-“Trên hết chúng ta có một Tổ quốc để phụng sự”, nghe doanh nhân Mai Hữu Tín đọc tâm thư của ĐH toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa bế mạc, người viết bài này nhớ lại câu chuyện đã được kể trên Tuần Việt Nam tròn hai năm trước.
“Tổ quốc trên hết”, tựa của bài báo xuất bản trên Tuần Việt Nam sáng ngày 2/9 năm đó, chính là câu chuyện về dòng chữ mà một vị CEO tên tuổi từng chia sẻ, về dòng chữ đầu tiên anh nhìn thấy ngay từ lớp vỡ lòng, ở vị trí cao nhất trong lớp học...
Và tâm tư về “Tổ quốc trên hết” của anh đã được nhiều doanh nhân Việt chia sẻ.
Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, CEO Lê Văn Hiểu viết trong cuốn kỷ yếu ĐH, rằng từng nhiều dịp chuyện trò với nhiều doanh nhân thành đạt, anh có cảm nhận rằng, tuy không bao giờ đại ngôn về Tổ quốc, nhưng đất Việt luôn lấp lánh trong từng câu chuyện nhỏ của họ.
“Phải chăng Tổ quốc là khuôn ADN đã đặt sẵn trong mỗi chúng ta, không chỉ của doanh nhân Việt”, doanh nhân Lê Văn Hiểu suy tư.
Ảnh: Kiên Trung |
Vị doanh nhân này cũng chia sẻ đúc kết của nhiều CEO đã vượt qua giai đoạn mà hai năm số doanh nghiệp rời thương trường bằng phân nửa của 20 năm (1). Đó là: Tôi ứng xử với khách hàng Việt Nam bằng tình yêu dân tộc. Với khách hàng nước ngoài tôi giữ lòng tự tôn dân tộc.
Lắng nghe những chia sẻ đó, tôi hiểu vì sao , Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa 4 Mai Hữu Tín, người trăn trở với từng con chữ trong tâm thư nói trên có cơ sở khẳng định niềm tin của các cộng sự.
Đó là, cho dù hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phải từ bỏ thương trường trong mấy năm qua, nhưng sẽ không thể và không bao giờ cướp đi của doanh nhân trẻ niềm tin và khát vọng.
“Bởi chúng ta có sức trẻ, chúng ta có niềm tự hào dân tộc và lòng kiêu hãnh của mỗi cá nhân, bởi chúng ta tin rằng chúng ta đủ khả năng vượt mọi khó khăn và chứng minh được bản lĩnh của mình”.
Niềm tự hào dân tộc, sức trẻ, lòng kiêu hãnh và bản lĩnh, với hành trang đó, doanh nhân trẻ đã lựa chọn nông nghiệp và kinh tế biển – hai lĩnh vực được xác định là thế mạnh của Việt Nam nhưng lại đang rất yếu - là những hướng đi chủ yếu sắp tới.
Cách dễ nhất để bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân là làm kinh tế biển thật tốt. Kinh tế biển và nông nghiệp là định hướng lớn trong phát triển của đất nước, nếu doanh nhân trẻ với sức trẻ với sự táo bạo, nhiệt tình của mình mà không làm thì ai làm đây?, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ khóa 4 Mai Hữu Tín đã nói với báo chí, ngay khi vừa bàn giao trọng trách cho người kế nhiệm.
Càng hiểu thêm vì sao “Tổ quốc”, “đất nước” và “Dân tộc Việt Nam” là những chữ đã được chính vị doanh nhân – đại biểu Quốc hội này tô đậm trong bức tâm thư.
“Chúng ta sống trong một môi trường kinh doanh toàn cầu hóa, chúng ta có thể có mặt ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này, nhưng trên hết chúng ta có một Tổ quốc để phụng sự, một Đất nước để dựng xây và một Dân tộc Việt Nam để gìn giữ trường tồn”, gần 1.000 doanh nhân trẻ đã trực tiếp lắng nghe vị thủ lĩnh của họ đọc thư, trong không gian như lắng lại của ngày thu tháng Tám.
Họ đều thống nhất cùng gây dựng hình ảnh doanh nhân Việt Nam không chỉ kinh doanh giỏi mà trên hết là yêu nước, yêu hòa bình, sống chia sẻ, chan hòa, đóng góp hết sức mình cho đất nước. Có thể, sẽ chỉ là xúc động thoảng qua, nếu chỉ đọc riêng bức tâm thư gửi tới đội ngũ 10.000 doanh nhân trẻ đó. Nhưng, sẽ là đồng cảm nếu hiểu hơn về những việc làm của họ, dù chưa thực sự đủ đầy.
Trước thềm Đại hội toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, chiều 29/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã mời một số doanh nhân trẻ đang đầu tư trong lĩnh vực ông phụ trách, lắng nghe đầy đủ những lời “chê” của họ.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nói như Bộ trưởng Cao Đức Phát là “trăm thứ khổ”. Còn như một vị chủ doanh nghiệp phát biểu ngay tại đó là “giống như chiến sỹ đơn độc giữa chiến trường”. Và, yêu nước trong đơn độc thì thật khó.
Để không đơn độc, doanh nhân cần tổ chức Hội của mình. Hẳn các chủ doanh nghiệp trẻ đã đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp sẽ tự tin hơn rất nhiều khi biết được thủ lĩnh một thời của họ - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ khóa 4 Mai Hữu Tín - đã bỏ cả trăm tỷ đồng làm nghề nông công nghệ cao cho trang trại tới 500 ha ở Bình Dương.
Giá trị sản xuất nông nghiệp ở đó đã lên tới hàng tỷ đồng mỗi ha một năm, là con số mơ ước của nông dân Việt Nam. Nhưng tìm kiếm lợi nhuận không phải là mục tiêu số 1. Doanh nhân Mai Hữu Tín nói rằng, ông muốn làm thật để có trải nghiệm thực tế, từ đó đề xuất chính sách góp phần xây dựng chiến lược nông nghiệp của cả quốc gia.
Cùng dự buổi gặp với Bộ trưởng Cao Đức Phát hôm đó còn có đại diện của FPT . DN này có hẳn bộ máy riêng để nghiên cứu các phương án phát triển nông nghiệp Việt theo mô hình mới,
Khi nông nghiệp, trụ đỡ của cả nền kinh tế đang lung lay, các doanh nhân trẻ không ngần ngại dấn thân. Đó là con đường họ đã chọn, đã gửi gắm vào tâm thư, với tinh thần “Tổ quốc trên hết”.
Vĩnh An
(1) Theo thông tin của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc