Trong khoa học, việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí trong danh mục của ISI (Institute for Scientific Information - Viện Thông tin khoa học) hay Scopus là một trong một trong những tiêu chuẩn để đánh giá thành tựu nghiên cứu, và thậm chí cá nhân nhà khoa học. Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích các nhà khoa học công bố nghiên cứu trên các tạp chí ISI. Tuy nhiên, gần đây có ý kiến cho rằng khuyến khích công bố trên những tạp chí như thế là "động lực ngược" trong việc đánh giá khoa học, và "ISI gần như vô nghĩa với các nhà khoa học".
Những ý kiến như thế cần được bàn thêm để tránh hiểu lầm trong việc đánh giá khoa học. Người viết bài này cho rằng Việt Nam nên tiếp tục ủng hộ sử dụng ISI cùng các chỉ số như trích dẫn và chỉ số H (H-index) như là một trong những thước đo quan trọng cho việc đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu và cá nhân nhà nghiên cứu.
ISI là chỉ số sàng lọc quan trọng đầu tiên
Trên thế giới có hàng trăm ngàn tạp chí khoa học, nhưng chỉ có khoảng 10 ngàn tạp chí được Viện thông tin khoa học Hoa Kỳ (ISI) đưa vào danh mục. Tạp chí có trong ISI phải đạt một số tiêu chuẩn về thành phần ban biên tập, tầm ảnh hưởng và thời gian hoạt động. Do đó, gần như là một mặc định, khi nói đến công bố quốc tế, người ta nghĩ đến công bố trên các tạp chí ISI.
Thật vậy, các cơ quan quốc tế đều dựa vào cơ sở dữ liệu của ISI để so sánh hiệu quả hoạt động về khoa học giữa các quốc gia. Các trường, viện, cơ quan tài trợ, v.v. cũng dựa vào ISI để đánh giá đầu ra của nghiên cứu khoa học. Có thể chỉ ra vài ví dụ tiêu biểu như sau: Đại học Texas A&M, Florida ở Mỹ, Đại học King Fahd của Ả rập, Đại học Warwick ở Anh quốc, và một số đại học hàng đầu của Thái Lan, Malaysia đều yêu cầu cụ thể là dùng bài báo trong danh mục ISI để đánh giá giảng viên, nhà nghiên cứu (faculties) của họ, v.v...
Các đại học vừa nêu là các đại học bậc trung trên thế giới, và cũng là mục tiêu phấn đấu của các đại học Việt Nam. Thậm chí năng suất nghiên cứu khoa học của ĐH hàng đầu Thái Lan là Chulalongkorn và Mahidol hơn cả nước Việt Nam cộng lại. Vì vậy không nên xem thường những bài báo trên các tạp chí ISI.
Các đại học nổi tiếng trên thế giới đã có văn hoá khoa học lâu đời, và việc giáo sư của họ công bố nghiên cứu trên các tạp chí ISI như một điều mặc định. Điều này đúng bởi gần như là không thể tìm được một tạp chí có tên tuổi lâu đời trong bất kỳ ngành khoa học nào mà không có trong danh sách ISI.
Cố nhiên, cũng có ngoại lệ như trong ngành khoa học máy tính (KHMT), các nhà nghiên cứu thường đăng trên kỷ yếu hội nghị hơn là tạp chí. Tuy vậy, nhiều trường đại học vẫn yêu cầu nghiên cứu sinh ngành KHMT phải có ít nhất một bài trên tạp chí yêu cầu khắt khe hơn mới được tốt nghiệp, các tạp chí và gần đây là hội nghị có chất lượng của ngành KHMT đều có mặt trong danh sách của ISI.
Ảnh minh họa |
Có người diễn giải rằng ISI không được đề cập như là một tiêu chuẩn đánh giá tài trợ đề tài của các quỹ tài trợ khoa học ở Mỹ dẫn đến sự hiểu nhầm là công bố trên tạp chí ISI là không cần thiết. Điều này có lẽ đúng nhưng có thể chưa đủ, tôi đề nghị một cách diễn giải khác. Mỹ là quốc gia số 1 thế giới về khoa học và các nhà khoa học ngồi trong các hội đồng duyệt tài trợ không cần ai phải nói cho họ tạp chí nào là có uy tín trong ngành. Hầu hết các bài báo xuất bản từ các trường đại học nghiên cứu của Mỹ đều có tên trong ISI, vì vậy thêm ISI vào là thừa.
Nhưng nếu các chuyên gia phải xét hồ sơ của nhiều "ngôi sao" mới nổi đến từ các nước đang phát triển với số lượng bài báo tới vài trăm thì chắc chắn họ sẽ dùng các chỉ số "thô" (đặc biệt là số lượng trích dẫn và chỉ số tác động - Impact Factor, sẽ bàn sau) để loại bỏ bớt (có nhiều cơ quan tài trợ việc này là do thư ký làm). Việt Nam mới bước chân vào công bố nghiên cứu quốc tế nên sẽ có thể không đủ chuyên gia để bình duyệt (đặc biệt trong các ngành mới), vì vậy ISI có thể nói là một trong những thông tin tin cậy nhất, tất nhiên không phải là duy nhất.
Impact Factor, tần số trích dẫn, và thử thách của thời gian
Các chuyên gia đánh giá khoa học xem số lần bài báo hay công trình khoa học được trích dẫn sau khi công bố (gọi tắt là citations) là một trong những thước đo chính xác nhất về tầm ảnh hưởng và chất lượng của một bài báo, trừ một vài ngoại lệ rất hiếm.
Số lần trích dẫn còn phản ánh khá chính xác hướng đi của một ngành/trường phái có ý nghĩa cho các nhà hoạch định chiến lược. Các bài báo kinh điển về phương pháp và khám phá mới có tính đột phá (ground-breaking) đều có số lần trích dẫn rất cao. Ví dụ bài báo về khám phá cấu trúc DNA năm 1958 được trích dẫn tổng cộng gần 170 nghìn lần, và năm ngoái (tức là gần 60 năm) vẫn được trích dẫn hơn 10 nghìn lần trong danh sách ISI.
Một chỉ số liên quan đến số lần trích dẫn là chỉ số tác động hay Impact Factor (IF) thường dùng để đánh giá tầm ảnh hưởng của một tạp chí khoa học. Chỉ số IF là số lần trung bình trích dẫn của một tạp chí cụ thể, thường tính trong vòng 2 năm, có khi 5 năm). Dù cách tính đơn giản, nhưng IF thể hiện khá chính xác chất lượng của một tạp chí có tên tuổi, và có bài trên các tạp chí có IF trên 10 là một bước đẩy rất tốt cho việc tiến thân trong học thuật. Nhiều nước trên thế giới, kể cả Úc, Canada, Trung Quốc, thưởng cho các nhà khoa học có công trình được công bố trên các tạp chí có IF cao. Ở Trung Quốc, có nơi thưởng khoảng 20.000 USD cho tác giả của công trình trên các tạp chí như Science và Nature!
Nhưng IF của một tạp chí có một số nhược điểm đáng kể, đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi số ít những bài báo có nhiều trích dẫn. Nhiều người chỉ ra dùng chỉ số trung vị (median) thay vì trung bình (mean) thì sẽ phần nào chính xác hơn, và người viết đồng ý với điều này.
Có thể xem IF là một sàng lọc ban đầu, và nên tính theo ngành. Ví dụ như các tạp chí nằm trong nhóm 1% có IF cao nhất là các tạp chí tốt nhất trong ngành. Thực tế cho thấy, dù có nhưng rất ít nhà khoa học hàng đầu chịu gửi bài của họ cho các tạp chí mới hoặc các tạp chí có IF thấp.
Chỉ số H (hay H-index) gần đây được sử dụng rất nhiều trong thực tế (cùng với số lượng trích dẫn) để tuyển dụng các nhà khoa học. Trong một số trường đại học lớn họ ưa sử dụng H-index của ISI hơn là của trang Google Scholar vì Google tính cả trường hợp các bài báo không qua bình duyệt (non-peer reviewed papers) hay thậm chí nhiều lúc cả các websites. Một lần nữa khẳng định uy tín không thể chối bỏ của các tạp chí ISI so với các tạp chí ngoài ISI.
Gần đây, một số nhà khoa học không hài lòng với IF và tần số trích dẫn, đã ra "Tuyên bố DORA", chỉ ra những khiếm khuyết của IF mà vốn đã được biết rõ hơn 30 năm qua.
Tuy nhiên, trong thực tế, bất cứ nhà khoa học nào, kể cả những người ký tên trong DORA, đều mong muốn có hay đã có bài báo trên tạp chí IF cao (trên 30) như Nature, Science, Cell hay New England Journal of Medicine. Các tạp chí đó vẫn là mục tiêu và niềm mơ ước của hầu hết các nhà nghiên cứu, vì có bài trên đó là một "tấm vé hạng nhất" trong quá trình xây dựng sự nghiệp khoa bảng. Tất cả các tạp chí vừa kể (và nhiều tạp chí có IF cao khác) đều có trong danh mục ISI.
(Còn tiếp)
Đinh Quang Huy (Đại học Nam California, Mĩ)
Xem thêm các bài:
Việt Nam cần tham khảo tiêu chí quốc tế Ưu tiên hàng đầu hiện nay có lẽ không phải là cho ra bảng xếp hạng đại học, mà là nghiên cứu khoa học về các tiêu chí xếp hạng. Làm sao đủ tiến sĩ, giáo sư để xếp hạng? Con số 25% giảng viên là giáo sư, phó giáo sư do Bộ GDĐT đề ra rất chênh và rất xa so với thực tế. Dù Việt Nam có giải Nobel cũng... không ích gì Sự xuất hiện của một "siêu sao", cho dù đó là "sao" Nobel, liệu có giúp ích gì cho nền giáo dục, khoa học Việt Nam? |