Một logic tất yếu, con đường sinh tồn ra biển chính là cầu nối của giấc mộng Trung Hoa - giấc mộng đeo đẳng các thế hệ lãnh đạo TQ.

>> Cha đẻ “sức mạnh mềm” ngạc nhiên vì hành xử của TQ

>> Ý đồ sâu xa của TQ sau 25 năm chiếm Gạc Ma

>> Chặn bức 'trường thành' trái luật của TQ trên biển Đông

LTS: Trung Quốc muốn gì ở biển Đông và họ đang theo đuổi những chính sách nào: Giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa phe diều hâu và phe bồ câu, giữa mặt trận ngoại giao lẫn pháp lý, giữa những hành động lặp đi lặp lại trên biển và tuyên bố về giấc mơ Trung Quốc trong thế kỷ tiếp theo?

Những thông tin, chỉ dấu thoắt ẩn, thoắt hiện này làm cho việc tạo nên một bức tranh tổng thể càng khó khăn. Loạt bài viết này cố gắng đưa ra những lát cắt, và nối chúng lại theo các trình tự không gian và thời gian, nhằm đưa ra một cái nhìn tương đối hệ thống về tham vọng, hành động của TQ trên biển Đông.

Dưới đây là Kỳ 1 trong loạt bài.

Ngày 17/3/2013, tại phiên họp bế mạc Hội nghị Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) lần thứ nhất, Khóa XII, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa vừa mới được bầu, Tập Cận Bình đã đọc bài diễn văn quan trọng trước 2.948 đại biểu. Trong gần 25 phút, ông Tập 9 lần đề cập cụm từ "Giấc mộng Trung Hoa".

Ông Tập giải thích về nội hàm "Giấc mộng Trung Hoa" như sau: "Dân tộc Trung Hoa có hơn 5.000 năm lịch sử, đã liên tục sáng tạo nên nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ, sâu sắc, cống hiến cho sự nghiệp văn minh, tiến bộ của nhân loại". Ông Tập nói tiếp: "Chúng ta phải thực hiện cuộc chấn hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, đó là mơ ước vĩ đại của dân tộc Trung Hoa từ bao đời nay. Đến lúc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (tức năm 2021 - TG) sẽ thực hiện mục tiêu xây dựng quốc gia XHCN hiện đại, văn minh, dân chủ, giàu mạnh..."

Và rằng: "Hoàn thành việc xây dựng xã hội khá giả, xây dựng thành công xã hội hài hòa văn minh, hùng cường, xây dựng mục tiêu quốc gia XHCN hiện đại hóa tức là thực hiện giấc mộng Trung Hoa, đại chấn hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, tức thể hiện sâu sắc lý tưởng của người Trung Quốc hôm nay, phản ánh sâu sắc ý nguyện, truyền thống vinh quang, mưu cầu tiến bộ của các bậc tiền nhân của chúng ta".

Luận điểm về giấc mộng Trung Hoa, tức Trung Quốc phải nhất thế giới, của Tập Cận Bình không mới mẻ, nó là sự tiếp nối, kế thừa ý tưởng từ những lãnh đạo TQ trước đó.

{keywords}

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh khi mới nhậm chức, hôm 17/3/2013. Ảnh: Xinhua

Cách đây 12 thập kỷ - tháng 6/1894, nhà cách mạng tân dân chủ Tôn Trung Sơn, trong thư gửi Lý Hồng Chương đã trình bày rất rõ ràng quan điểm xây dựng Trung Quốc thành một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Ông phân tích cụ thể: Trung Quốc phải đạt 6 cái tột bực, đó là: quốc gia lớn nhất, quốc gia tốt nhất, quốc gia tiến bộ nhất, quốc gia trang nghiêm nhất, quốc gia giàu mạnh nhất, quốc gia yên vui nhất. Trong tác phẩm "Giấc mơ Trung Quốc" của tác giả là Đại tá, Giáo sư Lưu Minh Phúc, 4 cái nhất đó được nên ra rõ ràng: quốc gia mạnh nhất thiên hạ, quốc gia giàu nhất thiên hạ, quốc gia có nền chính trị tốt nhất và quốc gia dân chúng sống hạnh phúc nhất thiên hạ.

Khi tiến hành cuộc cách mạng Tân Hợi - 10/10/1911, lật đổ đế chế phong kiến nhà Thanh thành lập nước Trung Hoa Dân quốc, với dân số 400 triệu, sau khi được bầu làm Tổng thống, trong các buổi hội họp mit-tinh, trong các bài viết, ông nhắc đi nhắc lại quan điểm này. Tóm lại cuộc đời cách mạng của Tôn Trung Sơn là xóa bỏ chế độ phong kiến; thực hiện chủ nghĩa tam dân - dân sinh, dân chủ, dân quyền, thành lập nước Trung Hoa Dân quốc; đề xướng chủ nghĩa nhất thế giới.

Kế tục Tổng thống Trung Hoa Dân quốc là Tưởng Giới Thạch. Trong 22 năm chuyên chính làm Tổng thống, Tưởng Giới Thạch luôn nuôi mộng tưởng theo chủ nghĩa Nhất thế giới. Năm 1947, chính Tưởng Giới Thạch là Tổng thống khởi xướng việc vẽ bản đồ Trung Quốc có đường biên giới hình lưỡi bò gồm 11 đường đứt khúc, bao bọc, "liếm" gần hết biển Đông mà không có cơ sở pháp lý nào.

Tiếp theo, Chủ tịch TQ Mao Trạch Đông, cũng là người theo chủ nghĩa "Nhất thế giới". Trong bài phát biểu ngày 21/10/1955, Mao nói: "Mục tiêu của chúng ta là đuổi kịp Mỹ, hơn nữa phải vượt Mỹ. Ngày nào đuổi kịp Mỹ, chúng ta mới có thể thở phào nhẹ nhõm". Ông nêu mục tiêu trong vòng 7 năm đuổi kịp Anh, trong vòng 10 - 15 năm phải đuổi kịp Mỹ và vượt Mỹ". Ông nêu khẩu hiệu: "Gió Đông thổi bạt gió Tây" và đánh giá đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy.

Đáng chú ý, đầu thập kỷ 1950 này, Mao Trạch Đông kế thừa "di sản" của Tưởng Giới Thạch cải biên đường lưỡi bò từ 11 đoạn thành 10 đoạn rồi chuyển thành 9 đoạn.

Tháng 12/1978, Hội nghị toàn thể lần 3 Ban CHTW Đảng CSTQ Khóa XI xác lập vai trò lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc xem Đặng Tiểu Bình là nhà lý luận vĩ đại, là Tổng công trình sư của công cuộc cải cách mở cửa. Ý chí, chủ trương của ông Đặng là dẫn dắt nhân dân Trung Quốc xông tới "Nhất thế giới". Ông chủ trương hòa nhập thế giới để dẫn dắt thế giới. Ông từng nói: việc chúng ta hiện nay đang làm là việc Trung Quốc mấy nghìn năm chưa làm được.

Cuộc cải cách mở cửa này chẳng những ảnh hưởng tới Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới. Trong báo cáo "Chấn hưng dân tộc Trung Hoa" ngày 7/4/1990, Đặng khẳng định: Trung Quốc thực hiện 4 hiện đại hóa, hướng tới chấn hưng dân tộc Trung Hoa. Ông nhấn mạnh: chấn hưng dân tộc Trung Hoa tức là muốn giành được địa vị nhất thế giới cho Trung Quốc. Ông đề xuất dùng thời gian 70 năm để thực hiện 3 bước đi (bước 1: 10 năm đạt mức ấm no, bước 2: 10 năm tiếp đạt mức khá giả, bước 3: sang thế kỷ XXI, dùng 50 năm để thực hiện mục tiêu vĩ đại phục hưng dân tộc Trung Hoa. Đây là thời kỳ Trung Quốc tiến lên "Nhất thế giới".

Các thế hệ lãnh đạo kế tiếp từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào và hiện nay là Tập Cận Bình đều theo lộ trình nhà lý luận Đặng Tiểu Bình vạch ra. "Nhất thế giới" là mục tiêu và cho dù có bằng phương tiện gì đi nữa, thì con đường vẫn phải đi đã được vạch sẵn. Trung Quốc là một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn đứng thứ 3 trên thế giới với diện tích những 9.600.000 km2, chỉ sau Nga, Canada và xấp xỉ với Mỹ. Theo phân tích của các nhà chiến lược, không gian sinh tồn của Trung Quốc đang hẹp lại với đà gia tăng dân số. Cụ thể:

Năm 1919: Trung Quốc có 400 triệu dân

Năm 1949: có 541.670.000 dân

Năm 1959: 659.940.000 dân

Năm 1969: 806.710.000 dân

Năm 1989: 1.100.000.000 dân

Năm 2009: 1.334.740.000 dân

Chỉ trong vòng 60 năm tăng 800 triệu người là điều đáng lo ngại. Cứ đà tăng trưởng đó đến cuối thế kỷ 21, có lẽ người dân nước này sẽ không còn đất để... đứng, và đất không tự nó sinh sôi nảy nở được.

Bởi thế, một logic tất yếu, con đường sinh tồn ra biển chính là cầu nối của giấc mộng Trung Hoa. Có thể nói, những động thái gần đây nhất của TQ, như đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa thuộc lãnh thổ Việt Nam chỉ là kịch bản, bước đi nằm trong âm mưu, chiến lược tổng thể xâm chiếm Biển Đông. Xuyên suốt "giấc mơ Trung Hoa", từ sách lược đến chiến lược, dù cho thay đổi theo từng thời kỳ, thể hiện muôn hình vạn trạng qua những mặt trận khác nhau, nhưng mục tiêu cố hữu thì vẫn luôn bất biến.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thiện Chí