Đầu thế kỷ 20, thế giới hiện đại như một làn gió mới mang đến bao nhiêu cái hay, góp phần cởi trói cho người Phụ nữ Việt. 

LTS: Đề tài "cởi trói" người phụ nữ, trả họ về vị trí xứng đáng trong xã hội và trong từng gia đình vẫn luôn được nhiều người quan tâm. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Trần Văn Tuấn, đưa ra cái nhìn lịch sử, tổng quát về câu chuyện này.

Đọc số liệu của Tổng Cục Thống kê, tôi thực sự lo cậu con trai "Dê vàng" của mình ế vợ.  Sao mà không ế được khi mà tỷ số giới tính của trẻ em trung bình cả nước năm 2013 là 112,3 trẻ em trai/ 100 trẻ em gái; và trừ năm 2009 ra thì con số này liên tục tăng lên trong suốt thập niên qua. Còn thống kê mới nhất của Bộ  Y tế, thì khoảng ba mươi năm tới, có 4,3 triệu đàn ông Việt sẽ "ế" vợ.

Mối lo của tôi càng hiện hữu khi biết số lượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đang không ngừng gia tăng, với số lượng khoảng 100,000 người/ năm kể từ 2008. Nhìn cụ thể hơn tôi thấy có hai nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ ế vợ của cậu con trai trong hơn 10 năm tới, và cả hai đều liên quan đến phụ nữ, vốn do hậu quả của tinh thần mà chúng ta hay gọi là gia trưởng để lại.

Lịch sử "đóng khung" phụ nữ

Từ lúc đàn ông nắm vai trò thống trị thông qua quá trình tư hữu tài sản, song song với việc củng cố địa vị, họ bắt đầu muốn nòi giống của mình được duy trì bằng cách đảm bảo những đứa trẻ sinh ra bởi (những) bạn đời phải là con rột của họ (vốn dĩ trước kia do người phụ nữ  - mẫu hệ - quyết định).

Không hề bàn bạc với nhau hay tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn đình đám như chúng ta vẫn làm ngày hôm nay, nhưng đàn ông ở hầu hết các chủng tộc, không ai bảo ai, đều áp dụng một giải pháp giống nhau - hạn chế vai trò và quyền lợi của người phụ nữ bằng cách "đóng khung" họ lại trên cả hai phương diện "không gian" và "quyền".

Để đảm bảo tính dài hạn của các biện pháp này, phái mạnh (nam giới) đã dần dần đóng  "khung" người phụ nữ bằng chất (lâu đài, cung điện, nhà cửa), và các thiết chế nhà nước cùng các khuôn mẫu xã hội (kể cả Tôn giáo) hòng "nhốt" người phụ nữ lại.

Tại phương Đông mà điển hình là Trung Quốc, Nho giáo đã vô cùng thành công trong "sự nghiệp đóng khung phụ nữ".

Đặc biệt hơn, kết quả của quá trình này đã được rất nhiều phụ nữ qua các thế hệ ở TQ và các nước bị ảnh hưởng văn hóa xung quanh, chấp nhận gần như tuyệt đối  và thực hành đầy hãnh diện thông qua các mỹ từ "Công - Dung - Ngôn - Hạnh".

Cũng giống như các khía cạnh khác của đời sống văn hóa, người Việt và phụ nữ Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của quá trình đóng khung này. Đặc biệt hơn xét về tính đặc thù của văn hóa lúa nước thì có lẽ phụ nữ Việt Nam còn bị kìm hãm nhiều hơn khi họ có rất ít cơ hội để đi ra khỏi cộng đồng làng, xã.

Có thể nói sự hạn chế vai trò của phụ nữ trong hầu hết các mặt của đời sống xã hội ngày trước (như không được đi học, đặt đâu ngồi đấy v.v.) về cơ bản đã dần dần triệt tiêu hết các kháng cự và đấu tranh (nếu có) của người phụ nữ - khiến họ không những chấp nhận mà còn cảm thấy tự hào khi bản thân mình và con cháu mình thực hành theo đúng các luân lý đề ra. Lâu dần, đàn ông không cần phải can thiệp nữa mà chính phụ nữ thế hệ trước sẽ sử dụng các "chuẩn" của mình để bắt các thế hệ sau phải noi theo, làm theo mà không bao giờ tự hỏi là tại sao?

Câu chuyện rất nhiều gia đình Việt cố gắng bằng mọi  cách để có cậu con trai nối dõi Tông đường trong nhiều trường hợp lại được những người phụ nữ (vốn dĩ không mang phải họ này) sốt sắng thực hiện và lấy làm hãnh diện và vui nếu đạt được mục đích.

{keywords}
Ca sĩ Thu Minh là một trong những phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Ảnh: Đời sống Pháp luật

Khi lần đầu được "cởi trói"

Đầu thế kỷ 20, thế giới hiện đại như một làn gió mới mang đến bao nhiêu cái hay, góp phần cởi trói cho người Phụ nữ Việt.

Từ trong những cái khung với rất nhiều dây rợ, vài người trong số họ được bước ra ngoài và ngơ ngác vì không hề nghĩ rằng trên thế giới này lại có được những điều tuyệt vời đến vậy. Lần đầu tiên thay vì "Chinh phụ ngâm" người ta nghe đươc những vần thơ tràn đầy lạc quan và yêu quê hương, con người, cuộc sống của Nữ sĩ Sông Thương (Anh Thơ). Thay vì buồn cho những thân phận làm lẽ như Hồ Xuân Hương, người ta được đồng cảm với tình yêu đồng điệu của một T.T.Kh say tình nhưng bản lĩnh và tự chủ. Thân phận của một bộ phận Phụ nữ Việt đã thực sự thay đổi.

Sau bao nhiêu năm sống dưới kiếp "con dâu", "người ở", người phụ nữ đã được biết đến những điệu valse hay nghe thấy từ "xin lỗi" từ nam giới. Thay vì phải "nâng khăn, sửa túi " và coi chồng như "thánh",  nhiều phụ nữ giờ đây được biết thế nào là sự tôn trọng, là yêu chiều là đưa rước. Phải thừa nhận một thực tế rằng cái mới, cái lịch lãm và kể cả sức mạnh của thế giới hiện đại có "hấp lực" nhất định đối với một số phụ nữ Việt  bấy giờ.

Do Nho giáo và văn hóa truyền thống có tính phản vệ rất cao, những người phụ nữ này đã gặp không ít rắc rối cùng sự dè bỉu từ cộng đồng nếu nhỡ trót "thích Tây", hoặc muốn "lấy Tây". Những người vượt ra khỏi các định kiến và thành kiến của xã hội và kết hôn với người Pháp thời đó được dân chúng gọi là me Tây. Thậm chí đối với những ai muốn tìm nhiều cách để lấy được Tây, họ phải có "Kỹ nghệ lấy Tây" như được mô tả trong một phóng sự cùng tên của Vũ Trọng Phụng.

(Còn nữa) 

Đến giờ, dù nỗi ám ánh của Nho giáo vẫn ngự trị  ở mọi góc khuất của xã hội Việt Nam, nhưng nếu như chúng ta thấy một đám cưới của một cô gái Việt với một chàng Tây - cho dù mục đích của cuộc hôn nhân này là gì đi nữa, thì chúng ta cũng không còn ngạc nhiên hay có tâm trạng tiêng tiếc như ngày xưa nữa.

Xem phần 2: "Quyền lực mềm" của phụ nữ Việt

  • Trần Văn Tuấn (Chuyên gia phát triển cộng đồng)