Ở các nước, nghị sỹ có thể mượn sảnh siêu thị, quán cà phê để gặp gỡ, nói chuyện với cử tri, ai muốn đến thì đến, trong khi các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH lại diễn ra như một cuộc họp có tính chất hành chính, dường như vẫn còn khoảng cách.

>> Ipad và nghị trường

>> Hỏi chuyện người hai lần rơi nước mắt ở nghị trường

>> Khi các 'quan' tỉnh được giám sát

LTS: Luật Tổ chức Quốc hội đang được sửa đổi, chuẩn bị trình ra kỳ họp QH tháng 10 tới,  Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết về kinh nghiệm hoạt động của nghị viện các nước như một kênh tham chiếu.

Họp xong "ai về nhà nấy"

Trước hết xin nói về tính chuyên nghiệp.

Ở hầu hết các nước, các nghị sỹ đều làm việc chuyên trách toàn bộ thời gian, nghị viện hoạt động thường xuyên, quanh năm.

Nghị viện các nước theo mô hình của Anh như Úc, Canada, New Zealand có thời gian dành cho chính phủ, cho cá nhân, cho chất vấn, hỏi - đáp, cho thảo luận dự luật, cho các ủy ban; hai ngày cuối tuần thường được dành cho nghị sỹ về khu vực bầu cử v.v...

Tính chuyên nghiệp của nghị viện nhiều nước còn thể hiện qua sự phân định vai trò, nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch giữa các chức danh lãnh đạo với nghị sỹ, giữa nghị sỹ và nhân viên giúp việc, giữa các đơn vị giúp việc v.v...

Một ví dụ điển hình là ở nhiều nước như Đức, Mỹ, Anh, đã ngồi ở ghế chủ tọa phiên họp thì không được tham gia tranh luận, muốn tranh luận, người đó phải rời ghế chủ tọa xuống ngồi ở dưới như một nghị sỹ bình thường. Nghĩa là chủ tọa chỉ đóng vai trò điều hành trung lập, vô tư, khách quan.

Nghị viện nhiều nước phân công lao động sâu theo các lĩnh vực của các Ủy ban, tiểu ban, đồng thời các Ủy ban, tiểu ban có điều kiện về thời gian, con người để xem xét kỹ lưỡng, chuyên sâu các vấn đề thuộc thẩm quyền. Như ở Nhật Bản, khi ra phiên họp toàn thể, các nghị sỹ chủ yếu thảo luận các nội dung chính sách lớn, hoặc các nội dung còn gây nhiều tranh luận.

Vai trò cá nhân nghị sỹ được coi trọng qua việc trao quyền cho nghị sỹ, các đặc quyền được hưởng, điều kiện làm việc... Nghị sỹ ở các nước được coi là một nghề, thường kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, thậm chí có những bậc trưởng lão làm nghị sỹ đến cuối đời. Ngược lại, ở nước ta, qua mỗi nhiệm kỳ Quốc hội lại có khoảng 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội là người mới.

Các quy trình, thủ tục nghị viện thường chi tiết, chặt chẽ, tạo thành nề nếp làm việc. Chẳng hạn, không chỉ ở Anh hay Mỹ, mà kể cả những nước như Pakistan, Slovenia, chỉ riêng thủ tục để nghị sỹ nêu kiến nghị cũng đã rất nhiều, rất chi tiết, giúp nghị sỹ và chủ tọa phiên họp dễ dàng hơn.

Còn ở VN, chính các đại biểu Quốc hội phản ánh, nhiều khi khó làm việc vì thiếu các thủ tục cụ thể để thực thi một quyền hạn đã được quy định.

{keywords}

Quốc hội Việt Nam trong những năm gần đây đã có những nét cải tiến. Ảnh: Minh Thăng

Gặp gỡ cử tri như cuộc họp

Giữa QHVN và nghị viện các nước cũng có khác biệt lớn qua các chức năng lập pháp, giám sát, đại diện. Như một số nghị viện, QHVN có cả quyền lập hiến. Trong khi đó, đa số nghị viện không thực hiện quyền lập hiến này, mà nhân dân sẽ trực tiếp bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp; hoặc Nghị viện biểu quyết trước về Hiến pháp, sau đó đưa ra trưng cầu ý dân.

Ở các nước, để thực hiện chức năng đại diện, theo một khảo sát gần 700 nghị sỹ trên toàn thế giới do Liên minh nghị viện thế giới (IPU) thực hiện năm 2011, những người được hỏi cho rằng, việc phục vụ cử tri chiếm nhiều thời gian nhất trong các hoạt động của họ, hầu hết dành khoảng 30-40 giờ mỗi tuần. Một nghị sỹ Thái Lan cho biết có ngày ông đã gặp gỡ, nói chuyện riêng rẽ với 33 cử tri. 

Còn ở ta, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng trên thực tế, đại biểu Quốc hội hầu như chỉ dự 4 cuộc tiếp xúc cử tri mỗi năm, hàng tháng có thể tham gia tiếp dân một lần, hoặc có thể có vài cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề nào đó.

Để giữ mối liên hệ với cử tri, các nghị sỹ có nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng, trong đó những kênh mà ĐBQH Việt Nam cũng có. Tuy nhiên, nếu như nghị sỹ có thể mượn sảnh siêu thị, quán cà phê để gặp gỡ, nói chuyện với cử tri, ai muốn đến thì đến, thì các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH lại diễn ra như một cuộc họp có tính chất hành chính, dường như vẫn còn khoảng cách. Nghị sỹ ở nhiều nước như Thụy Điển, Iran, Anh còn thường xuyên nhận được email của cử tri, dùng mạng xã hội để giữ liên hệ với cử tri, còn ở Việt Nam đây là chuyện rất hiếm khi xảy ra.

Giống như nghị sỹ các nước, đại biểu QHVN cũng vừa phải đại diện cho quyền lợi của cử tri, vừa bảo vệ lợi ích tầm quốc gia. Tuy nhiên, nhiệm vụ đại diện của đại biểu Quốc hội sẽ phân tán, co kéo bởi một số yếu tố khác như: đại diện cho lợi ích của địa phương, đại diện cho ngành, lĩnh vực.

Về lập pháp, nghị quyết của nghị viện các nước chỉ để thể hiện thái độ, quan điểm, ví dụ về các vấn đề trên biển Đông, chứ không đặt ra các quy phạm có tính chất bắt buộc phải thi hành. Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) của Việt Nam ban hành pháp lệnh với các quy phạm pháp luật bắt buộc thi hành, là loại văn bản quy phạm pháp luật hầu như không có ở các nước, trừ Trung Quốc.

Ở các nước, hoạt động lập pháp chuyên sâu chủ yếu diễn ra ở các Ủy ban; lúc trình ra trước phiên họp toàn thể chỉ thảo luận các nội dung chính sách lớn, thậm chí toàn thể nghị viện chỉ biểu quyết mà không thảo luận.

Còn ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, công đoạn Ủy ban chưa phát huy hết vai trò của mình.

Với QHVN, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được coi là một chức năng riêng. Trong khi ở các nước, đây được coi là một phần trong chức năng lập pháp, vì các quyết định đó đều được thể hiện dưới dạng các luật.

Phạm vi giám sát tối cao của QHVN đối với hoạt động của Nhà nước rộng hơn rất nhiều so với nghị viện các nước. Trong khi QHVN giám sát cả tất cả các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nghị viện các nước chỉ tập trung giám sát chính phủ với thành phần là các bộ, ngành.

Một điểm đáng chú ý ở nghị viện các nước, giải trình/điều trần và sử dụng các ủy ban điều tra là các hình thức giám sát phổ biến. Theo một khảo sát, có gần 80/88 nghị viện áp dụng điều trần trong hoạt động của mình. Trong khi việc tổ chức các đoàn giám sát là hoạt động phổ biến ở QHVN, nghị viện các nước hầu như không sử dụng hình thức giám sát này. 

(Còn nữa)

  • Nguyên Lâm