Động lực phát triển của một dân tộc có thể gói gọn trong ba chữ EEC - emotion (cảm xúc); enlightenment (sự khai sáng) và coordination (tính phối thuộc) - Ts. Vũ Minh Khương, ĐHQG Singapore phân tích động lực phát triển của một dân tộc.
VietNamNet trân trọng giới thiệu cuộc đối thoại trực tuyến với Ts. Vũ Minh Khương quanh chủ đề: Việt Nam và cơ hội trỗi dậy từ thách thức.
Giấc mơ Việt Nam
Nhà báo Việt Lâm: Xin chào quý độc giả Vietnamnet. Vươn lên thịnh vượng có lẽ là khát vọng chung của mọi dân tộc. Lâu nay các nhà chính trị, kinh tế trên toàn thế giới vẫn đi tìm câu trả lời: Vì sao có quốc gia thành công nhưng cũng có không ít nước thất bại mặc dù họ có cùng xuất phát điểm thậm chí chia sẻ những tương đồng về văn hóa và chính trị? Liệu có công thức chính sách nào cho mọi quốc gia trên đường đi đến phồn vinh hay không? Câu hỏi đó có lẽ càng trở nên đau đáu với mọi người dân Việt Nam. Để góp phần đi tìm câu trả lời cho câu hỏi rất quan trọng này, VietNamNet tổ chức thảo luận trực tuyến với ông Vũ Minh Khương, Tiến sỹ về kinh tế học phát triển tại Đại học Harvard và hiện là Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore. Ông cũng là nhân vật quen thuộc với bạn đọc hơn 10 năm qua với các bài viết sắc sảo và tâm huyết về các vấn đề phát triển của Việt Nam.
- Trước hết, xin được bắt đầu cuộc thảo luận ngày hôm nay của chúng ta với những chia sẻ của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cách đây chưa lâu trên báo Tuổi Trẻ. "Cách đây bốn, năm mươi năm thì Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương, sau mấy mươi năm tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam hiện có 90.000 người sống tại Hàn Quốc chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc ở Việt Nam làm ông chủ còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì làm ôsin, nghe mà xót lòng!". Ông nghĩ sao về suy tư trên?
TS Vũ Minh Khương: Tôi rất đồng cảm với ý kiến sâu sắc và đầy xúc cảm của anh Vũ Ngọc Hoàng. Tôi cũng đã gặp anh Vũ Ngọc Hoàng và ấn tượng với con người đầy tâm huyết này. Chúng ta cùng chia sẻ sự trăn trở về vận mệnh của đất nước. Nhìn lại câu chuyện của Hàn Quốc, đây cũng là mối quan tâm chung của toàn thế giới. Bởi năm 1960, Hàn Quốc và Philippines tương đồng về mọi mặt. Thậm chí, Philippines lợi thế hơn rất nhiều như sự hỗ trợ của quốc tế, dân trí khá tốt, tiếng Anh thông thạo. Lúc đó mọi người dự báo rằng, một ngày nào đó Hàn Quốc sẽ kém xa Philippines và Philippines đã sẵn sàng cho sự phát triển thịnh vượng. Thế nhưng ba mươi năm sau, nhìn lại Hàn Quốc đã tổ chức được Olympic thế giới và khẳng định được vị thế một dân tộc đang trỗi dậy rất mạnh mẽ.
Vì sao dân tộc họ đi được nhanh như thế? Việc trì trệ có thể nhiều lý giải, nhưng để cất cánh thì rõ ràng có bài học rất lớn mà các nước muốn trỗi dậy phải học hỏi. Robert Lucas, một giáo sư Mỹ nổi tiếng, kinh tế gia đoạt giải Nobel có nói rằng: "nếu ta hiểu được thấu đáo con đường đi đến phồn vinh của một dân tộc thì chắc chắn ta sẽ làm ra được một cái thần kỳ khác tương tự như thế".
Hơn 10 năm nay sau khi rời công việc của Chính phủ (TS. Vũ Minh Khương từng là Chánh văn phòng UBND Thành phố Hải Phòng - xem thêm Chuyện về một TS Harvard người Việt), tôi cũng đã tìm hiểu với một lòng đau đáu như Việt Lâm vừa nói, rằng có một ngày nào đó không xa đâu, kỉ niệm 100 năm độc lập của Việt Nam ta, dân tộc mình sẽ ngẩng đầu hùng cường và có thể đi khắp thế giới để chia sẻ kinh nghiệm thành công. Chúng ta thoát khỏi chiến tranh và chấp nhận muôn vàn hi sinh để một ngày nào đó chúng ta có thể tự hào rằng chúng ta không chỉ vươn tới phồn vinh mà còn chia sẻ kinh nghiệm với thế giới làm sao để bồi đắp hòa bình, xây dựng tình hữu nghị và thịnh vượng chung.
TS Vũ Minh Khương (trái) và nhà báo Việt Lâm. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bí kíp EEC
Nhà báo Việt Lâm: Được biết ông cũng là tác giả của cuốn sách gây chú ý trong giới làm chính sách và nghiên cứu kinh tế với tựa đề "The Dynamics of Economic growth: Policy insights from comparative and analyses in Asia (tạm dịch: Những động lực của tăng trưởng kinh tế: Góc nhìn chính sách từ các phân tích so sánh ở châu Á). Qua phân tích mô hình phát triển của 16 quốc gia Châu Á, ông thấy có thể đúc kết những bài học nào?
TS. Vũ Minh Khương: Quá trình phát triển của các dân tộc tổng kết lại bằng tiếng Anh chỉ có 3 chữ "EEC". E thứ nhất là emotion, trong tiếng Anh người ta còn chơi chữ tốt hơn: "E stands for Energy" nghĩa là năng lượng, motion là chuyển động. Đây là cội nguồn và động lực trung tâm của mọi quá trình cải biến. Bởi vì phát triển kinh tế không phải chỉ là quá trình đầu tư đơn thuần mà đây là công cuộc cải biến vĩ đại đòi hỏi sự chuyển động rất lớn, nói cách khác con người phải có xúc cảm rất cao. Emotion có hai trạng thái quan trọng. Trạng thái thấp của emotion chỉ đơn thuần là cảm xúc, thường là nghi kỵ, bi quan, ức chế. Nếu chỉ đơn thuần giải phóng năng lượng xúc cảm ở trạng thái thấp như thế sẽ gây ra những rối loạn, thậm chí phức tạp và bất ổn. Chẳng hạn chúng ta thấy ở cấp độ quốc gia, công ty thì đơn từ kiện tụng triền miên.
Tuy nhiên, nếu nâng được xúc cảm lên cấp độ cao hơn, "aspiration", là khát vọng, là sự lo lắng cho vận mệnh dân tộc và ý thức trách nhiệm với tương lai. Khi xúc cảm ở dạng này được giải phóng ra thì năng lượng vô cùng lớn. Tổng thống Park Chun Hee khi khởi xướng cuộc cải cách cho Hàn Quốc, đã tuyên bố rõ: "Tôi mong muốn từng ngày làm cho Hàn Quốc đuổi kịp Nhật Bản".
Đó là lời thề thiêng liêng, lời tuyên thệ về phồn vinh của dân tộc. Động lực xúc cảm này truyền tải rất mạnh mẽ đến giới tinh hoa. Cái hay là trước đó, dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn, các tập đoàn, công ty tham nhũng triền miên nhưng ông Park Chun Hee không bắt tù họ, mà mời họ cùng ngồi với Chính phủ để bàn bạc làm gì để dân tộc Hàn Quốc tiến lên, đối phó được với sự đe doạ của bên ngoài và tình thế thế giới đang khắc nghiệt như thế. Họ đã chụm đầu với nhau và đi những bước thần kỳ.
Phải nói rằng dân tộc Hàn Quốc ngày đấy còn đói khát, khổ sở hơn nước ta rất nhiều. Đầu tư nước ngoài không đáng kể, chỉ có một số trợ giúp nhất định của Mỹ và bồi thường chiến tranh của Nhật Bản. Nhưng dân tộc họ tràn đầy xúc cảm, khát vọng vươn lên, từ người lãnh đạo đến doanh nghiệp và người dân.
Chữ E thứ 2 là Enlightenment, nghĩa là độ khai sáng, mà độ khai sáng phải luôn luôn trau dồi, phải nhận thức rõ bối cảnh thế giới, tri thức về thế giới của mình phải thông suốt. Tư duy của mình phải học hỏi, mở mang, quý trọng đồng bào mình, quý trọng các cộng đồng xung quanh, phải liên tục học hỏi. Chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của sự khai sáng từ cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản đến các cải cách của các nước sau này như Hàn Quốc, Singapore, thậm chí Trung Quốc với cải cách của Đặng Tiểu Bình. Điều quan trọng nhất là người lãnh đạo phải khai sáng, nếu không sẽ bị sa lầy vào những khủng hoảng không cần thiết như Nga hoặc Trung Quốc hiện nay. Những biểu hiện có thể thấy là họ hà khắc với dân tộc thiểu số, không coi trọng láng giềng, coi thường quy luật phát triển của lịch sử. Ngay cả trong chống tham nhũng, lẽ ra phải xây dựng những cơ chế khiến người ta không tham nhũng được, thay vì phát động đại chiến dịch "đả hổ diệt ruồi". Khi độ khai sáng có dấu hiệu đi xuống, chắc chắn đất nước ấy sẽ gặp khó khăn trên con đường phát triển trong thời gian tới.
Tôi muốn lưu ý rằng, enlightenment là yếu tố luôn luôn tự khai sáng chính mình chứ không phải anh có khai sáng rồi là yên tâm. Đây là quá trình học hỏi không ngừng, luôn luôn xem lại mình và nhìn lại người khác, nhìn sang người khác để thấy cái hay của người khác để học hỏi, cái dở của người khác để tránh. Đấy là trách nhiệm của người lãnh đạo, trách nhiệm của tri thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của từng người dân.
Chữ C - chân kiềng thứ ba là Coordination - tính phối thuộc, đòi hỏi đội ngũ có năng lực. Động lực phát triển của một dân tộc phải được hiện thực hoá thành những chương trình hành động cụ thể, dưới sự dẫn dắt, điều hành và phối hợp của những con người cụ thể.
Nhà báo Việt Lâm: Vậy ông nhìn nhận ra sao về ba yếu tố này ở Việt Nam hiện nay?
Ts. Vũ Minh Khương: Tôi thấy tương đối vui vì xúc cảm và khai sáng của người Việt Nam mình trong vài chục năm đổi mới vừa qua có sự vượt bậc. Tôi có thể cảm nhận được điều này khi nói chuyện với những người dân bình thường, trí thức, doanh nghiệp và cả lãnh đạo Chính phủ. Tôi cho rằng đây là bước tiến rất quan trọng để làm tiền đề cho sự trỗi dậy của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, tính phối thuộc sẽ là trở ngại, thách thức lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.
Tính phối thuộc thế nào cho chặt chẽ phải dựa vào chiến lược phát triển. Chiến lược phát triển tức là mình đi đến đâu trong vòng 30 năm tới bởi thời gian gấp rút lắm rồi. Nếu một dân tộc hi sinh hàng triệu con người, mất mát hàng thập kỷ vì chiến tranh mà năm 2045 lại tỏa đi các nơi làm thuê, tôi cho rằng chưa xứng đáng là đã sản sinh ra những con người vĩ đại như Trần Hưng Đạo, Bác Hồ (Hồ Chí Minh), Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thấy chúng ta phải xứng đáng hơn với thế hệ đi trước.
Xét những trùng hợp thú vị về những dấu mốc thời gian quan trọng của Việt Nam, 1945, 1975 thì nếu năm 2015 chúng ta khởi đầu bằng công cuộc cải cách vĩ đại như thế, để ba thập kỷ tới, vào năm 2045 tròn 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ thực sự cất cánh. Tôi tin rằng chúng ta có thể làm được điều thần kỳ đó. Tôi đã các cuộc nói chuyện với một số nhà lãnh đạo Chính phủ về những vấn đề mà chúng ta đang trao đổi và càng thấy tự tin hơn. Bởi tôi thấy chúng ta có những con người sẵn sàng đảm đương và làm hết lòng với những công việc được phân công. Điều đó rất đáng quý.
TS Vũ Minh Khương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Xoay lợi ích nhóm thành lợi ích dân tộc
Nhà báo Việt Lâm: Đúng là như ông nói, các yếu tố về cảm xúc và khai sáng đã hiện diện đây đó. Ở nhiều nước khác, có khi các nhà lãnh đạo phải lo lắng trước tình trạng thờ ơ của dân chúng với chính trị nhưng ở Việt Nam, người dân rất quan tâm và trăn trở trước thời cuộc. Chúng ta đã từng chứng kiến hàng triệu ý kiến góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng hay đường lối phát triển của đất nước. Mới đây thôi, cũng có hàng chục triệu ý kiến tham gia thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp. Chúng ta cũng được chứng kiến không ít nhà lãnh đạo đã chia sẻ suy tư về khoảng cách phát triển giữa VN với thế giới. Rõ ràng đang có một nguồn cảm xúc rất cháy bỏng cho sự trỗi dậy của đất nước. Nhưng mặt trái của nó lại là nếu như năng lượng cảm xúc không hoá giải thành hành động cụ thể thì có thể dẫn tới sự mệt mỏi, hoài nghi, thậm chí một ngày nào đó sẽ biến thành sự vô cảm. Ông nghĩ sao về nguy cơ này?
Giáo sư Vũ Minh Khương: Tôi cảm nhận được nguy cơ này đang cận kề. Đây là lúc cần nhất đến vai trò người lãnh đạo. Tất nhiên giới trí thức, giới doanh nhân cũng như tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều phải có trách nhiệm trong công cuộc đổi thay này của đất nước. Nhưng rõ ràng người lãnh đạo phải là người khởi xướng. Vai trò của người lãnh đạo khởi đầu từ đâu tôi sẽ bàn sau nhưng trước khi đi vào bước cụ thể chúng ta phải thống nhất với nhau về nguyên lý hành động đã.
Về nguyên lý, chúng ta hoàn toàn có thể biến những hạn chế hiện nay thành sức mạnh. Chẳng hạn như ba vấn đề mà người ta cứ hay than phiền ở VN hiện nay, như "bệnh thành tích", lợi ích nhóm hay chủ nghĩa bảo thủ. Nếu có một chiến lược tốt, hoàn toàn có thể xoay chuyển chúng theo hướng tích cực.
Ví dụ như bệnh thành tích. Ở nước ngoài người ta nói bệnh thành tích là tốt chứ, bởi vì người ta cố gắng làm để đạt được chỉ số tốt. Vậy thay vì chạy theo điểm số, tại sao không chọn thành tích đem lại sự đổi thay cho đất nước, tôn trọng nhân dân, dân chủ hóa như là thành tích tối thượng mà lãnh đạo các cấp cũng như nhân dân được hưởng.
Nhóm lợi ích xét ở mặt nào đó cũng có ý nghĩa tích cực, bởi lẽ con người ai cũng có lợi ích riêng. Vậy nhà lãnh đạo làm sao xoay lợi ích riêng, lợi ích nhóm thành lợi ích quốc gia, giống như để cho Huyndai, Samsung, LG không chỉ phồn vinh thịnh vượng mà còn đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước. Cái đấy thực ra chỉ cần một cú click để xoay trục nếu có sự phối thuộc tốt.
Thứ ba, chúng ta hay than phiền nhóm này, nhóm kia bảo thủ. Thế nhưng chính Đảng Bảo thủ của bà Thatcher lại là người khởi xướng cuộc cải cách nước Anh một cách kỳ vĩ bởi họ có nguyên lý bảo thủ đảm bảo sự tồn vong của dân tộc họ. Chúng ta cũng có những nguyên lý bảo thủ, chứ không phải nói cứ học Tây hết đi là không được. Vấn đề là xoay những nguyên lý đó theo hướng phục vụ lợi ích dân tộc, vì một mục tiêu cháy bỏng đưa đất nước tới hùng cường.
(còn tiếp)
Tuần Việt Nam