Năm 2014, ngân sách vượt thu 52.000 tỉ và có khả năng vượt thu 80.000 tỉ vào cuối năm. Ngân sách không thiếu, nhưng “Công tử Bạc Liêu xuất hiện khắp nơi”

Giữa phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, giữa la liệt những báo cáo, giữa trập trùng các con số ngàn tỉ, chục ngàn tỉ, trăm ngàn tỉ, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra một câu hỏi, một chủ đề: ‘Năm 2015, Chính phủ tiếp tục không nói về việc tăng lương do không bố trí được nguồn. Trong khi năm 2014 việc tăng lương cũng đã bị hoãn lại. Chúng ta có đưa vấn đề này vào không? Và nếu có thì lấy nguồn ở đâu ra?”.

Tăng lương hay không sau đó đã không trở thành một chủ đề thảo luận, cho dù Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lấy ngay ví dụ bản thân đã thẳng thắn “không giải quyết lương cao cho Chủ tịch Quốc hội thì phải giải quyết lương thấp cho cái người thu nhập có hai, ba triệu đồng/tháng”.

Năm 2014, ngân sách vượt thu 52.000 tỉ và có khả năng vượt thu 80.000 tỉ vào cuối năm. Ngân sách không thiếu, nhưng “Công tử Bạc Liêu xuất hiện khắp nơi”. 72% ngân sách dùng để chi thường xuyên, thứ chi mà Chủ tịch QH hình ảnh hóa trong phát biểu nổi tiếng “ăn”: “Nếu ăn hết thì lấy đâu ra mà dự trữ”. Bội chi ngân sách nhà nước là 5% GDP nếu cộng với 85.000 tỉ trái phiếu chính phủ thì mức bội chi đã lên đến hơn 7%.

Rồi nhãn tiền, chườm ra trước sự khó khăn của dân chúng, là những “Công tử Bạc liêu trong điện ảnh” với những bộ phim tiền chùa hăm mấy tỷ không bán nổi dù chỉ một vé. Rồi Làng văn hóa các dân tộc 3.200 tỷ, xây xong rồi bỏ hoang. Rồi thì cả trăm tỷ đồng cho một chiếc huy chương vàng thể thao. Rồi thì bắn pháo hoa.

Làng văn hóa các dân tộc hay bắn pháo hoa - trong phạm trù tinh thần “no con mắt” cũng cần thiết, nhưng miếng cơm manh áo - thứ đói vật lý trong dạ dày còn cần thiết hơn!

Nguyên do của việc thiếu tiền chẳng cần cao siêu cũng có thể nhìn thấy, nói như Chủ tịch QH, “phát hành trái phiếu lu bù để chi, vay lu bù để chi. Ăn hết thì lấy gì mà dự trữ. Ăn hết rồi mà lại không có lương thì tôi chẳng hiểu thế nào”.

Nhớ hồi cuối năm ngoái, khi Bộ trưởng Bộ Tài chính thật thà “Không thể tăng lương trừ phi...in thêm tiền”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng bảo rằng: “Với người lao động thì lương tăng được đồng nào hay đồng đó. Với nhiều người, vài ba trăm nghìn đồng không cao nhưng với những người sống hoàn toàn bằng lương, tăng lương đối với họ là vấn đề rất quan trọng”.

Xin đừng đổ tại những khó khăn ngân sách để ngoảnh mặt quay lưng với việc tăng lương, thực chất chỉ là bù đắp lạm phát, bù đắp trượt giá, thực chất chỉ là để người lao động có thể đảm bảo một cuộc sống tối thiểu, thực chất chỉ là trả lại một phần mà người lao động, chưa bao giờ, không bao giờ dám kêu khó, vẫn cần mẫn đóng thuế mỗi ngày.

Theo Đào Tuấn/ Lao động