"Chúng tôi cần một lời xin lỗi ! Chiếc khăn piêu của dân tộc Thái không thể trở thành cái khố trong một chương trình nghệ thuật của VTV". "Văn hóa Thái đã bị miệt thị, chà đạp thô bạo"...

LTS: Trong một chương trình phát sóng gần đây trên VTV, chiếc khăn Piêu - biểu tượng văn hóa của người Thái - đã trở thành một chiếc khố trong "trang phục" lắp ghép của các dân tộc. Sự việc khiến cộng đồng "dậy sóng", đặc biệt là người Thái.  Nhóm nhạc biểu diễn tiết mục nói trên đã xin lỗi trên trang mạng xã hội. Tác giả Tòng Thị Lan (cựu sinh viên Học viện Ngoại giao Hà Nội), một đại diện của người Thái, đã gửi bài viết dưới đây về sự va đập văn hóa và giới hạn. Tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết để bạn đọc cùng tranh luận. Mời quý vị độc giả cùng tham gia đề tài, bài viết xin gửi về tuanvietnam@vietnamnet.vn

Từ linh thiêng thành tục tĩu!

"Chúng tôi cần một lời xin lỗi ! Chiếc khăn piêu của dân tộc Thái không thể trở thành cái khố trong một chương trình nghệ thuật của VTV". "Văn hóa Thái đã bị miệt thị, chà đạp thô bạo"....

Đó là hàng loạt những trạng thái của các bạn dân tộc Thái trên các trang mạng xã hội hoặc bên dưới các link video, bài viết đã đưa hình ảnh về liveshow Nhân tố bí ẩn tập 20, phát sóng trên VTV3 tối ngày 12/10/2014.

Khi biểu diễn liên khúc Tây Nguyên trong Đêm bán kết, nhóm F Band đã mặc áo Tây Nguyên và chiếc "khố quần" được lấy từ chiếc khăn piêu của dân tộc Thái. Đây là một điều rất phản cảm, thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng văn hóa của dân tộc khác.

Sau chương trình, hình ảnh này đã gây nhiều bức xúc cho dư luận, đặc biệt là sự phản đối gay gắt từ cộng đồng dân tộc Thái.  Bởi lẽ, một biểu tượng linh thiêng của một dân tộc không thể trở thành chiếc khố trên sóng Đài truyền hình quốc gia!

{keywords}
Ban nhạc F Band mặc "khố quần" bằng khăn Piêu trong chương trình Nhân tố bí ẩn. Ảnh: Lao Động

Chiếc khăn piêu là kết tinh văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái. Những  hoa văn tinh tế trên khăn piêu được đúc kết từ cuộc sống - lao động - sản xuất - đấu tranh sinh tồn của cả tộc người. Người Thái trân trọng chiếc khăn ấy, phụ nữ Thái đội chiếc khăn piêu lên đầu để che mưa nắng hay mặc váy áo cóm và đội khăn piêu sặc sỡ trong các lễ hội. Con gái Thái từ nhỏ đã được mẹ dạy từng đường kim mũi chỉ để thêu chiếc khăn piêu và khi về nhà chồng chiếc khăn piêu ấy là kỷ vật dành tặng đấng sinh thành nhà trai; Hơn thế nữa, với người Thái, chiếc khăn piêu là vật gối đầu cho người chết khi về với gia tiên.  Khó có vật dụng nào linh thiêng và thân thuộc với người Thái hơn chiếc khăn piêu.

"Tại sao?"

Mỗi dân tộc có một nền văn hóa, văn hóa là biến đổi và có thể sáng tạo nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận sự xúc phạm. Bất kỳ thực hành văn hóa và vật thể văn hóa nào cũng hàm chứa một ý nghĩa ở đằng sau.

Đặc biệt, văn hóa Tây Nguyên không dùng chiếc khăn piêu của người Thái làm cái khố của mình. Bộ thiết kế này có thể gây ra hiểu lầm về văn hóa Tây Nguyên, sự hiểu lầm của người xem, đây là một hậu quả không hề nhỏ!

Nhân tố bí ẩn là phiên bản Việt Nam của cuộc thi The X-Factor, là chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nổi tiếng thế giới. Năm 2014, chương trình này được Công ty Cát Tiên Sa mua bản quyền và cùng với Đài truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất. Theo quy định của pháp luật, một chương trình lớn như vậy cần cấp phép biểu diễn, cần duyệt nội dung và trang phục, thí sinh cũng phải được đạo diễn chỉ đạo trực tiếp. Phải chăng hình ảnh này không được coi là phản cảm, không trái với quy định?!

Trong giáo dục gia đình, ai cũng biết thức ăn không thể để trên mặt ghế, không thể ngồi lên cái gối gối đầu, vậy mà chiếc khăn piêu của người Thái được thiết kế thành cái khố để nhóm F Band mặc và nhảy.

Không thể  nói rằng đó là chỉ lấy họa tiết, vì trên hình ảnh thấy rõ "khâu cút"- là hình tròn làm từ vải để đính vào 4 góc chiếc khăn và hoàn thiện thành chiếc khăn piêu. Không thể nói rằng không biết văn hóa Thái vì "Chiếc khăn piêu" là ca khúc rất nổi tiếng và đã quen thuộc với khán giả. Đây là một sáng tác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho, được sáng tác từ hơn nửa thế kỉ trước (năm 1956). Ca khúc từng được rất nhiều ca sĩ như Nguyên Lê, Anh Thơ và mới đây là Tùng Dương thể hiện thành công. Vậy mà, ê-kíp thực hiện và báo chí đưa tin không nhận ra sự phản cảm, thậm chí rất nhiều bài báo còn nói về sự độc đáo, hài hước của F Band.

Sự cố phản cảm này không còn là hạt "sạn" trong một chương trình nữa. Đây là một vấn đề văn hóa, thể hiện sự thiếu tôn nghiêm, đặc biệt với một  chương trình đã được cấp phép.

Dư luận nói chung và cộng đồng người dân tộc Thái đang chờ đợi những lời giải thích và biện pháp xử lý thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.

Tòng Thị Lan

Nội dung xin lỗi đăng trên trang Fanpage của F Band:

"F Band chính thức xin lỗi quý khán giả, đặc biệt là những con người dân tộc Thái, vì sự thiếu cẩn thận của mình. Hình ảnh và trang phục trong bài dự thi vừa rồi có sự sai sót trầm trọng mà F Band vừa nhận ra được khi đọc được comment chê trách của các bạn trên page. Thực sự là những trang phục này do chương trình thuê để phục vụ cho bài thi. F Band quả thật rất thiếu sót khi không để ý rằng những nét họa tiết đó là hình ảnh văn hóa đặc trưng của các bạn. Vì quá chú tâm vào bài hát nên F Band đã quá tầm bậy trong việc này. Tụi mình thành thật xin lỗi, và mong các bạn tha thứ cho sự thiếu cẩn thận và thiếu hiểu biết của tụi mình!!!"