Việc hỗ trợ tiền và nhà là rất đáng quý, cần thiết, nhưng không phải là tất cả những gì có thể mang lại cho Hào Anh một cuộc sống bình thường.
>> Hào Anh: Khi nạn nhân trở thành "tội nhân"
Những ngày qua, dư luận không ngừng xôn xao về câu chuyện bé Hào Anh. 4 năm trước, những nhà hảo tâm giúp cậu tiền của đến gần tỷ để cậu bớt khó khăn và mua nhà cho cả gia đình cùng đoàn tụ sinh sống.
Nhưng giờ đây, vì mẹ không cho tiền tiêu xài, cậu đập phá và đuổi cha mẹ ra khỏi nhà. Những ai từng giúp đỡ cậu có lẽ cũng đau lòng vì mong muốn của họ khi làm việc thiện đã không như ý định tốt đẹp ban đầu.
Đứa trẻ hư hay bị bệnh tật hành hạ?
Hành vi ngược đãi cha mẹ là cần bị lên án. Bản thân Hào Anh đã bị phạt hành chính 200 ngàn đồng, đã nhận thức được lỗi lầm và đón cha mẹ về nhà.
Nhưng nếu chỉ như vậy thì có vẻ quá đơn giản trước số phận của Hào Anh. Năm 2010, dư luận đã công phẫn cực độ khi nhìn thấy hình ảnh của cậu bé bị đánh đập.
Một đứa bé 14 tuổi như Hào Anh đã phải chịu cực hình như vậy để kiếm cơm ăn trong khi cha mẹ ly hôn, gia đình tan tác, không ai quan tâm, chăm sóc. Và những di chứng của sự bạo hành và ngược đãi này chắc chắn không chỉ để lại vết tích trên da thịt, mà còn ngấm sâu vào tâm hồn.
Hào Anh đã biết nhận lỗi trước mẹ cha và xin lỗi các nhà hảo tâm. Ảnh: VietNamNet |
Khi sự việc xảy ra, trả lời phóng vấn báo Tiền Phong, bác sĩ Trần Hoàng An, trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện đa khoa Cà Mau, cho biết: "Cháu Nguyễn Hào Anh bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Hiện nay, các bác sĩ đang điều trị tổn thương thể xác, sẽ lành vết thương trên cơ thể Hào Anh. Nhưng về lâu dài, cháu Hào Anh sẽ tổn thương tinh thần, sẽ phát bệnh tự kỷ, hoảng loạn lo âu, xa lánh mọi người, khó hòa nhập cộng đồng".
Còn GS. Nguyễn Viết Thiêm, Phó chủ tịch Hội Tâm thần học VN cũng cho biết rằng: "Một đứa trẻ chịu sự giáo dục bằng roi vọt dễ có hành vi độc ác khi trưởng thành. Biểu hiện lúc nhỏ của trẻ có thể đơn giản là hung bạo, hay cáu gắt, khó tính, nhưng khi lớn lên, trẻ có thể trở thành một con người cục cằn, lỗ mãng và độc ác. Sống trong môi trường không lành mạnh, bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành, trẻ sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình".
Có thể những gì các nhà chuyên môn cảnh báo đang là hậu quả mà Hào Anh phải gánh chịu sau 4 năm. Chính gia đình của Hào Anh cũng cho biết em đang phải uống thuốc trị bệnh thần kinh, khi thần kinh không ổn định, em thường có những biểu hiện bất thường.
Hàng chục cơn đập phá, tức tối, những đòi hỏi vô lối của Hào Anh rất có thể không chỉ xuất phát từ sự hư hỏng, mà phải chăng còn có gốc gác từ những cơn hưng cảm mang tính chất hung bạo của người bệnh? Và vì vậy, theo tôi, rất cần xem xét rõ ràng từ các thăm khám chuyên môn để nếu cần thì chăm sóc sức khỏe tâm thần cho Hào Anh một cách đầy đủ và nghiêm túc.
Tiền và nhà không phải là tất cả
Hào Anh chỉ là một trong rất nhiều đứa trẻ bị bạo hành. Thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại ở nước ta đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, có những trẻ bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc xâm hại, bạo hành.
Các chuyên gia cho rằng, một số nguyên nhân chính là do sự phát triển kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, dẫn đến sự biến đổi các giá trị xã hội, giá trị sống, v.v... Lối sống gấp, hành vi lệch chuẩn tác động đến các mối quan hệ gia đình, đến sự giáo dục, bảo vệ của gia đình với trẻ em. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực thời gian dài là do hành vi không được tố giác, tố cáo kịp thời...
Điều đáng nói là việc giải quyết, giúp đỡ các trẻ em bạo hành ở VN cũng chưa mang lại hiệu quả mong đợi. May mắn như Hào Anh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm và xã hội. Dù vậy, rõ ràng việc hỗ trợ tiền và nhà là rất đáng quý, cần thiết, nhưng không phải là tất cả những gì có thể mang lại cho em một cuộc sống bình thường.
Thêm vào đó, Hào Anh cần được giúp đỡ theo hệ thống chuyên nghiệp, vốn đã phổ biến tại các nước phát triển. Cụ thể là nên có sự theo dõi và chịu trách nhiệm của những nhân viên xã hội chuyên trách nhằm giúp em trưởng thành đúng hướng và đặc biệt là sự chữa chạy các sang chấn tinh thần nặng nề mà em đã gánh chịu. Hệ thống này rất cần cho các em bé không còn nơi nương tựa và ngay cả trường hợp như Hào Anh - có cha mẹ nhưng nghèo túng và thiếu những hiểu biết đầy đủ để có thể giúp đỡ con theo hướng tích cực.
Tiếc thay, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu những hệ thống, tổ chức hỗ trợ cực kỳ cần thiết này. Vì vậy, nếu không có những thay đổi trong cơ chế xã hội để giúp đỡ hiệu quả hơn nữa cácn trường hợp trẻ em từng là nạn nhân bạo hành ở VN, thì câu chuyện gây đau lòng như Hào Anh chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.
Nguyễn Anh Thi
Bài cùng tác giả:
Bài văn kinh điển nhiều học sinh không viết nổi? Vào năm học, có lẽ nhiều học sinh sẽ không tài nào viết nổi bài văn với đề bài cổ điển: Em hãy tả buổi lễ khai trường và nêu cảm nghĩ của em.
'Run tim' vì một thay đổi tác động hàng triệu người
Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.
Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN
Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay.
Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?
Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện
|