2013 với dự đoán về tình hình biển Đông tiếp tục leo thang, liệu đây có là một kênh quan trọng để giảm nhiệt các mâu thuẫn?

Nếu như ngoại giao kênh I (Track I) chủ yếu là các cuộc đối thoại về an ninh và chính trị giữa các quan chức cấp cao thì ngoại giao kênh II (Track II) "lại là những biện pháp ngoại giao bên ngoài kênh chính thức của chính phủ". Các hình thức ngoại giao theo kênh này chủ yếu bao gồm các học giả, nhà báo, thương nhân, các chuyên gia chiến lược (think-tanks) và các chính trị gia với tư cách "cá nhân" hoặc "không chính thức" nhằm hướng đến các mục tiêu chính là xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác, giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình. Trong thời đại liên kết chặc chẽ hơn về mặt kinh tế, ngoại giao kênh II ngày càng khẳng định tầm quan trọng của mình, bởi lẽ ngoài việc thể hiện được vai trò độc lập thì ngoại giao kênh II cũng ngày càng có mối liên hệ khăng khít với chính phủ quốc gia khi nó có thể "làm mềm" đi các vấn đề "nóng bỏng" và mang những sự tinh tế về văn hóa, con người vào bàn đàm phán.

2013 với dự đoán về tình hình biển Đông tiếp tục leo thang, liệu đây có là một kênh quan trọng để giảm nhiệt các mâu thuẫn? Và quan trọng hơn từ góc nhìn các nước yếu hơn về lực lượng, tác động qua con đường kênh II sẽ hàm ý trong việc lựa chọn chính sách như thế nào?

Biển Đông và ngoại giao kênh II

Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, hình thức ngoại giao kênh II lần đầu tiên xuất hiện với hàng loạt các cuộc hội thảo hàng năm về "Quản lý các xung đột tiềm ẩn tại Biển Đông" được khởi xướng vào năm 1990 bởi Ban đối ngoại Indonesia. Ngay sau đó những cuộc gặp gỡ vào năm 1990, 1991, 1993 và 1997 cũng ghi dấu ấn của Indonesia khi nước này khuyến khích các quốc gia bên ngoài tham gia vào việc đề xuất các biện pháp hợp tác và giảm xung đột tại Biển Đông.

Ngoại giao kênh II giai đoạn này ghi dấu các nước như Trung Quốc, các quốc gia ASEAN và Canada. Đặc biệt, vai trò của Nhật Bản trong việc tham gia đóng góp sáng kiến thúc đẩy an ninh Biển Đông cũng được phía Indonesia gợi ý. Xa hơn, Indonesia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "phương cách ASEAN" (ASEAN way) trong việc xây dựng lòng tin, giảm chạy đua vũ trang. Một trong những hàm ý cơ bản nhất mà hình thức ngoại giao kênh II do Indonesia hướng đến chính là việc buộc Trung Quốc phải ngày càng hướng đến những giải pháp mang tính đa phương.

Mặc dù không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông nhưng Indonesia đang đóng vai trò trung lập và là nhân tố điều phối trong vấn đề này. Hiện Jarkarta đang có những nỗ lực đáng ghi nhận nhằm thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông. Với quan ngại rằng Biển Đông có thể trở thành chảo lửa của khu vực, Indonesia đã có những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đi vào hiệu lực. Sau chặng đường 10 năm nung nấu ý tưởng và 2 năm đàm phán thì DOC cũng đã được ký kết tại Phnom Penh, Campuchia với hàng loạt các cuộc gặp gỡ nhằm thúc đẩy tiến trình ký kết.

Ngư dân đánh bắt cá trên Biển Đông

Từ đây, DOC là văn kiện lịch sử - đóng vai trò quan trọng như là sợi dây chính trị - pháp lý ràng buộc Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm hướng đến một Biển Đông hòa bình, ổn định. Mặc dù ngoại giao kênh II phải trải qua rất nhiều thời gian nhưng thành tựu là rất đáng ghi nhận và mang tính bền vững cao. Bởi lẽ, những thành tựu từ ngoại giao kênh II đều được xây dựng trên nền tảng lòng tin, sự chung tay giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình và xung đột.

Đòn bẩy kênh II: Vũ khí chiến lược cho Việt Nam?

Xét biển Đông như một mặt trận đấu tranh toàn diện, ngoại giao kênh II chắc chắn sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải thích tuyên truyền cũng như khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông. Riêng trong lĩnh vực hội thảo khoa học, kể từ 2009 đến nay, nhiều hội thảo liên quan đến vấn đề biển Đông đã được Việt Nam tổ chức và thu hút sự chú ý của các học giả quốc tế có uy tín. Các hội thảo kênh chính thức có thể kể tới như "Hội thảo quốc gia về Biển Đông" do Chương trình nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, đã tổ chức được hai lần (2009, 2011), hay một hội thảo khác do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng đăng cai mang tên "Hội thảo quốc tế về Biển Đông" đã được tổ chức bốn năm liên tục từ 2009-2012. Hội thảo lần thứ 4 vừa qua được đánh giá là mang nhiều đổi mới và thẳng thắn hơn rất nhiều trong việc nêu ý kiến và trình bày quan điểm từ tất cả các bên, đặc biệt là từ phía các học giả nước ngoài.

Ngoài ra, các hội thảo quan trọng khác cũng cần được nhắc tới như "Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4" được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11 năm 2012, tại đây lần đầu tiên một tiểu ban chuyên về đối ngoại được thành lập với các tham luận của học giả trong và ngoài nước xoay quanh các tranh chấp tại biển Đông. Tiếp đó là Hội thảo khoa học tầm quốc gia mang tên "Hợp tác biển đông thực trạng và triển vọng" được tổ chức từ 12-13 tháng 12 tại Đà Nẵng. Hội thảo này là lần đầu tiên các học giả của cả ba miền ngồi lại với nhau cùng bàn luận các vấn đề quan trọng về lịch sử cũng như tương lai của tranh chấp biển Đông.

Có thể thấy càng ngày càng có nhiều hơn những cố gắng từ phía giới học giả Việt Nam nhằm tăng cường nghiên cứu về biển Đông, qua đó giới thiệu những ý tưởng, những lập luận của mình ra thế giới thông qua các cuộc hội thảo được tổ chức ngày càng thường xuyên hơn. Trong vấn đề biển Đông hiện nay, Việt Nam đã chậm chân hơn Trung Quốc rất nhiều trong việc sử dụng ngoại giao kênh II. Cách thức giải quyết có hiệu quả nhất cho vấn đề này chính là tiến hành "học thuật hóa" một cách toàn diện nhằm đánh vào mắt xích yếu nhất trong chuỗi chiến lược của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông: lý lẽ và sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Hoàn toàn có thể nhận ra rằng lý lẽ của Việt Nam vững chắc và có tính thuyết phục hơn nhiều và việc tăng cường trao đổi học thuật với các học giả nước ngoài sẽ giúp cho những lập luận và nghiên cứu của Việt Nam lan truyền nhanh và xa hơn, qua đó giúp thế giới hiểu hơn về tình trạng hiện tại ở biển Đông. Ngoài ra, áp dụng học thuật hóa tiến tới xây dựng một chiến lược "ngoại giao học thuật" hoàn chỉnh sẽ là một bước đi lựa chọn chính sách thông minh, tránh phải sử dụng vũ lực và gây căng thẳng thêm cho khu vực.

Tuy nhiên trong hiện tại, Việt Nam cần phải khắc phục một số những điểm yếu để có thể thúc đẩy hơn nữa "học thuật hóa" đó là (1) cần có một cơ quan "đầu não" điều phối và chỉ huy hoạt động nghiên cứu và biển Đông giống như Trung Quốc đã làm khá thành công, (2) tăng cường các nguồn lực cho các nghiên cứu về biển Đông, bao gồm tăng cường kinh phí cho nghiên cứu khoa học, tăng cường chất lượng của đội ngũ học giả và đội ngũ nghiên cứu trẻ nhất là trình độ ngoại ngữ, (3) nâng cao và đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết giữa nghiên cứu biển Đông trong nước và quốc tế; Việt Nam không những phải tổ chức thường xuyên hơn các hội thảo mang tầm quốc tế mà còn cần phải cử những học giả xuất sắc của mình đi tham dự những hội thảo có nội dung tương tự ở nước ngoài và (4) đổi mới cách tiếp cận trong nghiên cứu biển Đông; xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia vê biển Đông để tập hợp các tư liệu cần thiết cho nghiên cứu cũng như tham khảo, nhắm đến các đối tượng cả chuyên sâu lẫn đại chúng.

"Bên ngoài kênh chính thức của chính phủ" là đặc điểm của ngoại giao kênh II. Đó là lợi điểm giúp "thử lửa" những quan điểm hay lập luận của mình, nhưng không gây ra những phản ứng từ các bên và tạo cầu nối để quy "lòng người" thông qua công luận quốc tế về một mối, điều không những cần thiết, mà là rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giữ gìn biển đảo của Việt Nam thời điểm hiện nay.

Huỳnh Tâm Sáng - Nguyễn Thế Phương