-Lòng tham sẽ khiến cho người Việt, từ quan chức đến dân thường, sẵn sàng “thoát y” để khiêu vũ, không chỉ với đồng tiền nữa, mà với chính… pháp luật. Chữ quyền + tiền đang trở thành cặp bài trùng ma quỷ.

I-Có một thực tế phũ phàng, con người vốn được coi là chúa tể muôn loài. Vì sức mạnh trí tuệ và sáng tạo vô song, có thể biến những câu chuyện cổ tích thành hiện thực. Ở những xã hội văn minh, có nền tài chính minh bạch, con người còn biết sai khiến đồng tiền, chế ngự tính xấu của nó bằng thiết chế quản lý và những chính sách, luật pháp phù hợp quy luật thực tiễn, xây dựng xã hội kỷ cương lành mạnh.

Nhưng trên con đường phát triển, không phải xã hội nào cũng đạt tới sức mạnh làm chủ hoàn toàn cái đồng tiền bất kham này. Và với thiết chế quản lý còn nhiều lỗ hổng, đồng tiền còn có thể trở thành một loại “giặc nội xâm”- tham nhũng. Mà nước Việt đang vất vả phòng chống là thế.

Chả thế người ta thường gọi chua xót- thời đại kim tiền. Chả thế, đồng tiền đã từng được nâng lên như một … “học thuyết” của giới giang hồ: Tiền có thể không mua được. Nhưng rất nhiều tiền vẫn có thể mua được. Mà những vụ án tham nhũng khủng, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng là những ví dụ điển hình.

Câu chuyện ở ngay trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mới đây là một vụ việc khá điển hình, cho dù số tiền vỏn vẹn “có 30 triệu vụ này mới xong”- chỉ là một số tiền bé mọn. Nhưng những vấn đề bị lộ ra lại rất nghiêm trọng. Nó cho thấy khi phải khiêu vũ với đồng tiền, thì con người có lúc gần như … “thoát y” đến méo mó cả lương tâm, nghiệp vụ, chức trách.

{keywords}
Tòa án huyện Triệu Sơn. Ảnh: Lao động

Câu chuyện tóm gọn: Ông Lê Bá Quý - nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông (Triệu Sơn) bị cơ quan chức năng kết luận phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Ông này nhờ bà Nguyễn Thị Niên - Kiểm sát viên Viện KSND huyện Triệu Sơn, là người họ hàng - giúp đỡ để chạy án. Và việc chạy án đã diễn ra đúng như một bộ phim hình sự, với những đối thoại rất đời. Các “diễn viên” chính gồm: Lê Ngọc Hiệp - Thẩm phán trung cấp, Chánh án; Lê Sỹ Thuần - Thư ký tòa và bà Lê Thị Thu - Thẩm phán, đều thuộc TAND huyện Triệu Sơn.

Bộ phim bị lộ giữa thanh thiên bạch nhật bởi ông Lê Bá Quý, cũng chính là người bí mật ghi âm các lời thoại mặc cả, ngã giá của các … “diễn viên”. Ông này vốn tự cho là mình bị bẫy, bị kết tội oan, rút cục đưa cả chánh án, thư ký tòa, thẩm phán nay mai ra trước vành móng ngựa. Rõ là kẻ cắp bà già gặp nhau. Họ oan ra sao, chỉ là “tai nạn nghề nghiệp” thế nào- như lời ông Lê Ngọc Hiệp thanh minh thanh nga, thì để nay mai họ có nhiệm vụ trả lời trước pháp luật.

Một hiện tượng đáng chú ý, cán bộ ngành tư pháp các cấp “khiêu vũ” với đồng tiền khá nhiều, không còn là của hiếm.

Đó là Phan Văn Quang, nguyên Chánh án TAND huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã bị tuyên phạt 06 năm tù vị tội nhận hối lộ, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Võ Tá Trường, nguyên Thẩm phán tòa, 02 năm tù về tội nhận hối lộ, tháng 08/2014.

Đó là Nguyễn Duy Hiệp, nguyên quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam), nhận hối lộ 235 triệu đồng của đương sự. Chỉ một ngày trước khi chính thức trở thành chánh án, ông quyền này bị bắt giam, tháng 07/2014.

Đó là Nguyễn Thái Quốc Cường, Thư ký TAND Q. 12 (t/p HCM) bị cơ quan chức năng bắt quả tang nhận 170 triệu đồng của đương sự trong một vụ án hình sự để chạy án, tháng 04/2014.

Trước đó, tháng 01/2014, Phan Mạnh Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Q. 12 bị tuyên án 07 năm tù về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của một người nhờ tư vấn.

Hết chánh án, quyền chánh án, thư ký tòa án, đến cả cán bộ sở tư pháp cũng “thoát y” khiêu vũ với đồng tiền. Đó là ông Nguyễn Ngọc Lan, chỉ là cán bộ Sở TP Nghệ An, nhưng lại mạo danh là Phó Giám đốc sở, lừa lấy 100 triệu đồng của người nhà một bị can với lời hứa “chạy án”, và đã bị bắt, tháng 05/2014, v.v… và v. v…

{keywords}

Hiện tượng này cho thấy hoạt động tư pháp là một trong những mảnh đất mà tham nhũng  luôn dòm ngó. Bởi một điều đơn giản, xã hội đang trong giai đoạn phát triển, thiết chế quản lý lỏng lẻo, luôn có nhiều bất ổn, thì ở một góc độ nào đó, văn hóa- đạo lý xã hội lệch lạc, tội lỗi, thậm chí tội ác cũng nảy nở tỷ lệ thuận theo.

Chữ quyền+ tiền đang trở thành cặp bài trùng ma quỷ.

Vụ việc chạy án ngay giữa trụ sở TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mới đây, phản chiếu rất sinh động và cụ thể cái tư duy lẫn “định hướng” phạm tội của các quan tòa ở huyện này sau hậu trường sàn diễn. “Lỗi hệ thống” ở đây không thuần túy là chuyện ăn hối lộ theo dây, mà cả cung cách giẫm đạp lên pháp luật cũng… “theo dây”. Tính chất nguy hiểm của vụ việc này tinh vi còn là ở chỗ đó.

Đó là khi cả Tòa án, Viện Kiểm sát “hợp tác” với bị can để chạy án như thế nào? (GDVN, ngày 19/9). Theo báo này, khởi đầu tại trụ sở Viện KSND huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Đình Hà, Phó Viện trưởng, người được ông Nguyễn Bá Quý nhờ vẽ đường cho hươu chạy. Và các thao tác “chạy” rất bài bản.

Thao tác đầu tiên là gì? Băng ghi âm của ông Quý cho thấy, ông Phó Viện trưởng Viện KS huyện Nguyễn Đình Hà đe doạ và yêu cầu ông này phải làm đơn, xin rút luật sư bào chữa: Nếu anh không rút luật sư thì chúng tôi không thể chiếu cố cho anh được! Cái yêu cầu rút luật sư bào chữa này, một lần nữa, cũng lại được ông Lê Ngọc Hiệp, nguyên Chánh án TAND đưa ra, trước khi mặc cả giá tiền. Một yêu cầu thực chất vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự và những quy định của ngành.

Thao tác thứ hai, xuống tỉnh: Cái này còn phải xuống tỉnh để xin, may ra mới có được án treo chứ xử ở đây thế, (xử án treo - PV), xuống dưới kia lỡ may bị bắt giam thì chả giải quyết vấn đề gì.

Thao tác thứ ba: Bây giờ sang tòa án xem hết bao nhiêu?

Chính ở cái công đoạn- thao tác thứ ba này, mới thấy hết sự “thoát y” về nhân cách, lương tâm nghề nghiệp của họ ra sao, với những phát ngôn thật ấn tượng. Hãy thử nghe:

Ông Lê Ngọc Hiệp, Chánh án: Đây được mấy tiền? Khi biết chỉ có 10 triệu, ông Hiệp: Một nấy chưa đủ đi tỉnh.

Ông Lê Sỹ Thuần - Thư ký tòa: Anh vứt xuống tỉnh 20 cái (tiền - PV), lo đây 10 cái, tổng 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật. Rồi “Tội cưỡng đoạt khoản 2 đ. ai cứu”.

Công nhận là ông này rất thật, khi nói đến tiền. Nhưng đã rất thật với tiền, thì sẽ rất gian khi xử án.

Một câu hỏi cần đặt ra, nơi khác là nơi nào, và tỉnh ở đây, là đâu nhỉ? Như vậy, cái giá tiền cũng mang tính rất… phổ biến? Mà ông Lê Sỹ Thuần đã “định giá” rõ là vứt xuống tỉnh 20 cái, đây (huyện) 10 cái!

Vậy mà khi được hỏi, ông Lê Ngọc Hiệp… phiên dịch thế này, chắc sợ báo chí không hiểu tiếng Việt trong đối thoại của ông ta: Ý em là từ trên huyện xuống tỉnh cũng phải thuê xe cộ, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ. Ý em thế thôi.

Liệu có tin được ông Hiệp thương ông Quý đến độ lo cho cả chuyện tàu xe, đi đường ko? Có lẽ cái băng ghi âm của ông Quý nghe đến đây cũng phải… đỏ mặt rần rần!

Và nhất là bà Lê Thị Thu, Thẩm phán: Vì anh là người nhà của cô Niên (bà Niên cán bộ Viện KSND huyện, có họ hàng với bị can Quý), nên bọn em mới giúp, còn là dân thì... bọn em sẽ làm theo quy định của pháp luật! Nghiêm phết!

Mà thực ra, đó chỉ là sự ngụy biện để che dấu cái việc ăn tiền trắng trợn. Nó cũng cho thấy pháp luật chả có ý nghĩa bình đẳng, công bằng gì hết trong chính bàn tay … đếm tiền của các vị!

Thử tưởng tượng, vụ chạy án này trót lọt, thì cho dù có xử giữa công đường, giữa thanh thiên bạch nhật, kết quả vụ án cũng chỉ là một “trò đùa” đốn mạt với công luận, với dư luận xã hội.

Cải cách tư pháp là một sự hối thúc của xã hội, của đạo lý nước Việt đang xuống cấp nghiêm trọng, rất cần chấn hưng. Nhưng cải cách thế nào đây, nếu như cán bộ tư pháp say mê “thoát y” để khiêu vũ với đồng tiền đến chóng mặt như thế này?

Phép thần nào đủ mạnh để cải cách tư pháp nước Việt nhỉ? Nếu như pháp luật không thượng tôn. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó mới chính là con đường sáng duy nhất, để nước Việt có kỷ cương, môi trường xã hội lành mạnh và niềm tin của người dân không bị mất mát.

                                       *****************************

II- Không chỉ có các quan chức cấp thấp, mà có cả một cựu quan chức cấp cao trong tuần qua, ông Hồ Nghĩa Dũng, cựu Bộ trưởng GTVT, cũng trở thành đề tài gây xôn xao dư luận. Bởi vị này không phải khiêu vũ với đồng tiền, mà khiêu vũ với… Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Điều mà dư luận xôn xao trên báo chí là ở chỗ, trước đó, khi còn đương chức ông là người ký quyết định đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả này. Cũng chính ông chỉ định nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đèo Cả. Rồi ở thời điểm vốn vay khó khăn, cũng chính ông nhiệt tình giúp đỡ doanh nghiệp này tiếp xúc với các tổ chức tín dụng trong nước, ngoài nước.

{keywords}
Ảnh minh họa: Họa sĩ Khều

Và chỉ 08 tháng sau, khi đã giã từ chiếc ghế quyền lực, ông chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Quản trị công ty. Nói như dân gian chẳng ngoa chút nào, thì cái công ty này như là “sân sau” để ông chuẩn bị hạ cánh cho an toàn.

Cũng phải hơn 02 năm sau, từ tháng 04/2012 đến năm nay, câu chuyện mới “bị lộ”, gây ồn ào, đàm tiếu. Bị lộ bởi trang website của công ty, chẳng biết có phải vì quá tự hào có được một cựu Bộ trưởng ngành mình về làm ủy viên HĐQT không, mà đưa lên công khai, khiến bung bét hết cả chuyện. Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau.

Có điều dở, khi bước chân vào làm thành viên của HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, là ông đã ngang nhiên giẫm lên những quy định của pháp luật. Cụ thể ở đây là một loạt những quy định của Chính Phủ, mà ông từng là một thành viên. Đó là Nghị định 102/2007/ NĐ- CP, Điều 04, Chương II, quy định thời hạn không được kinh doanh ở các lĩnh vực; Điều 05 quy định thời hạn không được kinh doanh với những đối tượng cán bộ, công chức như ông (phải từ 12-18 tháng).

Từng là một Bộ trưởng, một quan chức cao cấp, quản lý ngành GTVT, một ngành huyết mạch, và cực kỳ phức tạp vì đầu tư cực lớn, không thể nói là ông không nắm được luật. Cách đây một vài năm, dư luận đã xôn xao trước một vị cựu Bộ trưởng KH và ĐT, vì “lách luật” mà phải hầu tòa.

Nếu cứ hành xử như các cựu Bộ trưởng nói trên thì con đường thực thi pháp luật cũng sẽ có nguy cơ bị… tắc nghẽn bởi những hành vi phạm pháp. Vừa thiếu nghĩa, và cũng không dũng lắm! Điều đó sẽ rất khó thuyết phục người dân Sống và làm việc theo Hiến pháp, và pháp luật.

Có điều, dù các quy định pháp luật của Nhà nước có vẻ chặt chẽ “đầu vào”, nhưng lại rất lỏng lẻo… “ đầu ra”. Nghĩa là cấm thì cấm, nhưng không hề có chế tài xử lý, nếu như các đối tượng thuộc diện phải thi hành vi phạm. Trả lời phỏng vấn nhà báo, ông Nguyễn Sỹ Cương, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của QH công nhận, nếu không quy định cụ thể điều này thì sẽ rất dở. Mà đầu ra lỏng lẻo- chế tài xử phạt không có, sẽ… huề cả làng? Thì khẩu hiệu Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật vĩnh viễn chỉ là khẩu hiệu.

Được biết, trang website của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả thấy “động”, lập tức gỡ ngay thông tin. Xong om! Theo ngôn từ của một nhà thơ nổi tiếng.

Nhưng hãy còn đây tai tiếng xung quanh vụ việc này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, đây là một bài học về quy định pháp luật phải như thế nào để tránh việc các quan chức, khi còn đương chức thì đưa ra những quyết định để chuẩn bị khi về hưu, có thể được lợi từ các quyết định đó.

Còn đời sống nước Việt trong thế giới phẳng giờ đây, trước quốc nạn tham nhũng, trước tâm lý sống vụ lợi, trước những hiện tượng rối loạn các giá trị lại chỉ dễ dàng tin những quan hệ hợp tác kiểu đó như là một sự “trả nợ miệng”. Mà không hề tin ở những lời  thanh minh thanh nga của ông Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, cũng như của ông cựu Bộ trưởng. Cho dù đến thời điểm này, được biết, ông Hồ Nghĩa Dũng đã rút khỏi vị trí ủy viên HĐQT.

Với cá nhân một cựu quan chức, đó cũng là một mất mát không nhỏ về thanh danh.

Rồi đây, các cá nhân vẽ đường chạy án của TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) sẽ phải trả lời trước pháp luật. Đến lúc nào đó, sự ồn ào về cái cách hạ cánh … chòng chành của cựu Bộ trưởng GTVT cũng sẽ lắng xuống. Nhưng sự nhức nhối của một nền tư pháp không được thượng tôn, với những lỗ hổng pháp luật to tướng vẫn đặt ra cho hành trình hội nhập còn khập khiễng, chậm chạp của nước Việt, những vấn đề quyết liệt của cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách thiết chế quản lý, ở tầm vĩ mô.

Nếu không, lòng tham sẽ khiến cho người ta, từ quan chức đến dân thường, sẵn sàng “thoát y” để khiêu vũ, không chỉ với đồng tiền nữa, mà với chính… pháp luật!

Đó là điều đau khổ và đáng hổ thẹn nhất cho một quốc gia hướng tới văn minh, văn hóa!

  • Kỳ Duyên