Thủ khoa đại học ở VN hoàn toàn không đồng nghĩa với việc ra trường chắc chắn có việc làm tốt và ổn định.

>> Con đỗ thủ khoa, mẹ cha mếu máo

>> Thủ khoa Mỹ, thủ khoa Việt và cánh cửa cơ hội

>> Thủ khoa chật vật tìm việc

Tấm bằng đẹp không phải là tất cả

Gần đây, có hai câu chuyện trên báo chí về thủ khoa đại học, sinh viên xuất sắc khiến tôi chú ý.

Câu chuyện thứ nhất, theo kết quả kỳ tuyển dụng công chức 2014 của Hà Nội, có 10/41 thí sinh được đặc cách đã trượt tại kỳ kiểm tra sát hạch. Trong đó, 6 thí sinh là thủ khoa các trường đại học trong nước.

Kỳ kiểm tra sát hạch công chức thủ đô năm 2013 cũng có kết quả tương tự: 9/43 thí sinh thuộc diện đặc cách không đạt, trong đó có 5 thủ khoa các trường đại học trong nước.

Một bài báo khác cho biết, nhận tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc nhưng nhiều thủ khoa không tìm được việc mong muốn là trở thành công chức hay giảng viên đại học. Có thủ khoa học tiếp lên cao với hi vọng tấm bằng sẽ giúp tìm việc dễ hơn, có thủ khoa đi làm các công việc như nhân viên chăm sóc khách hàng, kinh doanh quần áo hay lập trình game, v.v...

Câu chuyện thứ 2 là về Dương Văn Linh, sinh viên người VN vừa tốt nghiệp Đại học Drexel, Mỹ hạng xuất sắc. Linh đã được  nhận vào làm ở  PwC tại Mỹ nhưng  vẫn quyết "luyện công" để thi tuyển ngành tư vấn chiến lược. Chiến thắng hàng ngàn thí sinh xuất sắc tốt nghiệp đại học, thậm chí cả thạc sỹ trong ngành này từ nhiều trường danh tiếng, Linh thi đậu vào cả 2 tập đoàn danh tiếng Deloitte và Ernst & Young.

Học ngành kế toán tại Mỹ nhưng trong 5 năm theo học thì Linh có đến 1,5 năm kinh nghiệm làm việc theo dạng sinh viên thực tập tại các tập đoàn lớn ở Mỹ. Và cứ mỗi nửa năm, anh được lĩnh khoản lương 26.000 USD. Anh cũng là một nhà lãnh đạo sinh viên xuất sắc, chủ tịch Hội Lãnh đạo châu Á Ascend tại Đại học Drexel trong suốt 3 năm, v.v...

Rất khó để đưa ra so sánh đối với các trường hợp trên. Song từ sự thành công, thất bại ban đầu của họ, có thể thấy một điều khá rõ ràng là tấm bằng, với kết quả học tập rực rỡ không đảm bảo cho việc tiến vào sự nghiệp thuận lợi.

Giám đốc một công ty "săn đầu người" tiết lộ với tôi, với các DN, tổ chức, thành tích học tập tốt của ứng viên chỉ là một trong những tiêu chí lợi thế hơn để qua vòng xét hồ sơ. Song tiêu chí quan trọng hơn với họ là khả năng chuyên môn, kinh nghiệm và đặc biệt là các kỹ năng mềm. Điều này thực sự là trở ngại với sinh viên vừa tốt nghiệp của VN, do hệ quả của nền giáo dục đại học nặng lý thuyết, ít thực hành.

Rõ ràng, dù có một số nhà tuyển dụng có ưu tiên xét hồ sơ tuyển thủ khoa đại học ở VN, nhưng cơ hội này khá ít ỏi. Nhiều doanh nghiệp nhà nước khi tuyển dụng vẫn  lấn cấn với quan hệ lòng vòng, thân quen, thiếu minh bạch kiểu "quan hệ, tiền tệ, hậu duệ". Còn các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân thì chỉ muốn tìm người có khả năng làm việc thực sự. Nghĩa là thủ khoa đại học ở VN hoàn toàn không đồng nghĩa với việc ra trường chắc chắn có việc làm tốt và ổn định.

{keywords}

Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc thành phố Hà Nội năm 2013 đã diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Dân trí

Thách thức lớn

Ngay đến các thủ khoa đại học mà vẫn thất nghiệp thì trách nhiệm thuộc về ai? Trong khi họ chính là sản phẩm tiêu biểu, tốt nhất của giáo dục nước nhà?

Thực tế làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở VN hiện nay khác xa với những gì đang được dạy ở đại học. Như nhận định của TS Lương Hoài Nam: "Việc giáo dục đại học giống như một nhà máy và sản phẩm đầu ra là các sinh viên. Các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của hệ thống giáo dục. Thế nhưng, với các sản phẩm này thì doanh nghiệp thỉnh thoảng khen, thường xuyên phàn nàn".

"Vấn đề phàn nàn ở đây chính là chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp buồn ngay từ vòng phỏng vấn. Để sản phẩm có chất lượng hơn đòi hỏi các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Thế nhưng, DN đang không chỉ  đào tạo các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ mà nhiều lúc còn phải đào tạo lại cả việc sử dụng... chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.", TS Lương Hoài Nam lý giải.

Có doanh nghiệp thì tiết lộ: Khi tuyển nhân sự, một câu hỏi cực đơn giản mà chúng tôi đưa ra đã loại phần lớn ứng viên tốt nghiệp đại học, đó là "Câu (trong tiếng Việt) có mấy thành phần?". Các em không tài nào trả lời đúng, và vì vậy viết một câu trong đơn xin việc mà cũng không thể phân tích nổi câu đó đúng hay sai ngữ pháp, nói chi tới những chuyện cao xa. Trong khi nếu trở thành nhân viên công ty, chỉ cần các em viết sai một thư tín thương mại quan trọng là đã có thể gây tổn hại cho doanh nghiệp cả núi tiền và gây ra kiện cáo, v.v...

Kinh nghiệm cho thấy nhiều quốc gia châu Á có phương pháp giáo dục lạc hậu, nặng lý thuyết đã vấp phải những khó khăn lớn khi thiếu hụt nhân lực giỏi để phát triển kinh tế. Một nghiên cứu về giáo dục đại học ở Trung Quốc mới đây của GS kinh tế Lee Jong-Wha, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc cho thấy điều này.

Kết quả  những cuộc điều tra này phản ánh thực trạng học sinh tốt nghiệp PTTH và sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc thường thiếu kiến ​​thức kỹ thuật cần thiết và không có kỹ năng mềm. Trong năm 2013, hơn 1/3 các công ty Trung Quốc được khảo sát nói rằng họ phải hết sức cố gắng mới tuyển được những người lao động có tay nghề cao, 61% công ty nói rằng nhân công được tuyển vào của họ thiếu các kỹ năng làm việc cơ bản. Vì vậy, rất khó để Trung Quốc có thể đạt được sự đa dạng hóa trong xuất khẩu và nâng cấp công nghệ, điều mà nước này bắt buộc phải làm được trong quá trình vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Giáo sư Lee cũng nhấn mạnh: "Thách thức đối với nền giáo dục của Trung Quốc còn liên quan đến chất lượng [nhà trường], là một trong những tác nhân chính làm gia tăng số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và sinh viên tốt nghiệp đại học của Trung Quốc thất nghiệp, chưa nói đến tiền lương của họ cũng giảm."

Một thách thức tương tự dường như cũng đang đặt ra với nền GD Việt Nam. PGS, TS. Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM, mới đây cho biết nước ta đang nằm trong nhóm 4 nước có nền giáo dục tụt hậu nhất ASEAN. Theo bảng xếp hạng của World Bank công bố hồi tháng 7/2013, kinh tế Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore.

Thực tế này đòi hỏi chúng ta có những bước đi cần thiết để cải thiện chỗ đứng của nền kinh tế. Trong đó chắc chắn không thể thiếu việc đổi mới giáo dục đại học để có thể cung cấp cho xã hội những "sản phẩm" đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, đứng vững trong một môi trường ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Nguyễn Anh Thi

Bài cùng tác giả:

Oằn lưng chi ngàn đô, con vẫn dở dang trở về

Nhiều bậc cha mẹ chỉ còn cách "nghiến răng" đổ tiền cho con đi nước ngoài học Anh ngữ, nhưng ngay cả như vậy kết quả cũng rất phiêu lưu.

'Run tim' vì một thay đổi tác động hàng triệu người

Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.

Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN

Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay.

Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?

Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện.