trên đà lớn mạnh còn có cả cây lúp xúp, lơ thơ…. . Có lẽ nền kinh tế Việt Nam mới là một cây nho nhỏ trong cánh rừng đó.
TS Nguyễn Đức Thành là thành viên Nhóm tư vấn Kinh tế vĩ mô (MAG) của Uỷ ban Kinh tế QH và hiện là thành viên Nhóm tư vấn Kinh tế vĩ mô của Thủ tướng. |
Với quy mô của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khoảng 200 tỉ USD nếu đem so sánh với GDP của Indonesia là gần 900 tỷ USD, Hàn Quốc là 1.200 tỷ USD; Nhật khoảng 6.000 tỷ và Mỹ lên tới 16.000 tỷ có thể thấy chúng ta ở vị trí còn rất khiêm tốn. Về GDP trên đầu người thì chúng ta còn thấp nữa vì quy mô dân số của ta lại đứng khá cao trên thế giới.
Sòng phẳng mà nói ngay với khu vực ASEAN (một khối kinh tế tương đối nhỏ và khiêm tốn so với các khối kinh tế khác trên thế giới), Việt Nam vẫn chưa phải một nước khá giả, mới chớm chạm tới mức trung bình thấp. Còn nếu xét trên bản đồ kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam vẫn chưa có một chỗ đứng đáng kể nào.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nhìn lại quãng thời gian 69 năm qua, 40 năm đầu Việt Nam hết sức khó khăn, trải qua nhiều cuộc chiến tranh dài ngắn khác nhau, làm suy kiệt sinh lực của đất nước.
Công cuộc Đổi mới ở cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước đã đem lại những thành công đáng kể. Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trong câu chuyện xoá đói giảm nghèo, lần lượt thực hiện thành công nhiều mục tiêu thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, khoảng cách về mức độ phát triển giữa chúng ta và các nước trong khu vực ngày càng lớn. Hiện nay GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc cao gấp 14 lần Việt Nam. Giả sử Việt Nam có thể tăng trưởng đều đặn 8% một năm, còn Hàn Quốc tạm thời đứng yên, thì mất gần 40 năm Việt Nam mới đuổi kịp Hàn Quốc của bây giờ. Ví dụ đó cho thấy chúng ta đang ở đâu, và nguy cơ chúng ta tiếp tục tụt hậu lớn như thế nào, bởi thời kỳ chúng ta tăng trưởng 8% và hơn một năm dường như sẽ còn lâu mới quay trở lại.
Nhà báo Thu Hà: Chúng ta cần tới 35 năm kể từ thời điểm 1975, tương đương một thế hệ, mãi tới năm 2008 lần đầu tiên thu nhập đầu người của Việt Nam vượt qua ngưỡng 1.000 USD, thoát ra được vị trí của nước nghèo và vươn lên vị trí thu nhập trung bình thấp. Vì sao chúng ta phải đi qua một quãng thời gian lâu đến vậy?
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Một trong những thách thức lớn sau 1975 là chúng ta phải thu dọn hậu quả chiến tranh, xây dựng lại một đất nước bị tàn phá và chia cắt trong quá khứ. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng chúng ta đã mất nhiều thời gian, đã phí nhiều nguồn lực con người và cơ hội. Phải đi một quãng đường vòng vì trong một thời gian dài chúng ta đã có những chính sách kinh tế và phát triển chưa hợp lý.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (phải). |
Nếu đi đúng hướng, luôn sẵn sàng điều chỉnh và đổi mới, một quốc gia có thể lột xác chỉ qua một thế hệ.
Giữa những năm 1960, Singapore vẫn còn nghèo và lạc hậu hơn Manila của Phillipines hay Colombo của Sri Lanka.
30 năm sau, họ đã trở thành một quốc gia của thế giới thứ nhất. Sự cất cánh của các con rồng châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan… cũng là những ví dụ đáng khích lệ khác. Trong thời điểm hiện nay chúng ta phải nỗ lực gấp bội, vì các quốc gia khác trong khu vực , như Myanmar, Campuchia, đang nổi lên cạnh tranh trong một môi trường kinh tế quốc tế ngày càng khó khăn.
“Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng" (Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng phát biểu tại buổi phát động thực hiện 45 năm di chúc Bác Hồ) |
Tôi cũng mới được gặp một giáo sư Hàn Quốc. Ông ấy kể, quãng 20 năm trước, các trí thức nước họ mỗi khi có dịp ngồi với nhau đều không tin bật cười khi sẽ nghĩ có một ngày nào các sản phẩm của nước họ sẽ có thể đứng cạnh tranh với những tên tuổi lớn của Nhật Bản như Sony, Toyota….. Quả thực vào lúc ấy, đó là điều không tưởng, họ không dám mơ đến.
Nhưng đó là câu chuyện của hơn hai chục năm trướcquá khứ. Bây giờ Hàn Quốc như thế nào, hẳn chúng ta đều đã rõ. Có những cuộc phát triển mà ngay cả những người trong cuộc họ cũng không hình dung ra được, vậy mà họ đã làm được nhờ dám mạnh dạn đổi mới theo các mô hình phát triển hợp thời cuộc, với một tinh thần và khát vọng mạnh mẽ.
Câu chuyện phát triển của mỗi nước đều rất thú vị, ẩn chứa nhiều bài học cho các nước đi sau.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Quay trở lại với câu chuyện của chúng ta.
Nhìn lại lịch sử kinh tế VN, có một thời vô cùng khó khăn, thời đó kinh tế Việt Nam sa vào khủng hoảng, cũng là thời kỳ khủng hoảng trầm trọng về lý luận và chính sách kinh tế. Đó là khoảng thời gian 10 năm sau sự kiện 30/4/1975.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành. |
Với một nền kinh tế kiệt quệ sau cuộc chiến tranh khốc liệt lâu dài, hàng chục năm sống chủ yếu dựa vào viện trợ và nhập khẩu, bị bó buộc, giờ phải học cách sống bằng những cái tự mình làm ra.
Chính nhờ sự phản tính đúng lúc, nhờ những bứt phá về tư duy, nhờ cải thiện các mối quan hệ quốc tế chúng ta đã tìm ra đường đi là cuộc Đổi mới hồi năm 1986, đã khơi thông dòng chảy kinh tế cho Việt Nam. Có thể nói xung lực này đến từ điểm đáy gần như bằng 0.
Giai đoạn 1986-1989 là giai đoạn chập chững mở đầu cho sự nghiệp đổi mới và cũng là giai đoạn bi hùng nhất trong sự nghiệp đổi mới kinh tế ở Việt Nam.
Tiếp đó giai đoạn từ 1990 đến 1996 là giai đoạn Việt Nam đạt được những tăng trưởng ngoạn mục, cơ bản thoát ra khỏi khủng hoảng, mở rộng quan hệ quốc tế, bộ mặt xã hội thay đổi nhanh chóng.
Giai đoạn sau này từ 1997 đến 2007 là thời kỳ Việt Nam hoàn thiện mô hình kinh tế của mình, từng bước thoát ly tư duy cũ, cải cách kinh tế theo hướng hội nhập vào môi trường kinh tế thế giới ngày càng sâu hơn, mà cột mốc quan trọng là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam lại đang bước vào một giai đoạn mới. Sau 10 năm tăng trưởng nhanh, giờ đây bắt đầu có những loạng choạng. Bài toán đặt ra cho tư duy kinh tế lúc này bao gồm làm sao để duy trì tăng trưởng lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện môi trường thể chế và pháp lý, nguồn nhân lực đủ tầm với những yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Có thể coi việc chọn một mô hình kinh tế thực sự đúng đắn để đi theo đó chính là vấn đề cốt lõi của ta hiện nay.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Vì sao quốc gia này thành công, nhưng quốc gia kia lại thất bại? Đây là một câu hỏi đau đầu cho các chính trị gia và các nhà kinh tế học. Liệu có phải do văn hoá: người Do Thái hay người Nhật mang trong mình những yếu tố văn hoá giúp họ dễ thành công? Hay là do vị trí địa lý, những nước nhiệt đới nhiều thiên tại, dịch bệnh thì thường là nghèo?
Gần đây, các chuyên gia hội tụ ở quan điểm là không phải văn hoá, không phải địa lý, thậm chí không phải việc có hay không một minh chủ, mà thể chế là yếu tố chính giúp một quốc gia thịnh vượng. Cụ thể là các thể chế tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi tác nhân trong xã hội, tôn trọng và bảo vệ sở hữu cá nhân, không bóc lột môi trường, và không thiên vị cho bất cứ một nhóm lợi ích nào.
Có những chứng cứ rất cụ thể cho vai trò quyết định của thể chế: Đông Đức và Tây Đức là ví dụ. Cùng một dân tộc, cùng một vị trí địa lý, cùng mức dân trí, cùng văn hoá, lịch sử, nhưng hai thể chế khác nhau cho ra hai con đường phát triển. Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc là một trường hợp khác.
TS Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức), và có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo. Từng ở châu Âu gần 20 năm, quốc tịch Áo. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch, cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ. |
Giai đoạn trước và sau Đổi mới của Việt Nam cũng vậy, chỉ qua thay đổi các chính sách quản lý, đất nước đã khởi sắc trong vòng một thời gian ngắn.
Tiếc rằng, gần đây, chúng ta lại đang chững lại. Trong bối cảnh hiện nay quả thực chúng ta không thể bằng lòng với những thành quả đã có, mà cần tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới.
Nếu còn chần chừ, chưa thay đổi với một quyết tâm cao, sẽ không tạo ra năng lực phát triển của dân tộc và chưa thể sớm hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh như mong mỏi của bác Hồ.
Có một giá trị phổ quát đã được thực tiễn cuộc sống đúc kết là, để có được Độc lập – Tự do và Hạnh phúc thì dân phải giàu, nước phải mạnh.
Liệu Việt Nam có tìm được đường đi nhanh hơn; liệu Việt Nam có sớm trở nên giàu mạnh và tự chủ như mệnh lệnh đặt ra gần 70 năm trước không? Những trăn trở này sẽ được các vị khách mời bàn thảo tại kỳ 2 của buổi tọa đàm.
Mời quí vị đón xem.
Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng